Như tiếng biển đêm: yêu thương, khát vọng và bứt phá - Nguyễn Thị Thúy Hồng
Không phải ngẫu nhiên mà từ những thập niên cuối của thế kỷ XX, các nhà xuất bản đều cho ra lò những tuyển tập thơ nữ. Sự cần thiết của thơ nữ đối với xã hội hiện đại vừa hợp với xu thế phát triển của thi ca, vừa là nhu cầu được hóa giải, cảm thông, chia sẻ một cách tiến bộ, văn minh nhất.
Vậy mà tôi vẫn ngạc nhiên khi cầm trên tay tuyển thơ “Như tiếng biển đêm” của Nhà xuất bản Hội nhà văn Đà Nẵng.
Hiếm có tập thơ nữ nào lại dày dặn đến thế. Nên ý nghĩ ban đầu thoáng qua có phần nghi ngại, liệu thơ có chất không đây, hay lại cũng rơi vào tình trạng để cũng gọi là chỉ để có cái gọi là thơ.
Sự hồ nghi ấy nhanh chóng qua đi. Lướt qua hầu hết các trang thơ, tôi cũng như tác giả Nguyễn Quang Thiều, người viết lời tựa cho tập sách hòa ngay vào nhịp của Tiếng biển đêm. Chỉ có điều, hình như Nguyễn Quang Thiều là cơn gió gom mùi hương, hình như anh gặp đâu thì hít hà đó, còn tôi, là phụ nữ nên nấn ná, la cà hơn anh một chút. Sao không có thể nấn ná được khi bắt gặp tâm trạng mình trong tứ thơ này của Thụy Anh:
Soi gương, mắt tro mà bàng bạc
Giật mình! Đời qua tuổi sáu mươi
Duy mắt trời chẳng bao giờ thao thức
Bỏ lại người những sợi trắng màu vôi
(Suy tư trắng)
Tôi cũng bất chợt thở dài đánh sượt như tác giả, bởi cũng đã từng có “suy tư trắng” kiểu “tình người hoang vắng trắng lòng nhau” như thông điệp trong bài thơ.
Thụy Anh làm thơ cứng vì có độ trải nghiệm sâu rộng. Thơ chị có nắng, có gió, có bóng đêm, có cả tiếng cười lẫn giọt nước mắt nhưng nước mắt nhiều hơn nụ cười và thường có sẹo buồn. Có nỗi buồn nào “sâu hơn nỗi buồn con” vì “con đã là máu thịt”. Tết quê thay vì vui thì hồn chị lại “ngả rong rêu/ lặng nghe sóng dỗ dành chiều buồn tênh”; và còn vô số nỗi buồn ở những phương diện khác nhau trong thơ chị. Kế ngay trang thơ Thụy Anh, thơ Vô Biên lại chứa đựng một gam màu sáng hơn, mang hơi thở lạc quan hơn. Chẳng hạn chỉ một “chiếc lá trên tay” mà “nghe rừng vang dậy”, nhìn một “giọt nước về xuôi” cũng mường tượng “thác đổ luân hồi” (bài Ai trong tôi nghìn con mắt lạ). Nói như vậy không có nghĩa là thơ Vô Biên không buồn, nhưng sau nỗi buồn vẫn le lói niềm vui, như qua đêm trời lại sáng. Chẳng hạn như khổ thơ kết ở bài thơ “Bọt sóng”:
Thôi biển nhé, ngày bình minh nữa
Ta gặp nhau trong ánh mặt trời
Ta gặp nhau chung dòng cát bụi
Dẫu xa lìa vẫn hiện hữu muôn nơi
(Bọt sóng)
Một phong cách thơ dung hòa được giữa 2 gam màu sáng tối của Thụy Anh và Vô Biên là thơ Nguyễn Nho Thùy Dương. Thơ chị nói về nỗi đau chỉ vừa đủ độ đau, nói về hạnh phúc cũng vừa đủ độ ngọt ngào. Giọng thơ nhỏ nhẹ, đầy nữ tính của chị đã bắt nhịp được trái tim người đọc với những câu như thế này: “Đàn bà ai cũng thế thôi/mỏng manh, dễ khóc, dễ cười, rồi quên” (Lời cây Thùy Dương); hay “Em đã không đi về phía anh xa/mà mãi mãi ở lại/trong khu vườn cô đơn/vun gom những nỗi buồn vô chủ” (Vườn cũ). Mượn lời cây Thùy Dương, chị ngỏ một tâm sự cho riêng thầm kín:
Bây giờ chỉ một gang tay
Mà vời vợi đến thế này sao anh?
