Chùm truyện thiếu nhi của Lê Thị Xuân

09.06.2022

Chùm truyện thiếu nhi của Lê Thị Xuân

Sửa chữa lỗi lầm

Cánh đồng qua mùa gặt thật êm đềm, mát mẻ. Đất như thở phào nhẹ nhỏm vì đã hoàn thành sứ mệnh cao cả là đã trả lại cho con người một vụ mùa bội thu. Từng đàn chim bay về nhặt những hạt thóc và mấy con sâu đang còn sót lại. Những cô cậu học trò, gặp dịp nghỉ hè cũng ra đồng chăn trâu, cắt cỏ, thả diều và mò cua bắt ốc. Suốt cả buổi sáng lên rừng kéo gỗ giờ tôi đã thấm mệt. Ngả lưng dưới gốc cây ngô đồng đầu làng, tôi nhìn về phía cánh đồng xa xa nơi mẹ và các em tôi  đang cùng bầy đàn nô đùa, gặm cỏ. Tôi chợt nhớ về những kỷ niệm đã đi qua trong cuộc đời tôi.

Ngày tôi sinh ra cậu chủ tôi lên chín. Ngày ấy, cậu thường vuốt ve bộ lông vàng óng của tôi sau mỗi giờ tan học. Cậu lục lọi trong nhà tìm cho tôi nắm cơm nguội hoặc củ khoai be bé. Nếu không có thì cậu ra vườn tìm hái nắm cỏ non rồi dỗ dành tôi ăn. Nước tôi uống cậu cũng cẩn thận lấy từ trong bể nước uống của gia đình vì sợ tôi đau bụng. Cảm nhận được tình yêu vô bờ bến của cậu dành cho tôi nên tôi cũng yêu quý cậu vô cùng. Ngày nào cậu đi học chưa về là tôi tha thẩn đầu ngõ chờ đợi mặc cho mẹ tôi đang hốt hoảng vì lo tôi cảm nắng.

Một hôm vào thứ bảy, mẹ con tôi được cậu dẫn ra đồng. Đó là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy một khoảng trời bao la, thoáng đãng. Lúa xanh ngời ngời, cỏ non ngập mặt. Xa xa từng đàn cò trắng bay là là trên cánh đồng, thỉnh thoảng sà xuống rồi lại bay lên. Tôi tò mò không hiểu bọn chúng đang làm gì. Đôi chân tôi nhảy cẩng lên và chạy về phía đó. Tôi không nghe lời mẹ gọi và cũng không biết cậu chủ đang lo lắng. Do mải nhìn phía xa không quan sát đường đi nên tôi bị trượt chân khi lao qua con mương dẫn nước. Kết quả là tôi bị bong gân phải đi cà nhắc. Tối hôm đó, ông bà chủ phải loay hoay tìm lá thuốc bóp cho tôi, còn cậu chủ thì thương tôi cứ chạy ra chạy vào xoắn xít. Mẹ tôi lo lắng suốt đêm không hề chợp mắt. Dù đau lắm nhưng tôi không dám kêu khóc vì sợ mọi người lo lắng nhiều hơn. Kể từ đó tôi không còn được dẫn ra đồng cho đến khi tôi lên năm tháng tuổi.

Đó là hôm mẹ tôi phải cày bãi đất ở trên nương cho bà chủ trồng khoai, ông chủ dùng sợi dây thừng quàng lên cổ và mõm tôi rồi bảo cậu chủ dắt tôi ra đồng. Bà chủ nói với theo:

- Nhớ đừng thả dây mà bê chạy rông và ăn lúa nha con.

- Vâng ạ! - Cậu chủ đáp lời.

