Phan Tứ - hành trình sáng tạo và khát vọng khẳng khiu cuối đời - Trịnh Thị Vân Dung, Phạm Phú Phong

19.04.2018

Phan Tứ - hành trình sáng tạo và khát vọng khẳng khiu cuối đời - Trịnh Thị Vân Dung, Phạm Phú Phong

Phan Tứ (20/12/1930 - 17/04/1995) thuộc thế hệ nhà văn trưởng thành trong chiến tranh. Ông tên thật là Lê Khâm, quê ở Quế Châu, Quế Sơn, con trai của nhà giáo Lê Ấm (1897-1976) và bà Phan Thị Châu Liên - con gái của chí sĩ Phan Châu Trinh. Trước 1945, học ở Quy Nhơn (Bình Định), rồi Hội An (Quảng Nam), tham gia cách mạng, làm liên lạc; trong Cách mạng tháng Tám, tham gia cướp chính quyền ở quê rồi gia nhập đoàn tuyên truyền xung phong. Năm 1950, nhập ngũ, sau một thời gian học tại trường lục quân Trần Quốc Tuấn (Thanh Hóa), rồi sang chiến trường Hạ Lào. Sau 1954, tập kết ra Bắc. 1958 vào học khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. 1961 tốt nghiệp, ông là nhà văn đầu tiên trở về công tác tại chiến trường miền Nam, làm phái viên Ban Tuyên huấn Khu ủy Năm. 1966 ra Bắc chữa bệnh, sau đó làm quyền Tổng biên tập Nhà xuất bản Giải phóng. Sau khi thống nhất đất nước1975, làm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng, là Ủy viên Ban thư ký Hội Nhà văn Việt Nam khóa III (1983-1989), là đại biểu Quốc hội khóa VIII. Ông mất ngày 17/4/1995, do nhiễm chất độc dioxin trong những năm tháng ở chiến trường.

Phan Tứ viết nhiều thể loại (phóng sự, bút ký, truyện ký, truyện ngắn, dịch thuật), nhưng thành công chủ yếu là tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh cách mạng. Với bút danh Lê Khâm, sau truyện ngắn đầu tay Một ngày bên đồn địch (1957), ông tiếp tục cho ra mắt các tác phẩm Trở về Hà Nội (truyện ngắn, 1960), Trên đất Lào (bút ký, 1961) và hai tiểu thuyết Bên kia biên giới (1958) và Trước giờ nổ súng (viết khi đang là sinh viên, 1960), cũng viết về quân tình nguyện Việt Nam ở chiến trường Hạ Lào. Trở lại chiến trường miền Nam thời chống Mỹ, với bút danh Phan Tứ, ông lần lượt cho ra đời các tác phẩm Về làng (truyện ngắn, 1964), Trong đám nứa (truyện ngắn, 1968), Măng mọc trong lửa (bút ký, 1968) và các tiểu thuyết Gia đình má Bảy (1968), Mẫn và tôi (1972), Trại ST18 (1974). Sau 1975, thời hòa bình thống nhất, ông có tập hồi ký Trong mưa núi (1984), bản dịch tiểu thuyết Ấn Độ Sông Hằng mẹ tôi (1984) và bộ tiểu thuyết sử thi dài 3 tập Người cùng quê (1985, 1995, 1997). Nhìn lại chặng đường tròn bốn mươi năm cầm bút của Phan Tứ, với bấy nhiêu tác phẩm chưa thể gọi là đồ sộ với tòa ngang dãy dọc, nhưng đã góp phần quan trọng vào tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam, nhất là ở góc nhìn thể loại, cần phải được ghi nhận.

1. Truyện ngắn là thể loại dẫn bước Phan Tứ đến với con đường khởi nghiệp văn chương. Ông viết truyện ngắn không nhiều, chỉ có ba tập, trong đó nổi bật, thể hiện sự thành công về phong cách truyện ngắn của Phan Tứ là tập Về làng. Sau các tập truyện ngắn tiên phong như Vở kịch cô giáo (1962) của Giang Nam và Chông ba lá (1963) của nhiều tác giả, tập Về làng (1964) của Phan Tứ khẳng định sự hiện diện và bước đầu đánh dấu bước phát triển của văn nghệ giải phóng miền Nam, nhất là về văn xuôi.

