Chọn lựa tình yêu như một cách giải thoát - Tần Hoài Dạ Vũ
Thơ là nhịp cầu giúp con người bước quá cuộc đời thực, bước qua số phận và bước vào thế giới nội tâm để khám phá ra cái thế giới bên trong tưởng quen mà hóa ra còn rất lạ của chính trái tim mình; nhờ đó, có thể khám phá ra thế giới chung quanh và khám phá ra tình yêu, theo cái nghĩa rộng nhất có thể có.
Sự khám phá ấy nhiều khi, rất nhiều khi, chính là con đường dẫn đưa ta trở về lại với tuổi trẻ.
Cảm nhận đầu tiên của tôi khi đọc tập thơ NHƯ TIẾNG BIỂN ĐÊM là tập thơ tuy chứa đựng những cảm xúc chân thành, tuy nhiều khi được bày tỏ bằng một ngôn ngữ chân phương, nhưng xem ra lại không cân xứng; hay nói một cách khác, việc tuyển chọn hơi nhiều, làm loãng không khí chung của một tuyển thơ, và tạo cảm giác không cân xứng. Nhưng, tôi sẽ trở lại chuyện ấy sau.
Xuyên suốt những bài thơ của tuyển thơ NHƯ TIẾNG BIỂN ĐÊM, ta dễ dàng nhận ra cái tâm thế xao xuyến trước số phận con người của các tác giả. Trong văn học nhân loại - của cả nhân loại chứ chẳng riêng của dân tộc nào - cái tâm thế ấy gần như là nỗi ám ảnh triền miên: nỗi ám ảnh về phận người:
Bụi từ vô lượng kiếp
Gió từ vô lượng phương
Ai chạm khẽ vào lòng tôi thế
Tiếng thở dài như vệt xước
Hay là của tôi?
(Hoàng Thị Thương - Ngồi chơi với bụi)
Và còn hơn cả một nỗi xao xuyến khôn nguôi, cuộc đời thực vốn nhiều buồn hơn vui chỉ càng khiến con người thêm mong muốn khẳng định:
Chuyến tàu lại rời ga
Con sấp ngửa chạy theo mà không ai hay biết
Con biết sẽ có ngày được cùng người quay trở lại
Kiếm tìm ý nghĩa trần gian
(Phan Hoàng Phương - Rằm tháng Bảy)
Khẳng định với người cõi âm nhưng chính là Phan Hoàng Phương khẳng định với bản thân mình, khẳng định về tâm thế con người, trong hoang mang mơ hồ, mà như đang trên những bước chân đi tìm chính mình.
Có thể hiểu đây là một quan niệm sống của tác giả được không? Có thể hay không có thể, cũng còn tùy góc nhìn và quan niệm sống của mỗi người. Nhưng điều quan trọng là nhà thơ, kẻ mộng du giữa đời, đã nói điều ấy, đã bày tỏ điều ấy với cái tâm chân thành, dẫu có thể kiếp này chưa trọn cái tâm kia:
những con đường dài dẫn về ngôi nhà
con đường ngắn lại dẫn đi xa...
làng nhớ...
những con đường chênh vênh chiêm bao
những con đường lao xao hiện hữu
có đủ bốn mùa để yêu thương và nhớ
miếng ngon đời này hạnh phúc được
hy sinh!
(Bách Mỵ - Đường về nhà)
Phải rồi, có ai dám bảo kiếp này ta đã dâng trọn trái tim cho đời mà không còn có gì ân hận, cũng không còn có gì để ước mơ? Chẳng ai được như thế cả, dẫu là bậc thiên tài.
Cho nên, ta cứ hãy sống thực với lòng ta, với đời ta. Vì giọt máu của nhân loại này có bao giờ chảy ra khỏi nỗi trầm luân của thân phận con người (?). Vậy thì hà cớ chi ta lại mong đi ra ngoài lẽ đời hiện thực với bao điều xấu-tốt, sạch-dơ?
