Chuyến hành trình của gà con - Đặng Trung Thành

09.01.2017

Chuyến hành trình của gà con - Đặng Trung Thành

Trong cái nắng lung linh, ấm áp của buổi bình minh chiếu nghiêng bên sườn đồi, gà mẹ dẫn cả đàn gà con thong dong đi dạo. Riêng gà bố thì mải mê kiếm mồi. Chốc chốc ông bố đảm đang này lại “tục tục” ra hiệu có thức ăn để các con kéo nhau chạy đến mà xơi cho căng cứng bều diều. Gia đình gà thật hạnh phúc. Họ có một đàn con, trống lẫn mái, lớn lên trong sự yêu thương đùm bọc của bố mẹ. Mới ngày hôm qua thôi, lũ trẻ còn cuộn tròn trong vỏ, được gà mẹ ấp ủ, nâng niu. Vậy mà thoáng chốc đứa nào cũng lớn tướng. Cả bầy đã nhổ giò, trống thì sắp ra lông tơ sặc sỡ, trong khi những bé gà mái thì gương mặt đã điểm hồng phai. Duy chỉ có chú gà út, bố mẹ gọi chú là Chuối, chẳng chịu lớn. Dù đã tập tành gáy te te như anh mình nhưng bộ dạng thì vẫn tí hon. Thoạt đầu chú bé không quan tâm điều đó cho lắm, vì tự bản thân nghĩ có lẽ mẹ đã cố gắng lắm mới sinh ra mình, trong điều kiện thiếu thốn nên mới èo uột. Nhưng càng ngày chú thấy mình khác hẳn so với anh chị. Nhiều lần chú đã đem thắc mắc này hỏi bố mẹ nhưng họ đều bảo:

- Con vẫn là đứa con yêu bé bỏng của bố mẹ mà.

- Nhưng con thấy tập tính của mình không giống các anh chị, thưa bố mẹ. Con thích rúc vào bụi tre để chơi đùa, tìm thức ăn, nghỉ ngơi, còn anh chị thì lại leo lên mái chuồng rỉa lông rỉa cánh. Con bay giỏi, nhanh nhẹn, không cảm sốt, còn anh chị thường đổ bệnh khi trái gió trở trời...

- Đó là điều bình thường mà con. Con cái phải có đứa này đứa khác chứ! Đừng băn khoăn vì những điều nhỏ nhặt ấy, con trai. Cứ sống vui, sống tốt trong đôi cánh của bố mẹ, anh chị, con sẽ thấy đời tươi đẹp.

Tạm chấp nhận lời bố mẹ dạy bảo, gà con không còn bận tâm đến ngoại hình của mình nữa. Nhưng hôm đi ngang chuồng nhà hàng xóm, lũ gà con bác Tam Hoàng trêu chọc:

- Ê, thằng ngoại lai, đi đâu đấy?

Chuối dừng lại, tròn xoe mắt hỏi:

- Mấy anh vừa hỏi ai thế?

- Tất nhiên bọn tao hỏi mày rồi, chứ không lẽ hỏi lá chè, lá ớt.

- Nhưng mấy anh nói ngoại lai là cái gì em không hiểu?

- Thằng này ngây thơ nhỉ! Tức bọn tao nói mày không phải là con ruột của bố mày đấy. Mẹ mày đã qua lại với  thằng cha gà trống bé tí tẹo nào đấy nên mới sinh ra mày có chút xíu.

- Này, ngưng ngay lời giễu cợt ấy.

- Gà con giận dữ. - Các anh không được xúc phạm mẹ tôi.

- Bọn tao chỉ nói lên sự thật.

- Rõ ràng bố mẹ tôi khẳng định tôi là con ruột của họ.

- Mày hồn nhiên quá đó nhóc! Tất nhiên là họ giấu mày rồi, kể cả lũ anh chị của mày cũng thế! Tốt hơn hết mày nên đi tìm bố để đoàn tụ. Nếu không, một ngày nào đó ông bố hiện tại cũng đá đít mày ra khỏi chuồng...

