Kiên trung - Trầm Nguyên Ý Anh

19.04.2018

Kiên trung - Trầm Nguyên Ý Anh

Trời vần vũ hứa hẹn một trận mưa kinh hồn. Sóng từ ngoài họng hàm cuồn cuộn đẩy nhau. Dòng sông có lúc hiền lành như con đò ngang vẫn ngày ngày đưa đón khách, bỗng nổi trận lôi đình. Sóng ầm ầm, mây cuồn cuộn, gió ào ạt không còn phương hướng. Cái chòi lá ọp ẹp của già Năm cũng vặn mình rên rỉ như một người đang đau đẻ. Mưa rồi! Mưa trút xuống rồi! Những hạt mưa đầu mùa đã chực chờ từ mấy ngày oi bức đang trút xuống mặt đất khô cằn với trọn vẹn sự háo hức của nó. Những ngày mưa chắc nịch, đập vào mặt già Năm ran rát. Già đưa mắt quan sát - Chắc không sao! Cái chòi còn sức chịu đựng thêm một mùa mưa nữa. Nó cũng như già - Coi còm cõi mà dai sức lắm.

Ngoài sông, mưa đã mờ mịt. Trời xám xịt một màu chì. Già Năm nhúm lửa bắc cơm. Con Vá cũng lủi vào gầm giường nằm khoanh tròn lại, mắt lim dim. Có vài giọt nước mắt đang nhỏ “tách tách” xuống khung hình cũ kỹ của bà Năm. Già Năm rút lấy hai tấm lá dừa rọc sẵn rồi leo lên bức vách chèn lại. Nhà lá thì dễ lắm - cứ đốn sẵn một mớ lá dừa nước, phơi dốt dốt để dành. Dột chỗ nào, chèn chỗ đó. Già lấy cái khăn lau bàn, lau khô chỗ ướt trên khung hình bà Năm rồi bất giác thở dài. Cái bàn thờ chỉ là hai tấm ván ghép lại, đóng chết bốn cái chưn xuống đất cho chắc ăn. Có được tấm hình là may phước lắm rồi. Có người còn không có mả mồ nhang khói. Chiến tranh mà! Còn cái gì ghê gớm và đau đớn hơn. Già lấy bịch thuốc giồng, vấn một điếu. Sống thui thủi một mình, già chỉ làm bạn với rượu và thuốc. Già không uống quá ba ly - Đó là nguyên tắc. Ngày xưa già không uống rượu. Cái thời Năm Tình còn là một trưởng ban quân báo của tỉnh đội. Cái thời mà chỉ nghe tên, đã lắm người xanh mặt. Năm Tình còn nổi tiếng gan dạ và mưu trí. Lấy vợ chưa đầy tháng đã ra đi không lưỡng lự. Trong lòng Năm Tình đau đáu một thứ trách nhiệm còn lớn lao hơn nhiều cái trách nhiệm với người vợ mới cưới - Đó là trách nhiệm với non sông. Chiến tranh đã cướp đi mạng sống của cả nhà anh. Mà không - Chính thằng Hai Mạnh hèn nhát đã dẫn giặc về liệng mấy trái lựu đạn vào nhà lúc mọi người đang  say ngủ. Anh không còn nước mắt khóc những người thân của mình. Năm xác người nằm đó. Hai người chị chưa được mặc áo cô dâu. Người anh trai đã cụt mất một chưn vừa về an dưỡng. Năm Tình đã trở thành anh hùng trong lòng bà con cô bác xã Đại Trung. Năm Tình đã là khắc tinh của giặc.

Tiếng cơm sôi ục ục khiến già Năm giựt mình. Điếu thuốc đốt rồi vẫn chưa hút, tàn thuốc dài ngoẵng như một con sâu. Già bớt lửa nồi cơm ngồi bắt chéo chưn bên cái bàn đóng bằng cây tạp.