Bách Mỵ chọn một thái độ, một cách thế sống chan hòa trong cõi thật, và từ đó, tìm ra sự vượt thoát cả trí và tâm:
đêm xa làng tôi thành mẹ những con đường đã đi qua
đêm; nơi chôn nhau; vươn rộ màu yêu chân thiết
tôi thấy mình hôn lên bàn tay
bầu ngực quê hương
mẹ khóc
tôi nắm lấy tay đời nắng kịp rót bình minh
(Bách Mỵ - Bầu trời trên gối)
trí và tâm ấy luôn như có cùng một dự phóng:
con đường yêu thương hăm hở
đạp bằng gai góc
mỗi bình minh trở dạ một tiếng cười
(Bách Mỵ - Con đường)
Quan niệm sống ấy, có thể không phải của riêng ai, vì với mỗi người cầm bút, đó chính là cách thế giúp nhà thơ hòa được cái tôi nhỏ bé vào với thiên nhiên:
Lối em qua, thấp thoáng bóng mùa xuân, những ngọt ngào men ủ.
Muốn cất ý nghĩ nơi tia nắng đầu tiên không còn đau thương ngày cũ
(Thi Nhung - Xanh lại hồn nhiên)
Phải rồi, bài học đơn giản nhất của người xưa là hãy đem cái "tiểu ngã" hòa vào với cái "đại ngã". Ta có bao giờ đi ra khỏi thân phận nhỏ bé của con người, vậy thì sao không bắt chước giọt sương long lanh trên lá cỏ kia, khi nó vẫn chưa bao giờ thôi nhớ về nơi chốn đã sinh thành, ra đi? Câu thơ trầm tư của Ngô Thị Thục Trang: "vương quốc thanh bình ru giấc mơ đằm ngọt / sương thẹn thùng tan trên dù cỏ cầm tay" khiến tôi không thể không liên tưởng đến nỗi mình, vào một đêm trăng nào trên sông Hương năm xưa, đắm chìm vào cô tịch mới nhận ra cái vô lượng của lẽ thường hằng: "Trái tim ta khát vạn ngày/ Trên tay giọt nước lại đầy sông Hương" (THDV).
Điều đáng quý là thái độ sống ấy, sự chọn lựa cách thế làm người ấy của các nhà thơ nữ quy tụ nơi đây không hề được nói ra với một sự lên giọng, đại ngôn, mà ở đây chỉ là một sự bày tỏ nhẹ nhàng, tự nhiên, có chút gì đó uẩn ức, bẽ bàng; và có cả những suy tư nặng chất triết lý trước cuộc đời chưa bao giờ dễ dãi:
đã có sai lầm ở đâu đó trong chuỗi thời gian chúng ta sống
đã có điều gì đó không kịp thời
đã có cái gì đó chắn ngang đường
giá như chúng ta được lùi lại
giá như chúng ta được bắt đầu...
(Đinh Thị Như Thúy - đã có sai lầm ở đâu đó)
Nhờ thế, cái đẹp của một cách thế sống cũng là cái đẹp của tâm hồn, cái đẹp của chính câu thơ và của sự thao thức:
Đêm nay chúng có thể làm ra sự rạng ngời
bằng niềm hứng khởi trong bóng tối
(Đinh Thị Như Thúy -
Đêm nay chúng có thể làm ra sự rạng ngời)
Nếu chịu khó suy ngẫm, ta dễ nhận ra đó cũng chính là cách biểu hiện cuộc sống tâm hồn của hầu hết chúng ta, mang đậm nét văn hóa dân tộc. Bởi trong nền văn hóa thường tồn (permanence - thường tồn, chứ không phải trường tồn - éternel) của dân tộc ta luôn chất chứa vừa đạo lý vừa tình yêu cuộc sống, niềm tin vào sự tồn tại của những giá trị nhân văn và cả nỗi đam mê các thú vui bình thường của những con người luôn biết dung hợp giữa lạc thú cuộc đời và lý tưởng hướng thiện. Từ người nông dân chân đất cho đến những kẻ sĩ, những nhà thơ dân tộc, gần như tất cả đều đã giữ được cho mình cái cách thế sống ấy.
Ở một phía cảm nhận khác của tâm hồn, Hoàng Thị Thương còn tạo được cho mình một sự thức tỉnh:
Cái chết là một phần sự sống
Anh đi xa để về lại rất gần
(Hoàng Thị Thương - Dịu dàng em!)
