Tết quê - Hoàng Nhật Tuyên
Khi đã có tuổi, đôi lúc vì sự đè nặng của công việc, của bao sự lo toan cho cuộc sống nên nhìn lên tờ lịch, thấy Tết sắp đến nơi, ta bất chợt thở dài rồi lẩm bẩm một mình: Mới đó mà lại Tết rồi...! Điều này xảy ra không phải với một người mà với rất nhiều người. Nhưng cũng có những lúc ngồi một mình, bất chợt ta lại thấy nhớ đến Tết, nhớ về những cái Tết của một thời mình còn bé thơ. Với tôi cũng vậy, cũng có lúc tự hỏi sao thời gian lại trôi nhanh đến thế, song cũng có lúc bất chợt thấy lòng nao nao với bao hình ảnh về những ngày Tết ở làng quê bé nhỏ nơi mình sinh ra.
Tôi nhớ, ở quê tôi, khi những cây mai bắt đầu rải rác xòe nụ trên những cành cây khúc khuỷu và trước sân các nhà trong xóm, hoa vạn thọ nở rộ trong nắng vàng, ấy là khi những buổi chợ Tết bắt đầu. Cái chợ nhỏ nằm trên con đường rộng gần bến sông, từ mép nước đầy những khối đá lô nhô, đi lên cái dốc thoai thoải chừng vài trăm mét là tới.
Từ xa xưa, chợ đã có tên là chợ Bến Dầu vì bà con làm nghề dầu rái thường mang ra đây bán cho các nhà buôn từ dưới xuôi lên. Hằng ngày, chợ chỉ đông đến nửa buổi sáng, nhưng vào dịp này, cả ngày từ sáng tới chiều, nơi đây lúc nào cũng trở nên đông đúc và náo nhiệt lạ thường, và rồi mọi chuyện mua bán chỉ kết thúc đúng vào trưa ba mươi Tết. Bao nhiêu thứ hàng hóa mà ngày thường không thấy ở chợ thì giờ đây được người ta dùng thuyền đưa từ thành phố về, bày đầy ở các sạp. Quần áo con trẻ, bánh, mứt và bao nhiêu thứ không thể kể hết tên được giăng ra với đủ màu, đủ sắc rực rỡ. Những bà mẹ quê dù quanh năm chân lấm tay bùn, bận rộn với công việc ruộng vườn, phải chắt chiu từng đồng tiền, bát gạo, giờ đây cũng tỏ ra rộng rãi hơn, hào phóng hơn trong việc mua sắm. Vì Tết mà, Tết thì dù nghèo đến mấy, dù khó khăn thiếu thốn đến mấy, ai cũng muốn trong nhà có cái gì đó khác hơn, mới hơn, với mong ước ba bữa xuân mà đầm ấm thì cả năm vạn sự sẽ được tốt lành.
Từ đầu này đến đầu kia của cái chợ nhỏ, dường như chỗ nào cũng râm ran tiếng chào mời, hỏi giá. Bác thợ rèn ở cuối chợ lúc này tỏ ra bận rộn hơn vì ai cũng muốn có dao mới để chặt, để thái. Cái quán hớt tóc nằm dưới gốc mấy cây sầu đông trơ trụi lá giờ cũng đông khách hơn. Bọn trẻ con trong thôn, trong xã cũng theo mẹ đến chợ nhiều hơn. Đứa đi xem những món đồ chơi vừa được bày bán, đứa lăng xăng tìm giấy màu cắt hoa trang trí trong nhà hoặc chỉ đến chợ để được đón nhận cái không khí đông vui mà ở làng quê cả năm không tìm thấy.