Tập sách gồm mười ba truyện ngắn, là sản phẩm của cái thời quan niệm văn chương chỉ dừng ở mức phản ánh một vài khía cạnh trong hiện thực phong phú, phức tạp và vĩ đại của miền Nam anh hùng, mà chủ yếu là ở khu Năm khoảng từ 1958 đến 1962. Nhưng qua Về làng, trước hết độc giả ở hậu phương xa xôi miền Bắc, nơi tập truyện được ấn hành, cũng có thể hình dung được phần nào tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng căm thù giặc sâu sắc và ý chí kiên cường cùng với mưu trí linh hoạt của nhân dân nơi tuyến đầu Tổ quốc, trong cuộc kháng chiến thần kỳ chống xâm lược. Ngòi bút của nhà văn đi sâu vào bóc trần bản chất phản động, tàn ác của kẻ thù với những âm mưu, thủ đoạn đàn áp, khủng bố, mua chuộc, lừa phỉnh và giả nhân giả nghĩa đủ kiểu của chúng. Hiện thực miền Nam thời kỳ này, vấn đề cốt tử là mâu thuẫn đối kháng không khoan nhượng giữa nhân dân với chế độ Sài Gòn và xâm lược Mỹ; mâu thuẫn đó chi phối mọi xung đột, mọi hiện tượng nhân sinh trong đời sống. Nhà văn không chủ tâm khắc họa những chân dung phản diện và tội ác của kẻ thù, nhưng tự bản thân vấn đề được nêu ra, vẫn hiện lên những chấm đen dữ dằn khá rõ nét trong bức tranh đời sống kháng chiến phủ nền đỏ thắm của dân tộc. Đó là hình tượng “thằng Phùng thu thuế chợ lù lù đứng chực sẵn, tay ôm cái kẹp vé thuế, tay chống batoong” [tr. 91] không từ một con cá, mớ rau (Một buổi chợ). Đó là hình tượng nghênh ngang của thằng Tòng, đại úy hiến binh, một sĩ quan khét tiếng giết hại người già, trẻ em và phụ nữ, khi thấy “bọn lính quét súng máy từ trên cao, thì nó tự tay ấn nòng súng thấp xuống cho dân chết gối lên nhau” (Con đĩ). Đó là những vụ bắn giết chiến sĩ cách mạng giữa buổi chợ để uy hiếp tinh thần nhân dân (Một buổi chợ), ngày đêm nã đại bác vào tàn phá thôn ấp (Về làng), hoặc phá làng, dồn dân, bắt nhân dân lao dịch lập ấp chiến lược (Lửa đêm)... Chính vì sự đàn áp dã man đến cực độ mà sức phản kháng của các tầng lớp nhân dân ngày càng trỗi dậy mãnh liệt, trong tư thế tức nước vỡ bờ. Phơi bày một sự thật trắng trợn và đanh thép ở miền Nam là chế độ thực dân kiểu mới của Mỹ với bộ máy phát xít và quân phiệt khổng lồ của nó, huy động cả người và của cải, máy bay tàu chiến và vũ khí đạn dược. Nhưng cũng có một sự thật to lớn hơn nữa, nổi bật hơn nữa, làm cho cả thế giới tiến bộ chú ý là tinh thần giác ngộ, ý chí chiến đấu kiên cường của nhân dân miền Nam, già trẻ gái trai đoàn kết một lòng đánh giặc giữ làng, cứu nước.

Chú tâm của nhà văn là khắc họa chân dung những con người chiến đấu cho lý tưởng độc lập tự do. Với cái nhìn ấm áp, ông chăm chú quan sát quá trình giác ngộ và cuộc đấu tranh không khoan nhượng của những người dân bình thường ở miền Nam. Gần mười năm sống trong hoàn cảnh đau thương của chế độ thực dân mới kiểu Mỹ, những người nông dân hiền lành đã giác ngộ và tự rèn luyện cho mình những phẩm chất quật cường, ửng hồng dần rồi thắm đỏ nên những tính cách anh hùng. Không phải ngẫu nhiên mà phần lớn những nhân vật chính / trung tâm trong truyện ngắn của Phan Tứ là những ông bà già, thiếu niên, phụ nữ. Họ là những nông dân, là nền tảng của cuộc chiến tranh nhân dân, là đội quân chủ lực trong những cuộc đấu tranh chính trị, là hàng vạn người tay không xông lên trước họng súng hung hăng của giặc, cũng là nơi chở che nuôi giấu cách mạng, trợ thủ đắc lực cho những cuộc chống càn, diệt đồn, phá ấp chiến lược. Mỗi người một cảnh ngộ, một tính cách, một đường đời khác nhau trên tấm bản đồ chằng chịt của cuộc sống, nhưng dù nhanh hay chậm, đều đi chung một con đường là đến với cách mạng, với cuộc kháng chiến toàn dân. Chị Hai Phước (Một buổi chợ) là nữ du kích thời toàn quốc kháng chiến, chồng chị “bị đánh hộc máu vì chữ ký đòi hiệp thương và phần chị bị bắt quỳ sám hối một tháng tới hai chục đêm... Cổng nhà chị hằn một chữ “A” đen đánh dấu gia đình tình nghi loại A” [tr. 95]. Bị địch khủng bố, đã có lúc chị nhẫn nhục, dao động, cầu an, “chị nén từng cơn giận, bịt lấp từng tia hy vọng, mơ ước, cố tập cho mình chai đi, trơ đi, thành câm điếc đi, không còn biết yêu ghét gì nữa…”  nhưng  “chị vẫn là con người, nên vẫn đau đớn, căm hờn, hy vọng. Dù muốn hay không dòng máu trong thân thể chị vẫn là màu đỏ. Những hòn than chị nuốt trong lòng vẫn cháy, gặp cơn gió thổi vào lại bốc lửa” [tr. 96]. Cho nên, khi chứng kiến cái chết anh dũng của chị Trần Thị Út, một đảng viên cộng sản trẻ tuổi, chị đã tỉnh ngộ, chị bước tới chỗ cát còn thấm máu chị Út, chị cúi xuống bốc một nắm đem về bỏ vào bát hương thờ chồng... Khác với Hai Phước, chị Cúc (Con đĩ) may mắn là làng quê đã nổi dậy phá kìm, sớm có điều kiện hít thở trong bầu khí quyển ấm áp của lý tưởng cách mạng. Nhưng hoàn cảnh chiến tranh, không cho phép một nữ sinh sống trong vùng tự do, Cúc dần dần đi về phía thành phố / bóng tối, bị khủng bố, lừa gạt, cưỡng hiếp, cuối cùng trở thành đồ chơi, một “con đĩ quý phái”. “Nhưng rồi hơi thở của cách mạng đã ngấm vào chị”. Chị thức tỉnh khi trong một trận càn, nhà cửa tan nát, các em chị bị bắt, chị về quê hăng hái đi hàng đầu trong đoàn biểu tình đấu tranh chính trị và đã anh dũng hy sinh. Bà Tư Lạng (Mở cửa) tuy lớn tuổi nhưng vẫn bị bắt bớ, tra tấn đến điếc tai, con gái bị giam giữ, bà sống heo hút với cháu ngoại trong sự kèm kẹp, khủng bố, vẫn hướng về cách mạng, khi bộ đội giải phóng về, bà hăng hái “xúc lúa đổ vào ba lô của hai anh bộ đội mình... lần đi một lần khó. Đồng bào khoai củ sao cũng được. Ăn no đánh giặc về đây giải phóng má mừng” [tr.35]. Còn nhiều nhân vật khác xuất thân từ con người bình thường, mà chủ yếu là nông dân, đã vụt sáng chói trong khói lửa chiến tranh, trở thành niềm tin và biểu tượng cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng như bác Tám Sành (Lửa đêm), ông Bảy, chị Sính (Tấm ảnh), cô Bính (Chông ba lá), Cam, Sửu (Hai anh em),... 

