Ấn tượng Đà Nẵng
Bút ký của Cao Năm
Bao nhiêu năm nay, trong tâm thức tôi, Đà Nẵng như một cái gì thân thiết và gần gũi, mặc dù tôi không hề có người quen thân nào, và cũng chưa bao giờ đặt chân tới thành phố nằm bên bờ biển Đông ấy. Thế nên khi hay tin mình là thành viên đoàn văn nghệ sĩ đất Cảng đi thực tế vào Đà Nẵng thì tôi vô cùng háo hức và hồi hộp. Bởi với người sáng tác thì mỗi chuyến đi, mỗi vùng đất đến luôn là nơi hẹn hò, đón đợi. Thế nên, đúng 5 giờ ngày 26/3/2011, theo thông báo, tôi đến trụ sở Hội liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Hải Phòng đã thấy các thành viên trong đoàn tề tựu đông đủ. Dù đã cuối tháng ba, nhưng cái rét vẫn còn buốt giá, song chỉ riêng việc đến đúng giờ cũng đủ thấy sự háo hức của mọi người trong đoàn văn nghệ sĩ Hải Phòng trong chuyến đi đầy ý nghĩa này, bởi theo lịch trình, đoàn chúng tôi đặt chân đến Đà Nẵng đúng trước ngày kỷ niệm 36 năm giải phóng thành phố (29/3/1975- 29/3/2011).
Phải thế chăng, suốt dọc đường chúng tôi đi dẫu tiết trời tháng ba vẫn còn mòng mọng mây dăng và càng vào phía trong mưa mỗi lúc càng dầy hơn, nhưng trên xe vẫn ran ran tiếng cười nói, chuyện trò, nhất là khi xe qua cầu Hàm Rồng- Nam Ngạn, Nhật Lệ, sông Gianh, đèo Ngang, Ba Đồn, Lăng Cô, rồi bất chợt đường hầm Hải Vân hiện ra, trên xe bỗng òa lên những tiếng reo mừng rỡ như đã đến nơi, Đà Nẵng kia rồi, nơi bao ngày đêm ngóng trông mong đợi kia rồi! Ai nấy như được trở lại những nơi một thời oanh liệt, từng ghi dấu vàng son trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc giữa những ngày tiết trời còn mang đậm sắc Xuân, càng thêm gợi nhớ mùa Xuân lịch sử cách đây 36 năm (1975-2011). Thế nên, mỗi tên đất, tên đường, tên sông, tên núi như đều thức dậy trong sâu thẵm mỗi người chúng tôi những âm vang ký ức một thời khó quên.
Tôi càng thấy rõ điều đó trong buổi đoàn văn nghệ sĩ Hải Phòng làm việc với các anh chị văn nghệ sĩ Đà Nẵng. Nói là làm việc, nhưng thực ra là cuộc gặp mặt, cuộc hội ngộ giữa những người anh em xa lâu ngày mới gặp lại, thì đúng hơn. Bởi ngay giây phút đầu tiên chúng tôi đặt chân đến trụ sở Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, một khuôn viên rộng, khang trang và tĩnh lặng, tất cả anh chị trong Ban Lãnh đạo Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật, từ chủ tịch, nhà thơ Bùi Công Minh; đến các phó chủ tịch: nghệ sĩ nhiếp ảnh Ông Văn Sinh, nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm, nhà văn Nguyễn Thị Thu Hương, lãnh đạo các hội chuyên ngành: họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng, nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa, NSƯT-Biên đạo múa Lê Huân và cán bộ, nhân viên cơ quan Liên hiệp Hội ra tận sân, tay bắt mặt mừng chào đón nhà biên kịch Tô Hoàng Vũ-chủ tịch, họa sĩ Quang Ngọc-phó chủ tịch, cùng các anh chị trong đoàn văn nghệ sĩ Hải Phòng. Những cử chỉ, lời nói của các anh chị ở Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng dành cho đồng nghiệp Hải Phòng, ngay giây phút đầu tiên đã vô cùng gần gũi, ấm cúng và cởi mở. Nói như nhà thơ Bùi Công Minh thì không thể nói đoàn văn nghệ sĩ Hải Phòng vào Đà Nẵng, mà chỉ có thể nói là về Đà Nẵng, vì từ lâu Hải Phòng-Đà Nẵng đã là một, thì văn nghệ sĩ hai thành phố cũng là anh em. Bởi không phải bây giờ, mà từ lâu lắm rồi, tình cảm của văn nghệ sĩ Hải Phòng nói riêng, nhân dân Hải Phòng nói chung, đối với nhân dân Đà Nẵng và văn nghệ sĩ Đà Nẵng luôn sâu lặng nghĩa tình như anh em một nhà, mà trong buổi gặp thân mật sáng hôm ấy nếu có thời gian, có lẽ các anh chị ở hai thành phố còn ôn lại biết bao kỷ niệm một thời. Nhưng bởi thời gian, chỉ một vài người đại diện bày tỏ tâm tình của mình, có lẽ cũng là tình cảm chung của những người làm văn nghệ ở hai thành phố cùng nằm bên bờ biển Đông dập dìu sóng vỗ. Với giọng xúc động, nghệ sĩ Ngọc Hiền, chủ tịch Hội Sân khấu, thuộc Hội liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Hải Phòng, nhắc lại những kỷ niệm lần đầu đặt chân đến Đà Nẵng, khi ấy vừa được giải phóng, phố xá còn vắng vẻ, đường đi lại còn thưa thớt, nhưng cuộc sống mới, trật tự và an bình thì đã hiện rõ trên từng con đường, góc phố. Những đêm diễn “Con cáo và chùm nho”, “Âm mưu và tình yêu”, “Linh hồn thiếu phụ” của đoàn kịch Hải Phòng tại rạp Trưng Vương thu hút hàng trăm khán giả đến xem. Bấy giờ, đoàn kịch Hải Phòng là một trong những đoàn nghệ thuật đầu tiên của miền Bắc vào vùng mới giải phóng, trong đó có Đà Nẵng (4/1975). 36 năm trôi qua, giữa những ngày tháng ba này, trở lại Đà Nẵng, nghệ sĩ Ngọc Hiền như trở lại nơi lưu giữ ký ức một thời khó quên. Khác nghệ sĩ Ngọc Hiền, nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa, chủ tịch Hội Nhạc sĩ, thuộc Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng, lại hào hứng kể lại một kỷ niệm với người Hải Phòng yêu thơ. Lần ấy nhạc sĩ có việc đi Thái Lan, lên máy bay ngồi cạnh một phụ nữ đã đứng tuổi, hỏi ra biết chị người Hải Phòng, anh cũng tự giới thiệu mình người Đà Nẵng. Dường như hai địa danh Hải Phòng-Đà Nẵng làm hai người mau chóng quen nhau, thân nhau, chân tình trò chuyện với nhau như đã là người trong một nhà; và dĩ nhiên, anh cũng không giấu mình là một nhạc sĩ, còn chị cũng không ngần ngại đọc cho anh nghe những bài thơ trong số hàng trăm bài thơ do chị sáng tác, sau đó tặng anh mấy bài thơ mới viết. Trong số những bài thơ chị tặng, hầu như bài nào anh cũng thấy thích, nhưng không hiểu sao khi có ý định phổ nhạc thơ của chị thì nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa lại nghĩ ngay đến bài thơ có tiêu đề “Hải Phòng yêu thương”, và anh dành nhiều tình cảm cho ca khúc phổ thơ, rồi gửi ra Hải Phòng. Thật hạnh phúc cho người sáng tác, bản nhạc tâm huyết của nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa về Hải Phòng được trao giải thưởng ca khúc hay viết về thành phố Hoa Phượng Đỏ năm 2010. Còn nhà thơ Nguyễn Nhã Tiên lại đầy ắp kỷ niệm về Hải Phòng, nhưng anh chỉ kể một mẩu chuyện nhỏ sâu đậm tình người, mà bao năm rồi anh vẫn chưa quên. Ấy là cái năm đã lâu nhà thơ đến Hải Phòng, ra bờ sông Cấm và dừng lại uống chén nước vối mang đậm tình quê ngay trên bến Bính; uống xong, anh rút tờ một nghìn đồng ra trả cô bán nước, rồi đứng dậy đi. Nhưng vừa đi mấy bước, cô bán hàng gọi giật lại trả anh năm trăm đồng tiền thừa. Với mỗi người sáng tác, những kỷ niệm như thế còn găm sâu trong tâm thức, và biết đâu lại lóe sáng một cái gì như rường cột của tác phẩm cũng chưa biết chừng.