 

Tin Năm Tình bị bắt đã chấn động cả huyện, cả tỉnh. Không phải giặc bắt mà là ta bắt. Năm Tình bị tình nghi là nhân viên phản gián của giặc. Cả ban quân báo bàng hoàng. Con cọp của rừng lá. Con sấu hung dữ nhứt của vùng sông nước. Con người của những chiến công. Có lần, anh bị vây giữa một đoàn tàu của đội giang thuyền Mỹ. Anh nằm trong khoang một chiếc ghe lưới nhỏ, dưới đống lưới còn lấp lánh  vẩy cá. Người chủ ghe là một cơ sở trung thành của ban quân báo. Chiếc ghe tắt máy. Người chủ ghe hơi biến sắc. Hai thằng Mỹ nhìn mặt người chủ ghe như để cảnh cáo. Có tiếng người phiên dịch “Có chở Việt Cộng không?”. Anh cố bình tĩnh đáp “Không! Ghe tôi đi lưới về!”. “Vậy, cá đâu?”. Người chủ ghe lôi ra mấy giỏ tre đầy ắp cá. Những con cá vẫn còn hấp háy mắt và nhịp nhịp đuôi. Mấy chục cặp mắt đều đổ dồn vào đống lưới. Năm Tình nín thở. Cái giây phút nguy nan nhứt là đây. Chỉ một sơ suất nhỏ là chết. Không phải mình anh chết mà cả người chủ ghe. Đoàng! Đoàng! Hai tiếng súng bất thần vang lên - nhanh và chính xác. Đó là hai phát súng của tên giang cảnh Mỹ vốn tính kỹ càng. Chúng bỏ đi khi không tìm được điều chúng muốn.

Năm Tình trúng đạn rồi. Một viên ở bắp chưn và một viên ở bả vai. Máu chảy nhiều lắm, nhưng Năm Tình vẫn cắn răng chịu đựng. Anh nhận hai viên đạn và biết mình đã thoát. Khi ghe lưới đã chạy xa khỏi vùng nguy hiểm, anh ngất xỉu.

 

Năm Tình bị giam giữ ở khu biệt giam trong rừng lá. Cái cảm giác bị vu là phản bội, là tay sai giặc còn đau đớn hơn mấy lần trúng đạn giặc. Anh biết Đảng không sai nhưng các đồng chí của mình sai. Anh không biết tại sao cơ sự lại như vậy. Qua bao lần hỏi cung, anh vẫn một lời: “Tôi không làm CIA cho giặc. Tôi một lòng với Đảng. Nếu không tin, các đồng chí có thể xử bắn tôi!”. Chuyện đời làm sao lường hết được. Chuyện trong thời chiến còn phức tạp hơn. Anh đâu biết cái tên Hai Mạnh khi ra chiêu hồi là người đã tung tin giả - Anh là nhân viên phản gián. Chúng không diệt được anh, chúng dùng kế ly gián trong hàng ngũ những người hết dạ trung kiên. Cho dù anh chưa bị xử, nhưng anh đã bị bắt. Ban quân báo tỉnh đội mất con chim đầu đàn. Một số anh em cũng hoang mang, nhưng hầu hết đều không tin anh là tay sai giặc. Kẻ thù vốn có nhiều thủ đoạn tinh vi. Hàng ngũ ta có người trung thành thì cũng có kẻ phản bội. Người ta bàn tán - Tại sao mấy lần tổ chức đánh vào đặc khu X, bên ta đều thất bại. Tổn thất của những lần đó không nhỏ. Tại sao cái lần bị đám giang cảnh Mỹ vây trên sông, anh không bị bắt. Mấy chục cặp mắt tinh tường sao không phát hiện anh dưới đống lưới. Người ta không nghĩ được điều này - Mỗi người đều có cái số mạng và cái mạng của một người anh hùng thường gặp may như vậy đó.Cái vòng nghi ngờ càng ngày càng xiết chặt Năm Tình, để cuối cùng là quyết định tạm giam anh.

Mưa đã tạnh. Trời sụp tối. Già Năm đốt ngọn đèn chong đặt trên bàn rồi dọn cơm. Già hơ lại mấy con khô trên than cho nóng. Con Vá nghe mùi khô, ngồi bật dậy, nhìn già - Chờ đợi. Người và vật ăn ngon lành. Con Vá vừa ăn vừa ngoắc ngoắc cái đuôi. Già Năm rót đầy ly rượu. Ngoài sông, có tiếng máy của mấy chiếc ghe lưới về. Tiếng máy âm vang trên sóng nước tạo nên một thứ âm thanh buồn buồn trên dòng sông đã mờ mờ sương khói.

