Hành trình đến với thơ hay - Bùi Văn Tiếng
Phát biểu của ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học -
Nghệ thuật TP Đà Nẵng tại Tọa đàm Thơ nữ Đà Nẵng.
Tôi là người yêu thơ nhưng không biết làm thơ, chính vì vậy tôi luôn ngưỡng mộ các nhà thơ, càng ngưỡng mộ các nhà thơ nữ. Tôi cho rằng cuộc tọa đàm Thơ nữ Đà Nẵng sáng nay thành công ngoài mong đợi, trước hết bởi sự hiện diện của nhiều nhà thơ thành danh - nam cũng như nữ - và nhất là của nhiều nhà thơ nữ. Các anh chị không chỉ có mặt mà còn sôi nổi thảo luận theo như đòi hỏi của một sinh hoạt học thuật nghiêm túc.
Qua trao đổi tại Tọa đàm này, có thể khẳng định lực lượng nữ thi sĩ Đà Nẵng chúng ta khá hùng hậu, không chỉ đông đảo về số lượng mà với chất lượng thi phẩm của mình, họ có thể đàng hoàng đứng trên thi đàn của các nhà thơ nữ cả nước và hơn thế là trên thi đàn cả nước. Hai mươi gương mặt nữ thi sĩ trong Như tiếng biển đêm rõ ràng chưa phải là sự tập hợp đầy đủ những gương mặt thơ nữ Đà Nẵng trong hai thập niên qua, đúng như một số diễn giả đã chỉ ra. Cũng có thể ghi nhận ở thơ nữ Đà Nẵng những nỗ lực cách tân về thi pháp, những nỗ lực tự làm mới thơ mình.
Đương nhiên bản chất của sáng tạo là không bao giờ chịu bằng lòng thỏa mãn với những gì đang có, nên ngay tại Tọa đàm này một số diễn giả còn nhấn mạnh về sự bất cập của thơ nữ Đà Nẵng, trong đó đáng quan tâm nhất là ý kiến của nhà thơ Thanh Quế cho rằng thơ nữ Đà Nẵng chưa thật đọng và quan trọng hơn là chưa chạm đến trái tim của Nhân dân. Chưa thật đọng theo ý Thanh Quế là chưa có những câu thơ/bài thơ đủ sức đi cùng năm tháng, đủ sức khắc sâu trong ký ức người đời. Chưa chạm đến trái tim Nhân dân theo ý Thanh Quế là do thơ còn thiếu những “Tiếng thét” vang động trước số phận của Nhân dân, trước những niềm vui và nỗi buồn nhân thế. Tôi nghĩ từng nhà thơ có mặt hôm nay và tất cả chúng ta sẽ còn phải bận tâm rất lâu về ý kiến đầy tâm huyết này của Thanh Quế. Đồng cảm với Thanh Quế, nhà thơ Thủy Anh lý giải rằng đấy là do các nhà thơ nữ Đà Nẵng còn bị ràng buộc bởi rào cản của bất bình đẳng giới. Có điều chính Thanh Quế cũng nói thêm chưa chạm đến trái tim của Nhân dân là nhược điểm chung của cả thơ nữ và thơ nam, và không chỉ riêng của thơ Đà Nẵng.
Về bất bình đẳng giới trên địa hạt thơ, Thanh Quế rất tâm đắc khi cho rằng bài thơ Thím Hai Vui của Trần Nhuận Minh viết theo thể năm chữ - một thể thơ bình thường - nhưng thực sự là “Tiếng thét” (Thanh Quế mượn tên bức tranh nổi tiếng của họa sĩ Na Uy Edvard Munch) lay động nhiều độc giả. Về bất bình đẳng giới trên địa hạt thơ, diễn giả Hoàng Hương Việt còn dí dỏm nhắc đến cách gọi Nàng Thơ. Thật ra đây chính là sự mặc định bất bình đẳng giới từ xa xưa rằng chỉ có đàn ông mới làm thơ. Theo tôi bình đẳng giới là vừa có Nàng Thơ vừa có Chàng Thơ...
Đánh giá chung về kết quả Tọa đàm Thơ nữ Đà Nẵng, có thể nói một cách hình ảnh rằng nếu là bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật - chẳng hạn bài Qua Đèo Ngang - thì cuộc tọa đàm này dẫu thành công đến mấy cũng chỉ được xem là hai câu đề “Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà/ Cỏ cây chen đá lá chen hoa”, đòi hỏi từng nhà thơ có mặt hôm nay và tất cả chúng ta còn phải nhiều lần ngồi trao đổi như thế này mới mong đi đến hai câu kết “Dừng chân đứng lại trời non nước/ Một mảnh tình riêng ta với ta”. Chẳng hạn cho đến hôm nay chúng ta vẫn chưa thể nói rạch ròi thế nào là thơ nữ. Nếu không biết đích xác tác giả một bài thơ nào đó là nữ, liệu chúng ta có thể nhận diện thơ nữ được không? Bài Qua Đèo Ngang nếu không biết tác giả là Bà huyện Thanh Quan/Nguyễn Thị Hinh thì có thể khẳng định được đó là tâm trạng cô đơn của một người phụ nữ vào lúc chiều tà trên đường thiên lý, giữa đỉnh đèo hoang vắng? Thơ nữ ngày nay còn có thể được nhận diện qua cách xưng hô của chủ thể trữ tình (chẳng hạn xưng em gọi anh), chứ chỉ nói “Một mảnh tình riêng ta với ta” thì lấy gì để đoán chắc đó là nữ giới? Ngay khi Lâm Thị Mỹ Dạ viết: Sao không là hai/ Mà quỳnh chỉ một/ Trăng một đóa trời/ Quỳnh đóa trần gian/ Mỏng tang mỏng tang/ Trăng cô đơn trời/ Quỳnh ơi ta ngồi/ Một quỳnh một ta/ Lặng thầm thiết tha (bài Một quỳnh một ta), nếu không biết tác giả là Lâm Thị Mỹ Dạ thì cũng không thể đoán chắc chủ thể trữ tình là nữ giới.
Đó là chưa kể còn có hiện tượng nhà thơ nam giới hư cấu giọng nữ, nam giới thác lời nữ giới để làm thơ kiểu như trường hợp Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn, Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, hoặc Mưa xuân của Nguyễn Bính. Ngay những bài ca dao về thân phận phụ nữ ngày xưa như Thân em như tấm lụa đào/ Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai hay Lấy anh từ thuở mười ba/ Đến nay mười tám em đà năm con... thì em ở đây cũng là nam giới thác lời nữ giới. Nếu Chinh phụ ngâm khúc và Cung oán ngâm khúc mà do chính nữ giới sáng tác thì không chừng sẽ sâu sắc hơn, sẽ hay hơn. Nói không chừng bởi vì đúng như diễn giả Hoàng Hương Việt quan niệm: “Thơ chỉ có hay và dở, nhớ và quên, ám ảnh và nhạt nhòa” - người trong cuộc là ưu thế vượt trội nhưng trước hết phải có tài năng, vì chỉ có tài năng thi ca mới có thể tạo nên những thi phẩm hay, đáng nhớ và đầy ám ảnh.
B.V.T