MỘT BỨC ẢNH NĂM XƯA

30.05.2011

MỘT BỨC ẢNH NĂM XƯA

PHAN TỨ

( Từ trái sang:Tố Hữu, Phan Tứ, Bác Hồ và Trần Đình Vân)

Trong mỗi đời người, có những thứ được giữ làm kỷ niệm thiêng liêng không bao giờ quên, nhưng lại không muốn nhiều người biết. Chắc hẳn mỗi chúng ta đều có những góc kín trong tim như thế.

Đó là tấm ảnh tôi được ngồi cạnh Bác Hồ, cười tươi như hoa, chụp vào tháng bảy năm 1966 trên ghế gỗ dài đặt sau Phủ Chủ tịch, khi được Bác gọi lên hỏi chuyện lần thứ hai về đồng bào miền Nam, văn nghệ miền Nam. Anh Tố Hữu, hồi ấy là Bí thư Trung ương Đảng, nói riêng với anh Trần Đình Vân (tức Thái Duy, từ Nam Bộ ra) và tôi: “Ưu tiên nhất các cậu đấy. Bác thường tiếp khách quốc tế hay anh em mình độ vài chục phút thôi, Bác bận lắm. Có khi chỉ dăm phút. Lần đầu các cậu được một tiếng năm phút, lần hai này năm mươi phút”. Cả hai lần, anh đều nhắc chúng tôi đừng siết tay Bác quá mạnh như một số vận động viên hay bộ đội không nén được mừng rỡ và xúc động khi trông thấy Bác, một vinh dự vượt xa mơ ước trong đời.

Xin được kể thêm đôi chút về phần vinh dự ấy của tôi.

Bị một quả bom to của Mỹ ném gần chợ Cây Sanh (huyện Tam Kỳ, nam Quảng Nam), tôi không bị xóc mảnh nhưng bị ném lên thả xuống, chấn thương cột sống khá nặng, được gửi ra miền Bắc để chữa. Dù đã được Quân khu 5 cấp giấy cho giao liên mang hộ hành lý, trong đó quý nhất là 33 cuốn sổ tay ghi chép cùng một bản thảo tiểu thuyết “Má Bảy”, tôi cũng lê lết đến hơn ba tháng trên Trường Sơn mới ra đến Quảng Bình, qua những trận mưa bom B.52 và chất độc hóa học, những đợt đói ăn thân cây chuối rừng trừ bữa.

Chiều tối đến K.5 Nghi Tàm, nơi đón tiếp, ngay sáng sau tôi được xe hơi đón để sửa soạn đi dự một hội nghị quốc tế rất gấp, rất quan trọng, có thể rất căng thẳng nữa. Cứ đi đã, họp xong sẽ chữa cột sống sau. Vốn quen nếp con nhà lính, cãi cứ cãi nhưng lệnh là lệnh, tôi rời Nghi Tàm với cái bao lưng nhẹ bỗng, vì thứ gì có thể cho dọc đường đã cho hết rồi, chỉ giữ lại mớ ghi chép và bản thảo không nỡ đốt khi rời Khu 5.

Anh Lành (Tố Hữu), người anh trong chính trị và văn học mà tôi luôn yêu và phục, nói riêng với anh Vân và tôi: “Thì giờ gấp quá, Bác không kịp gặp các cậu, họp xong hẵng hay. Bác chỉ hỏi: “Hai chú ở miền Nam ra tính nết ra sao? Có bình tĩnh không? Lơ mơ, các chú nổi cáu nhảy lên bàn mà hét thì phiền cho ta lắm đấy”. Mình hứa với Bác sẽ không xảy ra chuyện ấy. Các cậu cũng hứa thế chứ?”.

Cuộc họp rất căng thẳng ấy rồi cũng qua. Trước mặt là hàng triệu quân Mỹ-ngụy hằm hè Bắc tiến, bom ào ào dội xuống miền Bắc, sau lưng là hai nước bạn khổng lồ đang chọi nhau ở biên giới, ta đi sai một nước cờ là thêm một khó khăn cả trước mặt lẫn sau lưng.

