BÁC ĐỂ TÌNH THƯƠNG CHO CHÚNG CON

30.05.2011

BÁC ĐỂ TÌNH THƯƠNG CHO CHÚNG CON

NGUYỄN VĂN THANH

Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta

Thương cuộc đời chung thương cỏ hoa

Chỉ biết quên mình cho hết thảy

Như dòng sông chảy nặng phù sa...

Chẳng biết tự bao giờ, những vần thơ ngọt ngào, sâu lắng, thiết tha của Tố Hữu thấm sâu vào tâm trí ta làm ngân rung bao tình cảm nhớ thương và lòng biết ơn vô hạn đối với Bác Hồ - vị cha già dân tộc - Người đem lại mùa xuân cho đất nước.

Cùng với sức xuân của dân tộc, tên đất nước, Bác Hồ sống mãi trong tâm thức người Việt Nam... Suốt cuộc đời Người “chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho đất nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Người dồn hết tâm trí, sức lực của mình vào hoạt động cứu nước, cứu dân. Sự nghiệp lớn nhất của Bác là sự nghiệp cách mạng. Lòng yêu nước cứ thôi thúc trái tim và bầu nhiệt huyết sục sôi tuổi trẻ. 21 tuổi, từ bến cảng Nhà Rồng người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. “Sương mù thành Luân Đôn”. “Gió rét thành Ba Lê”... vẫn không ngăn cản được ý chí và niềm tin của Người. Mang nặng trong lòng nỗi đau Tổ quốc, Bác ra đi - nói như Chế Lan Viên - để “tìm hình của nước”. Năm 1920, khi đọc được bản sơ thảo lần thứ nhất “Đề cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin, Nguyễn Ái Quốc tìm thấy ở đó chân lý cách mạng thời đại, tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn, con đường cách mạng vô sản, con đường giải phóng dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Làm sao quên được thời khắc xúc động và thiêng liêng đối với Bác, đối với Tổ quốc, nhân dân:

Luận cương đến Bác Hồ. Và Người đã khóc

Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin

Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp

Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin

Sau 30 năm bôn ba gian khổ với “Đêm mơ nước ngày thấy hình của nước, Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà, Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc, Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa”, năm 1941, Bác trở về Tổ quốc. Đó là một ngày xuân đẹp, cả dân tộc Việt Nam như đang hoà vào hồn thiêng sông núi để cất lên bài ca đón chào trong niềm hân hoan vui sướng.

Ôi sáng xuân nay, Xuân 41

Trắng rừng biên giới nở hoa mơ

Bác về... Im lặng. Con chim hót

Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ

Và:

Bác đã về đây,Tổ quốc ơi !

Nhớ thương, hòn đất ấm hơi người

Ba mươi năm ấy, chân không nghỉ

Mà đến bây giờ mới tới nơi.!

Trở về Tổ quốc, Người trực tiếp chỉ đạo, chèo lái con thuyền cách mạng, chuẩn bị và tiến lên giành chính quyền... Bác Hồ của chúng ta thật vĩ đại mà rất nhân ái, bao dung. “Bất kỳ ở đâu, bao giờ, tôi cũng chỉ đeo đuổi một mục đích là làm ích quốc, lợi dân! Lo cho trước mắt và lo cho lâu dài: “Tôi quyết cùng đồng bào ra sức làm thế nào cho con cháu chúng ta bây giờ và muôn đời về sau được sung sướng và tự do”. Bác kính yêu của chúng ta bao giờ cũng canh cánh một nỗi lo nhân ái, từ cái lớn đến cái nhỏ, “từ đường lối tiến lên chủ nghĩa xã hội, đường lối chống Pháp, đánh giặc Mỹ đén việc tương cà mắm muối của nhân dân”. Thật ấm áp, dịu dàng, Bác sống giản dị, chan hoà. Nhớ Bác, học Bác, chúng ta học tập tâm hồn lạc quan với phong thái ung dung trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Nơi Bác ở: Sàn mây, vách gió

Sáng nghe chim rừng gáy bên nhà

Đêm trăng một ngọn đèn khêu nhỏ

Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Tấm lòng Bác dành cho nhân dân, cho con cháu, cho tương lai đất nước “Bác để tình thương cho chúng con”, nhưng đối với bản thân thì trọn đời sống thanh bạch ghét hư vinh. Đó là vẻ đẹp cao quý khiến cả nhân loại ngưỡng mộ, ngợi ca Người:

Vì sao ? Trái đất nặng ân tình

Nhắc mãi tên Người: Hồ Chí Minh

Như một niềm tin như dũng khí

Như lòng nhân nghĩa, đức hy sinh

Đó là chân lý, là tấm lòng rộng mở, độ lượng, tượng trưng cho lương tâm của thời đại. Lòng nhân ái của Người bao la hướng đến tất cả mọi kiếp người đau khổ, đến những ai bị áp bức trên thế giới. Tư tưởng nhân văn ấy trở thành di sản quý báu. Nói như đồng chí Phạm Văn Đồng, tình thương đồng bào, tình thương tất cả những người cùng giai cấp “là điều sâu sắc nhất và tốt đẹp nhất trong con người của Hồ Chủ tịch”. Chính vì thế, với chúng ta - mỗi người dân đất Việt - Bác thật gần gũi, ấm áp vô cùng:

Cụ Hồ ở giữa lòng dân

Tuy xa, xa lắm, nhưng gần, gần ghê.

Con người, phẩm chất và tình thương của Bác có sức cảm hoá lớn lao, toả sáng niềm tin, và nói như Tố Hữu: “yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”.

 

N.V.T