Truyện ngắn với Phan Tứ dường như chỉ là những phác thảo, mô tả, tái hiện một cách giản đơn về những câu chuyện có thật trong cuộc sống chiến tranh, là bước chuẩn bị cho các tiểu thuyết sau này. Nhưng ngay từ đầu mỗi truyện đều có kết cấu chặt chẽ, cốt truyện mạch lạc, sử dụng các thủ pháp liên tưởng, đồng hiện, đảo ngược, xoay chiều trong thời gian và không gian một cách đa dạng và nhất là việc phát hiện và sử dụng các chi tiết một cách hợp lý và nhuần nhuyễn. “Truyện ngắn sống bằng chi tiết. Truyện ngắn có thể có cốt truyện, thậm chí cốt truyện ly kỳ, gay cấn, kể được. Truyện ngắn cũng có thể chẳng có cốt truyện gì cả, không kể được. Nhưng truyện ngắn không thể nghèo chi tiết. Nó sẽ như nước lã” [1, tr.33]. Điều đó trở thành nguyên tắc trong tâm thức sáng tạo truyện ngắn của Phan Tứ. Ông phát hiện và cắm sâu ý tưởng vào từng chi tiết, chọn lọc độ sắc nét và đẩy giá trị biểu cảm của từng chi tiết lên đến mức cao trào, dồn nén chật cứng trong sự kiện, rồi vỡ òa và đi đến kết thúc êm đềm, hào sảng. Giọng điệu văn chương của ông súc tích và rất kiệm lời. Ông ý thức được sức nặng và giá trị thiết thực của từng con chữ. Vì vậy, ngôn từ của ông giản dị, mộc mạc, có cả phương ngữ, thổ ngữ không chỉ trong đối thoại, độc thoại, mà cả trong trần thuật và miêu tả, phù hợp với mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi người đọc. Thành công lớn nhất là nhà văn đã tạo ra được một không khí truyện mang hơi thở của đời sống một vùng đất, cựa quậy, rộn ràng, sinh động và gần gũi như chính sự thật cuộc sống đang diễn ra. Chính điều này được Tạ Duy Anh, một tác giả thuộc thế hệ sau đúc rút thành kinh nghiệm sáng tạo: “Trong truyện ngắn, ngay từ câu mở đầu đã phải chịu đựng ngay được không khí truyện, đưa người ta ngay vào không khí riêng của truyện. Ngay từ câu mở đầu phải dứt ngay người đọc ra khỏi thế giới hiện thực bề bộn người ta đang sống, ném ngay họ vào bầu khí quyển của ta, nhấn chìm vào đó” [2, tr.23].

Vượt qua những trang viết có tính chất thử bút thời còn ở chiến trường Hạ Lào và giai đoạn luyện bút khi còn ngồi trên ghế trường đại học, với ý thức sáng tạo của một nhà văn, Phan Tứ trở lại chiến trường Khu Năm, nơi chôn nhau cắt rốn bằng bản lĩnh của một nhà văn, tâm thế của một người lính, đã phơi bày bức tranh hiện thực một cách khách quan lạnh lùng, chuẩn bị cho những trang tiểu thuyết dài hơi về sau.

2. Tiểu thuyết của Phan Tứ là tiểu thuyết viết về chiến tranh và tiểu thuyết sử thi, viết về chiến trường Hạ Lào và Quảng Nam, rộng hơn là Liên khu Năm, quê hương của tác giả. Nói đến tiểu thuyết là nhằm khẳng định khả năng phản ánh hiện thực của nó. Ngay trong Tự điển thuật ngữ văn học cũng định nghĩa rằng: “Tiểu thuyết là tác phẩm tự sự cỡ lớn có khả năng phản ánh hiện thực đời sống ở mọi giới hạn không gian và thời gian. Tiểu thuyết có thể phản ánh số phận của nhiều cuộc đời, những bức tranh phong tục, đạo đức xã hội, miêu tả các điều kiện sinh hoạt giai cấp, tái hiện nhiều tính cách đa dạng” [3, tr.277]. Cũng tuân thủ quy luật phản ánh, nhưng Phan Tứ có cảm quan về bức tranh hiện thực một cách xác tín, tạo nên một thi pháp nghệ thuật tương ứng, khi ông cho rằng: “Bức tranh cần cả màu sáng lẫn màu tối, bản nhạc cần có nốt thanh lẫn nốt trầm” [4, tr.86]. Đó là quan niệm nghệ thuật chi phối suốt cả chặng đường sáng tác của Phan Tứ, thể hiện rõ nhất trong tư duy tiểu thuyết của nhà văn.

