Phục hưng nhà rường Việt Nam nghĩ về đề xuất của một người xứ Quảng
Đình Hòa Bình trong khuôn viên Công trường Quách Thị Trang (Khoảng năm 1968-1969).
Những người yêu thích lịch sử, nhất là quan tâm về lịch sử Đà Nẵng thời kỳ trước năm 1975 khi chia sẻ các tư liệu hình ảnh thì nổi lên là hình ảnh con sông Hàn thơ mộng, những cây cầu, thuyền buồm, tháp nước… Trong một lúc tình cờ, tôi nhìn thấy hình ảnh lạ (Hình 1) trên trang mạng xã hội và được ghi chú là: “Đình Hòa Bình trong khuôn viên Công trường Quách Thị Trang”.
Khi tìm hiểu thêm về đình Hòa Bình thì chúng tôi được biết có một thông tin liên quan, nhưng sau đó câu chuyện lại chuyển sang một hướng khác: đình Hòa Bình được lấy làm ví dụ cho một đề xuất phục hưng nhà rường Việt Nam của ông Thái Quang Lữ, có địa chỉ tại số nhà 40 Lê Lợi, Đà Nẵng vào năm 1970. Thông tin liên quan đình Hòa Bình như sau: “Kính thưa Quốc vụ khanh. Ở Đà Nẵng, người Đại Hàn có xây dựng tại Công trường Diên Hồng một nhà Bát Giác đặt tên là “Đình Hòa Bình”, và một cái nhà mà tôi chưa rõ công dụng và mục đích. Nhưng thấy rằng, những kiến trúc ấy theo kiểu Đại Hàn, tôi thiết tưởng việc làm ấy của Đại Hàn có thể vì mục đích trao đổi văn hóa” . Như vậy, đình Hòa Bình được xây dựng sau khi lính Nam Triều Tiên sang Việt Nam.
Như thông tin vừa đề cập, trong Thư của ông Thái Quang Lữ ngày 12-12-1970 về phục hưng kiểu nhà rường hoàn toàn bằng gỗ, tháo rời lắp lại được, sau khi ví dụ về nhà Bát Giác (Đình Hòa Bình), thì ông Thái Quang Lữ dẫn chuyện: “Nghĩ như thế rồi liên tưởng tới sự e ngại của Quốc Vụ khanh về 4 ngàn năm văn hiến Việt Nam, tôi bắt đầu suy nghĩ kỹ, và sau bao đêm trằn trọc vì tâm tư đó tôi xin đồng ý với Quốc Vụ khanh về điều đáng e ngại đó, ít nhất là về điểm kiến trúc hoàn toàn Việt Nam.
Kiến trúc Việt Nam ắt hẳn phải là một công trình mỹ thuật đáng bảo tồn. Nhà riêng của các bậc hào phú đã đẹp, dinh thự của các quan lớn, các vị đại thần còn đẹp và lộng lẫy hơn. Viện Bảo tàng Huế đã có phần tráng lệ nguy nga rồi. Nếu được vào Đại Nội chiêm ngưỡng những đền đài của hoàng gia thì tôi không biết tán thán bằng cách nào nữa; chắc là phải rực rỡ huy hoàng như hoa như gấm, như kim cương hột xoàn, hơn cả kim ngân xa cừ mã não nữa. Bây giờ tìm kiếm lại vài mẫu kiến trúc ấy chắc còn có thể được nếu chúng ta có quyền vào Đại Nội là địa hạt không riêng gì của Triều đình xưa. Nhưng ai có thể theo mẫu đó các vật mà tìm hiểu phương thức để thực hiện nổi. Sau mấy trăm lần tự vấn như vậy tôi chỉ có một giải đáp là: Quốc Vụ khanh Đặc trách Văn hóa.