Không muốn nghe việc bố mẹ mình bị sỉ nhục, gà con ấm ức bỏ về. Nhưng trên đường về nhà, hai luồng tư tưởng khiến gà con hoang mang, tâm lý không ổn định. Thực sự bao giờ Chuối cũng yêu thương gia đình, xem gia đình là trên hết. Nhưng rồi Chuối tự đặt câu hỏi, liệu mình có phải là con ruột của bố không? Bởi rõ ràng các anh chị đều giống bố như đúc, chỉ riêng mình là dị biệt. Cái tư tưởng tiêu cực đó đã xâm chiếm suy nghĩ của gà con, phát tán cả toàn não bộ khiến gà con nghĩ đám con bác Tam Hoàng nói đúng. Rồi chợt gà con quyết định táo bạo: “mình phải bỏ nhà đi tìm bố ruột mình”.

Nói là làm. Gà con men theo sườn đồi, nơi có những trại gà tập trung, thả lan để tìm những ông bố có thể trạng như mình. Đi mãi đến chiều tối, ghé ngang hai nông trang nhưng ở đó chỉ là những chú gà to béo, chậm chạp. Một ông bố gà bảo:

- Chắc chắn nhóc không phải là con của bác rồi. Nhìn này, bác to khỏe, béo núc thì làm sao sinh con ra thế này được.

- Vậy bác có biết cháu là giống gà gì không?

- Bác chịu thua. Từ trước tới giờ bác chưa thấy con gà nào như cháu. Cháu nên hỏi ông gõ kiến thử xem sao. Lão ấy thông thái, chuyện gì cũng am tường.

- Nhưng con phải tìm lão ở đâu ạ?

- Con trai, cứ đi qua hai dòng suối, một thung lũng, rồi thấy ba cây thông già cao chót vót nằm giữa thảo nguyên chính là nhà của lão. Cháu cứ đứng dưới mà chờ lão đi kiếm ăn về rồi hỏi. Mà nhớ, nghe ta dặn đây, trời đã xế chiều rồi, ngoài này có nhiều nguy hiểm rình rập, tranh thủ đến đó trước khi mặt trời lặn.

Gà con cảm ơn bác rối rít rồi vội vàng đi. Dù cặp giò của Chuối kém dài nhưng bù lại cậu nhanh nhẹn, thoăn thoắt. Mặt trời đã rúc sau quả đồi. Những tia nắng le lói còn sót lại cuối ngày đủ để gà con tìm đến đúng nhà lão gõ kiến. Giờ là lúc gà con cảm thấy sợ, phải giương đôi cánh yếu ớt bay lên cành thông trú ngụ.  Bóng đêm dần bao trùm, tiếng cú trỗi lên liên hồi, cùng những loài côn trùng ăn đêm cất những âm thanh hỗn tạp ai nghe cũng phải sợ, huống hồ chi là gà con. Đây là lần đầu Chuối xa gia đình, cái gì cũng lạ, khiến cho Chuối bỡ ngỡ, hoang mang. Nhưng với tập tính gan dạ, phiêu lưu, chàng trai chưa trưởng thành này chỉ thoáng chút lo lắng, bối rối chứ chưa đến nỗi rơi nước mắt. Bọn nhạc công côn trùng trỗi những bản giao hưởng không theo một trường phái âm nhạc nhạc nào, trong một khoảng khắc ngắn ngủi thì im lặng. Không gian chìm vào im lặng, tẻ nhạt đến nghẹt thở. Tối rồi sao ông gõ kiến chưa chịu về? Gà con nghĩ vẩn vơ. Không lẽ bác Tam Hoàng lừa mình hay ông gõ kiến có việc không kịp về nhà? Bất giác Chuối nhớ nhà kinh khủng. Nhớ bố mẹ, anh chị nhiều lắm. Giờ này đây, cậu bé thèm được ngủ ngon trong vòng cánh bao dung của mẹ. Không biết họ có cuống cuồng lên đi tìm mình không?...

 

- Dậy, dậy, dậy đi nào!

Gà con còn ngái ngủ, cố mở đôi mắt đang khép chặt để nhìn xem ai đang gọi mình. Là ông gõ kiến. Chuối tỉnh ngủ:

- Cháu... chào ông. Có phải ông là nhà thông thái gõ kiến?

- Đúng, ta là gõ kiến, nhưng nói thông thái thì hơi quá. Nhưng cháu là ai mà đến nhà ta để ngủ? Đi lạc hả?

- Dạ không, cháu chỉ đang cố đi tìm bố, nguồn gốc của chính mình thôi.

Rồi gà con kể tường tận câu chuyện của mình. Lão gõ kiến chăm chú lắng nghe rồi ngắm nhìn gà con một hồi lâu... Ông già thông thái phán:

- Ta nghĩ cháu là họ gà rừng. Loài gà rừng cũng bé nhỏ, màu sắc sặc sỡ như vậy.

