“THẾ GIỚI RIÊNG’ CỦA HỌA SĨ NGUYỄN THỊ DƯ DƯ

30.05.2011

“THẾ GIỚI RIÊNG’ CỦA HỌA SĨ NGUYỄN THỊ DƯ DƯ

                                                                                             LÊ QUỐC BẢO 

          Ấn tượng đầu tiên của tôi về nữ họa sĩ Dư Dư trong lễ công bố giải thưởng Mỹ thuật khu vực các tỉnh nam miền Trung và Tây nguyên tại tỉnh Quảng Ngãi. Mặc dù tôi đã biết chị từ hồi học ở Trường Đại học Mỹ thuật Huế. Tác phẩm Thế giới riêng của chị nhận được giải thưởng khu vực. Ngay trong lễ công bố giải, một vài đồng chí lãnh đạo của địa phương có hỏi tôi về tác phẩm Thế giới riêng được giải, tôi có nói đây là một hình thức tạo hình của chủ nghĩa hiện đại kén người thưởng thức không phải ai cũng hiểu được, ngay trong giới mỹ thuật không phải không có những dị ứng. Quả thật có vài tác giả có tranh tham dự triển lãm đã chất vấn tôi về tác phẩm Thế giới riêng vào giải. Tôi nói Thế giới riêng biết khai thác nét tinh hoa của chủ nghĩa hiện đại, cụ thể là các yếu tố tạo hình của nghệ thuật lập thể, siêu thực, biểu hiện trừu tượng nhằm khắc họa một hiện thực tâm trạng, một thế giới riêng của Dư Dư. Một xu thế sáng tác chung, nhất là của các họa sĩ trẻ trong thập niên cuối thế kỷ XX. Âu cũng là lẽ thường tình. Suy cho cùng nghệ thuật khác nhau ở “cái thích” của mỗi người, cái “gu” của mỗi một hội đồng. Khó thay, Thế giới riêng không dừng lại ở giải khu vực mà còn vào giải của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2000. Còn tôi thì cho rằng đây là một phát hiện tiềm năng sáng tạo và định hướng cho con đường nghệ thuật Dư Dư.

          Đến thăm gia đình và xem tranh, trò chuyện cùng vợ chồng Dư Dư. Tôi mới biết chị có một “hậu phương lớn” chắp cánh cho con đường nghệ thuật của mình. Chị vẽ về nhiều đề tài, thể loại, chất liệu: Tranh chân dung, tranh tĩnh vật, tranh đề tài, tranh phong cảnh, tranh khắc và làm cả gốm nghệ thuật với nhiều chất liệu: Sơn dầu, lụa, giấy dó, đất…Mỗi một đề tài đều đòi hỏi một cách tiếp cận riêng, mỗi một thể loại đều có một ngôn ngữ đặc thù, mỗi một chất liệu đều có một vẻ đẹp riêng và luôn đòi hỏi tinh thông kỹ thuật. Nhìn chung ít hay nhiều chị đều làm chủ được ngôn ngữ, chất liệu, kỹ thuật, thể hiện cụ thể sinh động trong các tác phẩm công bố trong các triển lãm có tính toàn quốc, triển lãm cá nhân và nhóm tác giả ở Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Hơn thế chị còn nhận được nhiều giải thưởng trong các triển lãm mà chị tham dự.

          Song Dư Dư được biết đến là vẽ nhiều tranh sơn dầu khuôn khổ lớn; đề tài thường khái quát cô đọng như Thế giới riêng, Khoảng trống, Giai điệu cổ, Di sản, Dáng xuân… thuộc xu hướng nghệ thuật hiện thực tâm trạng thuộc kênh tạo hình chủ nghĩa hiện đại. Phải chăng đó là sở trường làm nên tên tuổi họa sĩ Dư Dư.

          Sau hơn 20 năm cầm cọ, bước đầu đã định hình, định vị một phong cách nghệ thuật Dư Dư. Suy cho cùng phong cách nghệ thuật chính là cuộc đời mỗi một họa sĩ, chẳng phải “văn là người”, “họa cũng là người” đó sao. Với vốn sống, vốn hiểu biết, vốn nghệ thuật của mỗi một tác giả. Với Dư Dư sinh ra lớn lên và học tập mỹ thuật tại cố đô Huế dù muốn hay không nét tinh hoa mỹ thuật dân gian cung đình Huế đã thấm vào chị. Lập nghiệp và thành danh họa sĩ ở một đô thị lớn, hiện đại Đà Nẵng. Rồi gắn bó với nhà thiếu nhi Đà Nẵng, giảng dạy các em vẽ và thường xuyên xem tranh thiếu nhi…Tất cả, tất cả đều là “miền đất hứa” cho nghệ thuật Dư Dư. Chẳng phải những nét tinh hoa, những mô típ trang trí của mỹ thuật Huế và nghệ thuật Chăm đã ẩn hiện trong tranh chị đó sao. Còn tranh thiếu nhi mà chị hàng ngày tiếp xúc, các em đều vẽ theo “cái cảm”, “cái hiểu” chứ không vẽ theo cái thấy. Danh họa Picasso đã khẳng định: Tôi vẽ theo cái hiểu chứ không vẽ theo cái thấy. Tôi vẽ cùng với tự nhiên chứ không vẽ theo tự nhiên. Tất cả như tiếp sức, định hướng cho sáng tác nghệ thuật Dư Dư. Có điều truyền thống và tinh hoa nghệ thuật luôn là một giá trị tiếp tục, không chỉ là cái còn lại mà quan trọng hơn còn tiếp như thế nào, đòi hỏi người vẽ phải hiểu cho được tinh hoa của nghệ thuật lập thể là mở rộng không gian trên một mặt phẳng, nghệ thuật siêu thực thường khắc họa những giấc mơ bay bổng nên hoạt về hình. Còn nghệ thuật biểu hiện trừu tượng không bị ràng buộc vào cái thấy, cụ thể về hình chỉ nhằm khắc họa những sắc thái tình cảm thường tạo nên nhịp điệu về hình, nhịp điệu về màu sinh động, ít hay nhiều đều đã thể hiện trong tranh Dư Dư. Còn giá trị nghệ thuật ư xin dành cho thời gian và công chúng thẩm định về một phong cách nghệ thuật hiện thực tâm trạng thuộc kênh tạo hình của chủ nghĩa hiện đại. Đúng với “cái tạng nghệ thuật” của Dư Dư. Có điều sáng tác theo xu hướng nghệ thuật thuộc kênh tạo hình của chủ nghĩa hiện đại, khai thác các yếu tố tạo hình của chủ nghĩa: Ấn tượng, lập thể, siêu thực, biểu hiện trừu tượng chẳng đơn giản chút nào. Nếu không đủ bản lĩnh “yểm” cái đa dạng, đa chiều của truyền thống nghệ thuật đó mới mong có được những tác phẩm đẹp, đậm đà bản sắc dân tộc và thời đại bằng một phong cách nghệ thuật riêng.

          Đây chỉ là một quan niệm, một cách tiếp cận, một cách “đọc” nghệ thuật và phong cách nghệ thuật Dư Dư. Tất nhiên cái đẹp đích thực luôn ở phía trước chúng ta, trong đó có Dư Dư.

 

L.Q.B.