Về cho cơm ngọt canh lành
Rằng em như khách lữ hành ghé chơi
Khác với những nhà thơ nữ ở thế hệ đã qua, thơ nữ ngày nay khồng cầu kỳ, ước lệ mà có sự dốc lòng nên chân thật đến tận cùng. Cũng như Thùy Dương và nhiều tác giả khác trong tập, thơ Thụy Du cũng có lắm ngóc ngách của xúc cảm, có ngả rẽ, đông lạnh và ngày gió trở và cả đến phố cũng lạc mùa. Có lúc chị mượn cảnh để ngụ tình, như là nụ hoa, như là chiếc lá:
Phố giận hờn chẳng gọi được mùa sang
Loa kèn thoảng hương tay thon chưa về kịp bắt
Nụ hoa long lanh trắng trong dè dặt
Phố nhỏ trầm buồn, rêu phủ tường hoang
Chiếc lá cuối cùng đâu nghĩ chuyện
hợp tan
Khoét vào thẳm sâu những tơ vương chưa lành vết
Chiều nay bỗng một người ngờ nghệch
Tự ôm khổ vào mình trong chếnh choáng men cay
Có những lúc lại trực diện với trái tim, không quanh co, che giấu nỗi lòng như trong các bài” Khi buồn anh cứ ghé chơi”; “Chỉ muốn còn bé thơ”; “Ghen”, Mơ về ngày xưa”...
Cũng với thi pháp mượn cảnh ngụ tình như bao tác giả khác, thơ Phượng Hoàng đa sắc diện bởi sự đan cài giữa không gian và thời gian và lấp lánh sắc màu. Trong thơ của chị có “Giọt nắng tháng Tư”, “Sắc tím tháng Năm”, có Khúc xuân tình với “Xuân đẹp quá! Ngắm tình nhân chung bước/Nụ hôn mê say, ánh mắt ngọt ngào/ Cây chen lá đua hoa vẫy tay chào/Lá xuân đây! Ôi tình xuân lai láng”. (Khúc xuân tình). Khúc tình xuân lai láng ấy như nhựa sống của cây đời đâm chồi nảy lộc trong thơ Phượng Hoàng, và có lúc nó trỗi dậy như mạch ngầm. Và chị đã yêu, đã tận hưởng, đã sống là mình, sống hết mình để tận hưởng thứ hạnh phúc trời cho từ thuở con rắn ăn trái cấm trong vườn địa đàng. Bài thơ “Tình nhân nhé anh yêu” là một bài thơ như thế, được kết tinh bằng muôn nốt nhạc rạo rực, hân hoan, đắm say, sung sướng đến “chảy kiệt dòng ân ái”. Bên cạnh đề tài muôn thuở là tình yêu thủy chung, son sắt, tình mẹ con, anh em, bè bạn, tuyển tập thơ của các nhà thơ nữ ở Đà Nẵng lần này đã xuất hiện những đề tài mới, mang hơi thở mới của một đời sống xã hội đầy những biến động, mà trong đó, con người không tránh khỏi loay hoay với những va đập đời thường. Tác giả Bùi Mỹ Hồng thuộc số đó. Đọc thơ chị, có cảm giác như lạc vào những vòng xoáy đầy những mảnh ghép trong một “vùng tự do xám” của Đêm và Mặt trời đen. Ngay cả ngày cũng không có nắng. Và đó chính là không gian của sự dằn xóc, dồn nén:
“Gió luồn vào nỗi nhớ căng cứng
hãm hiếp hơi thở gầy xanh
Đôi chân trần nghiền ngẫm
thêm những vệt chai mới
Ngọn cỏ chúi đầu sát đất
vúng vẩy
lá lăn lắc tấp vào bờ”
(Ngày không nắng)
Trong hành trình bứt phá khỏi nỗi cô đơn, có lúc chủ thể trữ tình không thể giấu mình mãi, phải bật thốt lên:
Tình yêu, nỗi nhớ rơi vào đâu
Từng con sóng bạc đầu
Buồn sáng dần theo chiều tắt
Ngày tròn rồi mất
Còn lại những cơn đau như rễ cây
Đâm mãi vào đất hồn đã kiệt.