 Tôi đủng đỉnh bước đi trên con đường mà hai bên mọc đầy hoa dại, thỉnh thoảng tôi dừng lại ngửi mấy khóm hoa bồ công anh vừa chớm nở. Cậu chủ phải dùng hết sức kéo sợi dây tôi mới chịu đi. Cánh đồng quê lúa đương thì con gái xanh mơn mởn, tôi chăm chú gặm từng đám cỏ non, thỉnh thoảng ngước lên nhìn mấy chú cào cào bay xè xè trên ngọn lúa. Nắng hanh vàng nhè nhẹ, gió mơn man. Cuộc sống êm đềm như thế trôi qua từng ngày. Càng lớn, tôi càng khoẻ đẹp, vạm vỡ khiến ai nhìn cũng thích. Mỗi khi ra đồng cậu chủ thường cưỡi lên lưng tôi, tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì điều đó. Một hôm đang lúi húi gặm cỏ thì bị một đám ruồi bay tới, chúng vo ve trên đầu, một vài đứa láo xược chích cái vòi đáng ghét lên lưng. Bản năng tự vệ nên tôi hất mạnh cái đầu lên chúng mà quên đi cậu chủ đang ngồi trên đó. Chiếc sừng của tôi vô tình đâm trúng vầng trán cậu chủ làm máu chảy ra tua tủa. Mọi người xung quanh xúm lại tìm cách cầm máu, còn tôi vừa lo vừa sợ mà vừa thương cậu chủ vô cùng. Thế mà cậu không hề mảy may trách cứ hay oán giận gì tôi cả. Tôi vẫn được yêu thương như thuở ban đầu.

 Mùa hè năm ngoái, lúa đã thu hoạch xong nên cả đàn chúng tôi được thả tự do trên cánh đồng. Lúc đó tôi đã bước sang giai đoạn dậy thì, tôi và mấy cậu bạn cùng trang lứa đều thích cảm giác mạnh, thích gây sự chú ý của mọi người đặc biệt là mấy em xinh xinh trong đàn. Tiếng rống xôn xao cả cánh đồng, tôi dùng hai chiếc sừng lực lưỡng cạy từng mảng đất bên mép đường rồi nhảy lên sung sướng. Cậu bạn cùng lứa với tôi cũng tỏ ra hung hăng không kém. Sau những lần khiêu khích thì cuộc chiến bắt đầu. Chúng tôi lao vào đánh nhau túi bụi, tiếng khụt khịt gầm ghè làm ai cũng sợ. Tôi hiếu chiến, hiếu thắng mà quên đi cả làng đang chạy ra xem. Ông chủ thì lo lắng mà không biết cách nào can thiệp được.

Sau gần một tiếng quần nhau thì tôi thắng cuộc, cậu bạn tôi lăn kềnh ra đất, mắt đỏ ròng và máu me bê bết. Còn tôi, cũng tiêu điều không kém. Tối hôm đó, tôi nghe ông bà bàn bạc với nhau. Bà bảo:

- Còn bò này lớn quá rồi, ăn khỏe lại không phải cày bừa nên đú lắm. Ra đồng chỉ cạy sừng thôi. Đằng nào nó cũng không lớn thêm mấy nữa nên bán đi ông ạ.

Ông chủ tiếp lời:

- Tôi cũng nghĩ vậy, từ ngày mai đừng cho nó ra đồng. Bà mua thức ăn ngon ngon về vỗ béo cho nó để tôi tìm khách bán.

 Tôi nghe thấy mà lòng hoang mang lo sợ, tôi hối hận vì sự nông nổi của tôi, tôi sợ bị giết thịt và hơn hết tôi sợ phải rời xa cậu chủ biết nhường nào.

 Một tháng trôi qua, vào buổi sáng đẹp trời, ông chủ dẫn về một đoàn người, họ đo chiều dài chiều rộng của thân tôi rồi mặc cả. Tôi nước mắt lưng tròng vì biết mình sắp đến ngày tận thế. Đúng lúc đó thì cậu chủ đi chơi về. Cậu khóc toáng lên, giãy giụa:

- Bố mẹ không được bán bò của con. Con thương nó!

