Tản mạn về tiếng Quảng - Bùi Văn Tiếng
Nhiều người hay nói đùa rằng các quan chức xứ Quảng công du nước ngoài hay tiếp khách ngoại quốc phải cần tới hai phiên dịch viên: một dịch từ tiếng Quảng ra... tiếng Việt và một dịch từ tiếng Việt ra ngoại ngữ. Ý người ta muốn chê giọng Quảng khó nghe hay đúng hơn là muốn chê người Quảng hay dùng phương ngữ trong giao tiếp, có khi nói tiếng Quảng mà tưởng như đang nói tiếng... Nhật. Chẳng hạn có anh chàng Quảng Nam ra thăm thủ đô và hỏi đường cô gái Hà Nội: Đường ni đi mô ri cô? Câu hỏi mang âm hưởng... Nhật Bản ấy nếu dịch ra tiếng... Việt sẽ là: Đường này đi đâu vậy cô? Đương nhiên do thiếu... người phiên dịch tại chỗ nên anh ta đã nhận được câu trả lời không cần dịch ra tiếng Nhật cũng hiểu: Em không biết tiếng Nhật ạ! Và lúc trà dư tửu hậu, người Quảng vẫn thường kể cho nhau nghe những câu chuyện đại loại như vậy để tự trào một cách hào hứng về quê hương mình.
Nói lái là năng lực đa nghĩa hóa từ ngữ của cả thiên hạ - thậm chí trong thơ Hồ Xuân Hương hay truyện Trạng Quỳnh, nói lái còn được nâng lên thành nghệ thuật, nhưng người Quảng thường tự hào rằng mình nhanh nhạy hơn trong chuyện này - “hay nói lái” cũng giống như “hay cãi” từ lâu đã trở thành Quảng Nam tính, và do vậy mà khi cần nói năng nghiêm túc giữa chỗ đông người, người Quảng dễ gặp “sự cố” bởi... thói quen nói lái, kiểu như lỡ miệng nói lái ở hội nghị bàn về công tác xóa đói giảm nghèo, hay bàn về chủ trương năm không ba có... Người viết bài này có lần cũng gặp sự cố nói lái ngay trên bục giảng một trường trung học, khi đang bình câu thơ “Thuyền ta lái gió với buồm trăng” trong bài Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận. May mà hôm ấy học sinh toàn dân Nam Bộ không quen nói lái, chỉ thấy một em thấm ý ngồi cười, lúc ra chơi thầy hỏi mới biết là đồng hương Quảng Nam!
Người Quảng còn tự hào rằng từ ngữ tiếng Quảng thật... hàm súc. Đơn cử như thiên hạ gọi là cái “ngăn kéo” hoặc cái “hộc bàn” hay “hộc tủ” - đến hai từ tố - thì người Quảng chỉ gọi bằng một từ tố duy nhất là cái “thọa”. Rồi trong quan hệ xã hội có rất nhiều việc phải lo toan tiêu tốn như chung vui ở đám cưới, chia buồn ở đám ma, mừng tuổi người già và trẻ nhỏ... tất cả những ứng xử văn hóa ấy người Quảng đều gọi bằng một từ cực kỳ cô đọng và rất khó chuyển ngữ: chuyện “phải không” - tức chuyện phải làm, không làm không phải đạo! Cũng có một từ mà mới nghe tưởng như chê nhưng kỳ thực là khen - hay cùng lắm chỉ là... mắng yêu: đó là hai chữ “trổ trời”. Trong buổi tiếp thị về giáo dục đại học của một quốc gia châu Phi, khi được sinh viên yêu cầu giới thiệu một trường có chất lượng đào tạo tốt nhất, người phụ nữ tiếp thị đã trả lời: Sẽ dễ hơn nhiều nếu như bạn yêu cầu tôi chỉ ra một trường có chất lượng đào tạo kém nhất, bởi ở nước tôi hầu như trường nào chất lượng đào tạo cũng cao, chọn một trường có chất lượng đào tạo tốt nhất e là rất khó! Nghe kể lại chuyện này, chắc nhiều người Quảng sẽ đồng thanh: Đúng là nói “trổ trời”! rồi hể hả bảo nhau: Không chừng bà đó quê gốc... Quảng Nam!
B.V.T