Ngay từ những tiểu thuyết đầu tay Bên kia biên giới Trước giờ nổ súng được sáng tác vào thời điểm mà không ít tác giả hoặc có xu hướng “tô hồng” hiện thực hoặc chọn lựa những mảnh đất vốn đã có sẵn phù sa màu mỡ thắm hồng, thì Phan Tứ đã tỉnh táo tìm đến những mảng màu đa sắc, những tồn tại đối lập mang tính biện chứng của quy luật cuộc sống. Trước giờ nổ súng có sự đan xen giữa cái tốt và cái xấu, cái anh hùng và sự hèn nhát, những thuận lợi và những khó khăn. Ở đơn vị CC3 của quân tình nguyện Việt Nam làm nhiệm vụ trinh sát, chuẩn bị cho mặt trận mở chiến dịch đánh đồn Pà Thạc (Lào) bộ đội phải trải qua nhiều gian nan thử thách và tổn thất nặng nề: bị địch phục kích, thiếu gạo, thiếu nước, mất  điện đài không liên lạc được, nội bộ phân hóa, người thì giảm sút ý chí đi đến tự sát, người bị sa vào tay giặc, kẻ đào ngũ, người hy sinh... Chỉ còn một người duy nhất đem được tài liệu về tới mặt trận trước giờ nổ súng! Hoàn cảnh nghiệt ngã ấy được ông tiếp tục đặt ra trong phạm vi câu chuyện một gia đình (Gia đình má Bảy) có bốn mẹ con từng hăng hái tham gia công tác cách mạng trong thời kháng chiến chống Pháp, người con đầu là Hai Son đã hy sinh trong trận đánh đồn Tây. Sau 1954, dưới sự kèm kẹp và khủng bố của chính quyền mới, họ sống cầu an trong nghèo khó và tủi hổ... Rồi cách mạng về, đánh thức ngọn lửa yêu nước và trung kiên của má Bảy và các con cháy bừng lên, má tham gia đồng khởi, công tác trong hội mẹ chiến sĩ, đi đầu trong các cuộc xuống đường đấu tranh chính trị, con trai thứ của má là Tư Sỏi trở thành xã đội phó, được kết nạp Đảng rồi được điều về tiểu đoàn chủ lực, Út Sâm được đề bạt làm xã đội phó. “Chính những người nghèo khổ như má Bảy thức tỉnh trước hết, tự tay đốt lên từng ngọn lửa nhỏ trong đêm đen, rồi những chấm sáng rải rác ấy họp lại làm nên ánh rạng đông đỏ chói, mở đầu cho ngày nắng đẹp trên trái đất và trong mỗi cuộc đời” [tr. 34]. Lớn hơn câu chuyện một gia đình, thông qua quá trình diễn biến tư tưởng của ba mẹ con, tác giả đã thể hiện rõ quá trình diễn biến tư tưởng và hành động của quần chúng cách mạng xã Kỳ Bường, của nhân dân cách mạng miền Trung Trung Bộ và rộng hơn, của cả miền Nam trong bước ngoặt lịch sử trọng đại thời kỳ đồng khởi. Gia đình má Bảy “là quyển tiểu thuyết đầu tiên phản ánh cuộc đồng khởi của nhân dân miền Nam” [5, tr.203]. Đúng như nhan đề Mẫn và tôi, tác giả đã đầu tư năng lực nghệ thuật để tập trung xây dựng hình tượng hai nhân vật trung tâm của tiểu thuyết là “Tôi” (tức Tư Thiêm), đại đội phó bộ đội chủ lực và “Mẫn” (tức Hai Mẫn), chi ủy viên kiêm bí thư xã đoàn thanh niên Tam Sa rồi đảm nhiệm trọng trách bí thư chi bộ kiêm xã đội trưởng, đảng ủy viên của cả một khu vành đai giáp mặt với giặc Mỹ gồm mười hai xã. Thông qua các sự kiện diễn ra ở làng Cá, xã Tam Sa, cuốn tiểu thuyết còn mở ra một bối cảnh chiến trường rộng lớn ở miền Trung Trung Bộ, gồm nhiều địa bàn như đô thị, đồng bằng, rừng núi chi phối nhiều số phận con người khác nhau, trong thời điểm có cuộc chạy đua căng thẳng giữa ta và địch nhằm giành thế đứng ở vành đai quanh căn cứ Chu Lai. Đó còn là cuộc đấu tranh trong nội bộ, chống tư tưởng hữu khuynh, lưng chừng, bè phái, cơ hội... So với những tiểu thuyết trước của Phan Tứ, Mẫn và tôi có sự mở rộng chủ đề và dung lượng hiện thực, lý giải được thắng lợi rực rỡ của cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta. Trại ST.18 là tiểu thuyết viết dưới hình thức nhật ký một phóng viên, tác giả tái hiện chân thực và sinh động những sự kiện, tình tiết trong một đơn vị đặc biệt, một trại giam tù binh Mỹ biệt lập giữa rừng Trường Sơn. Là một mặt trận mới, một cuộc chiến đấu mới giữa ta và địch, nhằm khẳng định tinh thần yêu nước chính nghĩa và kẻ xâm lược phi nghĩa, nêu cao tầm văn hóa nhân văn của truyền thống dân tộc, đánh thức thiên lương trong mỗi con người sai đường lạc lối: “Ta càng đổ máu thì càng khát khao thêm bạn bớt thù, ta càng nắm chắc phần thắng thì càng đối xử cao thượng với kẻ đang hoặc sẽ thua trận, ta càng nhân đạo thì chính nghĩa của ta càng tỏa sáng trên dải đất này” [tr. 118].