Bà chủ dỗ dành:

- Bò lớn quá rồi, nuôi thêm nữa cũng không có lợi mà nhỡ nó nghịch ngợm quá lại rước họa cho nhà ta con ạ.

- Nhưng con thương nó, tại sao bố mẹ không nuôi nó để lấy sức cày kéo chứ. Con thấy đầy nhà trong xóm nuôi bò đực để kéo xe hàng và cày bừa đó thôi - cậu chủ làu bàu.

Vì chưa được giá nên tôi chưa bị dẫn đi, mấy ngày hôm đó cậu chủ không chịu ăn cơm, chỉ vuốt ve tôi mà khóc. Tôi cũng đau lòng không kém. Thế rồi, ông bà chủ bàn bạc lại.

Bà bảo:

- Hay ông sắm chiếc xe bò lốp về cho nó tập kéo xem sao, vai u thịt bắp như thế chắc là nó làm tốt ông ạ. Chứ bán đi lỡ thằng bé rầu quá rồi sinh bệnh thì chết.

Ông chủ lưỡng lự nhưng vì cũng có nỗi lo như bà nên ậm ừ bảo:   

- Không biết nó có chịu kéo cho không nữa.

Tôi nghe thế mừng lắm, trong lòng tự nhủ sẽ cố gắng không mắc phải những sai lầm như trước kia. Tôi sẽ cố gắng làm việc để ông chủ hài lòng. Tôi sẽ được ở bên cậu chủ cho đến hết quãng đời còn lại.

  Đường lên dốc núi gập ghềnh, khó đi. Ông trời lúc nắng, lúc mưa đôi khi làm cho tôi mệt lả. Nhưng tôi vẫn cố gắng hết sức mình để vượt qua. Ông bà chủ biết tôi đã ăn năn, hối lỗi nên yêu quý tôi như bảo vật và không bao giờ nhắc đến chuyện bán tôi thêm một lần nào nữa. Cậu chủ ngày ngày vẫn thường âu yếm, vuốt ve tôi.

 

Ai là thủ phạm

Lớp 4D nằm ở cuối cùng trong dãy nhà cấp bốn của một ngôi trường tiểu học ở một vùng quê yên ả.

Đầu năm học mới, nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của các nhà tài trợ nên nhà trường đã trang bị lại hệ thống cơ sở vật chất cho lớp rất hoành tráng. Bàn ghế, quạt điện, ti vi, đồng hồ, lọ hoa... đều mới toanh. Cánh cửa sổ và cửa chính được lắp loại kính cường lực trong suốt, bóng loáng. Bốn bức tường được sơn lại trắng tinh. Hệ thống rèm cửa được khoác lên mình những bộ cánh vô cùng lộng lẫy. Cô giáo chủ nhiệm đã khéo léo chuẩn bị đầy đủ những vật dụng như chổi, thùng rác, xúc rác, khăn lau bảng, lau tay và chậu múc nước...

Tất cả mọi thứ ở đây đều sung sướng và háo hức chờ đợi các bạn nhỏ từng ngày. Được ngắm những búp măng non với gương mặt đẹp như thiên thần, những đôi mắt long lanh biết nói, những bím tóc đuôi gà ngúng nguẩy, được nghe các bạn hát líu lo và kể chuyện tíu tít trong những giờ ra chơi, hay nhìn các bạn chăm chú đọc đọc, viết viết thì ai mà không thích chứ.

Buổi học đầu tiên, cô giáo dành hẳn hai tiết học để căn dặn học sinh về việc giữ gìn và bảo vệ cơ sở vật chất. Cô hướng dẫn sử dụng một số thiết bị trong phòng, cô cũng nêu ra những nội quy của lớp và xử phạt nghiêm khắc nếu bạn nào thiếu ý thức làm bẩn tường, bàn ghế hay làm hỏng quạt, tivi... Cả lớp đồng thanh vâng dạ. Nghe được những lời đó cả căn phòng mừng rơn và ai nấy cũng đều tự hào vì được góp mặt trong tổ ấm thân thương này.