- Ông chắc điều đó chứ?

- Ta không chắc. Vì gà rừng thường sống bí mật trong rừng, nghe động hơi người là lủi mất, nên ta không thể hiểu nổi mẹ và bố cháu quen nhau trong trường hợp nào. Nhưng cháu cứ đi hỏi thử, biết đâu tìm ra manh mối.

Gà con cảm ơn ông gõ kiến rồi lại tiếp tục hành trình. Mặt trời lên cao. Những tia nắng ấm áp đẩy lùi màn đêm ghê rợn. Chuối uống một ngụm nước bên bờ suối, ưỡn ngực, ngửa mặt lên trời hít một hơi thật sâu cho lòng khoan khoái rồi lại tiếp tục đi. Theo sự mô tả của ông gõ kiến, gà con lao vào rừng, nơi có nhiều bụi cây, lá khô để tìm gà rừng. Đang loay hoay ở ngã ba lối mòn suy nghĩ xem nên đi hướng nào thì gà con nghe tiếng hét:

- Đứng yên một chỗ, đừng cử động.

Gà con chẳng biết ai vừa nói, nhưng vẫn ngoan ngoãn làm theo, mắt thì dò tìm hình dạng của kẻ vừa phát ra câu gay gắt.

- Tốt, giờ thì lùi lại, nhớ đừng bước tới.

Dứt lời, trong đám lá khô nhấp nhô từ từ xuất hiện một chú gà cũng nhỏ xíu với bộ lông sặc sỡ. Chao ôi lông vũ đẹp lộng lẫy. Chuối chưa hết ngạc nhiên thì chú gà choai choai có màu điều lên tiếng:

- Này người anh em, bố mẹ ở đâu mà đi lạc nơi này. Có biết nơi này nhiều cạm bẫy lắm không? Nhìn trước mặt kìa, một cái bẫy đau đớn của bọn thợ săn đấy!

- Người anh em ư? Ý anh là em có họ hàng với anh?

- Ừ, ta nghĩ thế! Trông cũng khá giống đấy! Nhưng bố mẹ đâu mà tự ý lang thang trong rừng một mình trong khi còn bé tẹo?

Thoáng chút buồn trên gương mặt, gà con than thở:

- Dạ, chẳng giấu gì anh, em bỏ nhà đi!

- Bỏ nhà đi? - gà điều thảng thốt - Chú em liều mạng quá đấy! Đừng nghĩ rừng là nhà của chúng ta, giờ thuộc về con người rồi, hiểu không?

- Dạ, em không nghĩ nó nguy hiểm thế. Nhưng dù có ra sao thì em vẫn phải đi tìm bố.

- Cậu lạc bố ư?

- Không hẳn thế...

Rồi gà con lại tiếp tục kể lể về cuộc đời của mình...

- Nếu tôi là cậu, tôi sẽ sống trong sự yêu thương của gia đình hiện tại. Đôi khi có những điều tế nhị, chúng ta không nên đào sâu quá, sẽ mất hay. Lại một vấn đề nữa, phải đặt niềm tin vào gia đình mình chứ đừng nghe người ngoài đồn đoán, chi phối. Quan trọng là ông bố ấy vẫn yêu thương cậu như con ruột kia mà.

- Em cũng biết vậy, nhưng từ trong sâu thẳm con tim, em muốn biết rõ nguồn gốc của mình.

- Được thôi, tôi sẽ dẫn cậu đi gặp bố tôi, biết đâu ông ấy giúp được gì. Nhưng nhớ, phải nghe theo tôi, đi đúng đường, kẻo bị bẫy.

Rồi cả hai thoăn thoắt lủi vào đám lá cây khô đi như độn thổ. Ngôi nhà của gà điều nằm trong một bụi rậm gai, rất an toàn. Cha của gà điều là một chú gà trống tuy tí hon nhưng dũng mãnh, oai nghiêm, bộ lông trắng muốt như băng tuyết. Ai cũng gọi ông là chú nhạn, từng bất bại trong nhiều cuộc chọi gà rừng. Nhưng giờ thì chú đã "gác cựa" ở nhà hưởng thú lâm viên cùng vợ con. Nghe qua câu chuyện của gà con, ông bảo:

- Trông cậu cũng khá giống với loài của tôi. Nhưng tôi nghĩ hai chúng ta không là họ hàng. Giống nhau chưa hẳn bà con nhau. Thời trai trẻ, tôi đã từng phiêu lưu nhiều nơi trong rừng, có nghe và thấy một giống gà là gà tre (hay che), cũng được con người mang đến đây vì mục đích thuần chủng chúng tôi nhưng loài tôi vốn sợ con người, lại yêu rừng xanh nên cuối cùng loài gà ấy cũng nhớ ruộng vườn rồi tìm đường về. Thôi được rồi, để mai tôi bảo thằng con chỉ cho cậu xuống bản đó mà tìm. Giờ thì ăn uống, nghỉ ngơi lấy sức. Trông cậu hốc hác lắm đây. Tôi thích tính phiêu lưu của cậu, nhưng tiếc chúng ta không cùng loài.

Điều mang cho Chuối một mớ thóc ăn nhưng cậu không màng. Sự lo âu càng trĩu nặng trên đôi mắt gà con. Mệt mỏi, cậu đánh một giấc cho đến sáng.

 

Lại một buổi bình minh nữa hiện hữu. Gà con thức dậy trong tinh thần thoải mái. Một đêm ngon giấc đủ để cậu phục hồi sức khỏe. Dùng xong mớ thóc, gà con chào mọi người rồi ra đi. Điều bịn rịn bảo:

- Bảo trọng nhé nhóc! Nếu không còn nơi nào dung thân cứ quay về đây.

Gà con chào tạm biệt, lầm lũi ra đi. Trải qua đồi dốc, gai góc, suối sâu, lại thêm lạc đường nên mất mấy ngày gà con mới đến được bản. Mệt, đói lả, Chuối suýt ngất xỉu. May thay cậu được một bác gà nòi lai đưa vào chuồng cho ăn, uống nước. Biết được cuộc đời của gà con, bác bảo:

- Thực ra nhiều năm trước đây, vùng này có giống gà tre rặt. Đó là loài của cháu. Nhưng rồi người ta mang đến những chú gà trống nòi to khỏe, từ đó giống gà tre bị lai tạp và mất gốc luôn. Bác là một trong số con lai giữa gà tre và gà nòi. Bác nghĩ, cháu tìm bố hơi khó. Cách tốt nhất cháu nên quay về sống trong sự yêu thương cùng với gia đình và quên chuyện này đi. Nguồn gốc không quan trọng. Điều cần làm là cháu phải sống tốt.

Gà con tiu nghỉu nói:

- Cháu hết cơ hội rồi hả bác? Chán nản quá đi...

- Còn trẻ, đừng có chán thế. Cháu phải hãnh diện vì đã có một gia đình êm ấm.

- Có lẽ cháu phải về nhà. Nhưng... thật sự cháu chẳng nhớ mình ở nơi nào. Lúc cháu đi chỉ bé tí, giờ cháu đã biết gáy le te rồi.

- Thế cháu có nhớ đặc điểm nơi cháu ở?

- Là một nông trang với một tháp canh có treo một lá cờ cao đỏ chót.

- Tưởng gì, hóa ra cạnh bên nè. Cháu đã đi một vòng quả đồi giờ quay về vạch xuất phát.

- Ôi, gần thế hả bác? Mừng quá, vậy là cháu sắp được gặp lại gia đình rồi.

Gà con hớn hở, nhảy chân sáo giã từ gia đình bác gà nòi rồi về nhà. Buổi trưa, trời nắng nhẹ, gió từ những tán thông xô mạnh như chiếc quạt khổng lồ khiến cho tinh thần gà con khoan khoái, quên hết những gút mắc, ưu phiền. Đến chiều, Chuối đã về nơi yêu thương. Đứng trước cổng nhà, Chuối ngập ngừng chưa dám bước vào vì cảm thấy mình có lỗi với ba mẹ nhiều quá. Thoáng chút bối rối, gà con định quay đi tìm kiếm sự mạnh mẽ thì bắt gặp ông bố mình đi tìm thức ăn về. Ông bố bất ngờ đến rơi nước mắt:

- Ôi con trai của ta, lớn tướng, trưởng thành, trổ mã thế này rồi sao? Nhiều ngày qua con đi tìm sự thật, đúng không?

Chưa kịp sà vào lòng bố thì Chuối đã ngạc nhiên:

-  Sao bố biết?