Người cùng quê là tiểu thuyết cuối cùng của Phan Tứ, viết trong trạng thái “vật lộn với tử thần từng giờ, từng phút để có thể viết tiếp tác phẩm Người cùng quê, khi không thể viết được nữa, anh đọc cho vợ - chị Thảo - viết, có khi chỉ đọc được vài câu lại phải dừng, cắn răng chịu đựng sự hành hạ khốc liệt của cơn bệnh” (6, tr.341). Câu hỏi còn để ngỏ chưa có câu trả lời là ở nước ta các dân tộc anh em có sử thi như Đam San của người Ê Đê, Đẻ đất đẻ nước của người Mường, tại sao văn minh như người Kinh lại không có sử thi? Những tiểu thuyết hiện đại chỉ dừng ở mức có tính chất sử thi như Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi, Cửa biển của Nguyên Hồng, Đường thời đại của Đặng Đình Loan, và trong đó có cả Người cùng quê của Phan Tứ. Đây là cuốn tiểu thuyết đồ sộ và quan trọng nhất trong cuộc đời cầm bút của tác giả, được ông chuẩn bị từ thời còn chiến tranh (1974), đề cương gồm 4 tập, phản ánh bức tranh xã hội cả một vùng quê rộng lớn bao quát cả miền Trung, xuyên gần suốt thế kỷ XX, với mong muốn “cố gắng thể hiện những biến cố lịch sử lớn nhất của đất nước”, đồng thời phản ánh sự trưởng thành của nhiều tầng lớp nhân dân cách mạng trong suốt cả chặng đường lịch sử dân tộc. Ông đã hoàn thành ba tập, dài ngót cả nghìn trang in. Cho đến những ngày cuối cùng, ông vẫn da diết: “Nếu còn sức khỏe, tôi sẽ cố gắng viết cho xong tập bốn bộ tiểu thuyết Người cùng quê, còn nếu... thì cái mà tôi tiếc nhất cũng là việc dang dở bộ tiểu thuyết này”. Cuối cùng, ông đã thua thần chết! Thương ông, thời đó cũng có vài ý kiến bàn ra bàn vào, ông vẫn kiên trì thực hiện ý định của mình và luôn tự nhủ: “Tôi nghĩ về cuối đời cầm bút nên có một cái gì để đền ơn trả nghĩa đối với đồng bào, đồng chí, nên cứ lì lợm theo đuổi tác phẩm này. Mười năm sau khi tôi nhắm mắt, khi thị trường chữ nghĩa bớt rối ren, bản thảo đem ra in vẫn được chứ có sao đâu” [7, tr. 2142]. May mắn thay, hai năm sau khi ông qua đời, gia đình và bạn bè đã cho ấn hành tập ba (1997), còn tập bốn đành chịu số phận dở dang...

Nếu chỉ dựa vào tiêu chí phản ánh hiện thực của tiểu thuyết viết về chiến tranh cách mạng, thì tiểu thuyết của Phan Tứ đã đáp ứng nhu cầu một cách xuất sắc. Từ bố cục, kết cấu đến trần thuật, miêu tả đều theo thi pháp truyền thống, được nhà văn thể hiện một cách nhuần nhuyễn, có nhiều biến hóa, bất ngờ đến độc đáo và thú vị. Đặc biệt là nhà văn đã để cho ngôn ngữ đời sống ùa vào tác phẩm, nhưng luôn có sự chọn lựa hết sức cẩn thận. Ông là người có ý thức rất rõ về sức mạnh và hiệu ứng thẩm mỹ của từng câu, từng chữ - nơi không chỉ xếp hàng lạnh lùng trên trang giấy, mà mang hơi thở, hơi ấm từ tâm hồn ông được sưởi ấm truyền sang. Ngay trong đời sống, ông nổi tiếng là người cần mẫn, cẩn thận, chịu khó, chu đáo và mực thước. Nhiều người nói về tính cẩn trọng của Phan Tứ như viết thư cho ai đánh máy thành hai bản, để lưu lại một bản, nhà gài lon sữa bò thay chuông... Nhưng thành công lớn nhất của tiểu thuyết Phan Tứ là khắc họa được chân dung những con người sống thực trong chiến tranh, những con người mà ta thường nói là nhân vật điển hình, cả người tốt lẫn người xấu, thậm chí có cả người trung gian - không tốt mà cũng không xấu. Lý thuyết về điển hình của chủ nghĩa hiện thực một thời toàn trị đã che phủ bầu trời sáng tạo và ít nhiều hạn chế phát huy tài năng, nhưng nó là khuôn vàng thước ngọc đã tạo nên những điển hình trong mối quan hệ gắn bó giữa nhân vật và hoàn cảnh. Chính trong môi trường / hoàn cảnh nghiệt ngã của cuộc kháng chiến không cân sức ấy đã đúc kết thành lý thuyết chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trên cơ sở thực tiễn bình thường lại làm nên phẩm chất phi thường của những người anh hùng, những nhân vật điển hình trở thành nhân vật trung tâm, bước ra từ trang sách: Tiến (Bên kia biên giới), má Bảy, Út Sâm (Gia đình má Bảy), Hai Mẫn, Tư Thiêm (Mẫn và tôi), Út Hường (Trại ST.18)... Ông giỏi miêu tả chuyển biến của những nhân vật xuất thân từ tầng lớp trung gian đi về phía nhân dân, phía cách mạng với những khó khăn phức tạp mang tính tất yếu, từ trong tư tưởng đến hành vi biểu hiện với những tình huống bình thường và bất thường.