Một tháng trôi qua, ngày nào các bạn nữ cũng chăm chút quét sàn, lau chùi bàn ghế và cửa sổ, các bạn nam thì thay nhau múc nước lau bảng, hầu như ai cũng cẩn thận trong việc sử dụng thiết bị của lớp học. Lúc ra về không quên bảo nhau khóa cửa, tắt điện cẩn thận. Sự đáng yêu của các bạn đã làm cho bác Tivi, anh Bảng, chú Tường, chị Rèm cửa, chị Chổi và các anh chị Bàn Ghế... ngày càng nhớ các bạn mỗi khi tan trường. Không ai bảo ai, họ cố gắng hết sức mình để phục vụ tốt nhất cho việc dạy và học của cô và các bạn nhỏ.

Thế rồi một hôm, có ba bạn Hùng, Cường, Vũ từ trong Nam chuyển về xin nhập học vì lí do mắc kẹt dịch bệnh không vào được. Nhìn tướng mạo to, béo phốp pháp hơn hẳn các bạn nhỏ ở đây mà anh Ghế lên tiếng:

- Chẳng hiểu vì sao cùng một lứa tuổi, mà các bạn nơi khác về lại to cao thế nhỉ?

Anh Tivi phân trần:

- Do khí hậu trong Nam mát mẻ và kinh tế trong đó phát triển hơn, đời sống cao hơn nên trẻ em lớn nhanh hơn.

Mấy anh Quạt lo lắng:

- Thêm người thì cũng vui, nhưng tôi thấy các bạn này có vẻ hiếu động, nghịch ngợm. Không biết chúng ta còn có những tháng ngày hạnh phúc như trước nữa không.

Tất cả đều gật gù và lo lắng như anh quạt.

Sau vài ngày làm quen với lớp, Hùng bắt đầu bày ra những trò nghịch ngợm quái đản trong những giờ chơi như ném bóng trong lớp, rượt đuổi nhau, té nước, bật, tắt điện tùy tiện... thế là cả Cường, Vũ và một vài bạn nam khác trước giờ nhút nhát nay cũng hùa theo. Mặc dù lớp trưởng Ngân luôn miệng nhắc nhở nhưng các bạn không chịu nghe lời.  

Buổi trưa tan trường. Bác Tivi thở dài:

- Sáng nay, tôi bị một trái bóng đập mạnh quá làm tôi đau điếng. Đang làm việc thì bị cậu Hùng cắt cầu dao đột ngột rồi lại mở đột ngột làm cho các bộ phận của cơ thể tôi trở tay không kịp. Cứ đà này chẳng mấy chốc là tôi cũng hết hạn sử dụng thôi.

Chú bức Tường lên tiếng:

- Tôi thì ngày nào cũng phải hứng những trận đòn từ bóng, chưa hết cả làn da trắng mịn của tôi cũng bị mấy cậu này bôi bẩn mất rồi.

   Mấy chị Bàn uể oải:

- Lũ trẻ rượt đuổi nhau, đôi khi còn giẫm đạp lên người chúng tôi, vừa to, vừa nặng làm mấy cái chân trụ muốn gãy luôn. Chưa hết, ngồi học các cu cậu còn vẽ lên gương mặt xinh xắn của chúng tôi những hình thù xấu xí.

Chị chổi nằm trong góc cũng càu nhàu:

- Còn tôi, chân yếu, tay mềm tưởng được nghỉ ngơi chút sau giờ làm việc mấy cậu ấy cũng không tha. Họ ném cho tôi những phát đau điếng, tóc tai thì rũ rượi hết cả.

Anh Quạt treo tường vốn dĩ rất hiền lành cũng lên tiếng thở than:

- Cứ sau mỗi lần chạy nhảy, nghịch ngợm là các cậu ấy túm lấy hai sợi râu của tôi giật giật làm cho tôi không kịp lấy đà trước khi khởi động.   

