Sao mình không về Hòa Xuân sớm hơn… - Nguyễn Hải Lý

19.04.2018

Sao mình không về Hòa Xuân sớm hơn… - Nguyễn Hải Lý

Một người rất yêu phố bỗng hơn nhiều lần nghĩ và thốt lên như vậy chẳng qua là vì cảm thấy lòng mình quá tha thiết với Hòa Xuân mà thôi!

Mười tám năm về trước tôi chọn Đà Nẵng là nơi học tập, rồi quyết định ở lại đây làm việc và gắn bó bởi có quá nhiều ân tình với thành phố này. Gia đình nhỏ của tôi rời ngôi nhà đầy ắp kỷ niệm giữa lòng phố sau hơn chục năm sinh sống để về với mảnh đất Hòa Xuân vào một ngày tháng tư đất trời ngập tràn nắng mới và gió mới. Đất và người Hòa Xuân đón chúng tôi bằng tất cả sự thật thà vốn có của mình. Những con đường thẳng tắp như thênh thang hơn vì vắng người và xe cộ lại qua. Những vườn rau, lùm chuối xanh um mát mắt nằm xen lẫn với những ngôi nhà mới khang trang, đẹp đẽ. Những cơn gió lành ngọt ngào bất kể sớm, trưa, chiều... Và đặc biệt là những giọng nói, những ánh mắt người chân chất, hồn hậu như chờ đợi cuộc hội ngộ này đã từ lâu lắm.

Chẳng hiểu sao cho đến bây giờ, sau thời gian đã gắn bó, tôi vẫn giữ nguyên cảm giác ban đầu khi về Hòa Xuân. Rằng nơi đây không khác gì một vùng ngoại ô của một đất nước hiện đại nào đó trên thế giới mà tôi hay tưởng tượng qua sách vở hoặc gặp trên phim ảnh, là những miền quê mà những người giàu sang ở trung tâm các thành phố thường có một ngôi biệt thự ở đó để cả gia đình cùng về nghỉ ngơi thư giãn vào cuối tuần hay các kỳ nghỉ.

Tự nhiên tôi lại hình dung Hòa Xuân thời mà thành phố còn chưa có những cây cầu. Cũng chỉ cách hơn chục cây số là đến trung tâm Đà Nẵng nhưng chắc hẳn hồi ấy nơi đây là một vùng đất với những xóm làng, đồng ruộng bao la xanh ngát cây cối yên bình, xa xôi và khá biệt lập với phố. Người dân chẳng mấy khi xuống phố, nếu cần mua bán gì mà vùng Hòa Xuân không có thì người ta chỉ cần xuống đò qua bên Cẩm Lệ là sẽ có đầy đủ mọi thứ phục vụ cho nhu cầu của cuộc sống bình thường.

Còn giờ đây, khi những cây cầu hiện đại mọc lên nối liền đôi bờ thì từ Hòa Xuân chỉ cần chạy qua cầu Hòa Xuân hoặc cầu Nguyễn Tri Phương là có thể về phố không xa bằng các con đường khác nhau như Nguyễn Hữu Thọ, Cách Mạng Tháng Tám... Mỗi buổi sớm qua cầu sang nơi làm việc bên đường Nguyễn Hữu Thọ, lòng tôi lâng lâng hòa vào những đoàn người và xe nườm nượp đổ về phố đi làm, đi học và buổi trưa hay buổi chiều trở lại Hòa Xuân cũng vậy, thấy khoảng cách Hòa Xuân và phố hoàn toàn đã được nối liền gần gũi. Tuy vậy, chỉ cách nhau hơn một cây số giữa bên này cầu và bên kia cầu thôi, tôi vẫn cảm nhận rất rõ cái vẻ hoang sơ, thanh bình rất riêng của Hòa Xuân với những cánh cò thong thả kiếm ăn trên bãi bồi hay đậu trắng các ngọn cây ven sông, tiếng cá quẫy roi rói dưới lồng bè, sương mờ lãng đãng mặt nước…

Hòa Xuân hôm nay, con sông Cẩm Lệ vẫn êm đềm uốn lượn bao lấy những khu phố mới san sát nhà cửa đẹp đẽ và hiện đại. Là phường duy nhất của thành phố không có ngõ hẻm, tất cả các ngôi nhà ở Hòa Xuân đều trở mặt ra những con đường có lề có lối, khang trang và sạch sẽ. Bên cạnh lớp công dân trẻ từ khắp mọi miền đất nước về Đà Nẵng sinh sống và làm việc đã chọn Hòa Xuân làm nơi ở, mang theo về đây những đặc trưng, những nếp sống vùng miền khác nhau góp phần làm phong phú cho vùng đất này thì người dân gốc nơi đây vẫn gìn giữ được những nề nếp sinh hoạt vốn có từ lâu đời làm cho Hòa Xuân hoàn toàn khác với những vùng khác trong thành phố. Nhưng để bắt nhịp với sự thay đổi của một khu đô thị mới, đa số người dân ở Hòa Xuân đang tập thích nghi dần với cuộc sống từ sản xuất nông nghiệp chuyển sang buôn bán dịch vụ, đa dạng các ngành nghề.

