Đề tài chiến tranh qua ngôn ngữ sân khấu truyền thống

09.06.2022
Nguyễn Thúy Hường

Đề tài chiến tranh qua ngôn ngữ  sân khấu truyền thống

Cảnh trong vở "Má tôi ngày ấy"

Trên dải đất hình chữ “S” thân thương của nước ta chiến tranh đã lùi xa. Cuộc sống của người dân đã trở lại bình yên và có nhiều khởi sắc hơn 40 năm qua. Tuy vậy, nỗi đau của quá khứ vẫn còn đó, những vết tích của chiến tranh đến nay còn in hằn trong tâm trí, tiềm thức và cả trên xác thịt của nhiều người từng trải qua hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ kiên trung của dân tộc. Đồng cảm và chia sẻ nỗi đau, mất mát với những người trong cuộc chiến, nhiều Nhà hát nghệ thuật truyền thống trên cả nước đã dàn dựng và công chiếu nhiều vở diễn của các tác giả về đề tài chiến tranh và tàn dư của cuộc chiến, nhằm mang đến cho người xem có cái nhìn đa chiều, khách quan và góp phần tuyên truyền, giáo dục các thế hệ hôm nay hiểu về lịch sử, sự hy sinh của những người đi trước vì nền độc lập, tự do của nước nhà.

Trước tiên, phải kể đến loại hình nghệ thuật sân khấu Bài chòi với những thế mạnh về đề tài hiện đại, đã phản ánh số phận từng nhân vật trong và sau cuộc chiến qua nhiều góc độ khác nhau thông qua một số vở diễn tiêu biểu như: “Điều không thể mất”; “Người tử tù mất tích”; “Hương thầm”; “Thời con gái đã xa”, “Má tôi ngày ấy”

Cảnh trong vở “Thời con gái đã xa”

Với vở “Điều không thể mất” kể về cựu nữ thanh niên xung phong tên Nhâm và các đồng đội từng trực tiếp phục vụ cuộc chiến tranh ác liệt của dân tộc. Nhiều đồng đội của chị đã hy sinh. Hòa bình lập lại, kẻ còn người mất, nhân vật Nhâm với nhiều nỗi đau chất chứa trong lòng. Do chiến tranh, cô và người yêu phải cách xa nhau nhưng khi gặp lại, người yêu đã lập gia đình. Dù hai người còn yêu nhau lắm nhưng không đến được với nhau…

Bi kịch cuộc đời của những cô gái thanh niên xung phong đi làm đường Trường Sơn như các nhân vật tên Hạnh, Diễm (vở “Thời con gái đã xa”) lại ẩn chứa một nỗi niềm riêng. Sau cuộc dội bom ác liệt của địch xuống đoạn đường nơi có đơn vị hai chị đang làm nhiệm vụ mở đường. Hầu hết chị em đơn vị hy sinh, chỉ còn lại Hạnh và Diễm may mắn sống sót nhưng cơ thể không còn lành lặn. Hạnh bị thương nặng ở đầu phải dùng vành khăn che kín khiến việc tìm kiếm hạnh phúc riêng sau khi hòa bình lập lại gặp không ít khó khăn. Ngay cả niềm khao khát về quyền làm vợ, làm mẹ cũng chịu nhiều thiệt thòi, bất hạnh. Chị rất cần sự cảm thông và chia sẻ của những người được hưởng hòa bình hôm nay đối với những cảnh đời trở về từ chiến tranh như chị.

Hay vở “Người tử tù mất tích” là hình ảnh người phụ nữ tên Bạch Thị Hà có chồng là một chiến sĩ cách mạng biệt động thành bị bắt đày ra Côn Đảo và kết án tử hình. Ở hậu phương, chị và con cũng bị địch chia lìa dã man. Gánh chịu nỗi đau mất chồng, mất con, chị lang thang suốt 20 năm trời để tìm chồng, con trong trạng thái điên loạn, thất thần. Đó thật sự là nỗi đau và mất mát quá lớn đối với chị Hà - nạn nhân của cuộc chiến tranh phi nghĩa.

Số phận của nhân vật má Bưởi (vở Má tôi ngày ấy) lấy cảm hứng từ một bà mẹ Việt Nam anh hùng có thật trong cuộc sống. Bà là người giàu đức hy sinh, che chở, nuôi giấu các chiến sĩ văn công cách mạng để họ mang lời ca, tiếng hát phục vụ nhân dân và bộ đội. Trong một trận càn quét tàn khốc của bọn tay sai bán nước, má Bưởi đã ngã xuống trong niềm đau xót và tiếc thương của những người cộng sản. Hình ảnh bà trở thành một biểu tượng đẹp của những người mẹ, người vợ trọn đời cống hiến và hy sinh cho Cách mạng Việt Nam.

