Giữa mùa gió nam non
Chuyện thằng Hiển đưa một cô gái trẻ cùng đứa con còn bé về nhà mình mới chiều hôm trước, hôm sau đã lan đi khắp Xóm Núi.
Gọi là Xóm Núi vì địa bàn của xóm nằm gần núi Hòn Đụn. Ngày xưa vùng này còn hoang sơ lắm, chỉ có vài nóc nhà lưa thưa, nhưng từ khi dân cư đô thị tăng lên, người ta tràn về đây mua đất làm nhà ngày càng nhiều. Chưa đầy mười lăm năm, nhà cửa, cái lợp tôn, cái lợp ngói mọc lên khắp nơi, rồi đường được mở, cái ngang, cái dọc, người lạ thành người quen, láng giềng gần gũi, chuyện to, chuyện nhỏ ở đầu xóm biết thì cuối xóm cũng hay. Người nào mới làm ăn trúng mánh, nghe tin, lập tức người ta trầm trồ, truyền nhau. Người nào bị bệnh nặng vừa đưa vào bệnh viện, người ta cũng báo nhau... Có tin chính xác, có tin không. Có tin mới buổi sáng lan ra, buổi chiều cũng qua những cái miệng, qua những cuộc gặp ngắn ngủi, người ta lập tức đính chính, phủ nhận. Lần này là tin về thằng Hiển, một tin liên quan tới chuyện trai gái, tuy không quan trọng nhưng kích thích, khơi dậy tính hiếu kỳ của không ít người, nhất là đám đàn bà, phụ nữ...
Hiển là đứa con trai hai mươi sáu tuổi, thân hình cao to, tính tình hiền lành, thật thà, có nhà nằm ở cuối xóm, nơi gần rừng keo lá tràm rộng ngút ngàn, bốn mùa phủ đầy màu xanh. Trước đây, Hiển sống với ông nội là ông già Thước, hai năm nay khi ông cụ qua đời, nó ở một mình. Ngoài việc chăm sóc rừng keo để đến mùa thu hoạch, bán cho người ta chở đi nghiền thành bột làm giấy, làm ván ép. Ngày ngày, Hiển theo nghiệp ông mình, vào rừng tìm ong lấy mật và đào các ổ mối, bắt mối chúa về bán cho người dưới thị trấn để sống. Ong mật thì phải vào rừng sâu, nhưng Hiển chuyên bắt ong ruồi, loại ong chỉ to bằng con ruồi thường sống ở bìa rừng, không phải đi xa. Tuy ít mật nhưng đây là loại dễ bắt và thằng Hiển có phương pháp riêng của nó. Chỉ cần đốt một điếu thuốc lá, hít hơi, phà khói vào tổ ong một lát, từ ong thợ đến ong lính dần dần ngà ngà say, tất cả tụ lại, co người nằm yên, thế là thằng nhỏ dùng dao cắt phần chứa mật, phần còn lại cứ để nguyên. Làm theo cách này, tổ ong không bỏ đi, mà tiếp tục làm mật, nuôi ong con, nhờ đó thằng Hiển cũng có nguồn thu dài dài.
Còn việc bắt mối chúa với Hiển cũng chẳng có gì khó. Trong rừng, tổ mối nổi đầy. Có những ụ mối to tựa cái thùng phuy, nằm lù lù trên đất. Nhờ có sức khỏe, Hiển chỉ cần vung cuốc lên, một lát, hang chứa mối chúa to như cái nồi gang, xám xịt, cứng như đá sẽ lòi ra, thế là Hiển cầm cả tổ bỏ vào xô nhựa, xách cuốc đi tìm ụ mối khác. Nhiều con mối chúa sống lâu năm to bằng ngón tay trẻ em, bụng mọng nước vàng được Hiển bắt sống. Loại côn trùng độc đáo ấy được các bậc đàn ông trung niên ở thị trấn rất thích vì nghe đâu là vị thuốc bổ thận dương. Thằng Hiển chẳng rõ thực hư việc bổ thận, bổ gan, với nó người ta đặt mua, lấy được tiền là thích rồi.