Nhà tiểu thuyết đã miêu tả nhân vật đậm nét dưới cả ba góc độ, có mối quan hệ logic có tính biện chứng với nhau: ngoại hình, nội tâm và hành động. Ông đặc biệt quan tâm đến số phận người phụ nữ trong chiến tranh. Ngay cả nhan đề các tiểu thuyết đã thấy xuất hiện hình tượng nhân vật trung tâm là phụ nữ: Gia đình má Bảy, Mẫn và tôi, nằm trong đội ngũ của những Người mẹ cầm súng (Nguyễn Thi), Hòn đất (Anh Đức) hoặc Đất Quảng (Nguyễn Trung Thành), nhưng được khắc họa với dáng vóc riêng. Má Bảy là hình mẫu tiêu biểu cho người phụ nữ miền Trung nghèo khó, người vợ, người mẹ suốt đời lam lũ, chịu thương chịu khó lo cho chồng, cho con, tuy có lúc dao động hoang mang nhưng vẫn thủy chung với kháng chiến và niềm tin lớn lao với cách mạng, khi nhận công việc gì của cách mạng giao phó, đều quyết tâm thực hiện đến cùng. Út Sâm trẻ tuổi năng nổ, hăng hái, từng bước trưởng thành và kiên trinh với cách mạng. Hai Mẫn cũng là một cán bộ trẻ, năng nổ, nhưng có phần đằm thắm hơn Út Sâm. Mẫn dường như là sự đi tiếp của Sâm. Tính cách của Mẫn là sự bắt đầu phát triển từ thời điểm mà tính cách của Sâm dừng lại. Hai nhân vật này phản ánh hai giai đoạn khác nhau trong quá trình thế hệ trẻ giác ngộ và đến với cách mạng. Ở Mẫn, đã qua rồi cái phơi phới hồn nhiên của tuổi trẻ, bắt đầu có những băn khoăn về sống / chết, sướng / khổ, đúng / sai, tự soi tìm, tự thể hiện mình, chứ không làm theo người khác: “Trong cái chân lý lớn của cách mạng, Mẫn phải tự tìm những chân lý nhỏ của từng việc, từng ngày, phải dám quyết định và gánh hết trách nhiệm đôi khi quá nặng” [tr. 207]. Chính sự trùng nhau và bước tiếp của tính cách hai nhân vật này, vừa thể hiện ưu điểm lại vừa bộc lộ nhược điểm của nhà tiểu thuyết. Ưu điểm là “Mẫn và tôi sẽ tiếp tục giải quyết một số vấn đề mà trong Gia dình má Bảy, Phan Tứ chưa có điều kiện đề cập tới” [8, tr.346] và nhất là nhận diện được sự phát triển có tính liên tục của các giai đoạn cách mạng, có tính chất biên niên sử của thời đại. Nhưng nhược điểm rất rõ là tính cách họ giống nhau, cũng yêu nước, sớm giác ngộ, năng nổ, hăng hái, dũng cảm vượt qua mọi thử thách gian lao, tuy cảm quan hiện thực Mẫn có vẻ đẹp đằm thắm hơn Sâm, nhưng họ giống nhau lắm, thực chất chỉ là một người sống trong hai giai đoạn cách mạng mà thôi! Thiêm là người có tâm hồn rộng mở, đón nhận tất cả những ấn tượng, những cảm xúc, những kinh nghiệm của cả thế giới bên ngoài và những trăn trở vận động trong nội tâm. Anh từng trải và lịch lãm, có học vấn, kinh qua nhiều nghề kiếm sống trước khi trở thành một chiến sĩ gan dạ, một chỉ huy tài năng, nhưng lại quá tỉnh táo, làm cho đời sống nội tâm có chút nghèo nàn so với cuộc sống của một con người có trình độ như anh. Có lẽ vì thế mà có người có lý khi gọi tên phong cách tiểu thuyết của Phan Tứ là “chủ nghĩa hiện thực tỉnh táo” [9, tr.320]. Khác với truyện ngắn, trong tiểu thuyết của Phan Tứ những nhân vật phản diện và những nhân vật trung gian ít được ông đầu tư năng lực nghệ thuật để miêu tả một cách sắc nét, kiểu như “cắt tiết người để uống” của cha con Hứa Xâng, Hứa Min (Đất Quảng) của Nguyễn Trung Thành, hoặc chém đầu người bằng dao chặt dừa của bọn Xăm, Sằng (Hòn đất) của Anh Đức. Ở Phan Tứ, nhân vật trung gian như Duy Hảo, hoặc phản diện như cha con xã Chinh (Mẫn và tôi) chỉ được nhắc lướt qua, hoặc ác như thằng Phổ (Gia đình má Bảy) cũng chỉ hiện lên trong ý nghĩ của má Bảy câu hăm dọa đầy sắc máu của hắn: “Một chén gạo cho cộng sản là một chén máu” [tr. 176].

Không tính bộ tiểu thuyết chưa hoàn thành Người cùng quê, trong số những tiểu thuyết của Phan Tứ đã được công bố trọn vẹn, mỗi tác phẩm đều có giá trị đáp ứng trong một giai đoạn lịch sử khác nhau, nhưng có lẽ thành công nhất, tồn tại lâu bền trong tâm tưởng nhiều thế hệ người đọc là thế giới nghệ thuật Mẫn và tôi, “cuốn tiểu thuyết mà nhà thơ Tố Hữu đã gọi là sách gối đầu giường của thanh niên miền Bắc. Tôi nghĩ rằng, Mẫn và tôi Trước giờ nổ súng là đỉnh cao trong sự nghiệp của nhà tiểu thuyết Lê Khâm - Phan Tứ. Cuốn Mẫn và tôi đáp ứng câu hỏi của hàng triệu người lúc đó: Có đánh Mỹ được không? Làm thế nào để thắng Mỹ? Cuốn sách đã bước qua được thử thách của thời gian. Vào sáng ngày 19/4/1995, tại Nhà văn hóa trung tâm tỉnh (Quảng Nam Đà Nẵng - người viết), trong buổi lễ truy điệu nhà văn Phan Tứ, giữa hàng trăm vòng hoa tôi chú ý đến một vòng hoa mộc mạc của một nhóm bạn đọc với dòng chữ Mẫn và tôi sống mãi. Còn gì tốt đẹp hơn lời đánh giá ấy của công chúng. Bởi vì, đâu phải bất cứ nhà văn nào cũng được lời khen tặng như vậy trong lúc ra đi…” [10, tr.204). Có lẽ, điều ấy đã phần nào  đáp lại tình cảm của tác giả, khi ông viết tiểu thuyết này là “để gửi lòng biết ơn không bờ bến tới đồng bào, đồng chí ở Tam Kỳ và Bình Sơn - hai huyện bao quanh căn cứ Chu Lai - đã nuôi, dạy và che chở tôi suốt những năm tôi công tác tại đây” [11, tr.506].

