“Huyền thoại những cây cầu” - Phạm Thị Hải Dương

19.04.2018

“Huyền thoại những cây cầu” - Phạm Thị Hải Dương

1. Trong đời sống, những gì lặp đi lặp lại thường dễ khiến xung quanh nhàm chán. Song, vẫn có những thứ lặp lại, mỗi lần “đến hẹn lại lên” sẽ khiến số đông hứng khởi và chờ đợi nhiều hơn. Cảm giác này hao hao giống tâm trạng của một chàng trai nóng lòng gặp lại ý trung nhân sau lần đầu chạm mặt. Hẳn, điều được đợi chờ ấy cũng giống như cô gái được yêu kia, luôn biết tự làm mới mình để ngày một trở nên đặc sắc, hấp dẫn hơn. Nơi tôi đương sinh sống, thành phố biển Đà Nẵng khỏe khoắn và trẻ trung, tới đây sẽ đón một sự kiện thường niên - “cô gái đẹp” làm rung động biết bao trái tim từ khắp các châu lục mỗi lần trở lại - Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2018 (Da Nang International Fireworks Festival- DIFF 2018).

Sở dĩ nói Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng là sự kiện thường niên bởi tới nay, pháo hoa Đà Nẵng đã song hành cùng thành phố này suốt gần một thập kỷ. Năm 2008, khi tôi vừa học xong lớp 8, vẫn còn là đứa nhóc con chỉ thấy pháo hoa trên tivi thì ở Đà Nẵng biết bao nhiêu cô cậu lớp 8 như tôi đã được hướng mắt lên bầu trời, chiêm ngưỡng đại tiệc pháo hoa chưa từng có ở Việt Nam. Sau này, khi đã “ngang nhiên” cầm thẻ ra vào khu vực tác nghiệp báo chí, tôi hay quay lưng lại nhìn khán đài xem pháo hoa phía sau mình - nơi già trẻ lớn bé ở khắp trong ngoài thành phố, trong ngoài biên giới đang phấn khích chiêm ngưỡng pháo hoa - mà tưởng tượng. Những cô cậu lớp 8 năm xưa chắc đứng ngồi không yên, mắt tròn mắt dẹt khi trước mắt là những hình thù đặc sắc như phượng bay, thiếu nữ, những đóa hoa đẹp mắt bung tỏa trên không trung, hòa quyện với nền nhạc và hiệu ứng mặt nước khiến những màn pháo hoa tầng cao, tầng trung và tầng thấp trở thành cảnh tượng làm say đắm lòng người. Đại tiệc “Vũ điệu Tiên Sa - Tien Sa’s Dance” tại cầu cảng sông Hàn năm xưa hẳn đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân bản địa và du khách gần xa. 

Pháo hoa thì không xa lạ với đại đa số người trên Trái Đất. Tuy nhiên, để có được những mùa pháo hoa tầm cỡ, uy tín, trở thành điểm sáng thu hút du lịch, góp phần tăng trưởng cho địa phương và quốc gia thì chỉ có một vài đất nước làm được như Đà Nẵng. Trong một vài cái tên như Montreal (Canada), Pohang (Hàn Quốc), Sydney (Australia)... tôi đặc biệt lưu ý đến mùa pháo hoa tại xứ sở Phù Tang, bởi pháo hoa ở Nhật cũng có vài nét tương đồng với DIFF tại Đà Nẵng. Cả hai đại tiệc đều được chuẩn bị rất công phu, kéo dài thành mùa, gắn với các sự kiện giải trí, quảng bá văn hóa của mỗi vùng đất. Nếu DIFF ở Đà Nẵng chọn mặt nước sông Hàn để phô diễn hiệu ứng thì Nhật Bản lại lấy ưu thế của con sông Sumida, chảy ngang qua khu dân cư ở thủ đô Tokyo để biến Hanabi - lễ hội pháo hoa lớn nhất Nhật Bản - trở thành đặc sản du lịch bên cạnh lễ hội Hoa Anh Đào vào tháng 4.