Còn đối với loại hình nghệ thuật sân khấu Tuồng, đề tài chiến tranh cách mạng và những tàn dư của cuộc chiến được thể hiện chủ yếu ở mảng tuồng hiện đại. Đó là hình ảnh của những người phụ nữ Việt Nam giàu đức hy sinh, có tấm lòng nhân ái, vị tha trong cuộc sống nhưng cũng rất mạnh mẽ, cương quyết chống kẻ thù, làm tốt vai trò, nhiệm vụ trước Đảng, trước nhân dân. Tiêu biểu là các nhân vật như: chị Lan trong (tuồng Cờ giải phóng), chị Ngộ (tuồng Chị Ngộ), bà Sáu Bình (tuồng Cội nguồn), Nguyễn Thị Minh Khai (tuồng Sáng mãi niềm tin)...

Cảnh trong vở "Sáng mãi niềm tin"

Chị Lan là hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam cùng khổ được Đảng và Cách mạng giác ngộ trở thành một chiến sĩ giải phóng quân. Hình mẫu ấy đến năm 1952 lại được phát triển cao hơn, đẹp hơn, hoàn chỉnh hơn đối với nhân vật chị Ngộ. Chị Ngộ trong vở tuồng cùng tên dù chịu bao khổ đau, mất mát, ly tán gia đình, chồng con:

“Vợ mất chồng thù oán ghi xương

Con lạc mẹ sầu đau nát ruột”

Nhưng chị vẫn anh dũng vượt qua giông tố cuộc đời, một lòng hướng theo ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam, góp phần làm nên thắng lợi trong cuộc kháng chiến giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Nhân vật chị Ngộ có nhiều tình tiết xúc động, gần gũi với cuộc sống, ca ngợi đức hy sinh và cống hiến của người phụ nữ trong chiến tranh. Chị đã phải xa đứa con thơ bé bỏng đang khát sữa mẹ và nén nỗi đau mất chồng - anh Tài (một chiến sĩ cộng sản đã bị bọn việt gian và quân xâm lược bắt và giết chết) để làm nội ứng giúp Việt Minh chống lại kẻ thù.

Hay trường hợp bà Sáu Bình trong vở tuồng Cội nguồn vừa là nạn nhân vừa là nhân chứng trong vụ thảm sát Bình An (Tây Sơn - Bình Định) đẫm máu. Bà là hiện thân của người vợ, người mẹ chịu bao đau đớn, thiệt thòi của chiến tranh phi nghĩa nhưng giàu lòng nhân ái, vị tha. Tâm hồn bà mang nỗi đau đã hằn sâu trong ký ức của cả dân tộc và thời đại về tội ác dã man, mất nhân tính của những tên lính Đại Hàn đánh thuê cho quân xâm lược Mỹ khiến “cả ngàn dân làng, máu tuôn thành suối”.

Tuy vậy, các thế hệ con, cháu bà là những gương mặt thanh xuân không gợn chút oán thù, đang bước lên nhịp cầu hội nhập nên bà phải thay đổi tư duy, không thể mãi “thủy chung cùng quá khứ”. Vì thế, bà đã chọn lối ứng xử nhân văn để con cháu bà hướng về tương lai mà lòng không vướng bận:

“Hỡi dân làng trong đêm thảm sát

Tôi đã thề không đội chung trời

Với những kẻ gây nên tội ác

Nhưng sự thế bây giờ đã khác

…………………………………

Mọi người hãy thắp lên ngọn lửa

Ngọn lửa của lòng nhân ái bao dung

Để nhân loại đi lên cùng reo vui

khúc hát

Khúc hát yêu thương, khúc hát

tình người”

Người nữ chiến sĩ cách mạng kiên trung Nguyễn Thị Minh Khai trong vở “Sáng mãi niềm tin” đã không ngại mọi gian truân, vất vả để chiến đấu hết mình vì lý tưởng cộng sản và nền độc lập của nước nhà. Chị đã phải dứt ruột gửi lại đứa con thơ nơi hậu phương để cùng chồng (chiến sĩ cộng sản Lê Hồng Phong) làm nhiệm vụ đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược. Dù phải hy sinh cả tính mạng nhưng chị vẫn tin vào ngày mai đất nước sẽ được độc lập, nhân dân sẽ được tự do.

Nền độc lập mà đất nước ta có được hôm nay là sự đánh đổi cả mồ hôi, công sức, nước mắt và cả xương máu của bao thế hệ người con đất Việt. Sự tàn khốc của chiến tranh và những di chứng, hậu quả để lại cho đến nay khó có thể kể hết được. Với ngôn ngữ sân khấu Tuồng và Bài chòi, phần nào truyền tải tới khán giả những góc cạnh khác nhau về cuộc chiến chống ngoại xâm của dân tộc cũng như tàn dư nặng nề của nó. Qua đó, nhằm tri ân những người đã hi sinh vì Tổ quốc và góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, xây dựng non sông Việt Nam hôm nay ngày càng giàu đẹp, sánh vai với các cường quốc năm châu như tâm nguyện của Bác Hồ kính yêu.

N.T.H