Chỉ có Quốc Vụ khanh mới có thể phục hưng được ngành mỹ nghệ kiến trúc nhà hoàn toàn Việt Nam này. Quốc Vụ khanh nhất định sẽ thành công với sự hợp tác của kiến trúc sư giỏi, những nhà hội họa điêu khắc danh tiếng và hiếu cổ, những họa sư kỹ nghệ, những thợ mộc chuyên môn làm sườn nhà rường, một Ban Biên tập để biên chép những lời giảng giải, trình bày phương thức quy cũ của các thợ chuyên môn mà các kiến trúc sư sẽ diễn tả lại theo phương pháp du tây thành quy tắc kỹ thuật để lưu truyền đời sau, quảng bá đại chúng. Bộ Biên tập Bulletin des Amis du Vieux Hue [BAVH] chỉ phô trương bề mặt, cái hai cái đẹp. Bộ Biên tập Mỹ thuật của Văn hóa Vụ phải đi thêm vào chiều sâu, vào phương pháp và kỹ thuật.
Sau trận lụt tai hại nhất cho Cố đô Huế năm 1953, trên tạp chí Khoa học Phổ Thông, tôi đã có đề cập đến sự ích lợi của những nhà rường làm bằng cây là sản phẩm rẻ tiền của đất nước, nhân dịp nghe bàn tán rằng những nhà xây xông gát băng tuy làm bằng gạch nhưng khi thế nước tràn mạnh thì sụp đổ hoàn toàn làm người ở trong mất nơi nương tựa phải chịu chết. Còn các nhà rường kiểu xưa thì vẫn y nguyên mà trôi đi với người ở lánh nạn trên trần, trên tra hoặc trên mái, với hạnh phúc được cứu thoát. Đến nay, tôi mới có dịp được hân hạnh trình bày lên Quốc Vụ khanh ý kiến trên đây về kiến trúc Việt Nam. Khi trao đổi văn hóa, đem vàng gói trong sách để tặng không bằng phô bày tài ba xảo thuật của quốc dân trong một kiến trúc giản dị, rẻ tiền mà tráng lệ huy hoàng”.
Sau khi nhận Thư đề xuất của ông Thái Quang Lữ, Phủ Quốc Vụ khanh Đặc trách Văn hóa đề nghị Viện Khảo cổ học cho ý kiến. Trong Công văn ngày 26-2-1971, Viện Khảo cổ cho biết: “Nhà rường cũng như hầu hết các kiến trúc xưa của ta, làm bằng gỗ vì gỗ là vật liệu phổ thông và thích hợp với lối kiến trúc và nếp sống cổ truyền. Nay, vì chiến tranh, gỗ rất khan hiếm lại không có thợ giỏi như xưa để đục chạm tỉ mỉ, nên những kiểu nhà rường cũng như kiểu nhà rọi, nhà đại khoa không ai làm nữa. Để gìn giữ số nhà cổ truyền Việt Nam còn lại khỏi đổ nát, Viện Khảo cổ thuộc Phủ Quốc vụ khanh Đặc trách Văn hóa vẫn chủ trương bảo tồn những cung điện, đền chùa, lăng miếu, nhà cửa kiến trúc xưa để làm chứng tích cho nền văn hóa cổ truyền Việt Nam. Ý kiến của ông Thái Quang Lữ rất đáng hoan nghênh vì phản ánh trào lưu hiện nay muốn trở về nếp sống dân tộc và riêng về ngành kiến trúc cũng muốn có một sắc thái cổ truyền. Tuy nhiên, trong lúc này, vấn đề phục hưng kiểu nhà rường của đương sự, chưa thể đem thi hành được, vì thiếu phương tiện thuận lợi”.
Nội dung công văn trên cho thấy ba vấn đề liên quan: Một là, trong bối cảnh tình hình an ninh và chính trị bất ổn, chiến sự xảy ra liên tiếp thì việc bảo tồn và phát huy nhà rường là điều khó khả thi mặc dù các cơ quan chức trách nhận thức được giá trị và nội dung bảo tồn. Hai là, việc bảo tồn nhà rường nói chung, di sản văn hóa nói riêng giai đoạn này chủ yếu thực hiện đối với các di tích tiêu biểu và được cơ quan nhà nước xếp hạng cần bảo tồn. Ba là, việc xây dựng nhà rường với đặc điểm là dùng chủ yếu nguyên liệu bằng gỗ và cần nhiều nhân công nên lại một thế khó để bảo tồn, phát huy di sản văn hóa này.