Có vài điểm thú vị ở Hanabi khiến tôi đặc biệt thiện cảm. Tôi tin, nhiều người mong muốn có được trải nghiệm tuyệt vời như vậy khi chiêm ngưỡng lễ hội pháo hoa ở bất kỳ đâu trên thế giới. Thay vì tăng giá dịch vụ, hầu hết các cửa hàng bách hóa, trung tâm mua sắm ở Tokyo đều thực hiện chiến dịch siêu khuyến mại trong suốt thời gian diễn ra Lễ hội Hanabi. Giá hàng hóa được giảm 50%, thậm chí 70% so với giá ban đầu. Hanabi được khai mạc vào tháng 7, nhưng ngay từ đầu tháng 6, một số trang mạng uy tín của Nhật đã cho đăng tải tỉ mỉ những nơi diễn ra lễ hội, pháo hoa sẽ bắn bao nhiêu quả, trong vòng bao nhiêu phút. Điểm lý tưởng và cách đi đến để vui chơi, ngắm pháo hoa. Tất cả để tạo cảm giác thoải mái nhất, vui vẻ nhất khi du khách đến Nhật Bản vào tháng 7. Trộm nghĩ, nếu Đà Nẵng có được bước chuẩn bị khéo léo như người Nhật, thì khán đài pháo hoa 21.000 chỗ ngồi có lẽ sẽ phải mở rộng và nâng cấp trong những mùa pháo hoa sắp tới!

2.

Cứ nhắc pháo hoa Đà Nẵng thì tôi lại nhớ tới rượu Sake - thức uống quốc hồn quốc túy của xứ sở Mặt Trời mọc. Người không hiểu sẽ nghĩ, Sake với Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng thì có gì liên quan tới nhau mà liên tưởng. Nhưng nếu bạn như tôi, vừa thích nhấm nháp và ngửi rượu Sake, vừa thích ngắm pháo hoa trên khán đài 21.000 chỗ ngồi thì sẽ có ngay câu trả lời.

Để có được những giọt Sake thơm nức lòng, người Nhật dùng gạo Sakamai được xay xát kỹ lưỡng cộng với thứ nước nửa cứng có ít sắc và magie để nấu. Dưới tác động của khuẩn Koji và men rượu, Sake trở nên nổi tiếng và chiều lòng được rất nhiều người. Pháo hoa ở Đà Nẵng cũng vậy. DIFF sẽ không trở thành “đặc sản” nếu chỉ có tiếng pháo nổ đùng đoàng vài ba giây rồi tắt ngấm trên nền trời đen đặc. Pháo hoa Đà Nẵng là sự kết hợp của: hiệu ứng pháo - hiệu ứng âm thanh - hiệu ứng ánh sáng. Cũng như nguyên liệu nấu rượu Sake, hiệu ứng pháo hoa, âm thanh và ánh sáng hòa quyện, đan cài với nhau. Mỗi sự thay đổi nhẹ về kết cấu, thứ tự phát pháo, cách chọn nền nhạc trên mặt nước sông Hàn sẽ tạo nên mỗi sản phẩm khác nhau. Cũng giống như vị của rượu Sake sẽ thay đổi tùy theo chất lượng của gạo và nước, chất lượng của men, điều kiện thời tiết khi ủ rượu, nhiệt độ ủ, cũng như kỹ thuật của người ủ rượu. 

Tính toán để cho ra một mẻ rượu cũng giống như tính toán để cho ra một màn trình diễn pháo hoa ấn tượng nhất. Rượu Sake thiên biến vạn hóa từ sake lạnh, sake nóng; sake cho nam, sake cho nữ; sake các cấp độ: Daiginjo, Ginjo, Nigori, Genshu, Nama... Trong khi đó, những màn trình diễn pháo hoa trong suốt 8 năm qua tại Đà Nẵng cũng thiên biến vạn hóa không kém. Cũng từng ấy “nguyên liệu” như nấu rượu, mỗi đội thi lại mang đến một phần trình diễn khác nhau. Chưa có phần thi nào trùng lặp hoặc thiếu đi cá tính của mỗi đội.