Nhưng dẫu luôn ý thức về lẽ vô thường của kiếp nhân sinh, nhà thơ vẫn không phải không có lúc cũng băn khoăn với chính bản thân và với nẻo vô thường kia:
Ra thấu biển
Dòng sông
Quên tên mình
(Hoàng Thị Thương - Vô ngã)
Nỗi băn khoăn có tính triết học ấy, thực ra, không phải ai cũng có được, mà phải là người đã kinh qua mọi lẽ thịnh - suy, được - mất, có - không giữa cuộc đời đa đoan lắm nỗi này; rồi lại phải luôn biết tự vấn và biết rút ra cho mình bài học về thế thái nhân tình, bài học về kiếp người, thì mới có thể có được một thứ ý thức siêu hình này:
Đêm lắng nghe
Tiếng thời gian róc rách
Chảy qua
Từng sợi tóc
(Hoàng Thị Thương - Tiếng thời gian)
Và không thể giấu được sự rung động nghệ thuật, tôi yêu thích vô cùng cái âm thanh vô thanh ấy. Đây quả là một thứ thẩm mỹ siêu hình (esthétique metaphysique).
Đó hoàn toàn không phải là thái độ an phận, dàn hòa trong tư tưởng, mà thực sự là một sự "đốn ngộ" trước nỗi đời. Và để ngộ được điều ấy, tưởng chừng như các tác giả thơ nữ cùng góp mặt nơi đây đã phải trải qua những nỗi đời dằn thúc không nguôi, phải học được những bài học tưởng như giản dị mà lại vô cùng sâu sắc từ cuộc sống bình thường:
Hương sắc
đang bỏ xa năm tháng này
Xin dành lại một chút
để làm quà cho hơi thở
(Bùi Mỹ Hồng - Trôi)
Cái cảm nhận về lẽ đời có có không không ấy luôn là nỗi ám ảnh của những con người không ngừng muốn để cuộc đời mình được hướng dẫn bởi ý thức. Và nó cũng giúp người thơ luôn biết gắn cuộc sống với sự hiện hữu của muôn vật bình thường; ta chỉ có thể sống ở lúc này, ngay đây, trong phút giây này, giữa muôn vật, muôn loài; ta sống tự tại vì ta biết tìm cái vô biên trong cái hữu hạn và ta biết lặn xuống tận đáy vô hình trong cái hữu hình:
Sông đời vô tình chảy
Làn gió cũng vô tình...
Xô thuyền buông neo bến
Có phải chăng định mệnh
Hay chỉ sự tình cờ...
Cuốn thuyền đơn trôi dạt
(Phượng Hoàng - Vô tình)
Và khi đã ý thức được rằng cuộc sống là để sống, một cách hồn nhiên, chứ không phải chỉ là để suy niệm, thì tự nhiên lòng sẽ vui, hồn sẽ thanh thoát nhẹ nhàng như có cụm hoa ly của tuổi 20, "phô diễn vẻ nồng nàn / của niềm yêu không gì che giấu nổi"; bởi chính cái cánh hoa ly ấy mới là cuộc sống, mới là cái nghĩa sống chân thật:
Những hoa ly của ngày 20
Đang hồi hộp rướn căng trong bóng tối
Phô diễn vẻ nồng nàn
Của niềm yêu không gì che giấu nổi
(Đinh Thị Như Thúy - Mơ vườn lạnh)
Chính ở đây ta đã tìm thấy con người thực, ngoài con người ý thức, của người phụ nữ trong đời:
Chỉ có thể gọi là hạnh phúc
Giấu nỗi chân bước về nhà
Lúc nào cũng vui như Tết
Chia đều vợ con nụ cười làm quà
(Khánh Hồng - Gọi là hạnh phúc)
Suy cho cùng, chẳng có con người thực nào lại có thể thoát ra khỏi thất tình lục dục; nhà thơ cũng thế, cũng đã từng đau xót vì tình và từ nỗi đau xót kia lại liên tưởng đến cái mong manh của kiếp người:
Và rồi mẹ cũng đi như đã đến
Y như hạt bụi thôi mà
Mẹ là hạt bụi quẩn quanh bên con
Chạm vào thịt da ngát thơm
Con sẽ bảo gớm sao mà bụi thế
Mà không biết chính là mẹ đấy
(Khánh Hồng - Rồi mẹ cũng đi như đã đến)
Cái ý thức về cuộc sống dang dở, về thân phận mong manh ấy nhiều khi trở thành nỗi đời đau xót; đau xót ngay trong những lần, những phút hẹn hò và nhất là trong những hồi ức không nguôi về một tình yêu đã không còn tồn tại:
Buổi trưa vụn vặt giấc ngủ ngắn
buổi chiều lạo xạo thanh âm sục vào mọi ngõ ngách căn phòng
buổi tối không anh
buổi tối thừa thải bàn tay vuốt ve nếp áo...