Để làm rõ hơn đề xuất của ông Thái Quang Lữ, ngày 11-3-1971, Phủ Quốc Vụ khanh Đặc trách Văn hóa hồi đáp ông Thái Quang Lữ với tinh thần “vô cùng cảm kích trước mỹ ý bảo tồn công trình mỹ thuật Việt Nam của ông. Sức tàn phá khốc liệt của cuộc chiến tranh cam go và dai dẳng là nổi bận tâm không ngớt của những con dân hiếu cổ, đối với di sản văn hóa của tiền nhân”. Và nhờ ông Thái Quang Lữ cho biết một số đề nghị cụ thể.
Ngày 18-3-1971, ông Thái Quang Lữ tiếp tục có thư trình bày cụ thể hơn như sau: “Trước hết là cần dành cho việc này một ngân khoản quan trọng. Có hai biện pháp để có ngân khoản:
- Vận động ngân khoản ngoại lai. Trình lên Chính phủ dự án phục hưng này, đề nghị Chính phủ kiến thiết một nhà rường Việt Nam tại dinh Độc Lập để làm Nha Khánh Tiết Quốc Gia Việt Nam, hoặc tại Vườn Bách Thú, trước Bảo Tàng Viện để làm Đền Tổ Quốc Ghi Ơn. Tôi chọn hai mục đích đó là vì tôi cho nó là thiết yếu cho Quốc thể trước tai mắt quan trọng của nước ngoài.
- Sung dụng ngân khoản thuộc ngân sách của quý Phủ để phục hưng ngành văn hóa này. Phục hưng đây là phục hưng cái nghề làm nhà rường Việt Nam, chứ chưa đến đổi phải phục hưng di tích di sản kiến trúc của đất nước. Di sản này còn đó, nay chúng ta phải mau sớm khai thác di sản đó để phục hưng ngành mỹ nghệ kiến tạo di sản đó. Chúng ta dùng di sản đó làm học liệu, kiểu mẫu trong việc huấn luyện nghề làm nhà rường. Nhà rường Việt Nam là một nhà hoàn toàn bằng gỗ, tháo rời và lắp lại được, bao nhiêu lần cũng được, cũng như tháo và lắp một cái tủ, một cái đồng hồ. Còn dễ hơn nữa là khác vì không dùng đinh, ốc (vít) bằng sắt. Chỉ có xóc họng kèo, vô miệng xuyên, trến, đậu mồng xà ngạch, đóng ngạc khung cửa bản khoa.
Dùng làm nhà học liệu cho lớp học thợ chuyên môn làm nhà rường cũng như dùng đồng hồ làm học liệu cho học thợ sửa ráp đồng hồ; dùng máy thu thanh cho học thợ sửa ráp máy thu thanh. Học liệu này cũng đắt tiền, có thể tìm mua ở các miền thôn quê, hoặc có thể về Cố Đô tìm triệt hạ một công thự nào có thể làm kiểu mẫu và có thể cất dựng lại, với điều kiện là không phương hại đến thẩm mỹ, chỉnh trang thị thành. Việc này không khó khăn gì.
Như chúng ta sẽ thấy vấn đề chính chỉ là tập hợp một số thợ chuyên môn làm nhà rường Việt Nam để nhờ họ truyền nghề cho một lớp thợ trẻ để cho nghề này khỏi vì sự mãn phần của các vị “nghệ sư” mà mai một đi. Nhưng để các vị nghệ sư này gặp được học liệu để phát sinh ra một lớp thợ chuyên môn làm nhà rường Việt Nam, cần có cả một hệ thống tổ chức rườm rà và đắt giá như sau.