Nhắc tới đây, tôi lại nhớ tới màn trình diễn đem về ngôi vị cao nhất cho đội Canada vào mùa pháo hoa quốc tế đầu tiên. Khi ấy trên các loạt báo đều ca ngợi phần trình diễn quá ngoạn mục và đầy cảm xúc của đội tuyển Canada. David Whysall - nhà thiết kế của đội tuyển này đã sử dụng các ca khúc nổi tiếng như Chúa tể vũ hội của Ronan Hardman, Mắt cọp Survivor, Trái tim em luôn thổn thức của bộ phim Titanic nổi tiếng, Chinh phục thiên đường Vangelis... phối hợp với nhịp trống và các khoảng ngắt âm trong suốt chương trình, khiến người xem đi từ đê mê, day dứt, tiếc nuối, thất vọng, giận dữ đến vỡ òa trong mạch cảm xúc mà David Whysall đã dẫn dắt.

Bạn sẽ có được mọi cảm xúc như trên nếu thử một chén Sake nóng trên tầng hai của một quán ăn thuần Nhật Bản. Bên ngoài trời mưa lâm thâm. Những giọt nước là tà rơi xuống mặt đường được phủ dát vàng của đèn đường phố thị. Nhâm nhi một lát sashimi và trứng cá hồi, nghe mù tạt xộc lên tận mũi... đảm bảo bạn sẽ “khoái” y như lúc thưởng thức màn pháo hoa đặc sắc của David Whysall! Bởi lẽ, dù là đại tiệc pháo hoa giữa mùa nắng tháng 3, tháng 4 hay bữa rượu Sake ngày đông lạnh lẽo, thì “chúng” đều biết tự điều chỉnh mình để chiếm được thiện cảm của tất cả mọi người.

3.

Đà Nẵng lại sắp bước vào một mùa pháo hoa mới. Cứ mỗi khi tháng 4 về, pháo hoa lại bừng dậy như sự kiện khai mạc mùa lễ hội mới trên mảnh đất Tourane kiêu hùng. Mỗi người dân, mỗi du khách đến với Đà Nẵng như bận bịu hơn. Người bản địa bận chăm chút dịch vụ, đào tạo lực lượng, chuẩn bị cơ sở vật chất, rà soát các phương án phục vụ. Khách thập phương đến Đà Nẵng lại bận rộn với những vũ điệu đường phố, đắm chìm vào tiệc đêm với ánh sáng lung linh từ khắp mọi ngả đường. Dù là khách đến muộn hay sớm, dù công tác chuẩn bị phục vụ Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2018 đã tươm tất hay còn dang dở, tất cả đều có chung một niềm háo hức khó tả trước khi đại tiệc bắt đầu.

Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng lần thứ 9 do SunGroup đăng cai tổ chức sẽ diễn ra với nhiều điểm mới mẻ hơn. DIFF hứa hẹn sẽ như một “cô gái đẹp” biết thay đổi màu áo để mình trở nên đặc biệt lôi cuốn. Với chủ đề “Huyền thoại những cây cầu”, DIFF năm nay sẽ diễn ra trong vòng hai tháng, bắt đầu từ 30/4/2018 đến hết 30/06/2018, bao gồm 5 đêm thi với 5 chủ đề: Tình yêu, Thời gian, Hạnh phúc, Khát vọngHữu nghị, cùng sự góp mặt của 8 đội thi đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Việt Nam, Ba Lan, Italia, Mỹ, Hồng Kông (Trung Quốc), Pháp, Thụy Điển và Bồ Đào Nha. DIFF 2018 sẽ kể với chúng ta câu chuyện văn hóa của các nước tham dự. Mỗi đội pháo hoa tham dự DIFF 2018 cũng biểu trưng cho một nhịp cầu xây nên cây cầu hữu nghị, hòa bình, kết nối năm châu, kết nối tới tương lai.

