Chén trà ngày xuân - Kỳ Nam

09.01.2017

Chén trà ngày xuân - Kỳ Nam

1. Ngày xuân, bày một bàn trà bên hiên nhà để pha pha rót rót là một cách thưởng thức cuộc sống thật chậm rãi giữa muôn vàn cuồn cuộn những bận rộn hằng ngày.

Chẳng cần phải đợi cho đến... già mới bắt đầu hưởng thụ cái thú vui của một chén trà thơm. Thử lặng lòng lại, dành ra một chút thời gian yên tĩnh, một bình trà có khi sẽ mang lại cho chính mình một đoạn thời gian quý báu hơn cả những giờ phút hoang phí bên những thú vui ồn ã ngoài kia.

Muốn thưởng trà thì cần thanh tĩnh, lại cần có tâm trạng của một người biết nhìn thế giới bận rộn bằng một phong thái lãnh đạm. Cũng đừng nên bày một cuộc trà mà có quá nhiều bạn vì đông người thì chắc chắn sẽ ồn ã, mà ồn thì mất đi nhã hứng khó mà thưởng thức, lúc đó chỉ còn là một món giải khát, chẳng phải thưởng trà.

Uống trà là dùng tâm cảnh, chẳng cứ phải là trà quý hay chén sang, có điều tất cả phải sạch sẽ, tinh tươm và không ồn ào, bắng nhắng. Những cảnh tuyệt nhất để uống một chén trà, thử ngẫm xem: Khi trời đẹp, gió mơn man - mùa thu đó, trà thơm nhàn nhạt khói; khi mưa lắt rắt bên hiên, rót ly trà ấm áp trong tay; lúc giữa mùa hè, trời trong xanh, ngồi trong nhà mát ngắm hoa sen mà uống trà. Chầm chậm pha trà, uống trong một ngôi chùa tịch mịch. Bên một dòng suối trong, nhấp một chén trà thơm. Và tâm cảnh đặc biệt nhất: sau một cuộc tiệc tàn, khi khách đã ra về...  Chọn một trong những cảnh ấy, pha một bình trà nhạt và từ từ thưởng thức, từng hớp một và để cho tâm hồn bình đạm, trà bỗng dưng quý báu và thâm thúy lạ lùng.

Trà quý ở chỗ khi tự tay pha lấy, chậm rãi, nhẹ nhàng mà thưởng lấy cái tinh túy đầu tiên của làn hương tỏa lên từ ấm trà mới. Những búp trà chạm vào lớp nước sôi đủ độ, nhè nhẹ nở ra, tỏa một làn hương thanh nhã, theo những sợi khói lan dần trong không khí và chạm vào khứu giác của người đang pha phách.

Thứ đến là cảm giác cầm lấy một chén trà, nhẹ nhàng thôi, vòng ngón tay ấp lấy chén để cảm nhận cái nóng ấm nồng nàn lan qua lớp sứ, đừng uống trà bằng chén thủy tinh nhé - hãy để thủy tinh đi cùng với rượu, dùng sứ và đất nung để sánh với trà - ấm áp từ tay rồi nhẹ nhàng lắng đọng một chút hương, vậy là đã đủ. Trà càng quý thì hương càng tinh tế, không ngạt ngào lan tỏa, đừng để hương bay đi mất mà tiếc ngẩn ngơ.

 

2. Trong việc pha trà, thưởng thức hương vị trà còn phải nói đến bộ ấm chén. Trên thế giới khó ai có thể thống kê hết có bao nhiêu loại ấm chén dành để thưởng trà. Riêng tôi, thích nhất thưởng trà từ bộ ấm Tử Sa. Ấm Tử Sa là tên gọi chung cho các ấm trà được chế tác bằng một loại đất sét đặc biệt, có chứa kim loại nặng nên khi gõ vào ấm đất lại nghe được tiếng vang như bằng kim loại.

Ấm đất Tử Sa thường có màu vàng sậm (gan gà), đỏ sậm (màu chu sa) và màu nâu sẫm ngã đen (tử sa). Hồi xửa xừa xưa các cụ nhà ta thường ngâm nga “thứ nhất Thế Đức gan gà, thứ nhì Lưu Bội thứ ba Mạnh Thần” chính là những danh gia chế tác loại ấm này. Ngày trước đọc cụ Nguyễn Tuân viết Vang bóng một thời có mấy truyện nhắc đến chuyện uống trà rất thú vị của các cụ xưa, nghe thanh tao nhã lệ đúng kiểu thư hương.

Lúc đi Tô Châu ngoài kén lụa vì nhớ tích Tây Thi dệt lụa ở Trữ La thôn thì tôi còn có dịp lặn lội nhiều tiệm ấm Tử Sa để mà mê mẩn. Ấm thì thiên hình vạn trạng, tinh xảo có thừa mà giá cả cũng vô cùng. Có những chiếc ấm danh gia giá lên đến chục triệu là thường, nhưng lục lọi trong những trà quán nhỏ có khi cũng vớ được ấm Tử Sa thứ thiệt với giá chỉ hơn trăm ngàn nhưng chẳng kém phần tinh mỹ.

Vì lặn lội nhiều nên cũng học hỏi được tí đỉnh bổ túc vào cái kiến văn hạn hẹp của mình trong việc sưu tầm ấm đẹp và cũng để nghe những câu chuyện về trà ngon ấm quý của những người yêu nét đẹp của sự thưởng ngoạn.

Mỗi chiếc ấm Tử Sa đúng chuẩn thật sự là một tác phẩm nghệ thuật. Phần lớn là các ấm đơn ẩm và song ẩm, rất hiếm có những bộ quần ẩm.

