BÀI HỌC VỀ LÒNG TẬN TỤY VỚI LÝ TƯỞNG TỪ NHẬT KÝ ĐẶNG THÙY TRÂM

30.05.2011

BÀI HỌC VỀ LÒNG TẬN TỤY VỚI LÝ TƯỞNG TỪ NHẬT KÝ ĐẶNG THÙY TRÂM

Nguyễn Thanh Tuấn – Ánh Huyền

Xin được mở đầu bài viết này bằng những dòng tâm sự đầy nhiệt huyết của cựu binh Mỹ Robert Whitehurst, người có công lưu giữ cuốn nhận ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm suốt 35 năm sau ngày chiến tranh kết thúc. “...Khi rời Hà Nội để dấn thân vào cuộc chiến, Thùy (Trâm) chưa biết chiến tranh là thế nào. Hơn ba năm ở Đức Phổ, những điều chị viết trong nhật ký đã thay đổi, chị đã trưởng thành. Những điều chị học được càng củng cố vững chắc thêm lòng quyết tâm đã được gia đình nuôi dưỡng từ nhỏ. Chị học được những điều mà tất cả chúng ta đều cần phải học... Những bài học về danh dự, những bài học về lòng trắc ẩn, tinh thần trách nhiệm, những bài học về sự tận tụy với lý tưởng, và những bài học mà chị đã nêu lên một tấm gương về tình yêu đối với mọi người, với cái đẹp và với con người”... (thư gửi em gái Đặng Thùy Trâm, ngày 28-5-2005).

Cuốn nhật ký của chị là sự kết tinh mọi phẩm chất cao đẹp của thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh. Với những kỳ vọng của Đảng và Nhà nước đối với thanh niên nói riêng và mọi người nói chung thì bài học đầu tiên mà chúng ta phải học, phải thực hành là bài học về tinh thần tận tụy, trách nhiệm cao độ với Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Cô gái Hà Thành tuổi đôi mươi với bao mơ ước hồn nhiên ấy lại tình nguyện băng mình vào lửa đạn của cuộc chiến khốc liệt một mất một còn khi vừa mới tốt nghiệp Đại học y khoa. Có nghĩa là chị đã tự nguyện hiến dâng cả tuổi xuân, lẽ sống và cả tình mẫu tử thiêng liêng của mình cho lý tưởng cao cả của Đảng. Nhìn bệnh nhân vật vã trên giường bệnh, chị thắt lòng trước nỗi đau của những người mẹ “mang nặng đẻ đau”, rồi gạt nước mắt tiễn con lên đường… Nghĩ về mẹ mình lòng chị càng quặn đau như cắt từng khúc ruột. “Biết bao nhiêu bà mẹ như mẹ của Đường sẽ còn đau khổ khóc than đến cạn dòng nước mắt. Ôi nếu mình ngã xuống, mẹ mình cũng sẽ như bà mẹ ấy thôi, cũng sẽ là một bà mẹ suốt đời hi sinh vì con để rồi mãi mãi đau xót vì con mình đã ngã xuống nơi chiến trường khói lửa”. Dẫu biết thế nhưng vì tình yêu thanh khiết chị dành cho lý tưởng cao đẹp của Đảng và của nhân dân mà chị bấm bụng, quệt ngang dòng nước mắt để ra đi. “Mẹ ơi! Con biết nói làm sao khi lòng con thương mẹ trăm nghìn triệu mà cũng đành xa mẹ ra đi. Quân thù đang còn đó, bao nhiêu bà mẹ mất con, bao nhiêu người chồng mất vợ. Đau xót vô cùng”…

Từ thực tế bi thương của đất nước cộng với lý tưởng, sự quyết tâm, lòng yêu nước, yêu đồng bào… chị mạnh mẽ bước vào chính nơi ác liệt nhất của cuộc chiến vệ quốc. Chị đến với chiến trường Đức Phổ - Quảng Ngãi bằng hết thảy lòng tận tụy và nhiệt huyết tuổi thanh xuân. Quyết liệt chống lại mọi khó khăn, vất vả, thiếu thốn, đặc biệt là sự ác liệt của chiến trường và chị đã mạnh mẽ vượt qua tất cả… Vượt qua cả sự ám ảnh của cái chết, của sự hi sinh để luôn tự nêu cao tinh thần, trách nhiệm của mình. “Những ngày bận rộn công tác dồn dập, thương nặng, người ít, mọi người trong bệnh xá đều hết sức vất vả. Riêng mình trách nhiệm càng nặng nề hơn bao giờ hết, mỗi ngày làm việc từ sáng tinh mơ cho đến đêm khuya. Khối lượng công việc quá lớn mà người không có nên một mình mình vừa phụ trách bệnh xá, vừa lo điều trị, vừa giảng dạy. Vô cùng vất vả và cũng còn nhiều khó khăn trong công việc, nhưng hơn bao giờ hết mình cảm thấy rằng mình đã đem hết tài năng sức lực của mình để cống hiến cho cách mạng. Đôi mắt người thương binh hôm nào đau nhức tưởng như bỏ hôm nay cũng đã sáng lại một phần. Cánh tay anh bộ đội sưng phù đe dọa chảy máu bây giờ cũng đã lành lặn. Những cánh tay xương gãy rời cũng đã liền lại… Đó chính là nhờ sức lực của mình và những người y tá đêm ngày lăn lộn trong công tác bên giường bệnh”.