 

Năm Tình vừa ngoi ngóp tỉnh dậy trong đống bùn đặc sệt. Đầu tóc, mặt mũi anh đầy bùn. Lồng ngực còn nghe tưng tức. Đợt bom kéo dài hơn nửa tiếng. Cả khu căn cứ rừng lá chắc đã nhão ra như một đống hồ vừa trộn xong. Chúng phải tận diệt khu căn cứ này thì cái đặc khu X mới yên. Cái đặc khu như cái rún của huyện. Mọi con đường liên lạc với đặc khu đều bị cắt đứt, chỉ còn đường hàng không. Mọi thứ viện trợ cho đặc khu đều bằng trực thăng. Vậy nên, chúng phải tiêu diệt cho kỳ được cái chiến khu rừng lá này - Cái nôi của Việt Cộng. Mọi sự nguy hiểm của đặc khu X đều bắt nguồn từ đây. Khi còi báo động đợt một vang lên, các phạm nhân theo lịnh của giám thị được sơ tán. Nhưng khi mọi người vẫn chưa kịp chuẩn bị thì đợt bom đầu đã trút xuống. Tiếng ầm ào long trời lở đất. Tiếng kêu la chói tai hòa trong tiếng bom nghe rợn người. Năm Tình bằng cái nhạy bén của một chiến sĩ quân báo đã tìm được một chỗ núp tương đối an toàn. Hai tay anh vẫn còn bị còng. Anh đã kịp nhận biết mọi điều khi tiếng máy bay đã xa dần ra biển.

Cả trại giam hơn bảy chục người vừa phạm nhân vừa cán bộ, nay gom lại sau đợt bom chỉ còn chưa tới hai chục. Một số chết. Một số bị thương. Một số lợi dụng tình hình hỗn loạn đã tìm đường trốn khỏi căn cứ - Có thể họ ra đầu hàng. Năm Tình lê chân đầy những vết cắt của gai rừng nhắm trại giam trở về. Mặt mũi anh như được nắn bằng đất sét, mình mẩy ê ẩm. Người giám thị trưởng nhìn anh kinh ngạc. Trại giam tạm thời ổn định lại. Ở bên trại chỉ huy, mọi người nhỏ to bàn tán: “Sao thằng chả không thừa lúc này mà chạy đi. Về chiêu hồi cũng tốt chớ sao lại về ở tù”. Một gương mặt đăm chiêu, cái miệng ngập ngừng rồi mới lên tiếng: “Như vậy càng đáng nghi hơn. Có thể nó là loại được đào tạo đặc biệt. Nhân cơ hội lấy lòng tin của mình. Càng phải cảnh giác hơn”.

Ở trong trại biệt giam còn ngập ngụa mùi tanh của máu, Năm Tình mở to mắt nhìn vào khoảng không vô định. Chỉ có trái tim anh mới hiểu hết những gì anh làm.Anh phải trở về để chứng tỏ sự trong sạch của mình. Anh phải trở về để một ngày nào đó người ta hiểu anh là một người Cộng Sản trung kiên và anh lại được cầm súng đánh giặc, trả thù nhà nợ nước.

 

Miền Nam hoàn toàn giải phóng. Năm Tình đã bước qua tuổi bốn mươi. Anh đã ở trong trại giam rừng lá tám năm. Tám năm kiên trì chịu đựng chỉ với một suy nghĩ không hề lay chuyển “Sẽ có ngày anh được minh oan”. Tám năm với bao đợt rét rừng, với bao hiểm nguy rình rập. Trong cái vóc người hơi nhỏ nhắn kia lại chứa đựng một sức chịu đựng phi thường. Giả sử anh chết vì bịnh, chết vì bom giặc thì trái tim trung kiên của một người Cộng Sản liệu có làm xúc động những kẻ vô tâm. Có lẽ vì vậy mà anh không chết được, cái sức mạnh kỳ lạ trong con người anh, tấm lòng thiết tha với non sông đất nước, nỗi oan ức mong có lúc được giãi bày đã giúp anh có thể sống và chờ đợi cái ngày đất nước không còn bóng giặc.