Tôi nhớ, có năm tôi được mẹ mua cho một con gà đất - một con gà trống có sơn màu xanh, đỏ, vàng trên đầu và ở đôi cánh, còn ở đuôi có gắn một chiếc kèn nhỏ, thổi vào sẽ phát ra tiếng gáy ò ó o. Oách lắm! Bạn thử tưởng tượng xem, trong xóm đâu phải cứ Tết đến là đứa nào cũng có gà đất, chỉ vài ba đứa là cùng. Và rồi, khi mấy đứa có thứ trò chơi ấy tụ lại nơi đầu làng, cùng ngửa đầu ra thổi trước sự ngưỡng mộ của những đứa không có...
Có thể nói, ngày ba mươi ở quê là ngày mà mùi hương Tết xuất hiện đầy nhất. Ngoài hương thơm dịu nhẹ toát ra từ lộc non của vô số loài cây, toát ra từ vô số loài hoa đủ màu, đủ dạng nơi bờ bụi, lúc này tạo nên cái mùi hương Tết còn có bao nhiêu thứ khác nối đuôi nhau theo sự rộn ràng của con trẻ, sự tất bật của người lớn. Đây, mùi hương trầm của nhà ai vừa cúng tất niên sớm đang tỏa ra ngào ngạt. Đây, nhà ai vừa mổ heo, và theo nhịp chày giã thịt làm chả, mùi tiêu, mùi hành ướp thịt lan ra, đầy quyến rũ. Còn đây, mùi lá chuối mới hơ qua lửa, pha lẫn với mùi nếp mới của nhà ai đang chờ gói bánh...
Hồi chiến tranh chưa diễn ra ác liệt, cứ Tết đến là mẹ tôi và bà nội tôi làm khá nhiều loại bánh, mứt - nào bánh tét, bánh tổ, bánh nổ, bánh in, nào mứt bí, mứt gừng, mứt hạt sen... Trong các loại bánh thì bánh tổ là loại khó làm nhất. Đối với người dân xứ Quảng đây là loại bánh ít nhiều mang màu sắc tâm linh, thường làm vào dịp Tết để cúng tổ tiên, tuy chỉ làm từ bột nếp với đường đen nhưng rất công phu, nhất là làm thế nào để “lấy trùng” cho bột không đặc cũng không lỏng và khi hấp phải cho vừa lửa. Để làm bánh tổ, ông nội tôi thường đan những chiếc giỏ tre nhỏ và treo sẵn ở nhà bếp, hàng năm cứ đến Tết, thì bà tôi lại lấy xuống, lót lá rồi đổ bột vào trước khi đem hấp. Trong quá trình làm bánh tổ, người trong nhà phải kiêng kỵ nhiều thứ, từ con trẻ đến người lớn không được nói điều xấu, đặc biệt những gia đình có người thân mới mất tuyệt đối không được làm bánh, vì người quê tôi cho rằng, khi làm bánh tổ, để bột và đường được nhuyễn, phải dùng đũa đánh bột rất lâu, và như thế người vừa mất bị “động”, sẽ nằm không yên... Dù chuyện có vẻ hoang đường nhưng bánh tổ là loại bánh rất ngon. Đã là dân Quảng, mấy ai lại không thèm bánh tổ. Bánh tổ để lâu, đem chiên lên càng ngon. Nếu xa quê, sau Tết, được ai gửi cho một chiếc, ấy là món quà quý hiếm. Chính vì thế mới có câu ca dao:
Món ngon vật lạ trăm miền
Không bằng miếng bánh tổ chiên
quê mình
Thông thường trưa hoặc chiều ba mươi, ở quê tôi người ta mới cúng tất niên và mời ông bà về hưởng Tết. Nhưng lễ cúng vào đêm giao thừa mới được coi là lễ cúng quan trọng vì khởi đầu cho năm mới. Đối với nhà tôi, để có các thức cho lễ cúng này, bà nội và mẹ tôi đã chuẩn bị từ mấy hôm trước, tất nhiên ngoài bánh mứt, bắt buộc phải có mâm ngũ quả và hoa vạn thọ.
