Khiêu vũ

30.05.2011

Khiêu vũ

Truyện ngắn Lưu Quang Minh

Hai đứa phát hiện “sàn nhảy” lạ lùng ấy trong một lần tình cờ dạo công viên vào buổi tối. Hỏi ra mới hay “sàn” đã tồn tại từ lâu lắm lắm rồi, thế mà chúng mình chẳng biết. Cũng phải thôi, “sàn” ở đây vô cùng đặc biệt. Cứ nhìn vào những cặp nhảy đang du dương theo điệu nhạc mình sẽ rõ ngay.

Em cười khúc khích: “Cụ kia sao mà sung ghê, anh ha!”

Sung thật, anh gật gù không giấu nổi ngạc nhiên. Ông cụ râu tóc bạc phơ, áo thun, quần kaki, giày tây đang dìu một “chị” – phải đáng tuổi… má anh – đi những bước uyển chuyển, nhẹ nhàng, duyên dáng mà chẳng kém phần phức tạp.

Cho đến lúc ấy, cái khoản nhảy nhót hai đứa vẫn trong vòng “mù tịt”.

Hết bài, các “vũ công” đổi cặp cho nhau. Anh ôm em thủ thỉ: “Hay mình cũng vào… nhảy bừa, nha cưng?”

Tất nhiên, chỉ lắc đầu em cười xòa bẽn lẽn.

Nhạc lại nổi lên. Trên sàn phải hơn mười cặp như thế vẫn say sưa theo tiếng đàn, quên cả không gian và thời gian. Những ông bác ông lão đang trẻ ra vài dăm chục tuổi, trở thành chàng thanh niên hai mươi sức vóc tràn trề. Người phụ nữ đã lên chức mẹ chức bà từ lâu, nay bỗng chốc thấy mình đầy xuân sắc, má hây hây mang trái tim yêu thổn thức mối tình đầu.

“Hai cụ kia trông tình ghê, chẳng biết đến tuổi các bà các cụ, hai đứa mình còn được vậy không anh…”

Câu nói của em bị bỏ lửng khi anh nắm tay em định bụng dìu đại một “bài” loạn xà ngầu vì phấn khích.

* * *

Lớp khiêu vũ tổ chức đều đặn tất cả các buổi tối trong tuần. Độ sáu giờ, bên hồ nước giữa “quảng trường” công viên đã thấy người ta đem ra mấy cặp loa to đùng, dàn chơi đĩa chuẩn bị sẵn sàng. Thầy và cô đều một thời vũ công, nay mở lớp khiêu vũ dưỡng sinh “truyền nghề” giúp các bác các cụ vui khỏe là chính. Học phí chỉ mang tính tượng trưng.

Ai cũng mang một vẻ sôi nổi nhiệt tình, dù mái đầu đều hoa râm muối tiêu cho đến óng bạc cả rồi. Anh và em nhất trí… đăng ký học. Nghe hai đứa bày tỏ nguyện vọng, thầy cười:

“Cũng khá nhiều anh chị thanh niên như hai bạn đến đây, nhưng vừa nghĩ mình đã “đủ lông đủ cánh” là “bay” ra vũ trường hết. Vẫn chỉ các bác các cụ là trung thành với “sàn” công viên này nhất thôi!”

Đúng như lời thầy nói, hai đứa tạm thời là học viên trẻ nhất sánh bước cùng các vị tiền bối.

Mới vào thầy dạy các bước căn bản của Tango: "Chân trái bước lên 1-2-3 chập, 1-2-3 chập…". Anh và em lọng cà lọng cọng, chân này giẫm chân kia, la oai oái. Cụ Tân trông thế cười động viên: từ từ thôi tụi con, nghe nhịp đếm của thầy mà đi. Nói rồi cụ uyển chuyển từng bước nhanh nhẹn quá đỗi so với cái tuổi thất thập cổ lai hy.

Nghỉ giải lao, một bác ngoại ngũ tuần ngồi say sưa:

“Hai cháu có biết điệu Tango xuất xứ từ chốn nào không? Chẳng phải trong những buổi dạ hội xa hoa đầy tốn kém của giới thượng lưu với quý ông quý bà ăn mặc sang trọng đâu. Chính những con người bình dân thường tình khu ngoại ô nghèo Buenos Aires của xứ sở Argentina mới là tác giả thực sự làm nên hồn cốt cho điệu nhảy chinh phục cả thế giới này…”

Bằng một sự am tường hiếm có của người mê say khiêu vũ, bác trai ấy đã khiến anh và em dần cảm nhận: khiêu vũ nơi đây không còn chỉ đơn thuần là giải trí, thể dục. Một bầu nhiệt huyết âm ỉ cháy đang phủ đầy sàn nhảy toàn U50 trở lên này.

