CÔ GÁI SÔNG HÀN-TỪ CUỘC SỐNG VÀO HÌNH TƯỢNG NGHỆ THUẬT
Biên đạo múa NS ƯT Lê Huân
Sau Tết Mậu Thân 1968, tôi có mặt ở chiến trường Khu 5, với cương vị là một biên đạo trẻ, tốt nghiệp khóa biên đạo múa đầu tiên ở trường múa Việt Nam (1964), bỏ kế hoạch đi thực tập sinh nước ngoài, tình nguyện gia nhập đoàn văn công quân giải phóng miền Trung Trung Bộ, nung nấu một ý chí vào nơi tuyến lửa để thâm nhập cuộc sống chiến đấu của nhân dân, chiến sĩ anh hùng, làm nguồn cội, làm cảm hứng cho các sáng tác phẩm của cuộc đời mình.
Vào đúng lúc, quân khu mở cuộc tổng kết chiến tranh giai đoạn tấn công nổi dậy gọi tắt là X1. Trong hàng chục báo cáo chiến lệ, tôi thật sự xúc động với báo cáo của các chiến sĩ biệt động mặt trận 4-Quảng Đà, hơn thế nữa lại còn có dịp được gặp gỡ với những người con gái, con trai dũng cảm anh hùng ấy. Họ đều là những người cùng trang lứa với tôi, có người là công nhân, có người là sinh viên hồn nhiên, tươi trẻ rất yêu thích anh chị em văn công miền Bắc vào nên sớm trở thành tri kỷ, tâm giao.
Hồi đó, tôi chưa thể hình dung được đô thị miền Nam như Đà Nẵng, nơi căn cứ quân sự khổng lồ của Mỹ ngụy nên ra sức tìm hiểu mọi chi tiết về cuộc sống đô thị cũng như sinh hoạt của người dân thành phố miền Nam sống trong vòng cương tỏa kẻ thù. Dù đã ra vùng căn cứ nhưng các bạn biệt động thành vẫn có những phong thái rất riêng khác hẳn với thanh niên miền Bắc thời bao cấp chúng tôi. Tự tin và phóng khoáng, họ đã gây cho tôi ấn tượng hứng thú, đặc biệt kể về những hành động sinh hoạt chiến đấu hàng ngày luồn sâu vào ngõ ngách hang ổ của Mỹ như nhà ga, sân bay, quán bar, dũng cảm một cách tự nhiên, đối đầu với mọi gian nan thử thách cứ như trò chơi mạo hiểm, coi thương vong nhẹ tựa lông hồng, khiến tôi càng thêm nể trọng và yêu mến những con người ấy.
Ngay cuối năm 68, đoàn chúng tôi đã xây dựng một tiết mục cảnh múa ngắn “Cô biệt động Thành Đà” diễn tả nhân vật biệt động chiến đấu trên đường phố Đà Nẵng. Mọi điều kiện của sân khấu dã chiến không cho phép qui mô dàn dựng nên mới chỉ diễn tả phần nào tinh thần dũng cảm của biệt động thành.
Hơn bốn chục năm qua đi, dáng nét và tình cảm của những chiến sĩ ấy cứ đọng mãi trong tôi, thôi thúc nên hình tượng nhân vật tác phẩm về “Cô gái Sông Hàn”, chiến sĩ biệt động thành từ nhân dân mà ra, sống trong lòng nhân dân, được nhân dân che chở đã làm nên những chiến công oanh liệt nhưng quan trọng nhất là tinh thần chiến đấu vì dân, “vì nhân dân quên mình” là phẩm chất cao quý nhất mà tôi đã thấm biết trong tâm hồn của họ…
Năm 2010, tôi hoàn thành kịch bản kịch múa “Cô gái Sông Hàn”, vở diễn đang được lãnh đạo thành phố hỗ trợ, đầu tư xây dựng. Hy vọng có một tác phẩm xứng đáng với tầm vóc của những anh hùng biệt động thành Đà trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ.
Đà Nẵng tháng 2-2011
L.H