Nếu quý Phủ đồng ý như trên hay là có biện pháp nào khác để thực hiện cái ý định như trên thì mới đi vào kế hoạch chương trình có thể phác ra dưới đây: Thiết lập cơ quan “Phân vụ văn hóa phục hưng mỹ nghệ nhà rường Việt Nam”. Tìm địa điểm, lập trụ sở. Tuyển dụng nhân viên hành chính, kỹ thuật, tài liệu, thiết kế, hội họa, huấn luyện, thợ chuyên môn, học thợ. Kiến thiết cơ sở: văn phòng, công xưởng, kho, công trường, sân dự trữ, lớp học, gara… Trang bị cơ sở, mua sắm dụng cụ. Mở khóa hội thảo các thợ chuyên môn có học viên dự thính. Để công tác thực hiện khi thấy có đủ thợ chuyên môn cần thiết để hoàn thành một nhà rường Việt Nam. Thiết kế, tiên lượng vật liệu, nhân công, phí tổn. Tiếp liệu. Phá gỗ, khởi công, tạo tác. Cung cấp, thiết lập tại địa điểm thu nhận. Nếu có được một số thợ khá đầy đủ, thì chúng ta có thể đi ngược lại, khởi công làm một cái nhà trước, như thế là thực hành đi trước lý thuyết.
Xong một cái nhà kể như xong một khóa huấn luyện, huấn luyện xong một cấp học ngành chuyên môn làm nhà rường Việt Nam. Xong khóa huấn luyện đầu tiên ít nhất các học viên, vốn là những thợ mộc thông thường tuyển vào lớp, đều thông thạo các danh từ biệt định của các bộ phận, công dụng của mỗi bộ phận rời, và biết đại khái cách làm thành vài bộ phận dễ. Xong bao nhiêu nhà thì cấp hiểu biết về ngành nhà rường càng lên cao bấy nhiêu. Đến trình độ nào học viên có thể tự mình làm được tất cả các bộ phận rời, lắp lại thành được một cái nhà hoàn mỹ thì kể như đã lành nghề”.
Mặc dù Viện Khảo cổ hoan nghênh đề xuất của ông Thái Quang Lữ như nêu trên, nhưng họ cho rằng, công việc phục hưng này có tính cách tiểu công nghệ, không phù hợp với sự nghiên cứu văn hoá của Viện. Do đó, Viện Khảo cổ đề xuất chuyển sang các cơ quan có liên quan như Trường trang trí, Trường kiến trúc quốc gia, Trường Kỹ nghệ thực hành hoặc Trung tâm tiểu công nghệ Việt Nam. Cuối cùng, ông Thái Quang Lữ nhận được nội dung trả lời chính thức ngày 21-6-1971 của Phủ Quốc Vụ khanh Đặc trách Văn hóa: “Hết sức hoan nghênh mỹ ý của ông muốn đóng góp vào việc bảo tồn công trình mỹ thuật Việt Nam. Tuy nhiên, vì vấn đề đặt ra không thuộc thẩm quyền của Phủ văn hóa mà thuộc phạm vi chuyên môn của Trường Cao đẳng công chánh và phân khoa Đại học kiến trúc Sài Gòn nên Phủ tôi đã chuyển hồ sơ sang các trường nêu trên để cứu xét”. Các trường có liên quan như đề xuất của Viện Khảo cổ học đã không tích cực nghiên cứu đề xuất của ông Thái Quang Lữ và sau đó vì tính hình chiến sự tiếp tục leo thang, bất ổn về chính trị và an ninh, nên đề xuất này đi vào lãng quên mãi đến năm 1975.
Khu du lịch Vinahause, Điện Bàn, Quảng Nam - một địa điểm tiêu biểu về phục hưng nhà rường cổ của Việt Nam.