(Đoàn Minh Châu - Chìm)
Và chính vì thế mà:
Bầu trời sau lưng em cuộn màu mắt bão
bao giờ
bầu trời sau lưng em cuộn màu mắt bão
cho đến bao giờ
(Đoàn Minh Châu - Mắt bão)
Một cảm nhận bất chợt: Ở thơ Đoàn Minh Châu, tôi cảm nhận như có nỗi rạo rực của hương nồng ái ân, của xao xuyến thịt da bồi hồi say đắm; thơ của nhà thơ nữ này khiến tôi nhớ lại những bài thơ của Trần Thy Nhã Ca thuở nhà thơ nữ xứ "Kim Long có gái mỹ miều" còn rất trẻ, mới bước vào làng thơ, ngơ ngác nhưng thấm đẫm tình yêu lứa đôi nồng nàn....
Nhưng, ngay trong cảm nhận mất mát của tình yêu đôi lứa, trong đau xót của chia lìa, ta vẫn tìm thấy tấm lòng thiết tha, nhân hậu của người phụ nữ hiền lành:
qua giấc mơ trưa
ngày ngắn kéo đêm về tựa gối
tóc mướt xanh nối thêm sợi không màu
ai dệt nỗi buồn bằng lòng trắc ẩn?
(Nguyễn Thị Anh Đào - Dệt)
Tới đây, thêm một góc cạnh nữa để ta có thể nhìn thấy, khám phá tâm tình và tư tưởng của thơ nơi các nhà thơ nữ: Ngay trong giây phút thiết tha với tình, với người và với cuộc đời nhiều đam mê, quyến rũ này, Nguyễn Hải Lý vẫn chưa lúc nào quên được sự phù du của kiếp người, vẫn chưa bao giờ thôi đằm thắm trong những mất mát và xa cách, trôi chảy của cuộc đời:
Người đàn bà cũng có nhiều đêm không ngủ
Tự cười mình ngày xưa
Có lúc mơ mình là dòng sông mải mê chảy cùng năm tháng
Là bông hoa cúc dại rực vàng trên đồi nắng
Là tiếng chim trong vắt mỗi ban mai",
(Nguyễn Hải Lý - Chuyện của người đàn bà)
dù trước sau Nguyễn Hải Lý vẫn muốn sống nhẹ nhàng, vẫn muốn quên đi những nỗi đời đau xót để thản nhiên làm ngọn gió rong chơi, trong những cơn gió thổi lại từ mọi hướng đời: "Những cơn gió về đâu / Mà dài như nỗi nhớ".
Tôi đã nói, ta có thêm một góc nhìn để ta hiểu các nhà thơ nữ của thành phố chúng ta, nhưng cũng chính từ góc nhìn ấy mà ta lại có dịp để hiểu cả chính ta, tự nhìn lại ta trong cái lẽ biến dịch không ngừng của thời gian. Và ta có thể nói rằng, cuộc sống của mỗi người và của tất cả chúng ta, là thời gian vừa mất đi nhưng cũng là thời gian vẫn còn lại. Theo tôi, ý niệm thời gian trong tâm hồn của con người chính là ý niệm về một thứ thời-gian-nối-kết (temps liés). Chính sự trộn lẫn giữa quá khứ và hiện tại ấy đã làm nên tình yêu trong chúng ta. Và đâu phải là tình cờ khi có người cho rằng, tình yêu chỉ có thể giữ được sức mạnh và vẻ đẹp quyến rũ của nó nếu óc thông minh và trí tưởng tượng có được một sự tự do sáng tạo nào đó thêm vào cho tình yêu.