DIFF 2018 cũng với tổ hợp khán đài riêng nhưng sẽ được thiết kế theo mô hình và công nghệ mới. Ngoài khán đài A được mở rộng hơn so với năm ngoái, trước các khán đài khác đều có màn hình LED kích thước lớn để khán giả có thể theo dõi những màn trình diễn nghệ thuật đặc sắc trên sân khấu. Người cầm trịch cho DIFF năm nay là đạo diễn  Đỗ Thanh Hải. Chia sẻ với báo giới, ông hứa hẹn sân khấu mỗi đêm trình diễn pháo hoa sẽ được thổi bừng sức trẻ, sự sáng tạo cùng những chương trình nghệ thuật sôi động, đặc sắc với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tên tuổi hàng đầu sẽ mang đến cho DIFF 2018 những giây phút thăng hoa cùng nghệ thuật. Tất cả các đêm pháo hoa sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam.

Đồng hành cùng DIFF 2018 sẽ là hàng loạt chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố tại các điểm vui chơi công cộng của Đà Nẵng, trong suốt hai tháng diễn ra lễ hội. Náo nhiệt và được mong chờ nhiều nhất có lẽ là lễ hội đường phố. Thành phố Đà Nẵng sẽ ngập trong vũ điệu của màu sắc, âm thanh và ánh sáng. Những xe mô hình đặc sắc, những màn trình diễn nghệ thuật của các nghệ sĩ trong và ngoài nước đại diện cho mỗi quốc gia sẽ đưa du khách xuống đường, hòa mình vào dòng người trẩy hội và tận hưởng một không gian lễ hội náo nhiệt.

Đà Nẵng luôn năng động trong việc phát triển ngành công nghiệp không khói và xây dựng thương hiệu du lịch riêng cho mình. Các giá trị thu hút khách du lịch được kết tinh bởi khối óc và tình yêu thành phố của con người nơi đây. Đầu tư và đẩy mạnh du lịch bằng nhiều hình thức đa dạng suốt cả năm, mà điển hình là DIFF - Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng đã giúp cho ngành du lịch Đà Nẵng phát triển ngày càng mạnh mẽ. Hy vọng DIFF 2018 tiếp tục ghi dấu ấn nên thơ trong trái tim mỗi người về với Đà Nẵng trong mùa lễ hội năm nay.

P.T.H.D

Bài viết khác cùng số

Sao mình không về Hòa Xuân sớm hơn… - Nguyễn Hải LýVũ công - Bashir Sakhawarz (Afghanistan)Khe trời - Kiều GiangKiên trung - Trầm Nguyên Ý AnhMiền sương trong - Nguyễn Thị Anh Đào“Huyền thoại những cây cầu” - Phạm Thị Hải DươngKý ức thành phố tiếng còi tàu - Trần Trung SángMột Hội An, một lời ru - Ngân VịnhNgày rộng - Nguyễn Nhã TiênGiữa những giới hạn - Nguyễn Hoàng ThọThơ Lê Ái NiệmSau cái tư lự của gió - Hồng Thủy TiênBên thềm chiều - Nguyễn Hoàng SaNiệm - Kim DungNgày thường - Nguyễn Đông NhậtĐàn bà - Trần Trúc TâmThơ Xuân CừThơ Huệ ThiTản mạn về tiếng Quảng - Bùi Văn TiếngDiễn ngôn tính dục trong sáng tạo văn học về đề tài lịch sử Việt Nam đương đại - Nguyễn văn HùngPhan Tứ - hành trình sáng tạo và khát vọng khẳng khiu cuối đời - Trịnh Thị Vân Dung, Phạm Phú PhongThơ và thơ nữ của chúng ta - Hoàng Hương ViệtPhải chăng tiếng Việt đang “thất thủ” trên sân nhà? - Diệp Dân Hùng“Vạt nắng cuối chiều” của Trương Công Mùi - Hoàng LiênNgược dòng - bao nỗi đắng cay -Trịnh Đình Nghi Như tiếng biển đêm: yêu thương, khát vọng và bứt phá - Nguyễn Thị Thúy HồngChọn lựa tình yêu như một cách giải thoát - Tần Hoài Dạ VũThơ nữ Đà Nẵng, một tập hợp đa thanh - Huỳnh Văn HoaHành trình đến với thơ hay - Bùi Văn TiếngNSNA Thân Nguyên: Nghệ thuật là lưu giữ khoảnh khắc “cựa mình” của nhân vật - Huỳnh Thạch Hà