Thông qua việc đề xuất của ông Thái Quang Lữ, trước hết cho thấy sự quan tâm của cá nhân ông Thái Quang Lữ đến việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, đây là một điều cần ghi nhận trong lịch sử. Ngoài việc đề xuất phục hưng nhà rường, ông còn tự nguyện tham gia góp sức (tùy khả năng) vào việc điển chế văn tự. Hơn nữa, nếu đề xuất được thực thi, ông sẽ tham gia các công việc “thăm dò, sửa soạn, hỏi tìm thợ chuyên môn, tìm mua một cái nhà rường bình dân, tuy nhỏ bé nhưng cũng gồm có đủ các bộ phận thiết yếu như một nhà lớn, ngoại trừ các bộ phận có tánh cách trang hoàng”. Về điển chế văn tự điển, ông Thái Quang Lữ sẽ tham gia “cóp nhặt những danh từ Đông - Y với các định nghĩa của các tác dịch giả”. Điều này hàm ý rằng, việc phục hưng nhà rường Việt Nam gắn liền với việc thực hiện công trình khảo cứu về văn hóa, trước hết là nội dung liên quan trực tiếp đến nền mỹ thuật Việt Nam.
Sau năm 1975, ít nhất là trong 20 năm đầu sau giải phóng, trong điều kiện kinh tế bao cấp, Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn nên dường như cả chính quyền và các nhà nghiên cứu không quan tâm đến vấn đề này. Bắt đầu từ cuối những năm 1990 sang đầu thế kỷ XX, việc phục hưng nhà cổ Việt Nam hay gọi là nhà rường được thực hiện trở lại. Trong khoảng 20 năm trở lại đây, các cơ quan nhà nước, đặc biệt là những người trân quý di sản kiến trúc nhà rường đã có nhiều cách làm khác nhau để dần phục hưng, phát huy giá trị di sản nhà rường. Trong đó, có hai hình thức chính: Về cơ quan quản lý văn hóa đã quan tâm, đăng ký, kiểm kê, tôn tạo các di tích, công trình kiến trúc nhà rường còn lại, với quan điểm bảo tồn đi cùng với phát huy giá trị di tích. Về phía người dân, cụ thể là các nghệ nhân, doanh nhân đã đầu tư công sức, tiền của để sưu tầm, phát huy giá trị kiến trúc này bằng cách phục dựng và xây dựng mới các công trình theo kiến trúc nhà rường, trở thành một hoạt động kinh tế trên cơ sở phát huy giá trị văn hóa kiến trúc cổ Việt Nam.
Xác lập kỷ lục Việt Nam về Bảo tàng Kiến trúc nhà cổ Việt lớn nhất.
Khi đọc lại đề xuất của ông Thái Quang Lữ ở Đà Nẵng cách đây 50 năm - thể hiện việc một người ở xứ Quảng quan tâm và có kiến nghị đến các cơ quan chức năng đương thời của chính quyền Việt Nam Cộng hòa một cách cụ thể về phục hưng nhà rường; thì trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước Việt Nam thống nhất sau năm 1975, cũng có một người ở xứ Quảng đã đi đầu trong cả nước về phục hưng, bảo tồn, phát huy giá trị di sản này - đó là nghệ nhân Lê Văn Vĩnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Nhà Việt Nam Vinahouse. Nghệ nhân Lê Văn Vĩnh đã đặt dấu đục ở hầu hết công trình nhà cổ, nhà gỗ trên đất nước như Làng cà phê Trung Nguyên (Buôn Ma Thuột), các biệt phủ ở Huế, khu du lịch Bà Nà (Đà Nẵng), khu nghỉ dưỡng Laguna Lăng Cô (Huế)...; là nghệ nhân nhận danh hiệu sớm nhất trong làng mộc Việt Nam khi mới 28 tuổi; được tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục Việt Nam đối với Công ty cổ phần nhà Việt Nam về Bảo tàng Kiến trúc nhà Cổ Việt lớn nhất - đó là Nhà tam gian tứ hạ Quảng Nam được phục dựng có kích thước lớn nhất và nhiều cột nhất nằm trong Khu du lịch Vinahouse, Điện Bàn, Quảng Nam. Một lần nữa người xứ Quảng lại đi tiên phong trong việc phát huy giá trị di sản kiến trúc nhà rường Việt Nam.
V.H