- Vì bố là bố của con mà. Thật sự bố mẹ không muốn mất con nên giấu giếm chuyện này. Con là một chú gà tre quý hiếm đến từ quả trứng do ông chủ mang về từ một nơi nào đó xa lắm. Chẳng ai biết nguồn gốc. Mẹ đã ấp và nở ra con cùng các anh chị khác. Nhiều ngày qua cả nhà tìm con đến nỗi mẹ con đổ bệnh nằm ì trong tổ.Thôi vào thăm mẹ đi, rồi bố sẽ kể cho con nghe tiếp nguồn gốc của con.

- Không cần đâu bố. Con không muốn tìm hiểu thêm nữa, vì bây giờ con là con của bố mẹ. Như thế là quá đủ, quá hạnh phúc đối với con rồi.

- Con trai, vắng nhà chưa được bao nhiêu ngày mà bố thấy con trưởng thành rồi đấy. Khá lắm, giờ thì chúng ta mau vào nhà thôi.

Hai bố con hối hả bước vào nhà với gương mặt hân hoan. Riêng gà con, lòng cảm thấy mình mạnh mẽ hơn sau chuyến hành trình trên đồi cỏ.

Đ.T.T 

Bài viết khác cùng số

Chuyến hành trình của gà con - Đặng Trung ThànhBìm bìm mãi tím - Chế Diễm TrâmKhông phải tại con tàu - Vân HạChén trà ngày xuân - Kỳ NamMàu Tết quê - Quyền VănLửa bếp - Ơn đời - Tần Hoài Dạ VũTết quê - Hoàng Nhật TuyênNgười đẹp chân dài núi Chúa - Vương TâmTản mạn nhân sự kiện Đà Nẵng đăng cai tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 - Bùi Văn TiếngTheo chân doanh nhân Việt - Cao Duy ThảoLàng Quảng trên cao nguyên Di Linh - Nguyễn Nhã TiênCon gà chọi đáng yêu - Trần Quốc CưỡngNgười tí hon trong gian nhà bạt - Trần Trung SángTản mạn sông Hàn - Dân HùngBốn mùa mai nở bên hiên - Tôn Nữ Minh NghiCúc họa mi - Thi NhungMột thời để nhớ - Quốc LongRượu xuân - Xuân HiệuNhặt xuân - Thu ThủyChạm ngõ mùa xuân - Võ Kim NgânAn nhiên mùa xuân - Nguyễn Hoàng ThọMẹ và mùa xuân - Kai HoàngMột lần - Nguyễn Nho KhiêmThơ Vạn LộcBuổi sớm ở làng quê - Thanh QuếLời ru của bà - Ngô Liên HươngNguyễn Du - Nguyễn Công ToảnChào nhé mùa đông - Mai Hữu PhướcƯớc gì - Nguyễn Thành LongCánh hồng - Trần Văn HuyĐã luôn mơ một hình ảnh khác về thế giới này - Đinh Thị Như ThúyThôi em hãy... - Nguyễn Kim HuyPhù Dung - Trần Trình LãmTình biển - Trần Trúc TâmPhố đêm - Nguyễn Ngọc HạnhDấu xuân - Trịnh Bửu HoàiLộc xuân - Nguyễn Nho Thùy DươngHoa Chi Mai - Ngân VịnhGió Tết phương Nam - Tường LinhVào xuân - Mai Thanh VinhGió nói gì - Nguyễn Đông NhậtVòng xoang đêm Xuân - Bùi Công MinhVề miền ngược gió - Nguyễn Hoàng SaKý ức sông Hàn - Xuân TrườngGà, từ biểu tượng văn hóa đến biểu trưng ngôn ngữ và văn học - Nguyễn Văn HùngHình tượng gà trong văn học dân gian Việt Nam - Huỳnh Thạch HàThơ chúc Tết năm Đinh Dậu trong thơ ngự chế của Hoàng đế Minh Mạng - Nguyễn Huy KhuyếnÔng Trương Quang Được và văn nghệ sĩ Đà Nẵng - Trần Trung Sáng Nhân tài trường Đốc Thanh Chiêm - Châu Yến LoanNhững “bóng hồng” trong âm nhạc Trịnh Công Sơn - Trương Văn KhoaNhư là đóa hoa - Phan Trang Hy“Bước gió truyền kỳ” thổi hồn đất nước - Hoàng HườngHọa sĩ Nguyễn Hữu Đức: Cảm xúc và tình yêu chưa đủ, vấn đề là cách diễn đạt - Như Hạnh