Vô Biên đã có được sự sáng tạo đó trong tình yêu và trong thơ, dẫu có thể chỉ là một thứ ý thức bất chợt, như ô cửa của một đời người chật hẹp, như sự an nhiên siêu thoát rất đỗi tình cờ của một "nhịp đập thời gian/ khói bay mù xa vắng":
Người trở về từng ngày
Trong ngôi nhà có ô cửa đời mình
(Ô cửa chật hẹp một đời không qua hết)
Cầm trên tay đóa hoa hình trái tim
Cắm đầy bình đêm
Đặt cược niềm hạnh phúc
(Vô Biên - Về phía căn nhà)
Nhưng có điều không hề lạ, ở những hồn thơ này chẳng có cái gì được quân bình cả, vừa hân hoan trong tình yêu thiết tha, say đắm đó đã lại buồn rầu lơ đãng; vừa đang nghiền ngẫm về lẽ tử sinh của phận người đó, lại đã muốn làm làn mây trắng rong chơi; vừa tỏ ra hân hoan ham sống, lại đã chìm đắm trong nỗi sầu cố xứ chiều đông. Cho nên, ta có thể nói rằng, thơ của các nhà thơ nữ ĐÀ NẴNG, cũng như hồn người nơi đây, là một thực thể bất toàn (suy cho cùng, thì chính vì cuộc đời này vốn dĩ đã bất toàn!), một thứ tâm thức dở dang, một mong đợi không tới và một hoài niệm không có lối về.
Nói khác đi, đây là một thứ tâm thế cô đơn: tình yêu không bao giờ thỏa mộng, cuộc phối ngẫu thiết tha không đến, vì lẽ đời bất khả, cho nên nỗi đam mê nồng nàn chẳng bao giờ tìm thấy bến đỗ:
Em thánh thiện như ban mai
Nồng nàn như trưa nắng lửa
Mơn man hương xạ như chiều êm
Và bí ẩn diệu kỳ
Như đêm...
(Ngô Liên Hương - Lời yêu)
Nhưng để làm gì, vì rồi cũng chỉ là:
Chúng ta trượt
Và trượt
Từ một không gian
Đến một không gian
(Đinh Thị Như Thúy - Đã dịu dàng nói lời từ biệt)
Trong một sự thức tỉnh bất chợt, ta có cảm tưởng như những người thơ đang theo đuổi cuộc tìm kiếm chân tướng của tự thân (sappropre indentite'). Có chăng ở đây cái nhìn phản tỉnh về sự phi lý của kiếp nhân sinh thiếu mất bóng hình của sự cứu rỗi cuối cùng? Thật khó có câu trả lời chính xác!
Càng đọc thơ NHƯ TIẾNG BIỂN ĐÊM ta càng nhận ra rằng, trong cái không hoàn chỉnh của toàn tập thơ, có lẽ do sự chọn lựa hơi "tham lam" khiến tập thơ không có sự cân xứng về chất lượng, và mỗi tác giả cũng được chọn nhiều bài quá, khiến ngay trong thơ của một tác giả cũng không hình thành một phong cách riêng về cả nội dung và hình thức nghệ thuật...Dù vậy, nhìn nhận một cách khách quan và bằng cái nhìn rộng mở, chúng ta vẫn có thể thấy các tác giả thơ nữ, ở tuyển tập này, dù vô tình hay cố ý, đã biết chuyển ý tưởng thành ảnh tượng, tạo nên những thế tương đồng gợi ý (ngôn ngữ nghiên cứu thơ ca phương Tây gọi là analogies suggestives). Và đó chính là sự mời gọi người đọc cùng tìm cách giải mã vấn đề, cùng chọn lựa như các tác giả đã chọn lựa: chọn lựa tình yêu như một cách giải thoát cho những ức chế tự do, dẫu rằng đó có thể là một thứ ức chế vô thức.
Đà Nẵng, tiết Xuân phân năm Mậu Tuất
24.3.2018
T.H.D.V