3. Các tiểu loại ký mà Phan Tứ có tham gia sáng tạo, không chỉ là ký văn học mà còn có cả ký báo chí. Với tư cách là nhà báo, một phóng viên chiến trường, Phan Tứ đã viết nhiều bài ghi nhanh, ghi chép, phóng sự, truyện ký nhằm phản ánh một cách trực tiếp và kịp thời những sự kiện và con người trong đời sống chiến tranh. Những bài báo nóng hổi ấy là sức mạnh tinh thần, có khả năng biến thành một lực lượng vật chất, thành vũ khí tiến công kẻ thù, đồng thời cũng là bước chuẩn bị tư liệu cho những sáng tạo văn học về sau. Tác phẩm tiêu biểu nhất còn lại thuộc loại này là Ghi nhanh trận càn cuối cùng của quân ngụy ở Đà Nẵng là những cứ liệu tang thương đổ nát, với những giết chóc, cướp bóc, vơ vét, bắn phá... trước khi tháo chạy của một đội quân bại trận, cùng đường, nhưng đồng thời cũng là thời điểm hửng nắng, báo hiệu bình minh rực rỡ đang đến trong ngày toàn thắng của dân tộc.

Thành công đáng ghi nhận của Phan Tứ là ở những hồi ký văn học như Cái Tết đánh Tây đầu tiên (in trong Đất Quảng phụ trương Xuân 1983), Tập bản thảo ấy (in trong Về một vùng văn học)... nhất là tập Trong mưa núi (1984). Cái Tết đánh Tây... kể lại sự kiện ngày toàn quốc kháng chiến diễn ra vào tháng 12 năm 1946, tác giả rời ghế nhà trường để gia nhập đoàn Tuyên truyền xung phong: “Hồi bấy giờ, tôi mới mười sáu tuổi lẻ một tháng, ra đi từ lớp đệ tứ niên trường Phan Châu Trinh, Hội An. Gia tài chỉ có cái túi dết bên hông, một tấm vải đắp bằng xita cuộn chéo qua ngực, một kính cận thị số hai, một đôi dép da xách tay nhiều hơn là mang vào chân. Cả tuổi lẫn vóc đều thuộc loại em út trong đoàn, mọi người quen gọi “thằng Khâm”, tôi cũng quen xưng em đến nỗi khi thực tập diễn thuyết trước đoàn, tôi cũng buộc miệng nói: Em xin thưa toàn thể đồng bào... Về sau, tôi thử đeo kính cận lên diễn thuyết, vẫn không tăng được chút uy tín nào trước toàn thể đồng bào” [12, tr.11]. Tập bản thảo ấy ông kể về những khó khăn của người sáng tác ở chiến trường, ngay cả việc bảo mật thôi cũng buộc phải ghi những địa chỉ, địa danh bằng tiếng Pháp, tiếng Nga hoặc tiếng Lào, đó là quá trình chuẩn bị cho tập bản thảo đầu tiên viết tay trên giấy học trò dày 100 trang, chi chít chữ, là tập truyện ngắn Về làng gửi ra miền Bắc từ năm 1962, đến 1964 mới được in ra và 1965 mới đến tay tác giả.

Trong mưa núi là tập hồi ký nhưng có pha lẫn chất truyện ký, nó vừa là hồi ức kỷ niệm về cuộc sống và chiến đấu của tác giả và đồng đội vào những năm đầu đồng khởi với quá nhiều những khó khăn, gian khổ ở núi rừng  và nghĩa tình sâu nặng của đồng bào các dân tộc, với cách mạng, với Đảng, với Bác Hồ. Tập sách có 5 chương: Một cơ quan ở vùng cao, Mũi dụ của người Cà Tu, Lý lẽ của người Phước Sơn, Qua vùng Cà Dong, Người Kor làm lúa nước, bên cạnh những thu hoạch về cuộc sống sinh hoạt, tín ngưỡng, văn hóa của đồng bào các dân tộc, là những kỷ niệm đẹp về tình người, tình giai cấp, về lý tưởng cách mạng, làm thay đổi phong tục, nếp sống của đồng bào. Nhiệt huyết và tin theo cách mạng, người già bảo nhau: “Cữ chi nữa, Đảng nói bỏ hết cữ rồi. Cúng bỏ hết. Một năm, ăn lúa mới cúng gà một lần, chừng nấy thôi. Cúng cũng không lắm cá cữ, ai vô làng vô nhà được hết” [tr. 810]. Chân dung những con người đẹp vững chãi sừng sững như hòn đá giữa rừng già, từ trong tăm tối của kiếp người nô lệ, dường như vụt lớn lên trong tư thế ngồi từ nghìn năm trước, kiên trì giữ lửa, truyền ấm cả thời gian năm tháng miệt mài: “Chốc chốc lại một người thức dậy thổi lửa, ngồi sưởi một lát, từ từ cúi đầu ngủ gật, giật mình tỉnh lại khi tóc gần cháy, ghé miệng thổi lửa phù phù lần nữa rồi nằm xuống” [tr. 811]. Hồi ký của Phan Tứ luôn có sự tích hợp cân bằng giữa miêu tả và bình luận, giữa tự sự và trữ tình, tạo những liên tưởng có chiều sâu và những rung động thẩm mỹ. Trang văn của ông dường như không nhằm thông tin sự thật mà là thông tin tâm trạng. Hình tượng tác giả tự tin, năng động, trung thực và giản dị, như một họa sĩ ngồi pha màu dịu nhẹ đầy chất thơ, thông qua hệ thống ngôn từ, đượm chất lãng mạn mượt mà: “Tôi thèm thuồng hít thở những luồng gió dường như ẩm và mặn, gió từ biển thổi lên. Tôi sung sướng được nếm mùi một điếu thuốc rê (thuốc bổi), một miếng đường đen còn dính những mẩu rơm. Tôi ngắm một cô gái mặc bà ba đen cổ tròn, da trắng và bụng eo, ống tay áo chật bó sát cánh...” [tr.861]. Có chút lãng mạn thật nhưng không phóng túng, lãng mạn của một lý trí tỉnh táo, như một nụ cười hóm nhưng nghiêm cẩn!