Họp xong về nước, Bác gọi cả hai đoàn văn nghệ miền Bắc và miền Nam lên báo cáo. Năm xưa, tôi được mấy lần xếp hàng đón Bác khi Bác cùng đến với Tổng thống Pra-xát, Tổng thống Xu-cac-nô, nhiều nguyên thủ quốc gia khác nữa, cùng tập hô khẩu hiệu lạ tai “Hi-đúp Bung Kar-nô”, tập hát điệp khúc Bài ca Đảo dừa với mấy câu giản dị “À xing xing xô”. Tôi biết đôi chút tiếng Anh, nghe cụ Tổng thống Ấn Độ nói rất dài về vai trò trí thức trong xã hội mới, tiếp đó được nghe lời Bác tươi cười tóm tắt vào cuối buổi gặp sinh viên và thầy cô giáo trường Đại học tổng hợp: “Bác Pra-xát là nhà triết học, lời Bác dạy ta đôi khi khó hiểu, thôi để Bác tóm tắt lại cho gọn”. Lời tóm tắt của Bác Hồ chúng ta là lời dạy của một vị lãnh tụ cộng sản trăm phần trăm, nhưng không một chỗ nào ngược với cụ Pra-xát đứng đầu một nước không cộng sản, ít lâu sau lại cùng Ca-na-đa (trong số ba nước kiểm soát đình chiến Đông Dương) đưa ra kết luận là miền Bắc có hành động xâm lược miền Nam. Thái độ của chính phủ Ấn Độ đã khác xưa, chỉ ghi lại để nhớ chuyện một thời, về sau không thấy lặp lại.

Lần đầu ngồi trước Bác Hồ, tôi không cầm được nước mắt, đến khi ra ngoài ông nhiếp ảnh phải trách: “Cậu lau mắt mãi, mình muốn chụp cũng khó. Có phải đám tang đâu mà buồn thế!” Chỉ vì tôi quá xúc động trước dịp may mắn không ngờ, trong khi hàng triệu đồng bào, đồng chí miền Nam xứng đáng hơn nhiều lại không gặp may như tôi. Cố giữ mắt cho khô để ngắm Bác, không giữ được. Cố định thần lại để góp lời báo cáo với Bác về cuộc hội nghị, nói vài câu ngắn đã mắc nghẹn. Rất may là ba anh trong đoàn nhà văn miền Bắc cùng anh Trần Đình Vân bình tĩnh hơn tôi, nói đủ ngọn ngành, thì ra Trung ương ta đã đoán trước rất đúng những diễn biến chính trước khi cử chúng tôi đi.

Cuộc gặp lần đầu, phần tôi coi như hỏng kiểu. Ba mươi sáu tuổi đầu mà suốt một giờ gặp Bác, nhìn ngắm, ăn nói như nhóc con mới cai sữa, xấu hổ quá mất!

Chừng nửa tháng sau, anh Lành nhắn gọi hai chúng tôi lên gặp Bác lần nữa. Lần thứ nhất có Thủ tướng Phạm Văn Đồng, buổi sau còn được gặp thêm anh Ba Duẩn và mấy đồng chí trong Trung ương nữa. Cánh cửa bị gió lốc tứ bề thổi vào được những bàn tay gân guốc giữ vừa độ mở độ khép, vừa sức hiểu và thở của chúng tôi. Anh Trường Chinh cũng gọi lên căn dặn, thêm nhiều đồng chí khác nữa, và tôi xin nói thẳng là không phải ai cũng nhấn mạnh một nét như ai. Những chuyện ấy, xin nhường chỗ cho các nhà viết lịch sử Đảng và Cách mạng, tôi chỉ xin kể phần tiếp nhận của riêng tôi.

Lần này Bác chỉ hỏi về đồng bào, đồng chí miền Nam, văn nghệ miền Nam, căn dặn anh Vân và tôi nhiều điều. Bác dặn là khi viết cho giới có văn hóa đọc, chớ nên quên bà con nông dân và dân tộc ít người. Nên vẽ nhiều tranh truyện với nét vẽ giản dị, lời chú thích ngắn và rõ nghĩa, in đậm nét và chữ to để bà con nghèo chữ dễ xem (Bác không dùng từ dốt chữ hay mù chữ như hồi Cách mạng Tháng Tám mới thành công). Cán bộ ta từ Quảng Nam trở ra hay theo lề thói triều đình, đổi những tên nôm rất xưa thành tên Hán-Việt, sau Cách mạng lại đổi thêm lần nữa thành những tên sáo rỗng: xã Thắng Lợi, thôn Đoàn Kết. Đừng làm thế. Nên học kinh nghiệm các vùng đất phía Nam, giữ nguyên những tên như đường Bà Quẹo, kinh Cái Nước, sông Nhà Bè, nhiều nữa.

Lạ quá đi thôi, Bác làm sao nhớ hết đất nước mình đến thế, Bác ơi? Bác đã 76 tuổi lẻ hai tháng rồi chứ ít đâu!