Năm 1976, Năm Tình được trả tự do. Người ta không thể tiếp tục giam giữ anh, nhưng cũng không nói vô tội. Anh chỉ  được ra khỏi trại giam như một người đã thi hành án tù xong. Tóc trên đầu đã bạc quá nửa. Cái cường tráng trong con người của một chiến sĩ quân báo cũng không còn. Năm Tình về lại quê xưa, vui mừng vì đất nước đã không còn bóng giặc, buồn vì mình vẫn chưa được minh oan. Người vợ trẻ nếu cộng lại chưa được một tháng sống bên nhau, cũng chết vì bom giặc. Quê hương anh đã thay da đổi thịt. Những người quen biết và đồng đội cũ cũng nhìn anh dè dặt. Người ta không muốn chạm tới anh. Anh không được mời tham dự bất kỳ cuộc họp hay lễ lộc gì ở xã. Anh sống như một bóng ma đè nặng nỗi oan quá khứ.Anh bỏ nền đất cũ, về cất cái chòi sát bờ sông. Anh sống bằng nghề câu lưới trên sông và bơi xuồng đi bán ở chợ xa hơn. Anh không buồn tiếp xúc với những người quen biết cũ.

Năm 1995, đột ngột có một đoàn cán bộ của tỉnh về làm việc với xã. Những người có mặt trong buổi họp bàng hoàng. Năm Tình được công nhận là vô tội. Người ta tìm ông, muốn biết ông ở đâu để chuộc lỗi. Vài ánh mắt nhìn nhau ra hiệu. Tay chủ tịch xã nhìn anh bí thư. Cuối cùng, anh bí thư lên tiếng “Đã nhiều năm rồi, không thấy ổng trở về. Nghe đâu ổng về miệt Năm Căn Cái Nước gì đó lâu rồi, không biết sống chết ra sao”. Đoàn cán bộ tỉnh căn dặn: Nếu có biết tin tức của Năm Tình thì báo cáo về tỉnh. Mọi người dạ dạ...

Buổi họp đặc biệt gồm các vị có chức quyền ở xã. Tư Tôn - Bí thư, khẽ khàng: “Buổi sáng các đồng chí đã rõ rồi. Tỉnh đã quan tâm tới chuyện này. Năm Tình vốn không được anh em chiếu cố, y sống một mình chẳng cần tới ai. Bây giờ, nếu để trên công nhận y vô tội và còn phục hồi lại quyền lợi chính trị thì không biết chuyện gì xảy ra cho tụi mình. Chi bằng cứ coi như không thấy y, không có y trong cái xã hẻo lánh này thì rồi chớ gì!”. Mọi người đều đồng tình. Dẫu sao, Năm Tình cũng tự tách mình ra khỏi cộng đồng. Bây giờ, y khác nào một bóng ma. Có hay không có y trên đời này, đâu ăn nhằm gì tới ai. Trên mặt những con người đã một thời là đồng chí của Năm Tình hiện lên những nét mãn nguyện. Họ đã mặc nhiên khai tử một con người - Một con người lẽ ra phải được hưởng mọi đều tốt đẹp nhứt mà đất nước dành cho ông.

 

Giao thừa thiên niên kỷ. Đêm giao thừa cuối cùng của thế kỳ 20. Đêm giao thừa cả nhân loại chờ đợi. Ai cũng vui. Ai cũng nao nức vì mình đã có mặt trên đời này trải qua hai thiên niên kỷ. Pháo hoa đầy trời. Cả trái đất vui mừng. Người ta tổ chức liên hoan. Người ta nâng ly chúc tụng nhau những lời chúc tốt đẹp nhứt.