Thật bất ngờ khi người nữ bác sĩ mảnh mai ấy lại có khả năng “tả xung hữu đột” trong lửa đạn, không chỉ luôn nỗ lực hết mình với các đồng chí thương, bệnh binh mà chị phục vụ Đảng, nhân dân bằng mọi khả năng, bằng tất cả những gì có thể. “Và với những học sinh, mình cũng đã đem lại những điều quí giá trong lý luận về y học. Mình đến với lớp không phải chỉ vì tinh thần trách nhiệm mà bằng cả tình thương của một người chị đối với những đứa em đã chịu biết bao thiệt thòi đau khổ vì bọn bán nước nên không tìm đến với khoa học được. Thương biết mấy những Thuận, những Liên, những Luận, Xuân, Nghĩa… mỗi người một hoàn cảnh nhưng đều rất giống nhau: rất ham học, rất cố gắng để đạt mức hiểu biết cao nhất”. Trong chiến tranh mỗi người đều tự nêu cao tinh thần “làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm” nhưng đối với Đặng Thùy Trâm khi phục vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân thì khái niệm thời gian hoàn toàn tiêu biến. Ngoài thời gian và tâm huyết đối với bệnh nhân thì những bài học về lý luận về y học mà chị tranh thủ truyền đạt cho các học sinh sẽ cùng với chị nhân thêm hiệu quả phục vụ lý tưởng, góp phần đưa cuộc chiến này nhanh đến ngày toàn thắng.

Ta nhìn thấy trong thẳm sâu trái tim người nữ bác sĩ trẻ ấy lòng nhân hậu, tình yêu thương và đồng cảm sâu sắc với con người, nhưng tất cả đều gắn chặt với tinh thần tận tuỵ, trách nhiệm cao độ với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Bằng những tình cảm và những giọt nước mắt của chị trước nỗi đau của đồng chí, đồng bào ta càng cảm nhận sâu sắc hơn về tâm hồn chị. “Vết thương đau đớn nhiều nhưng Bốn không rên la mà chỉ lo một điều: có còn chiến đấu được nữa hay không? Những lần đi thăm bệnh mình khẽ vuốt trên mái tóc người thương binh trẻ tuổi và nói khẽ với Bốn rằng: Em hãy yên tâm, chắc rằng em sẽ còn cầm súng chiến đấu một cách vững vàng. Và mới hôm nào đây gặp lại Bốn trên đường hành quân, vai mang khẩu AK, nhìn thấy mình từ xa nó mừng rỡ reo lên”… “Cuối cùng Bốn đã không vượt qua nổi. Máu ra nhiều quá nên em không còn đủ sức. Bốn ơi, máu em đã thấm đỏ trên mảnh đất quê hương, máu em đã chảy dài trên đường em đi chiến đấu. Tim em đã ngừng đập cho trái tim Tổ quốc muôn đời đập mãi. Bốn chết rồi, hai mắt nhắm nghiền như trong giấc ngủ. Ngồi bên Bốn vuốt nhẹ mái tóc em mà mình tưởng như em còn sống, nước mắt mình từng giọt rơi xuống tóc em. Không! Bốn không chết đâu, Bốn sẽ còn sống mãi trong lòng mình và những đồng đội đang cùng em trong cuộc chiến đấu sinh tử này”.

Những người như “Bốn”, “Đường” và Đặng Thuỳ Trâm đã ngã xuống cho “đất nước đứng lên”, cho ngày độc lập, cho cuộc sống hoà bình phát triển hôm nay. Máu của họ đổ xuống thấm vào đất mẹ cho khoai lúa lên xanh, cho hoa đào hoa mai đua nở… Họ để lại cho chúng ta non sông gấm vóc, hoà bình yên vui, họ để lại cho chúng ta tất cả những gì cao cả và quý giá nhất trong đó có bài học về tinh thần trách nhiệm, về lòng tận tuỵ hết mình cho lý tưởng Chủ nghĩa xã hội, cho Đảng, Cho Nhà nước và cho nhân dân.

Lại xin được kết thúc bài viết này bằng chính những trăn trở của người bác sĩ, liệt sĩ trẻ ấy về tinh thần, trách nhiệm của mình để mỗi chúng ta mà nhất là những thanh niên, Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam thấy được phải tự rèn luyện, tự phấn đấu và nhất là tự nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình hơn nữa với chính những công việc mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tinh tưởng giao cho. “Đang công tác ở Phổ Cường, nghe báo tin mình lặng người lo lắng, chén cơm bưng trong tay không sao ăn tiếp được nữa. Chẳng lẽ cứ thế này mãi sao? Vừa xây dựng được mấy bữa lại lo chạy, bao giờ mới tiếp tục được nhiệm vụ... (không rõ chữ)? Lo buồn và uất ức lạ! Có cách nào chứ không lẽ bó tay chạy dài mãi sao”?

Liệt sĩ. Bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm

Bìa Nhật ký Đặng Thùy Trâm

của NXB Hội Nhà văn

N.T.T – A.H