Cuộc thảo luận rôm rả, ai cũng phàn nàn về những hành vi quậy phá của mấy cậu học sinh mới đến. Họ bàn nhau tự tìm cách bảo vệ mình để cô giáo chủ nhiệm kịp thời can thiệp.

Buổi sáng thứ sáu, giờ ra chơi 15 phút trước khi vào sinh hoạt cuối tuần. Những trò nghịch ngợm oái oăm lại bắt đầu. Khi Hùng vừa nhảy lên bàn, thì lập tức chị Bàn nhón hai chân phải lên, lấy hết sức hất mạnh làm cậu ta ngã xuống sàn đau điếng. Trời nắng to, mấy cu cậu mồ hôi nhễ nhại, nhưng mấy anh quạt quyết biểu tình không hoạt động. Nước đổ lênh láng mặt sàn, giấy vụn và đất cát loang lổ nhưng chị Chổi cố tình không quét hết. Cu cậu Đồng Hồ giả vờ ngủ say không nhúc nhích. Bác Tivi tự nhủ lòng sẽ không lên tiếng trong giờ sinh hoạt lớp.

Cô giáo bước vào lớp, cảnh tượng bẩn thỉu trước cửa lớp làm cô chú ý đến mọi ngõ ngách, vật dụng trong phòng. Cô bắt đầu kiểm tra mọi thứ đúng như kế hoạch cả phòng bàn trước đó.

Một cuộc điều tra thủ phạm diễn ra căng thẳng. Cô hỏi:

- Lớp trưởng cho cô biết những ai thường hay quậy phá trong các giờ ra chơi làm hỏng thiết bị phòng học, ai viết vẽ bậy lên tường và bàn ghế.

Ngân và nhiều bạn biết rất rõ các nhân vật gây ra những hậu quả này, nhưng vì sợ bị đánh hoặc bị nói là lắm chuyện nên đành ấp úng:

- Thưa cô giờ ra chơi em ở ngoài sân nên không biết ạ.

Ánh mắt cô nghiêm nghị như dò hỏi từng người nhưng ai cũng lắc đầu. Cô bỗng dừng lại khi nhìn thấy Hùng đang nhăn mặt vì đau do cú ngã bàn lúc nãy. Quan sát vết trầy xước trên da cô đã hiểu chuyện gì xảy ra. Cô lấy dầu trong cặp bảo Hùng xoa bóp vết thương một lúc rồi nói:

- Bạn Hùng hãy nêu tên các bạn thường chơi đùa quậy phá với em trong những giờ chơi. Nếu em không trung thực cô sẽ phạt em rất nặng.

Hùng vừa sợ cô, vừa sợ các bạn, gương mặt tái xanh lên nhưng không dám mở lời.

Lớp học căng thẳng đến ngột ngạt. Cô bảo nếu cả Hùng và lớp trưởng không nói ra cô sẽ phạt hai em và mời phụ huynh đến trường để họp.

Cả hai khóc nấc lên xin cô đừng phạt. Thấy vậy, Cường, Vũ, Huy và Đạt áy náy nên nháy mắt bảo nhau đứng lên nhận lỗi.

Cô yêu cầu tất cả viết bản tự kiểm điểm và hứa không được vi phạm thêm một lần nào nữa. Tất cả phải dành hai ngày nghỉ cuối tuần để lau chùi bàn ghế và tường sạch sẽ. Cô nhờ bác bảo vệ trường kiểm tra và sửa chữa các thiết bị trong lớp học.

Cả năm cu cậu đã biết lỗi của mình. Từ đó không còn quậy phá trong lớp nữa mà chăm chú học bài.