Trong cái chòi ọp ẹp bên bờ sông ì ầm sóng gió, già Năm đang chống chọi với cơn đau. Già không sợ chết. Cái chết không làm già sợ lúc còn trai trẻ thì sá gì khi đã tới tuổi này. Những chấn thương cũ. Những nỗi đau giằng xé âm thầm. Những tháng ngày sống trong nỗi cô đơn. Những hoài vọng mãi mãi là hoài vọng... Bây giờ, nhìn trước ngó sau, già còn có gì? Có lẽ chỉ duy nhứt một thứ là tấm lòng trung kiên bất khuất như đốm lửa vẫn còn le lói ở trong tấm thân già nua bịnh tật. Con Vá quanh quẩn bên già. Nó thấy chủ nó lạ quá! Nó linh cảm điều gì đó chẳng lành. Nó nhìn già bằng cái nhìn buồn bã. Già nằm xoay về phía nó và lẩm bẩm những điều như trăng trối, như đang nói với một người thân: “Tao sắp đi rồi Vá ơi! Từ đây, mày phải tự lo cho mình. Đời tao, chết không gì ân hận. Tao đã sống đàng hoàng tử tế. Trước kia, tao còn mong có ngày người ta biết mình trong sạch - Bây giờ thì không. Tao tự biết mình là đủ. Tao tự thấy mình xứng đáng là một người cách mạng là đủ. Bây giờ, tao còn có mày. Ít ra, trong giây phút ra đi, còn có ánh mắt buồn thương của mày dành cho tao. Tốt rồi phải không Vá?”.

Tiếng đì đùng ăn theo của mấy tay du kích xã làm già Năm tỉnh lại giây phút. Nhưng rồi, già lại chìm vào một cơn mê bất tận. Già thấy mình trong những trận đánh. Già thấy cảnh năm người trong gia đình nằm chết thảm thương. Già thấy mình trong trại giam. Già thấy mình đi trong đoàn quân giải phóng. Rồi già thấy mình bay... bay giữa bầu trời đầy những cánh chim bồ câu và mây trắng.

T.N.Y.A

Bài viết khác cùng số

Sao mình không về Hòa Xuân sớm hơn… - Nguyễn Hải LýVũ công - Bashir Sakhawarz (Afghanistan)Khe trời - Kiều GiangKiên trung - Trầm Nguyên Ý AnhMiền sương trong - Nguyễn Thị Anh Đào“Huyền thoại những cây cầu” - Phạm Thị Hải DươngKý ức thành phố tiếng còi tàu - Trần Trung SángMột Hội An, một lời ru - Ngân VịnhNgày rộng - Nguyễn Nhã TiênGiữa những giới hạn - Nguyễn Hoàng ThọThơ Lê Ái NiệmSau cái tư lự của gió - Hồng Thủy TiênBên thềm chiều - Nguyễn Hoàng SaNiệm - Kim DungNgày thường - Nguyễn Đông NhậtĐàn bà - Trần Trúc TâmThơ Xuân CừThơ Huệ ThiTản mạn về tiếng Quảng - Bùi Văn TiếngDiễn ngôn tính dục trong sáng tạo văn học về đề tài lịch sử Việt Nam đương đại - Nguyễn văn HùngPhan Tứ - hành trình sáng tạo và khát vọng khẳng khiu cuối đời - Trịnh Thị Vân Dung, Phạm Phú PhongThơ và thơ nữ của chúng ta - Hoàng Hương ViệtPhải chăng tiếng Việt đang “thất thủ” trên sân nhà? - Diệp Dân Hùng“Vạt nắng cuối chiều” của Trương Công Mùi - Hoàng LiênNgược dòng - bao nỗi đắng cay -Trịnh Đình Nghi Như tiếng biển đêm: yêu thương, khát vọng và bứt phá - Nguyễn Thị Thúy HồngChọn lựa tình yêu như một cách giải thoát - Tần Hoài Dạ VũThơ nữ Đà Nẵng, một tập hợp đa thanh - Huỳnh Văn HoaHành trình đến với thơ hay - Bùi Văn TiếngNSNA Thân Nguyên: Nghệ thuật là lưu giữ khoảnh khắc “cựa mình” của nhân vật - Huỳnh Thạch Hà