Tuy không giàu, nhưng ông cố nội tôi xuất thân trong gia đình nho giáo nên bà tôi từ khi về làm dâu, luôn coi trọng nếp nhà, trong đó có việc cúng bái. Mâm ngũ quả bà chuẩn bị bao giờ cũng phải có năm loại quả với năm màu khác nhau, thiếu một màu dù có khó khăn mấy bà cũng tìm mua cho được. Sau này lớn lên tôi mới rõ, năm màu bà chọn bao giờ cũng tương ứng với kim, thủy, mộc, hỏa, thổ trong thuyết âm dương ngũ hành. Còn hoa vạn thọ bắt buộc phải có là vì ở quê tôi người ta gọi hoa này là hoa hiếu nghĩa. Sở dĩ gọi như vậy là do một câu chuyện xưa. Chuyện kể rằng, ngày xưa, ở làng quê nọ, có một chàng trai nhà nghèo nhưng rất hiếu thảo. Mẹ mất, cha bị ốm nặng nhưng nhà không có tiền, chàng trai phải chạy khắp làng trên xóm dưới, làm bất cứ việc gì người ta sai mướn để kiếm tiền mua thuốc cho cha. Biết chàng trai là người thông minh, một lão trọc phú trong làng, bắt chàng trai phải làm đủ trò và mỗi lần xong việc hắn lại cho chàng một ít tiền. Thương cha đành phải chiều lụy, nên chàng trai không nề hà gian khó, việc gì cực nhọc cũng làm. Thế rồi một lần chơi khăm, lão trọc phú bắt chàng trai phải về nhà cắt rơm, đan cho lão một bông hoa có ngàn cánh, khi xong mang đến lão sẽ trả tiền. Y lời, chàng trai đã bỏ công, cắt những sợi rơm vàng đan lại với nhau thành bông hoa như đã hẹn. Một đêm, khi bông hoa sắp làm xong, vì quá mệt mỏi chàng trai nằm thiếp đi, và trong mơ chàng thấy một tiên ông đầu tóc bạc phơ, tay cầm gậy trúc, hiện lên và nói: “Con ơi! Bông hoa của con là bông hoa của lòng hiếu thảo và nó đẹp nhất trong các loài hoa trên đời này! Thôi, con đừng quá lo cho cha con nữa, ta sẽ giúp con!”. Khi chàng trai giật mình thức giấc thì thấy bông hoa bằng rơm của mình đã biến thành một đóa hoa màu vàng rực rỡ, chi chít những cánh nhỏ. Và thật kỳ lạ, khi chàng trai mang đóa hoa lạ đến giường bệnh cho cha mình xem, ông cụ bỗng dưng khỏe dần rồi hết bệnh và sau đó lại sống rất lâu. Người trong làng nghe chuyện lạ, lại thấy hoa đẹp nên khi hoa đã khô liền lấy hạt gieo xuống, và loài hoa ấy chính là hoa vạn thọ ngày nay.
Chính vì hoa vạn thọ là biểu tượng của lòng hiếu nghĩa nên dâng lên bàn thờ tổ tiên là việc làm để bày tỏ tấm lòng của con cháu đối với các thế hệ cha ông. Nước để pha trà cúng trong đêm giao thừa cũng phải là nước tinh khiết vừa mới lấy từ giếng lên. Ở cuối làng tôi, có một cái giếng cổ, hình như đã có gần mấy trăm năm rồi, chung quanh được lót toàn những viên đá lớn, lâu ngày đã xanh đen. Nghe đâu, ông tổ của làng tôi, khi mới tới vùng đất này, trong một đêm nằm mơ, thấy tiên ông cầm cành liễu chỉ cho nơi đào giếng và nhờ mạch nước vào giếng đi ngang qua hàm một con rồng đang ẩn mình trong lòng đất nên giếng trong vắt suốt bốn mùa và chẳng mùa nào thiếu nước. Nghĩ là nước giếng tinh khiết, nên khi sắp đón giao thừa, nhà nhà trong làng đều ra đây lấy nước để mang về nấu lên pha trà. Tuy có vất vả, nhưng phong tục ấy cứ nối tiếp từ thế hệ này đến thế hệ kia...