Dù rằng nhà nghèo, nhưng được cái tính tình thật thà, hiền lành, biết lo làm ăn nên thằng Hiển từ lâu đã lọt vào mắt xanh của nhiều cô gái trong xóm. Tuy nhiên, Hiển chỉ thương mỗi mình Duyên, con gái bà Năm Khẹt, người có nhà bán hàng tạp hóa ở ngã ba giữa xóm. Cha mẹ Duyên nhờ buôn bán, có của ăn của để nhất trong xóm, nhưng con nhỏ không vì thế mà đua đòi, ăn diện như những đứa con gái khác, lại biết đối xử, với ai cũng nhã nhặn lễ phép nên Hiển quý. Vợ chồng bà Năm Khẹt thấy vậy cũng lấy làm mừng, nghĩ hai đứa lấy nhau, con gái mình không phải chịu cảnh làm dâu, mà tương lai có hai đứa trẻ ở gần, cảnh già cũng bớt phần lo. Ông bà chỉ có hai đứa con gái, con chị tên Lan, nhưng cách đây mười bảy năm, hồi còn sống ở Quảng Ngãi, một bữa đưa con ra Tam Kỳ chơi, trong lúc lang thang mua mấy cái vỏ ốc ở cửa hàng mỹ nghệ, bỗng dưng quay lại thì con bé chị chạy đi đâu mất. Vợ chồng Năm Khẹt tá hỏa tam tinh đi tìm. Nhưng tìm hoài, một ngày, một tháng rồi một năm, năm sau, năm sau nữa, tìm đến mức có thể nói là bới cả các con phố lên để tìm song tin tức về con bé vẫn biệt tăm. Tìm hoài rồi chán nản, bỏ bê cả việc làm ăn, cho đến một ngày nhìn ngôi nhà cũ, không chịu được cảnh nhớ con, nên họ bán, bỏ quê, dọn tới tận vùng đất Xóm Núi này để ở. Trong tình cảnh như thế, từ khi con Duyên lớn lên, thấy nó yêu thằng Hiển, hai ông bà chẳng rầy la mà luôn ngầm ý vun vào. Thỉnh thoảng, thằng Hiển ghé cửa hàng tạp hóa mua mấy thứ như mì tôm, bột ngọt, xà phòng…, bà Năm Khẹt đều bán rẻ. Còn Duyên thì khỏi phải nói, lần nào cũng như lần nào, nó gói các thứ vào bao ni lông đưa cho người mình yêu mà chẳng lấy đồng nào. Có lần thấy thằng Hiển nấn ná, tỏ ý không bằng lòng, nó liền lườm một cái làm cho hai con mắt co lại, sắc lẹm như mọc đuôi rồi bảo: “Cứ cầm về, dồn lại đó, sau này lấy một thể!”.
Vốn nhút nhát, hồi mới thương nhau, Duyên không dám hẹn hò, nhưng dần dà con bé quen dần, lâu lâu, khi đêm đến, nó và thằng Hiển lén ra ngoài rừng keo lá tràm thủ thỉ to nhỏ. Thằng Hiển là trai mới lớn, ngày nào cũng băng rừng lội suối, lại hay ăn sáp ong nên thân hình rất lực lưỡng, bắp tay nổi thịt cuồn cuộn. Ngồi với nhau, Duyên hay xoa nhẹ vào bắp tay người yêu và khen, nhưng khi Hiển đụng vào người nó, định cởi nút áo thì lần trước như lần sau con bé liền giả bộ nổi giận, kiên quyết không cho. Cái câu “khôn ba năm, dại một giờ” mà bà Năm Khẹt giảng giải cho nó đã thấm vào máu. Đôi lúc “cơn yêu” ở thằng Hiển tràn lên như lốc xoáy nhưng con nhỏ biết cách làm cho người yêu hạ nhiệt bằng phương pháp rất riêng, đó là cắn. Nó cắn vào cánh tay làm cho thằng Hiển kêu trời mới thôi. Rồi nó động viên Hiển, phải chờ, hai đứa đã hứa với nhau vào cuối năm sẽ đám cưới còn gì…
Nhiều người trong Xóm Núi khen Duyên và Hiển đẹp đôi. Gặp thằng Hiển, có người bảo:
- Cưới đi chứ! Hỏi vợ phải cưới liền tay…
Gặp Duyên, người khác lại giục:
- Thế cưới nhau đi! Con gái có thì…
Chuyện là thế, vậy mà bây giờ thằng Hiển lại dắt gái về nhà. Quả là khó tin. Khó tin nhưng tin vẫn cứ lan đi. Người đưa chuyện đầu tiên là mụ Hóa mập. Sáng sớm nay, khi đi ra rừng keo để mang bó củi khô đốn từ chiều hôm trước chưa đem về kịp, khi đi ngang qua nhà thằng Hiển mụ này ngạc nhiên thấy trong nhà có tiếng phụ nữ đang nựng con, lại thấy trên cái dây ở đầu sân có phơi bộ đồ hoa. Thoạt đầu mụ lướt qua, nhưng đi một đoạn, trong người thấy bứt rứt vì tính tò mò nên vứt bó củi từ trên vai xuống đất, quay lại, thò đầu dòm qua cửa. Thấy một cô gái trẻ đang nằm dạng chân cùng đứa con trên giường thằng Hiển, mụ Hóa mập đằng hắng một tiếng thật to, rồi cất tiếng hỏi như kẻ vô tình ghé ngang:
- Hiển có nhà không cô?