Lần này tôi thật sự bình tĩnh, thưa gửi vui vẻ, cố ghi lời Bác dạy, và ngắm Bác gần như quay phim. Nhưng đãng trí thì chịu, tôi không tránh khỏi. Các đồng chí sống gần Bác nhiều năm, hay nhiều thập kỷ sẽ viết những tập hồi ký tỉ mỉ về Bác, xin để cho tôi dùng số phút ít ỏi để ngắm Bác cho thỏa. Râu Bác trắng xóa cả rồi. Tóc Bác thưa hẳn đi trên trán cao, phía sau gáy còn lại nhiều hơn, đuôi mỗi sợi gần cổ còn loáng thoáng một đoạn cuối chừng đốt ngón tay màu nâu nhạt. Ôi Bác, ước gì cháu được hiến sạch mái tóc đen của cháu để Bác trẻ lại, được cắt bớt vài chục tuổi đời để Bác sống thêm lâu hơn nữa, chí ít cũng để bà con trong Nam được trông thấy Bác sau ngày giải phóng!

Không đâu Bác ạ, cháu chưa một lần coi Bác như thần thánh gì cả, trong ý nghĩ cũng như khi viết văn. Bác cũng là con người như cháu, cũng do máu mẹ sinh ra, cùng qua một quãng đời khóc oe oe, cùng nghịch quấy, cùng bập bẹ tập nói và cùng sợ hãi trước những nét vạch trên giấy đầu tiên khi học chữ. Nhưng Bác qua rất nhiều lò luyện thép, tự Bác lao đi tìm lửa thiêng của lý tưởng, Bác băng qua rất nhiều, quá nhiều cửa ải và thác ghềnh, Bác tìm đường cứu nước đầy gian nan bằng chiêm nghiệm, suy nghĩ, học hỏi, tránh vết xe đổ, mở con đường mới qua rừng nguyên sinh, cứ mãi thế rồi Bác trở nên con người quý hiếm nhất mà nhân dân ta đã sinh ra qua bao thế kỷ. Thế nhưng các đồng chí rất gần Bác lại cứ lắc đầu: Bác không chịu kể đời riêng, hay chỉ kể từng mẩu vụn, và nhắc đi nhắc lại rằng nhân dân ta vô số chuyện hay hơn, là cái mỏ lớn để các chú viết cả đời không hết chuyện, chuyện Bác có gì đâu!

Không ít nhà văn đã cãi lý với Bác: Ăng-ghen đã định chủ nghĩa hiện thực là nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Điển hình cho dân tộc ta trong bấy nhiêu năm đổ máu giành độc lập là Bác, phải để chúng cháu viết nhiều hơn về Bác, vì nhân dân ta muốn thế, đòi thế. Lý lẽ nghe chừng rất vững. Bác chỉ cười xòa, vặn ngược rất giản dị: Các chú đưa Bác làm điển hình, được thôi, nhưng đưa ra để ai làm theo? Hay các chú để cái tít thế này cho nó lùng tùng xòe: “Ai muốn thành chủ tịch Đảng và chủ tịch nước?”. Bán như tôm tươi nhé. Sau đó, nếu không được bầu làm các thứ chủ tịch thì dân lại chửi cho. Các chú cứ đưa những mẫu người tốt việc tốt ở cái mức ai cũng làm được, Bác cho là hợp hơn cả. Viết ngắn và vui, dễ hiểu, dễ làm, như các truyện Nhị thập tứ hiếu ngày xưa mà nhiều người còn nhớ.

Tôi không dám để những lời trên đây vào ngoặc kép, vì chỉ được nghe thuật lại chứ không được nghe tận tai. Vài năm sau, khi loại sách “người tốt việc tốt” được in tới số triệu, bán rẻ không ai mua, cho mượn không ai mượn, các đoàn thể liên tiếp ra chỉ thị bắt đoàn viên phải đi sớm trước giờ để truy nhau, đố nhau, bẻ văn nhau về những chi tiết nhỏ trong những truyện (nửa ký, nửa truyện) về những người được Bác truy tặng huy hiệu Bác Hồ, tôi thật tình cảm thấy ý Bác không được hiểu đúng. Một lần tôi được nghe nói lại (khổ thay, vẫn nói lại!) rằng Bác đã đọc một bài viết trên tạp chí rằng “Người tốt việc tốt” là những tác phẩm văn nghệ hay nhất, tốt nhất. Bác phải gọi điện thẳng cho tác giả rằng Bác chỉ nhắc nên viết những tập giáo dục đạo đức chứ không hề dùng những tập giáo dục đạo đức ấy thay thế cho văn thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Huy-gô, Ban-zăc, Sếch-xpia. Bộ óc chứa đầy văn hóa thế giới của Bác chịu sao nổi cách hiểu của vài ba cấp dưới mù mờ!