Chuyến đi thực tế vào Đà Nẵng của chúng tôi còn nhiều chuyện rất đáng nghe, nhiều nơi rất muốn đến. Bởi cũng là đồng nghiệp nhưng không phải chốc chốc gặp được nhau, tuy cùng nằm bên bờ biển Đông nhưng không chỉ một độ chèo Hải Phòng đã tới Đà Nẵng. Hơn thế nữa, thành phố Đà Nẵng bây giờ lại rộng dài, to đẹp hơn nhiều so với những gì mà ngay cả những anh chị trong đoàn chúng tôi có dịp vào cách đây mới 5 năm (2006) đã không sao mường tượng lại đổi thay nhanh chóng, diệu kỳ đến thế.
Vâng, dẫu bạn đọc đã biết tôi cũng không ngại ghi ra đây mấy con số, mà không phải lúc nào cũng nằm sẵn trong đầu mỗi người. Từ mồng 1 tháng 1 năm 1997, thành phố Đà Nẵng thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng được nâng cấp lên thành thành phố trực thuộc Trung ương, gồm 6 quận và 2 huyện, với diện tích tự nhiên 1.256 km2 (số tròn), số dân 800 nghìn người, sẽ đưa lên 1 triệu, rồi 1,5 triệu dân vào năm 2020. Thành phố có cảng, sân bay, cửa khẩu quốc tế, khu kinh tế mở Chu Lai, và đặc biệt, Đà Nẵng là cửa ngõ phía đông hành lang đông-tây (đại lộ Đông Nam Á), trung tâm chính trị-kinh tế Nam Trung bộ. Nhưng Đà Nẵng không chỉ có lợi thế địa lý-chính trị-kinh tế, mà thành phố bên bờ biển Đông này còn có lợi thế to lớn về văn hóa-du lịch, là trung tâm di sản văn hóa Nam Trung bộ, với nền văn hóa Chăm phong phú, đa dạng, mà điển hình là thánh địa Mỹ Sơn được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới, với Ngũ Hành Sơn điệp trùng đá quý và nghệ thuật chạm khắc đá có một không hai ở nước ta, rồi Bà Nà-suối Mơ với đường cáp treo lập kỷ lục thế giới về chiều dài, độ cao và đường vòng an toàn. Đấy là những điểm xa, mươi mười lăm, hai mươi cây số trở lên, còn gần, ngay Bảo tàng Chăm nằm giữa lòng thành phố và con sông Hàn với cây cầu dây văng, có trục quay ở giữa cho tàu thuyền qua lại từ 0 giờ đến 3 giờ sáng mỗi ngày, cùng với những vườn tượng đẹp như công viên bên bờ sông, dọc theo đường phố khang trang, sầm uất cũng là những điểm thu hút du khách gần xa chiêm ngưỡng. Ngay đoàn chúng tôi, mặc dù suốt hai ngày ngồi ô-tô từ Hải Phòng vào khá mệt, nhưng tối ăn cơm xong mọi người vẫn háo hức ra xem cầu Sông Hàn lung linh ánh đèn màu hai bên bờ đổ xuống dòng sông san sát tàu thuyền neo đậu và lấp lánh ánh đèn từ những tòa nhà cao tầng như dát vàng dát bạc trên mặt nước. Địa hình thành phố Đà Nẵng nằm sát biển, nhiều sông, trước đây không biết thế nào, nhưng bây giờ, hôm chúng tôi đến chỉ đi một đoạn từ cửa Bảo tàng Chăm xuống qua cầu Sông Hàn đã thấy đến bốn cây cầu to rộng bắc qua sông, cái đã thấy xe cộ qua