Hết giờ. Anh đèo em về trên chiếc Wave cà tàng. Đường khuya, gió se lạnh. Em than: nhức quá anh ơi, mỏi chân quá. Anh cũng vậy mà em. Nhưng hôm nay vui ghê, em ha. Vui lắm anh!

Ai mới tập ngày đầu về cũng ê ẩm hết cả chứ không riêng gì anh và em – dẫu nam thanh nữ tú. Nhớ lời bác Du là “vũ công” sinh hoạt lâu năm bảo: hồi đó bác tập được một ngày hôm sau là nằm chèo queo ở nhà luôn, đêm ngủ nhức muốn chết, sáng dậy nhấc chân lên không nổi. Tập riết quen là hết thôi, cố gắng mấy bữa đầu nghen con gái.

Em có tật rất ưa làm nũng, dù lắm khi chẳng có gì. Nhiều bận anh bực:

“Thôi nha quý cô, làm bộ vừa vừa thôi nha!”

Thế mà rồi em giận, không thèm nói chuyện với anh luôn.

Anh dìu em nhảy, em hờ hững, bỏ đi ra chỗ khác. Anh bắt chuyện, em không trả lời, coi như không có anh. Em lại chỗ cụ Tân đang ngồi phe phẩy quạt nghỉ mệt:

“Cụ ơi đi với con bản này nha cụ…”

Cụ lập tức bỏ quạt hăng hái đứng dậy dìu em theo nhạc “Sơn nữ ca” đang lảnh lót, thế chỗ thằng con trai trót làm người yêu phật lòng. Em nguýt thầm anh: cho chừa, hứ!

Năn nỉ cô sinh viên mỹ thuật năm 3 muốn gãy lưỡi em mới tạm tha cho, để anh đèo về. Bữa nay đỡ nhức hơn chưa em? Dạ… chút chút à.

Đường đêm xe tải chạy ầm ầm. Em ngồi sau choàng tay ôm anh thật chặt cho xua bớt cái lạnh của trời khuya. Em yêu anh lắm, em… có gì anh đừng bực em nha.

Ừ, tất nhiên rồi, tiểu thư, lá ngọc cành vàng của tôi!

* * *

Hai đứa đã có thể đi một bài hoàn chỉnh, dù đôi lúc quên nhịp. Hết bài, mồ hôi tuôn ra như tắm, thở hổn hển vì mệt. Anh chạy đi mua nước, em ngồi tám chuyện với mấy cô mấy bác. Cô Lệ tâm sự:

“Hồi đó cứ buổi tối là cô vô công viên đi bộ thôi, chưa biết nhảy nhót là gì. Đi riết mệt quá, thấy các bà các cụ đông vui rủ rê nên nhào vô luôn. Phải công nhận môn này vừa khỏe vừa thích. Nhảy quen rồi không mệt nữa đâu con gái.”

Em cười:

“Chắc cô Lệ cũng xêm xêm tuổi mẹ con đó. Mà mẹ con không thích tập tành gì hết, ở nhà không à!”

“Trời, rủ ra tập chung với mấy cô mấy cụ cho vui. Không thể thao không vận động dễ bịnh lắm con gái.”

“Dạ, con cũng có nói rồi, mẹ con nhiều khi ngại…”

“Đây cũng nhiều người bịnh lắm nha. Mà từ hồi tập là đỡ bao nhiêu luôn đó. Như bác Hồng nè…”

Cô Lệ thao thao kể từng “bệnh án” của các bác các cụ. Người thì thấp khớp, kẻ cao huyết áp, rồi mỡ trong máu, có bác bị cả đái tháo đường… Chồng “hồ sơ” cứ dài dằng dặc.

Bác Hồng tươi roi rói:

“Đúng đấy. Ở nhà hết ăn rồi lại nằm, đi ra đi vào bệnh ở đâu nó cứ lũ lượt kéo đến. Từ ngày tham gia tập tành, chứng đau đầu gối nó cũng tạm biệt bác đi mất tích luôn!”