Dấu vết của cuộc sống làng xóm nông nghiệp vẫn còn rất rõ đã làm nên nét đặc trưng tự nhiên của khu đô thị mới Hòa Xuân, làm tự đáy lòng ta cảm thấy thương thấy quý. Ra chợ Hòa Xuân, bốn mùa vẫn gặp chủ yếu là rau củ tươi non do chính tay người dân trồng đem bán rất rẻ. Những bà, những mẹ, những chị vốn chỉ quen việc trồng tỉa chăm bón giờ đây ra chợ đứng bán hàng bỗng thấy mình còn vụng về ăn nói, chưa thạo với việc nhẩm tính tiền. Chợ họp sớm và chỉ 9 đến 10h đã vãn hẳn người. Nhà nhà vẫn mang qua lại cho nhau nắm rau, nải chuối... Tết đến nhà nào cũng gói bánh tét bánh chưng, gọi nhau ăn uống. Làng xóm đã đổi thành đường phố nhưng những tên làng lâu đời như Lỗ Giáng, Trung Lương, Cẩm Chánh... với những đình đền miếu mạo vẫn được giữ lại...

Ở Hòa Xuân, có thể nghe tiếng chó sủa, tiếng dế gáy trong cỏ, tiếng ếch nhái kêu, tiếng gà râm ran gáy sáng nhưng cứ ra ngõ là có siêu thị, cửa hàng, quán cà phê, quán ăn... với đầy đủ các dịch vụ cần thiết cho cuộc sống từ bình dân đến cao cấp. Nhìn cảnh chiều chiều từng đám trẻ con thỏa thích đạp xe lòng vòng khắp các ngả đường, và ven bãi đất trống phía xa xa, những bụi lau nở trắng và hoa mua vẫn tím theo mùa bình yên, chắc hẳn ai đến đây cũng sẽ nghĩ: Sao mình không về Hòa Xuân sớm hơn?

N.H.L

Bài viết khác cùng số

Sao mình không về Hòa Xuân sớm hơn… - Nguyễn Hải LýVũ công - Bashir Sakhawarz (Afghanistan)Khe trời - Kiều GiangKiên trung - Trầm Nguyên Ý AnhMiền sương trong - Nguyễn Thị Anh Đào“Huyền thoại những cây cầu” - Phạm Thị Hải DươngKý ức thành phố tiếng còi tàu - Trần Trung SángMột Hội An, một lời ru - Ngân VịnhNgày rộng - Nguyễn Nhã TiênGiữa những giới hạn - Nguyễn Hoàng ThọThơ Lê Ái NiệmSau cái tư lự của gió - Hồng Thủy TiênBên thềm chiều - Nguyễn Hoàng SaNiệm - Kim DungNgày thường - Nguyễn Đông NhậtĐàn bà - Trần Trúc TâmThơ Xuân CừThơ Huệ ThiTản mạn về tiếng Quảng - Bùi Văn TiếngDiễn ngôn tính dục trong sáng tạo văn học về đề tài lịch sử Việt Nam đương đại - Nguyễn văn HùngPhan Tứ - hành trình sáng tạo và khát vọng khẳng khiu cuối đời - Trịnh Thị Vân Dung, Phạm Phú PhongThơ và thơ nữ của chúng ta - Hoàng Hương ViệtPhải chăng tiếng Việt đang “thất thủ” trên sân nhà? - Diệp Dân Hùng“Vạt nắng cuối chiều” của Trương Công Mùi - Hoàng LiênNgược dòng - bao nỗi đắng cay -Trịnh Đình Nghi Như tiếng biển đêm: yêu thương, khát vọng và bứt phá - Nguyễn Thị Thúy HồngChọn lựa tình yêu như một cách giải thoát - Tần Hoài Dạ VũThơ nữ Đà Nẵng, một tập hợp đa thanh - Huỳnh Văn HoaHành trình đến với thơ hay - Bùi Văn TiếngNSNA Thân Nguyên: Nghệ thuật là lưu giữ khoảnh khắc “cựa mình” của nhân vật - Huỳnh Thạch Hà