- Dạ… Cô gái giật mình, ngồi dậy ấp úng - Dạ, anh ấy vào núi từ sớm ạ!
- Cô là bà con của thằng Hiển à? - Người đàn bà mập nhìn quanh, hỏi tiếp.
- Dạ, dạ … không phải ạ…
“Chết cha, kiểu này là bậy bạ rồi!”- Mụ Hóa nghĩ và nhìn khuôn mặt lấm lét của cô gái bỗng dưng đâm nghi. Mụ lấy cớ hỏi thêm vài câu, gật đầu chào cô gái rồi quày quả bỏ đi. “Con gái con gung, không bà con mà về ở nhà người ta cả đêm sao? Nếu không bồ bịch thì cũng có chuyện tình éo le!”. Vác bó củi trên vai, bước một đoạn gặp bà Sáu Sâm, mụ liền dừng lại hỏi:
- Nghe chuyện gì chưa?
- Chưa? Chuyện gì?
- Tôi nói nhưng bà đừng nói với ai! Mụ Hóa mập tỏ ra quan trọng, hạ thấp giọng - Thằng Hiển trông bộ hiền lành rứa mà dẫn gái lạ về nhà ở trắng đêm bà ơi!
- Bà nói sao chứ thằng đó hiền như cục đất mà! Với lại nó với con gái mụ Năm Khẹt sắp cưới nhau rồi.
- Thế mới nói! Con nhỏ kia đẹp lắm! Thời buổi ni chẳng biết đâu mà lần.
Bà Sáu Sâm gặp bà hàng xóm khác là Bảy Liễu liền bảo:
- Này bà nghe gì chưa? Tôi nói nhưng bà đừng nói với ai nghen! Thằng Hiển dắt gái về nhà, đêm qua hai đứa trửng giỡn rần rật trắng đêm trên giường… Con nhỏ đẹp lắm!
Bảy Liễu bưng rổ đi chợ, gặp Mười Huê, sau khi chào hỏi vài câu, liền cất giọng đầy bí mật:
- Nghe chuyện gì xảy ra trong xóm chưa? Thằng Hiển ngó rứa mà đã có con rồi đó nghen!
Người này truyền người kia, mỗi người làm như chính mình chứng kiến sự việc, và để câu chuyện thêm ly kỳ, phong phú, mỗi người thêm một ít. Đến giữa buổi sáng thì ở cái chợ nhỏ giữa Xóm Núi người ta bàn tán xôn xao. Rồi từ chợ, cái chuyện của thằng Hiển như chứng lang ben trên cơ thể, lan hết nhà này tới nhà khác. Người bảo Hiển là thằng mất dạy, bắt cá hai tay. Người thì bảo có khi nó với đứa con gái kia có con từ lâu cũng nên, đúng là đồ Sở Khanh. Đến gần trưa, tin lạ mới tới nhà bà Năm Khẹt, cũng đúng vào lúc con Duyên đi ra phố mấy ngày chơi với đứa bạn về. Thoạt đầu con bé không tin. Nhưng khi ba chân bốn cẳng chạy tới nhà Hiển, nhìn thấy bộ quần áo hoa của phụ nữ phơi trên dây trước sân, người nó bỗng rụng rời.
Con bé đứng tần ngần một lát, định vào nhà coi thử nhưng cơn tức giận trào lên ngực. Chẳng cần vào làm gì! Đồ xấu xa! Nó hét lên rồi vụt chạy về nhà, chui thẳng vô buồng, nằm sấp mặt trên giường mà khóc. Trong cơn đau đớn, tâm trí nó rối bời. Bầu trời tràn trề niềm vui trước mắt nó đang khép lại. Mới hôm qua đây, ở ngoài thành phố, nó vào tiệm cho thuê đồ cưới, ướm thử bộ sơ-rê nhiều tầng, chuẩn bị sau này sẽ thuê làm áo cưới, vậy mà bây giờ mọi thứ xung quanh như đổ sập, tan nát hết. Con bé khóc, rồi lại khóc.