Một năm học đã sắp trôi qua, nhớ lại những ngày sóng gió đầu năm học mà ai cũng bàng hoàng. Nhưng tất cả đều rất vui vì các bạn nhỏ đã sớm nhận ra lỗi lầm mà khắc phục. Giờ đây, được nhìn thấy thành quả học tập ngọt ngào của các bạn mà bác Bảng rưng rưng xúc động:

- Chúng ta hãy quên đi những điều không vui ngày trước. Hãy cùng nhau yêu thương và giúp đỡ các bạn nhỏ vượt qua giá rét của mùa đông và oi bức của mùa hè. Hãy chờ đợi ngày các bạn trưởng thành, thành công và trở về thăm lại chúng ta.

Tất cả đều mỉm cười tán thưởng. Lớp học trở nên lung linh dưới vòm trời xanh thẳm. Một mùa hè nữa lại về với biết bao lưu luyến.

Chuyện sau mùa dịch

Những ngày dịch bệnh đáng sợ đã trôi qua, cuộc sống bình yên đang từng bước quay về. Học sinh lại được đến trường trong niềm ước mong vô bờ của bố mẹ, niềm khao khát của các em và hạnh phúc của thầy cô giáo.

Hai chị em Ngân và Hà cùng học chung một trường tiểu học, Ngân học lớp 5 còn Hà học lớp 2. Ngôi trường làng chỉ cách nhà gần một cây số nên hai chị em tự chở nhau đến trường bằng xe đạp. Cùng đường đi học với Ngân và Hà có Diệu học cùng lớp với Ngân, có Lan cùng học lớp với Hà. Truớc khi dịch bệnh xảy ra cả hội thường chờ nhau ở cây gạo đầu làng mỗi sáng, cùng nhau đi học, đi chơi rất vui. Ai cũng chăm ngoan học tập và biết giúp đỡ bố mẹ những việc vặt trong nhà. Từ ngày không đến trường, không được tụ tập vui chơi, thời gian đầu ai cũng thấy bức bối, khó chịu, lâu dần thành quen. Chả là mỗi người đều được trang bị máy tính hoặc điện thoại thông minh để học bài trực tuyến. Vì lẽ đó mà một số học sinh bắt đầu thay đổi, trong đó có chị em Ngân.

Bố mẹ làm công tác xã hội nên thời gian để kèm cặp việc học của hai chị em rất ít. Lúc đầu, cả hai chưa biết đến những trò chơi hay những chương trình hấp dẫn có trên thiết bị thông minh nên chỉ chú tâm vào việc học. Tuy không đến lớp nhưng qua việc kiểm tra bài vở thì bố mẹ khá yên tâm và tin tưởng các con. Thế rồi, một lần lúc rảnh rỗi, Ngân bắt gặp một đoạn video Tiktok thế là rủ Hà cùng xem. Cũng từ đó càng ngày càng phát hiện ra những trò chơi hấp dẫn khác. Bị cuốn theo mấy trò giải trí nên cả hai bắt đầu chểnh mảng học hành và luôn bàn bạc với nhau để tìm cách đối phó với bố mẹ và cô giáo. Kiến thức cũ bị lãng quên và kiến thức mới thì bị hổng rất nhiều.

Nói về Lan, bố mẹ làm nông nghiệp nên ngoài thời gian học em phải tranh thủ phụ giúp bố mẹ rất nhiều việc như trông em, cho heo, gà ăn, quét dọn sân nhà... Em cũng ý thức cao trong việc học nên tiếp thu bài rất tốt, bài tập cô giao em làm đầy đủ, bài nào không làm được em nhờ bố mẹ giảng giải đến lúc đã hiểu mới thôi.

Tuần học đầu tiên được trở lại trường, được gặp nhau cả hội mừng vui lắm. Lại hẹn nhau ở đầu làng như thuở trước. Nhưng chị em Ngân và Hà đến trễ so với hẹn. Lên lớp, cả hai đều mệt mỏi, uể oải nằm rạp lên bàn. Cô giáo thấy vậy nên gọi Hà đứng lên trả bài. Hà ú ớ không biết làm sao nên quay sang nói nhỏ với Lan:

- Tí cậu nhắc bài cho tớ với nhé.