Ấm Tử Sa thường có 3 dạng: hình mô phỏng tự nhiên (búp hoa, cây trúc, thùng gạo...) hình dạng kỷ hà (vuông, lục giác, nhiều múi...) và loại thứ 3 tổng hợp hai dạng trên vừa đạt độ cân đối vừa có tạo hình đẹp. Bộ ấm kiểu thứ 3 thường rất kén tay thợ, phải thuộc hàng lão sư mới dám nặn loại ấm này vì thường là nó bất quy tắc nên khó mà cân ấm.

Điểm đặc biệt của loại đất tạo thành ấm Tử Sa là có vô số những dạng khí khổng li ti, có tác dụng cách nhiệt và giữ nhiệt đặc biệt, bảo toàn được hương vị của chất trà. Trà trong ấm Tử Sa có thể để nguyên cả 3 ngày sau hương vị vẫn thơm nguyên, không bị thiu mốc.

Nếu bạn thích dùng ấm Tử Sa để uống trà, thì nên chọn kiểu ấm đơn giản, cân đối, hoa văn không cầu kỳ (để dễ chùi lau), miệng rộng. Kế tiếp là xem đến chi tiết: hình dáng ấm thanh tao, các bộ phận nắp, vòi, quai, đáy phải cân đối, trầm ổn vững vàng. Màu sắc đồng đều, dấu ấn triện trong nắp ấm, quai cầm phải sắc sảo.

Rót thử: dòng nước tuôn ra liền lạc, thẳng dòng, nhắc ấm không có giọt nào rơi vãi.

Đặt ấm ngay ngắn trên lòng bàn tay, dùng nắp ấm khe khẽ gõ vào quai phát ra tiếng kêu của kim loại chạm vào nhau.

Đã cầu kỳ uống trà bằng ấm Tử Sa rồi thì việc pha trà trở thành một thú vui nhàn nhã. Buổi sáng tinh mơ, pha ấm trà sớm, dùng chính bã trà để xát chà rửa thân ấm, sạch sẽ các vết dơ mà không gây trầy xướt và có mùi lạ. Mỗi chiếc ấm chỉ nên dùng pha một loại trà, không dùng lẫn lộn sẽ làm hương vị riêng của từng loại trà hỏng mất.

Hôm nay đầu xuân nhàn nhã, thưởng thức ấm Long Tỉnh Tây Hồ trong mây nhẹ gió nhạt, lại nhớ hương trà người đã tặng ta, xa xôi...

K.N 

Bài viết khác cùng số

Chuyến hành trình của gà con - Đặng Trung ThànhBìm bìm mãi tím - Chế Diễm TrâmKhông phải tại con tàu - Vân HạChén trà ngày xuân - Kỳ NamMàu Tết quê - Quyền VănLửa bếp - Ơn đời - Tần Hoài Dạ VũTết quê - Hoàng Nhật TuyênNgười đẹp chân dài núi Chúa - Vương TâmTản mạn nhân sự kiện Đà Nẵng đăng cai tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 - Bùi Văn TiếngTheo chân doanh nhân Việt - Cao Duy ThảoLàng Quảng trên cao nguyên Di Linh - Nguyễn Nhã TiênCon gà chọi đáng yêu - Trần Quốc CưỡngNgười tí hon trong gian nhà bạt - Trần Trung SángTản mạn sông Hàn - Dân HùngBốn mùa mai nở bên hiên - Tôn Nữ Minh NghiCúc họa mi - Thi NhungMột thời để nhớ - Quốc LongRượu xuân - Xuân HiệuNhặt xuân - Thu ThủyChạm ngõ mùa xuân - Võ Kim NgânAn nhiên mùa xuân - Nguyễn Hoàng ThọMẹ và mùa xuân - Kai HoàngMột lần - Nguyễn Nho KhiêmThơ Vạn LộcBuổi sớm ở làng quê - Thanh QuếLời ru của bà - Ngô Liên HươngNguyễn Du - Nguyễn Công ToảnChào nhé mùa đông - Mai Hữu PhướcƯớc gì - Nguyễn Thành LongCánh hồng - Trần Văn HuyĐã luôn mơ một hình ảnh khác về thế giới này - Đinh Thị Như ThúyThôi em hãy... - Nguyễn Kim HuyPhù Dung - Trần Trình LãmTình biển - Trần Trúc TâmPhố đêm - Nguyễn Ngọc HạnhDấu xuân - Trịnh Bửu HoàiLộc xuân - Nguyễn Nho Thùy DươngHoa Chi Mai - Ngân VịnhGió Tết phương Nam - Tường LinhVào xuân - Mai Thanh VinhGió nói gì - Nguyễn Đông NhậtVòng xoang đêm Xuân - Bùi Công MinhVề miền ngược gió - Nguyễn Hoàng SaKý ức sông Hàn - Xuân TrườngGà, từ biểu tượng văn hóa đến biểu trưng ngôn ngữ và văn học - Nguyễn Văn HùngHình tượng gà trong văn học dân gian Việt Nam - Huỳnh Thạch HàThơ chúc Tết năm Đinh Dậu trong thơ ngự chế của Hoàng đế Minh Mạng - Nguyễn Huy KhuyếnÔng Trương Quang Được và văn nghệ sĩ Đà Nẵng - Trần Trung Sáng Nhân tài trường Đốc Thanh Chiêm - Châu Yến LoanNhững “bóng hồng” trong âm nhạc Trịnh Công Sơn - Trương Văn KhoaNhư là đóa hoa - Phan Trang Hy“Bước gió truyền kỳ” thổi hồn đất nước - Hoàng HườngHọa sĩ Nguyễn Hữu Đức: Cảm xúc và tình yêu chưa đủ, vấn đề là cách diễn đạt - Như Hạnh