Vợ chồng ông bà Năm Khẹt trong bụng như có lửa đốt nhưng vì khách đến mua hàng tạp hóa đang đông nên lúc con Duyên chạy về, cả hai không kịp hỏi sự tình. Khi khách đi hết, bà mới vào phòng hỏi:
- Sao, mày qua bên nhà thằng Hiển thế nào?
Nghe mẹ hỏi, Duyên càng khóc to hơn. Mãi một lát, nó mới mếu máo:
- Còn sao nữa! Trong nhà có đứa con gái...
- Mày có vào nhà gặp con kia không?
- Không, vào để làm gì nữa! Đồ xấu xa! Bỏ, bỏ! Gặp làm gì? Loại người như thế thì biết thêm để làm gì… Con bé đáp một hơi dài rồi lại khóc.
Bữa cơm trưa hôm ấy, Duyên bỏ ăn. Hai vợ chồng Năm Khẹt ngồi vào bàn nhưng chẳng ai nuốt nổi nên cũng bỏ đũa. Nhìn con, thấy đau lòng, nhưng vốn là người điềm đạm, đi ra, đi vào một lát, bà Năm Khẹt quyết định đến nhà thằng Hiển. Bà nghĩ cô gái mà bà sẽ gặp chắc chắn là người sắc sảo, tóc xù, môi đỏ theo kiểu dân ăn chơi. Nhưng khác với dự đoán của bà Năm Khẹt, người bà đang đối diện là một cô gái trông hiền lành, nhu mì và bên cạnh là thằng bé độ hai tuổi khá kháu khỉnh.
Đóng vai một người hàng xóm, tình cờ ghé ngang, nhẹ nhàng hỏi xa, hỏi gần rồi bà Năm Khẹt bất chợt thở phào khi cô gái cho biết, cô với Hiển chẳng có quan hệ gì hết, chỉ là người lỡ đường xin ở nhờ một bữa rồi đi. Trò chuyện thêm, bà Năm Khẹt kinh ngạc khi phát hiện trên cổ, nơi gần phía cằm trái của cô gái có cái bớt màu đỏ to hơn đồng xu. Bà hỏi cô gái mà không kìm được xúc động, giọng run run:
- Xin lỗi, tôi hỏi khi không phải… hồi nhỏ cô có tên là Lan và cô sống với cha mẹ nuôi phải không?
Giờ thì cô gái ngạc nhiên. Mặt cô chợt tái, mắt mở to. Cô đáp:
- Dạ, đúng như vậy... nhưng sao bác biết?
Nghe câu trả lời, bà Năm Khẹt không còn biết trời trăng mây nước gì nữa, bà lao tới ôm chầm lấy cô gái mà khóc:
- Trời ơi là trời, con gái của tôi đây mà… Con ơi …
Bà khóc to. Khóc như chưa bao giờ được khóc. Cô gái cũng khóc. Thằng bé được ôm trong tay cô gái không biết chuyện gì nhưng thấy mẹ khóc nên cũng khóc.
Nhà mụ Hóa mập nằm bên đường, từ đầu, thấy bà Năm Khẹt đội nón đi về phía nhà thằng Hiển, mụ sinh nghi, nghĩ sẽ có một cuộc đụng độ xảy ra. Thông thường ăn trưa xong, mụ ngủ vài chục phút, nhưng hôm nay mụ không ngủ được. Dù là chuyện của người ta, song mụ cứ thấy bứt rứt, đoán già đoán non, không biết bên nhà thằng Hiển ra sao. Cuối cùng mụ ngồi bật dậy, quơ cái nón lá, le te bước đi. Khi đến nhà thằng Hiển, nghe tiếng khóc to của bà Năm Khẹt, mụ đoán đã xảy ra chuyện đánh nhau. Chỉ có đánh nhau mới khóc, mụ nghĩ vậy nên chẳng đợi tìm hiểu, cứ thế, đứng ngay ở bờ rào, gào lên:
- Úi chôi cha… bà con ơi, có đánh nhau! Có ai không, đến can giùm cái coi! Họ đánh nhau! Trời ơi… đánh nhau!
Tiếng la thất thanh giữa buổi trưa thanh vắng vang lên có tác dụng kỳ lạ, tựa như tiếng còi báo động. Người Xóm Núi kéo tới nhà thằng Hiển mỗi lúc một đông.