Có lần, có người phàn nàn về những nhà văn tham chiến trong hai cuộc chiến tranh, viết được quá ít tác phẩm, Nguyên Ngọc đã trả lời rằng: “Về lời phán xét khắt khe đó, tôi muốn nói rằng: Vâng, những người đã ngã xuống và những người còn, chúng tôi làm được còn quá ít. Món nợ với nhân dân anh hùng của mình còn lớn quá. Song có lẽ cũng còn một điều nữa phải suy nghĩ: Một nền văn học là gồm những tác phẩm, đã đành. Nó còn gồm một kiểu nhà văn mà nền văn học ấy tạo nên. Và có lẽ đấy là cái gốc. Cũng là năng suất. Quên đi thì nguy hiểm” [13, tr.80]. Là nhà văn trưởng thành trong bão lửa của chiến tranh và cách mạng, Phan Tứ là chân dung tiêu biểu cho một thế hệ nhà văn kiểu mới: nhà văn - chiến sĩ. Cho đến cuối đời, ngồi tổng kết lại những năm tháng đã đi qua, ông từng cho rằng: “Cuộc đời tôi từ 14 tuổi, cho đến nay 65 tuổi toàn là sống trong chiến tranh. Viết ra, hay dở còn tùy thuộc bạn đọc. Tôi chỉ muốn nói một điều thôi: không ai ép mình đi theo kháng chiến chống Pháp, không ai ép mình đi theo kháng chiến chống Mỹ, thì bây giờ cũng không ai ép mình viết cả... Chỉ còn hận là đã không kịp làm trọn công việc...” [14, tr.494-395]. Chưa phải bàn đến tư tưởng, đến ý thức hệ về chính trị, chỉ nhận diện ông với tư cách một con người, một nhân cách: đáng ngưỡng vọng ông là người yêu nước, khi đất nước ngoại xâm, ông trở thành người chiến sĩ tham gia đánh giặc; với tư cách là nhà văn, ông lao động sáng tạo đến hơi thở cuối cùng.

T.T.V.D - P.P.P

 

[1,2] Tạ Duy Anh (1999), Nghệ thuật viết truyện ngắn và ký, Nxb Thanh niên.

[3] Lê Bá Hán (1999), Tự điển thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

[4] Phan Tứ (1983), Tập bản thảo ấy, in trong Về một vùng văn học, Viện Văn học - Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng xuất bản.

[5,10] Thanh Quế (2015), Phan Tứ, như tôi đã biết, Nxb Văn học, Hà Nội.

[6] Hoàng Châu Ký (2009), Ký ức về Phan Tứ, in trong Văn nghệ sĩ Liên khu Năm-lý tưởng, nhân cách và sáng tạo, Nxb Hội Nhà văn.

[7] Dẫn theo Trần Mạnh Thường (2008), Các tác gia văn học Việt Nam, Nxb Văn hóa TT.

[8] Phan Cự Đệ (2009), Phan Tứ-tiểu thuyêt “Mẫn và tôi”, in trong Văn nghệ sĩ Liên khu Năm-lý tưởng, nhân cách và sáng tạo, Nxb Hội Nhà văn.

[9] Phan Cự Đệ (1978), Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, Nxb Đại học và THCN.

[11] Dẫn theo Mai Hương (2006), Tự điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam tập 2 (1945-1975), Nxb Giáo dục.

[12] Dẫn theo Phạm Phú Phong (2007), Nhận diện lại văn học kháng chiến Liên khu Năm (1945-1954), Nxb Đà Nẵng.

[13] Nguyên Ngọc (1983), Chiến trường những năm tháng ấy, sống và viết, in trong Về một vùng văn học, Viện Văn học- Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Nam-Đà Nẵng xuất bản.

[14] Phan Tứ (2001), Mẫn và tôi sống mãi, Nxb Thanh niên.

 T.T.V.D - P.P.P

Bài viết khác cùng số

Sao mình không về Hòa Xuân sớm hơn… - Nguyễn Hải LýVũ công - Bashir Sakhawarz (Afghanistan)Khe trời - Kiều GiangKiên trung - Trầm Nguyên Ý AnhMiền sương trong - Nguyễn Thị Anh Đào“Huyền thoại những cây cầu” - Phạm Thị Hải DươngKý ức thành phố tiếng còi tàu - Trần Trung SángMột Hội An, một lời ru - Ngân VịnhNgày rộng - Nguyễn Nhã TiênGiữa những giới hạn - Nguyễn Hoàng ThọThơ Lê Ái NiệmSau cái tư lự của gió - Hồng Thủy TiênBên thềm chiều - Nguyễn Hoàng SaNiệm - Kim DungNgày thường - Nguyễn Đông NhậtĐàn bà - Trần Trúc TâmThơ Xuân CừThơ Huệ ThiTản mạn về tiếng Quảng - Bùi Văn TiếngDiễn ngôn tính dục trong sáng tạo văn học về đề tài lịch sử Việt Nam đương đại - Nguyễn văn HùngPhan Tứ - hành trình sáng tạo và khát vọng khẳng khiu cuối đời - Trịnh Thị Vân Dung, Phạm Phú PhongThơ và thơ nữ của chúng ta - Hoàng Hương ViệtPhải chăng tiếng Việt đang “thất thủ” trên sân nhà? - Diệp Dân Hùng“Vạt nắng cuối chiều” của Trương Công Mùi - Hoàng LiênNgược dòng - bao nỗi đắng cay -Trịnh Đình Nghi Như tiếng biển đêm: yêu thương, khát vọng và bứt phá - Nguyễn Thị Thúy HồngChọn lựa tình yêu như một cách giải thoát - Tần Hoài Dạ VũThơ nữ Đà Nẵng, một tập hợp đa thanh - Huỳnh Văn HoaHành trình đến với thơ hay - Bùi Văn TiếngNSNA Thân Nguyên: Nghệ thuật là lưu giữ khoảnh khắc “cựa mình” của nhân vật - Huỳnh Thạch Hà