lại, cái đang lao nhịp, cái đang làm đường công vụ cho xe cơ giới vào thi công. Bạn đồng nghiệp ở Đà Nẵng nói với chúng tôi, với đặc điểm thành phố bên sông, Đà Nẵng đang tập trung xây dựng các cây cầu để tới đây cứ 1,5 km có một cây cầu thì việc đi lại mới thuận tiện được. Một vài cây cầu cũ lâu ngày, như cầu Nguyễn Văn Trỗi, cầu Trần Thị Lý được dỡ bỏ để xây dựng mới. Có cầu, bán đảo Sơn Trà với những khu bãi đẹp nổi tiếng như Tiên Sa, đã trở thành “đất liền” với những khu tắm biển, du lịch, nghỉ mát thu hút rất đông du khách trong nước và nước ngoài; đặc biệt, trên bán đảo Sơn Trà còn có khu trung tâm hội nghị quốc tế cỡ hàng đầu ở Việt Nam hiện nay. Điều đáng nói là phần nhiều những nơi tôi vừa nhắc tới, lại đều là nơi mới được xây dựng, hoặc nâng cấp trong mấy năm vừa qua, như Bà Nà-suối Mơ, sông Hàn và bán đảo Sơn Trà… Hôm chúng tôi đến được bạn dẫn đi bán đảo Sơn Trà, thấy tận mắt những thay đổi diệu kỳ trên vùng bán đảo mươi năm trước chỉ toàn cát, gió và sóng, thì nay san sát khu đô thị, chung cư với những đường đôi rộng dài chạy ven bờ sóng. Ngoài những nơi thu hút khách du lịch, nghỉ mát trên bãi biển, ở đỉnh ngọn núi cuối bán đảo cách đây hai năm mới được xây dựng ngôi chùa Linh Ứng to đẹp, cổ kính và hiện đại, có đường ô-tô chạy ven sườn núi lên tới sân chùa trên đỉnh núi. Ở một địa thế đẹp và sang trọng trong khu vực chùa, được dựng bức tượng “Bồ Đề Xanh” (tên tượng) cao 10 mét, đứng sừng sững trên đỉnh núi. Chúng tôi lên chùa Linh Ứng, ngắm tượng Bồ Đề Xanh vào ngày thứ hai trong tuần, nhưng gặp rất đông khách du lịch đến chiêm ngưỡng pho tượng và ngắm cảnh biển trời mây nước bên bờ biển này. Đà Nẵng có lẽ không chỉ khai thác và phát huy tiềm năng du lịch sẵn có, mà còn chủ động tạo ra những điểm du lịch mới, làm đa dạng và phong phú thêm loại hình du lịch, thu hút khách trong nước và quốc tế. Đấy là điều mọi người dễ cảm nhận khi có dịp đến Đà Nẵng, dù là các đường phố, hay ven sông Hàn, trên bán đảo Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn hay thánh địa Mỹ Sơn, Bà Nà-suối Mơ đều thấy sự tác động khá rõ của con người vào các điểm văn hóa, du lịch thông qua quản lý, bảo tồn, tôn tạo và khai thác, để không những giữ cho di tích, di vật, danh thắng, phong cảnh được nguyên trạng, mà môi trường của nó vẫn tự nhiên như vốn dĩ thế. Một phong cảnh đẹp, một danh thắng thu hút khách còn là thể hiện sự ứng xử của con người, những chủ nhân của nó. Và đấy là những gì chúng tôi cảm nhận được trong những ngày ở thành phố đầy năng động và biến đổi diệu kỳ này.
Hải Phòng, 7/4/2011
C.N.