Và đây, sáng mồng một, đám con trẻ chúng tôi, đứa lớn, đứa nhỏ đều dậy sớm, xúng xính trong những bộ quần áo mới còn thơm mùi vải, chuẩn bị để chúc Tết ông bà, cha mẹ trước khi tung tăng ra đường, đổ về phía sân đình - nơi có tiếng trống vang lên dồn dập, báo hiệu những trò chơi sắp bắt đầu.
Chơi bài chòi là trò chơi mà Tết nào ở quê tôi cũng không thể thiếu. Hồi tôi còn bé, chú Ba Hoạch là người hô bài chòi hay nhất. Chú thuộc nhiều câu hát dành cho từng con bài đã đành, nhưng mọi người thích chú là vì giọng chú lúc trầm, lúc bổng và đôi khi pha chút hóm hỉnh. Rất nhiều câu hát do chú Ba Hoạch hát trong các hội bài chòi cho đến sau này tôi vẫn còn nhớ như in trong lòng. Đây là câu hát mà chú hát khi con bài Nhì Nghèo xuất hiện:
Một anh để em ra
Hai thì anh để em ra
Về em buôn, em bán
Trả nợ bánh tráng
Trả nợ bánh xèo
Còn thì dư em trả nợ thịt heo
Anh đừng lầm em nữa kẻo mang
thì nghèo
Mang thì nghèo vì em.
Nghèo quớ là nhì nghèo
Còn đây là câu hát báo hiệu con bài Bạch Huê đã tới:
Hoa phi đào phi cúc
Sắc phi lục phi hồng
Trơ như đá vững như đồng
Ai xô không ngã ngọn gió lồng
không xao
Mỉa mai cụm liễu cửa đào
Ong qua muốn đậu bướm vào
muốn bu
Bốn mùa đông hạ xuân thu
Khi búp khi nở khi xù khi tươi
Chúa xuân ngó thấy mỉm cười
Sắc hay vương vấn mấy người
tài danh
Có bông có cuống không cành
Ở trong có nụ bốn vành có tua
Nhà dân cho chí nhà vua
Ai ai có của cũng mua để dành
Tử tôn do thử nhi sanh
Bạch huê mỹ hiệu xin phành ra coi!
Đã là dân quê lên sống trên phố thị, mấy ai lại có thể quên ngày Tết ở quê mình. Vừa rồi, trước Tết chừng hơn tháng, có người bạn làm việc ở một Tòa soạn báo bảo tôi: Ông viết cho báo mình một bài ngắn ngắn để in vào số Xuân nhen! Viết về đề tài gì bây giờ? Tôi hỏi lại. Trời ạ, Tết thì chán chi chuyện để nói cha nội. Ông viết về Tết ở quê ông đi! Tôi nhận lời, nhưng tối về cầm bút lên mà không biết nên mở đầu bằng chỗ nào. Trong Tết có nhiều chuyện lắm, rất nhiều. Nhưng viết về cái gì đây? Viết về các loại bánh hay viết về hoa? Hay viết về trò chơi bài chòi diễn ra nhộn nhịp ở sân đình? Nghĩ hoài mà chưa viết được câu nào, bất chợt tôi bật cười khi trước mắt tôi xuất hiện hình ảnh tôi của ngày nào - một thằng bé da đen thui, tóc vừa được cắt trọc, xúng xính trong bộ đồ và đôi dép mẹ mới mua, đứng trên con đường làng, ngửa cổ thổi vào đít con gà đất.
- Ò ó o ò!
Tiếng con gà đất được phát ra và tan ngay trong nắng. Trên đầu thằng bé trời rất xanh và xa xa có vài đám mây trắng đang trôi...
H.N.T