Khe trời - Kiều Giang
Đêm nay, hồn thoát xác, hắn làm một cuộc hành trình lên đỉnh thiên sơn và hắn đã đạt được chiều cao của ước mơ ngàn đời của hắn. Từ nơi ấy, hắn được thấy vô số những thiên hà đang lấp lánh trong cõi vô biên, kiều diễm và kỳ ảo. Nhưng sao hình như chúng đang trốn chạy khỏi hắn, như xác thân hắn nơi trần thế này, chúng cũng sinh non và chết yểu ư, chúng cũng ăn thịt lẫn nhau ư, hay những thiên hà sợ hắn, có lẽ không, hình như khoảng không đang giãn nở, thiên hà cũng đang sinh, đang diệt, từng phút, từng giây, những vì sao cũng giẫy chết, những thiên hà rồi cũng biến mất trong tầm nhìn của hắn, trong cõi khôn cùng, lòng hắn bâng khuâng, ôi, cứ đến rồi đi, nhẹ nhàng, chóng vánh đến thế hay sao.
Hắn đưa mắt nhìn xuống trần gian, nhức nhối, quằn quại và bi đát, những xác thân đang bồng bềnh trò chuyện, quay cuồng trong hoan lạc và khổ đau, và dần dần mục rữa. Có lẽ hắn cũng đã từng lấp lánh, từng quằn quại, đã từng trốn chạy, từng yêu đương, từng truyền giống, trong mớ hỗn mang kia, hắn chợt thấy dưới rừng cây rậm rạp, Plato đang ôm hôn thiên đàng của vũ trụ lý tính, còn Nietzsche(1) đang khóc cho buổi hoàng hôn của những thần tượng, có khi lại cười trên đỉnh núi của siêu nhân, không còn tìm ra dấu chân của chúa. Einstein(2) bay vào khoảng không nhung lụa, ôm thiên hà trở về trái đất, bạc tóc với thời gian bất định.
Ôi, cái trần gian vui nhộn, rối rắm, bi hài, hắn mỉm cười sung sướng, bí ẩn.
Giữa hai đỉnh cao dựng đứng, dưới kia là sự thăm thẳm của suối khe, thăm thẳm của không gian, thời gian ngừng lại, một cuộc tìm kiếm bất tận, một cuộc gặp gỡ trăm năm, hắn úp mặt vào khe trời để nghe tiếng nhạc phiêu linh, cội rễ của hư không và tồn tại, đi giữa ánh sáng và bóng tối, phía trước là thiên đàng, phía sau là tuyệt lộ, không chốn để quay về. Trên đỉnh thiên sơn hắn tìm thấy sự buốt giá, hắn nằm sấp xuống đỉnh trời, điều quái dị mà hắn chưa từng gặp bao giờ, là hắn đang run cầm cập trong nỗi sung sướng tột cùng, vô tận, và như dài mãi đến thiên thu. Còn dưới khe suối kia là sự ấm áp đầy quyến rũ của đêm hoa đăng, hắn cảm thấy mình bé nhỏ và cô đơn, nhưng ân sủng tử sinh lại hiện lên mặt hắn.
Suối khe không đáy, một thứ ánh sáng lung linh ảo diệu tỏa mờ, bao quanh là một rừng hoa cực lạc, bốc lên mùi hương của một thứ nước suối trời tinh khiết đến khôn cùng, rậm rực đến giết người, mùi hương như kết tụ từ hồng hoang, trải qua thời gian hàng tỉ năm, tinh kết của muôn loài cỏ hoa, Thượng Đế cũng tắm gội từ nơi ấy, thứ nước tinh khiết của suối nguồn uyên nguyên, phải chăng đó chính là sản phẩm của Người, nơi gặp gỡ của tình yêu và thù hận, thiên đường và địa ngục, bóng tối và ánh sáng, đau thương và khát vọng, hằng sinh và hủy diệt, nơi mà bàn chân hắn đi qua, cũng là nơi tai mắt mũi và da thịt hắn đi tìm.
Trong lúc hắn đang phiêu du trong mùi hương ảo diệu bốc lên từ đáy của khe trời, hắn chợt thấy Dante(3) đang ôm Thần khúc hăm hở đi vào chín tầng địa ngục, hình như Dante đang bay trong khe trời, giữa thiên đàng và địa ngục, đang bay trên đầu hắn, một cuộc rượt đuổi văn chương giữa tồn tại và hư vô, giữa Mephisto(4) và Faust(5) đang rần rật chảy trong mạch máu hắn.
Hắn đang trong cơn mộng mị của đất trời, thì một giọng nói trong trẻo của người con gái, từ đáy khe trời vọng lên, hình như giọng nói của người hắn yêu, hỡi kẻ đi tìm chữ nghĩa kia, ta chính là người yêu của ngươi, nhưng trần gian không cho ta làm điều đó, vì mật ngôn nằm trong hố thẳm của mỗi con người, thì dù ngàn đời ngươi úp mặt vào ta, ta cũng không có gì để cho ngươi, chữ nghĩa đang rắc đầy trên đường ngươi đi tìm, ngươi hãy ra đi...
K.G
(1) Friedrich Wilhelm Nietzsche (1844 -1900): Nhà triết học người Phổ.
(2) Albert Einstein (1879 -1955): Nhà vật lý lý thuyết người Đức.
(3) Dante Alighieri (1265-1321): Nhà thơ, nhà thần học người Ý.
(4) Mephisto: Nhân vật hư cấu, một siêu nhân xuất hiện trong các cuốn truyện tranh của Mỹ do Marvel Comics xuất bản.
(5) Faust: Nhân vật chính trong tác phẩm kịch Faust của thi sĩ, nhà soạn kịch người Đức Johann Wolfgang Goethe (1749-1832) (Faust là nhân vật chính của nhiều truyền thuyết dân gian thường được đưa vào trong tác phẩm nghệ thuật).