(Trôi)
Niềm khát khao mãnh liệt hướng tới những cái mới, muốn khám phá sự lạ lẫm đã đem đến cho thơ nữ trong “Như tiếng biển đêm” một tín hiệu của nghệ thuật ngôn từ sắc cạnh và giọng điệu phong phú. Tiêu biểu như thơ Đinh Thị Như Thúy, Đoàn Minh Châu, Khánh Hồng, Nguyễn Hải Lý, Nguyễn Thị Anh Đào, Phan Hoàng Phương, Khánh Hồng, Thương Huyền, Đoàn Minh Châu. Chỉ mấy câu trong “Một ngày mới bắt đầu”, Phan Hoàng Phương cũng thể hiện một bản ngã:
Lại đắm mình trong bao việc
Lại quên hết thảy bao điều
Lại thấy thế gian dần chật hẹp
Một ngày mới bắt đầu
Lại sợ sự yên bình nhàm chán
Sợ bao cám dỗ trên đời
Sợ ưu phiền quay trở lại
(Một ngày mới bắt đầu)
Và không thể bản ngã hơn, mãnh liệt hơn ở những câu như thế này:
Đêm
Anh chạm vào cơ thể của em
Như không thể cố gắng hơn
Như không thể giữ gìn được nữa
Như không thể giới hạn được nữa
(Buổi tối)
Khát vọng cá nhân, sự dám sống thật với chính mình đã nảy sinh xu hướng tỏ bày cái tôi nhục cảm trong các nhà thơ nữ đương đại thời gian qua với một loạt tên tuổi như Vi Thùy Linh, Trương Quế Chi, Bình Nguyên Trang, Phan Huyền Thư, Phạm Vân Anh, Ngô Thanh Vân, Lê Mỹ Ý, Tú Trinh, Lữ Thị Mai, Ngô Thị Hạnh, Trần Lê Sơn Ý. Tuyển tập Thơ nữ Đà Nẵng “Như tiếng biển đêm” cũng đã có bóng dáng của cái tôi nhục cảm, chẳng hạn như Đoàn Minh Châu với bài Nắng Đêm:
Bầu trời rỉ rả hơi ấm luồn qua kẽ tay và mắt cháy nhau
Thành lửa
Đốt mỗi tối
Chủ nhật
Em ngủ trong giấc mơ dị dạng
Eo lưng
Siết anh bằng mưa lây rây
Nghiến anh bằng mưa lây rây
Em
Sũng ướt.
(Nắng đêm)
Tôi thích cách diễn đạt cái tôi nhục cảm một cách kín đáo mà vẫn toát lên niềm đam mê mãnh liệt như thế chứ không thích sự lồ lộ, cứ muốn gào lên sự khát thèm của một số nhà thơ nữ đi theo trường phái thơ nhục cảm. Nói như ai đó, đàn bà thì muôn đời vẫn là đàn bà, tuy nhiên, người làm thơ phải luôn ý thức được người đàn bà của thơ ca nhạc họa, người đàn bà mang cốt cách Á Đông phải hoàn toàn khác. Với bài “Lời yêu”, Ngô Liên Hương chỉ có 4 câu nhưng đã phác họa được chân dung người đàn bà vừa truyền thống vừa hiện đại: “Em thánh thiện như ban mai/ Nồng nàn như trưa nắng lửa/ Mơn man hương xạ như chiều êm/ Và bí ẩn đến diệu kỳ/ Như đêm”. Và đó cũng là lý do để tôi thích bài thơ “Em vẫn là đàn bà đấy anh” của Khánh Hồng hay một vài bài của những nữ tác giả khác trong tập. Có 2 nhà thơ nữ thuộc thế hệ 8x ở trong tập thơ này tôi đặc biệt thích là Bách Mỵ và Ngô Thị Thục Trang. Tôi đã dừng lại và đọc lâu hơn những bài thơ của 2 tác giả đã cách xa thế hệ nhưng lại gặp nhau ở tố chất: là nữ tính và nữ tính sâu sắc, là sự kết hợp giữa tình yêu và nghiêm khắc, dịu dàng và kiên nghị.
Rất tiếc trong khuôn khổ thời gian hạn định, tôi không thể nói hết được những nghĩ suy của mình qua từng tên tác giả, từng bài thơ và cả không nhặt nhạnh ra được những hạt sạn. Dù phải thừa nhận đây là tập thơ có sự biên tập nghiêm túc, kỹ lưỡng nhưng tôi vẫn tiếc, giá như nó đúng với tên gọi tuyển tập, nghĩa là tinh hơn, gọn hơn, không coi đó là sân chơi tập thể thì có phải giá trị biết mấy. Vì những năm gần đây, Hội Nhà văn Thành phố cũng đã tạo ra nhiều sân chơi, là những tuyển tập thơ in riêng, những buổi ra mắt, giới thiệu riêng cho tuyển tập thì có cần phải tập hợp in chung một tác giả nhiều bài như thế không.
Dù sao thì “Như tiếng biển đêm” cũng là món quà quý cho nữ hội viên Hội Nhà văn TP Đà Nẵng và là tiếng lòng của biển “Dữ dội và dịu êm. Ồn ào và lặng lẽ. Sông không hiểu nổi mình. Sóng tìm ra tận bể" (Xuân Quỳnh). Tiếng thì thầm của Biển Đêm chính là những thanh âm trầm bổng của yêu thương, khát vọng và bứt phá trong tập thơ.
N.T.T.H