Bác nhắc mấy câu khiến tôi giật mình: các chú hay viết như người anh hùng đẻ ra đã thành anh hùng, người có số làm lãnh đạo vừa lọt lòng đã có năng khiếu thành lãnh đạo. Viết thế là sai. Không phải đâu. Các Mác, Lê-nin, Ăng-ghen đều phải trọn một đời đi tìm chân lý, dám hy sinh vì chân lý dù bị tù đày, xua đuổi, gia đình, bà con hắt hủi, đâu có đơn giản như các chú viết. Nếu không, người ta cứ tưởng “nhất âm nhất trác, giai do tiền định”. Đừng viết thế nữa mà dân mình hiểu sai, hiểu lầm, xa lánh những người mà họ nghĩ là “tốt phúc” hơn mình. Viết thế nào để dân mình hiểu rằng ai cũng trở thành người tốt được cả, miễn là chịu khó vượt qua những cơn đau đớn để cho cái tốt thắng cái xấu, cái đúng thắng cái sai ngay trong ruột gan mình.

Mười lần thắng thì kẻ xấu trở thành người tốt, trăm lần thắng thì đứa phản động trở thành anh hùng, ngàn lần thắng thì đứa lạc đường biến thành người lãnh đạo.

Tôi nhớ nguyên những lời Bác dạy, rất hiện đại và cũng vô cùng Việt Nam. Bởi nghe ban ngày, tối về ghi lại ngay rất kỹ, không dám đưa ai xem vì mình chỉ là đứa xẹt ngang, hai lần được Bác gọi lên chỉ vì từ miền Nam ra chữa thương tật, hiểu gì về Bác mà dám mở miệng?

Viết về Bác, thật khó dừng bút nửa chừng, bởi kỷ niệm về Bác cứ tràn như nước vỡ đê, mỗi đứa cháu của Bác muốn ghi về Bác cứ lên như đồng. Nhưng khuôn khổ bài báo có hạn, dù kính yêu đến mấy cũng phải tự nén mình!

Cuối buổi gặp thứ hai, anh Lành biết chúng tôi rất thèm được một tấm ảnh chụp với Bác, đã ra trước để sắp xếp. Chắc Bác cũng biết, nên kéo chúng tôi từ chỗ họp ra (ấy là chỗ ở của ông thợ điện trong dãy nhà phụ mé sau Phủ Chủ tịch, tường sạch lợp ngói thô sơ như một ngăn ga-ra để xe, không trần, rất nóng bức) cùng ngồi trên chiếc ghế dài bằng gỗ sơn xanh lá sau vườn. Bác mặc bộ bà ba vải mỏng nhuộm nâu, nóng quá nên để hở hai cúc cổ, tay cầm cái quạt giấy mua rẻ ở chợ nào đó. Thấy anh Lành cùng anh nhiếp ảnh đi tới,Bác đưa tay lên cài cúc cổ, nháy mắt: phải cài cúc, không thì ông thợ ảnh ấy phê bình cho. Hồi ấy phim màu, ảnh màu đã có nhiều, mà đồng chí nhiếp ảnh chỉ được chụp phim đen trắng để tiết kiệm, dân mình còn nghèo quá mà.

Anh Lành ngồi ghé vào đầu ghế dài, mới 46 tuổi nên tóc còn đen lánh. Anh Trần Đình Vân khiêm tốn ngồi ghép mé sau Bác. Trong ảnh, tôi được ưu tiên đối diện cười nói với Bác, cũng do tình cờ.

Ảnh chụp tháng 7-1966, được lưu trữ, nhưng tôi không dám hỏi xin một bản sao, tự biết mình không xứng đáng. Chừng 12 năm sau, anh Vân xin được một bản sao, gửi vào Đà Nẵng cho tôi, phóng nhỏ và mờ. Đến 1980, tôi bị mổ bụng lần đầu ở Bệnh viện Việt-Đức Hà Nội do chất độc màu da cam, các đồng chí ở Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh biếu tôi một bản khác, rõ nét hơn. Sau lần mổ thứ hai, thoát nạn, tôi tự thuê chụp lại và phóng to hơn, giữ làm kỷ niệm quý nhất trong đời.

Một số bạn phóng viên và bảo tàng, khi thấy ảnh này treo ở chỗ kín đáo trong nhà riêng, muốn đăng lên báo chí. Tôi ngại lắm, chỉ nói phải xin ý kiến của Viện bảo tàng Hồ Chí Minh là nơi giữ bản quyền về ảnh Bác.

Đến nay sau 24 năm chụp và giữ riêng tấm ảnh, tôi cho rằng các chế độ bản quyền trong nước và quốc tế đều đã hết hạn. Bác đã từ trần, mỗi chúng tôi trong ảnh từ tóc đen đã đổi sang tóc bạc và hoa râm, không cần phải quá “giữ ý, giữ kẽ” như xưa, tôi mới mạnh dạn trao tấm ảnh nhỏ và kín tiếng ấy cho các bạn làm báo, dùng cách nào tùy ý.

Đà Nẵng, ngày 9-4-1990

P.T.