Nhưng không có đánh nhau mà chỉ có tin vui. Lần lượt, qua lời cô gái, mọi người đoán chắc cô Lan đang ở nhà thằng Hiển chính là cô Lan con bà Năm Khẹt. Vì theo lời cô gái kể, cha mẹ nuôi của cô nhiều lần cho biết, một lần có việc đi Tam Kỳ về, lúc ngang qua bến xe, bất ngờ họ thấy cô đang đứng khóc vì bị lạc nên động lòng mang về nuôi và vẫn giữ nguyên cái tên Lan để gọi. Bao năm qua đi, cha mẹ nuôi đã giúp cô tìm gia đình nhưng không được. Cách đây ba năm Lan đi lấy chồng rồi theo chồng về sống ở tại một thị trấn nhỏ cách Xóm Núi không xa. Vừa rồi, giận chồng uống rượu hoài, bỏ bê công việc, nói không nghe nên Lan bồng con, định bỏ đi mấy ngày để dằn mặt. Ai dè...
Tất cả trùng hợp. Nhiều người bảo vợ chồng Năm Khẹt có phước lớn. Có người thận trọng khuyên nên thử ADN nhưng bà Năm Khẹt nói không cần, con gái tôi đây rồi, nhìn cái bớt đỏ ở cổ ngay từ đầu tôi đã nhận ra. Mô Phật, trời đất, thánh thần… Bà giục Lan và đứa con nhỏ về nhà mình, cứ về, mọi việc sẽ tiếp tục liên hệ tìm hiểu thêm, cả cái a-đê-en chi chi đó cũng từ từ tính sau.
Chồng bà Năm Khẹt sau đó cũng chạy tới. Ông nhìn cô gái rồi ôm lấy cô mà nói như reo:
- Đúng là con gái của tui đây rồi! Đúng rồi! Nhìn nó là tui biết, nó giống hệt mẹ nó hồi trẻ. Trời ơi, con đi đâu bao nhiêu năm nay hả con!
Tin đồn liên quan tới vợ chồng bà Năm Khẹt lại lan ra.
- Này, bà biết mụ Năm Khẹt bán tạp hóa tìm được con gái chưa?
- Này, Năm Khẹt may phước quá hả! Đã tìm được đứa con đi lạc rồi! Biết chưa?
Ở quán cà phê bên đường, mấy ông già đánh cờ cũng bàn tán. Lão Hạnh bảo:
- Cách đây một đêm, giữa khuya, ra sân đi vệ sinh, tôi thấy trên trời có một tia sáng vàng ánh như sao xẹt xuống phía nhà Năm Khẹt. Hóa ra, bây giờ nghiệm lại thấy là điềm báo lành.
Lão Hoạch chêm vào:
- Mấy tháng trước thấy cây lộc vừng trước nhà Năm Khẹt trổ đầy bông đỏ một cách khác thường, tôi nghĩ nhà này có lộc to, bây giờ thì đúng là có chuyện còn to hơn lộc.
Cứ thế, chuyện của một gia đình chốc lát thành chuyện bàn tán ở nhiều nơi. Người bảo, gia đình Năm Khẹt có phước. Người bảo, ở hiền nên gặp lành! Mụ Đệ, một người đàn bà vốn ít nói trong xóm, khi đi ngang quán cà phê, nghe người ta bàn tán, lúc đầu mụ không tin, bảo làm sao có sự trùng lặp kỳ lạ giống trong xi-nê hay trong tiểu thuyết ái tình diễm lệ như thế được. Nhưng nghe kể sự tình, mụ lại gật gù bảo “thế thì may quá!”.
Riêng thằng Hiển chẳng hề hay biết việc gì đang diễn ra ở xóm. Chiều hôm qua, bán mật xong, vui vẻ cho xe trở về Xóm Núi, khi ngang qua chỗ gốc cây si um tùm những rễ là rễ bên bờ sông Cái thì Hiển thấy một cô gái mặt mày rũ rượi, đang ôm đứa bé trong tay, ngồi thài lai trên đám cỏ, bên cạnh là cái túi vải nằm chỏng chơ. Ma à? Hiển tự hỏi vì biết đây là đoạn đường xa làng xóm, ít người lui tới, trong khi trời đã chiều lắm rồi. Cho chiếc xe máy cà tàng của mình chạy lướt qua, nhưng được một đoạn Hiển thấy sinh nghi nên quay lại. Nó chưa bao giờ tin chuyện có ma, nhưng ở cái vực sông này đã từng có mấy trường hợp tự tử rồi. Chết cha, không chừng… Có thể mẹ con chị kia gặp chuyện gì đó bất ổn chăng? Có thể lắm, nó nghĩ nên vội vàng quay xe.