Dần dà, anh và em quen hết các bậc tiền bối lớp khiêu vũ dưỡng sinh. Lớp rất đoàn kết, thương yêu như một nhà. Hôm nào một người bận chuyện buộc phải vắng mặt, tức thì bạn nhảy í ới hỏi thăm. Chính vì nhớ bạn, không bỏ bạn bỏ sân được nên lúc nào “sàn” cũng đông đủ, mệt mấy cũng ráng tới với nhau, tình cảm lắm khi cứ khiến mắt em rơm rớm nước.

“Anh ơi, sau này đầu bạc răng long mình có còn được vậy không?”

Trên đường về ngồi sau lưng, hỏi anh mà như em cũng tự hỏi lòng. Em học ngành nghệ thuật, vốn đa sầu đa cảm. Anh dân kinh tế một cây, tưởng hai cực “trái dấu” nhau hoàn toàn. Nhưng không, anh của em khá lãng mạn, chẳng hề khô khan cứng nhắc như nhiều người thường hình dung. Dù đôi lúc anh bực mình nổi cáu, không chịu khó dỗ dành mỗi khi em nổi cơn nhõng nhẽo. Anh đâu biết em làm nũng chỉ vì muốn càng ngày anh càng thương em, quan tâm em nhiều hơn. Em vốn là một cô gái nhỏ bé ngốc nghếch rất cần bờ vai to rộng của anh chở che, vỗ về.

“Sao lại không em. Lấy nhau rồi, có cu Tí rồi. Mình dắt cu Tí ra công viên cùng khiêu vũ với mình, chịu không nè!”

“Hay là sinh cu Tí bé Na. Cho hai anh em nó cha cha cha với nhau nha!”

Hai đứa phá lên nắc nẻ, cười muốn át cả tiếng xe gầm rú của vài kẻ say rượu về khuya phóng nhanh vượt ẩu quên trời quên đất.

* * *

Quá bận bịu, hai đứa không còn tham gia được lớp khiêu vũ dưỡng sinh nữa, đúng như lời thầy và các bác các cụ: tuổi trẻ ưa bay nhảy, hai đứa cứ tìm kiếm thật nhiều niềm vui trong đời, không chỉ ở “sàn” của các ông lão bà già này.

Nhưng một tối, hai đứa quyết định về thăm “sàn”.

Vẫn là nơi công viên quen thuộc, tiếng nhạc từ xa xa đã nghe rộn rạo.

“Anh ơi, lâu lắm mình không khiêu vũ với nhau…”

“Sắp đám cưới rồi. Ngày cưới… em khiêu vũ trên sân khấu cùng anh được không?”

“Thôi. Toàn người lớn. Kỳ lắm anh!”

“Thì ở đây cũng toàn người lớn chứ đâu!”

Phải rồi, đúng là toàn người lớn thật.

Những “người lớn” ngày ngày vẫn đóng vai bố, vai mẹ, vai bà, vai ông… nghiêm khắc, lo lắng, thương yêu nuôi dạy cháu con trưởng thành. Còn rất nhiều “người lớn” đã âm thầm hi sinh một quãng đời dài, làm lụng, lo toan, mong sao gia đình ấm êm hạnh phúc, để tiếng cười con trẻ ngày ngày reo vui bên dưới mỗi mái nhà. Tất cả “người lớn” ấy đang cận kề ngay đây, dẫu ít nhiều chịu đựng từng phút giây tàn tích của thời gian để lại, trong lòng vẫn hớn hở, vẫn một mực yêu đời yêu người, bước những điệu nhảy nồng nàn mê say.

Chứng kiến cảnh tượng đó, mắt em lại hoen cay, càng cảm thấy thương hơn những “người lớn” đang ở nhà.

Và trong tiếng nhạc dịu dàng, đôi vợ chồng sắp cưới đi một điệu Slow Waltz mượt mà mềm mại. Biết đâu chừng mấy chục năm nữa, con trai, con gái họ một hôm dạo công viên cùng người thương cũng tình cờ phát hiện chốn “tụ tập” lạ kỳ của những “người lớn”. Chúng nó liệu có như anh và em…

Nếu vậy, lúc ấy, hẳn anh và em sẽ ở đây, đã trở thành những cô, bác, cụ ông, cụ bà, cùng ngồi xuống chuyện trò tâm tình với chúng. Kể cho chúng biết trong đời còn bao nhiêu nét đẹp ẩn tàng, long lanh tựa mặt hồ nơi “quảng trường” công viên này...

Thế có được không em? ./.

1/2010

L.Q.M.