Lan gật đầu:

- Ừ, cậu cứ lên đi.

Lớp học im phăng phắc, cô giáo tỏ ra hết sức nghiêm nghị đến từng bạn kiểm tra vở ghi chép. Ngoài kia cây lá vẫn nô đùa, chim vẫn hót líu lo mà Hà thì run run, lo sợ. Quay xuống phía Lan nhưng bạn không nói gì. Lan biết làm nhưng vì sợ cô nên không dám nhắc.

Năm phút trôi qua, Hà vẫn đứng trơ trơ trên bảng mà không làm được chút nào. Cô giáo cho về chỗ và yêu cầu viết bản kiểm điểm trong giờ ra chơi, đồng thời cô gọi điện báo cho gia đình biết. Hà vừa xấu hổ với cô và các bạn vừa tức giận Lan không giữ lời hứa với mình.

Lúc ra về, Hà kể lại đầu đuôi cho chị nghe. Ngân giận thay em gái bèn nói:

- Để chị xử nó cho.

Thế là đến đoạn đường vắng, hai chị em Ngân Hà bảo cả hội dừng lại. Ngân bắt đầu hỏi tội Lan:

- Sao trên lớp cái Hà nhờ mày tí mà mày không giúp nó? Mày có xem nó là bạn nữa không?

Lan phân trần:

- Lúc đó cô giáo đang đứng gần em, nét mặt cô nghiêm quá nên em sợ.

Hà đỏ mặt:

- Em quay xuống mấy lần nhưng nó không hề có ý giúp em. Nó làm cho em bị cô giáo phạt và gọi điện cho bố mẹ. Trưa nay thể nào em cũng bị ăn đòn cho mà xem.

Lan chưa kịp nói gì thêm thì bị Ngân túm lấy chiếc cặp sau lưng giật mạnh làm cho cả người và xe em ngã xuống vệ đường. Diệu đỡ Lan đứng dậy và nói:

- Hai chị em bà đừng làm như thế. Lỗi có phải do nó đâu.

Hai chị em Ngân và Hà lại xông vào níu tóc Lan và nói:

- Tao mà bị ăn đòn thì mày chết với tao. Từ nay không bạn bè gì nữa

Diệu cố hết sức gỡ bàn tay hai chị em nhưng cả hai không chịu buông ra. Cuộc giằng co diễn ra khá lâu thì có thầy Thắng - hiệu phó nhà trường đi qua. Thầy dừng xe quát lớn cả đám mới dừng lại.

Sự việc đó đến tai bố mẹ và tất nhiên cả hai đều bị ăn đòn.

Sáng thứ bảy, nhà trường mời phụ huynh đến trường gặp mặt. Sau khi biết rõ sự việc, bố mẹ Ngân xin lỗi ban giám hiệu nhà trường và dẫn hai chị em đến nhà xin lỗi bố mẹ Lan. Chứng kiến bố mẹ phải chạy ngược chạy xuôi giải quyết hậu quả về việc mình làm hai chị em Ngân vừa hối hận, vừa xấu hổ vô cùng. Đứng trước cờ cả hai nói lời xin lỗi thầy cô và các bạn. Hứa sẽ chăm ngoan học tập và không bao giờ có hành vi như thế nữa.

Con đường về nhà hôm ấy trời lất phất mưa, gió thổi khá mạnh. Lan quên mang áo mưa nên hơi run run vì rét. Thấy vậy, Ngân bảo Hà nhường chiếc áo mưa cho bạn rồi hai chị em dùng chung một chiếc. Lan mỉm cười, cảm ơn và khoác áo mưa vào.

Cả hội không ai nói gì, nhưng trong lòng ai cũng nhẹ nhõm, ai cũng vừa đi vừa đợi bạn. Trong tấm áo mưa Lan cảm thấy ấm áp vô cùng.

L.T.X