- Này chị! Tối tới nơi rồi sao còn bồng con ngồi ở đây?
Một khuôn mặt trẻ ngước lên nhìn Hiển buồn bã không trả lời.
- Sao mẹ con chị lại ngồi ở đây? Trời sắp tối rồi đấy!
Thấy giọng Hiển to hơn, cô gái bất ngờ bưng mặt khóc òa. Gạn hỏi mãi một lúc, chị ta mới ấp úng nói thật, vì giận chồng tệ bạc nên bỏ nhà đi. Hiển khuyên và nói sẽ chở giúp hai mẹ con trở về thị trấn nhưng cô ta không chịu, lại khóc. Cuối cùng, cầm lòng không đậu, nó bảo cô ta bồng con ngồi lên xe để về nhà mình ở tạm. Ở một vài bữa cũng chẳng sao! Hiển vốn thương người. Buổi tối, nó cho hai mẹ con ăn mì tôm, nhường chiếc giường cho họ ngủ, còn mình thì ra nằm ở tấm phản ngoài hiên. Hiển từng nghe nhiều trường hợp phụ nữ giận chồng bỏ nhà đi nhưng sau cơn tức lại quay về. Nó nghĩ, trường hợp này chắc cũng tương tự vậy thôi.
Buổi sáng Hiển thức dậy sớm, chỉ cho cô gái cái thùng đựng gạo và chai nước mắm rồi dặn dò rằng mình đi vào rừng, chiều nay sẽ về sớm để đưa cô ta cùng đứa con trở lại thị trấn. Cô gái đưa đôi mắt buồn nhìn nó, chỉ dạ một tiếng mà không nói gì thêm. Nhờ để ý từ lâu, nên sáng nay trong rừng, Hiển lần lượt lấy mật được ở cả thảy tám tổ ong ruồi. Khi những giọt mật vàng óng được rót đầy vào mấy cái chai nhựa nó vội ra bìa rừng lấy chiếc xe máy cà tàng của mình để quay về. Mãi đến lúc tới gần nhà mình nó mới nghe chuyện lạ. Nó bán tin, bán nghi. Làm gì có chuyện lạ đời như vậy? Nhưng một người nói rồi hai người nói không thể không tin. Vào nhà, dựng xe, vứt vội mấy chai mật vào xó bếp, nó chạy nhanh tới nhà bà Năm Khẹt. Giữa lúc nhà đang đông, thấy nó, ai cũng mừng rỡ xúm lại, cảm ơn, hỏi han. Nó vốn là thằng ít nói. Trước câu hỏi làm sao biết cô kia là con bà Năm Khẹt mà đưa về, nó chỉ cười rồi đáp gọn: “Dạ, đâu có biết, thấy ngồi ở bờ sông, tội nghiệp, lại sợ có chuyện không hay nên đưa về”.
Duyên là một trong những người vui sướng nhất nhà, hết nựng đứa cháu lại ôm lấy người chị mới tìm được. Nhìn thấy Hiển, đôi mắt bụp vì khóc từ trưa của Duyên sáng lên. Buổi tối, hẹn nhau ra rừng keo, con bé ôm chặt lấy Hiển. Nó cảm ơn Hiển và bắt Hiển kể đi kể lại chuyện gặp chị mình. Một lát sau, Duyên hỏi:
- Nhà chỉ có một chiếc giường, đêm qua thêm người thì ngủ làm sao?
- Thì nhường giường cho khách, mình ngủ ở tấm phản gỗ ngoài hiên!
- Có thật không đó?
- Đúng mà…
Nghe câu trả lời thật thà, Duyên cười và chợt thấy chạnh lòng. Lần đầu tiên khi bàn tay Hiển lần mở hàng cúc áo trên ngực của mình nhưng nó vẫn lặng thinh, không phản ứng gì, chỉ nũng nịu, ứ ừ cho qua chuyện rồi ôm lấy Hiển chặt hơn… Trên cao, những vòm keo lá tràm gặp gió thổi mạnh va vào nhau xào xạc. Giữa mùa gió nam non - những luồng gió bắt nguồn từ phía Tây, vượt qua Hòn Đụn và đang tràn vào Xóm Núi…
H.N.T