Ý nghĩa của những mô-típ trang trí trên đình miếu ở Đà Nẵng

06.12.2023
Đinh Thị Trang

Ý nghĩa của những mô-típ trang trí trên đình miếu ở Đà Nẵng

Đà Nẵng là vùng đất có cư dân người Việt vào khai phá, sinh tụ khoảng 700 năm trở lại đây. Từ thuở những bậc tiền nhân người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ tới vùng này khai hoang, lập ấp, lập làng đã nhiều thế kỷ qua, ngoài việc “gánh theo tên làng, tên xã qua những chuyến di dân” thì họ còn mang theo đời sống tâm linh phong phú vào vùng đất mới, họ cùng chung tay, góp sức xây dựng các công trình như đình, chùa, miếu, vũ... Tuy nhiên, trải theo thời gian, do chiến tranh, thiên tai và cả bàn tay con người tàn phá nên những công trình kiến trúc có niên đại cổ xưa còn hiện diện khá ít, phần lớn có niên đại khoảng giữa thế kỷ XIX trở lại đây, nhưng trong các sắc phong của triều đình phong kiến về các vị thần được thờ tại đình làng thì đã có từ trước.

Trong tâm thức người Việt, đình làng, miếu thờ không chỉ là cơ sở thờ tự vị thần chung trong tín ngưỡng dân gian của cả làng, mà thông qua đó, phần nào cho chúng ta thấy được những giá trị nghệ thuật cũng như tư tưởng nhân văn đã được những nghệ nhân dân gian xưa thổi hồn vào di tích thông qua những mô-típ trang trí kiến trúc như: mặt trời, mặt trăng, mây nước, chim hạc, hoa sen, hoa cúc, lưỡng long tranh châu, chim phượng, con rùa, hoa đào, tứ linh... trên bờ nóc, bờ mái, bao lam, hoành phi, liễn đối, ngai thờ, bài vị, cột, kèo... Những mô-típ trang trí này luôn là một phần thiết yếu gắn liền với kiến trúc, nó góp phần làm tăng thêm giá trị thẩm mỹ và ý nghĩa của từng bộ phận trong toàn thể kiến trúc ấy. Các mô-típ trang trí trên các thành phần kiến trúc góp phần làm đẹp, duyên dáng thêm nội thất kiến trúc tạo nên sự tinh tế, trang nhã cho toàn bộ công trình. Đặc biệt, nó còn hàm chứa những ước vọng thiêng liêng được người dân gửi gắm đến các đấng thần linh. Mỗi đồ án trang trí là những tác phẩm nghệ thuật và chúng đều mang những ý nghĩa khác nhau:

* Mặt trời, mặt trăng

Mặt trời biểu tượng cho sự chủ động và thống lĩnh, là biểu hiện của dương tính mạnh mẽ. Trong truyền thuyết của Trung Hoa, mặt trời cũng có khi là biểu tượng của hoàng đế. Mô-típ mặt trời thường được sử dụng với hình tượng “lưỡng long chầu nhật” trang trí trên hệ mái của đình, miếu, hoặc trên các cửa võng. Còn mặt trăng là hình ảnh mang nguyên lý đối lập với mặt trời. Xét theo nguyên lý âm dương, mặt trăng mang tính thuần âm, liên quan đến phụ nữ. Mặt trăng mang lại điềm lành, hạnh phúc. Trong tín ngưỡng của Đạo giáo, người ta cho rằng, mặt trăng là nơi cư trú của chú thỏ ngọc đang nghiền thuốc trường sinh ở gốc đa. Trong cách hiểu như vậy, mặt trăng là nơi chứa đựng nguồn sống bất tử. Trong chạm khắc trang trí ở các đình miếu, miếu mô-típ mặt trời và mặt trăng hầu như có mặt trong đồ án trang trí từ cổng cho đến hệ mái của di tích với các mô-típ như: lưỡng long chầu nhật, lưỡng long chầu nguyệt.

* Đồ án mây, nước

Mây cũng là biểu tượng trang trí có mặt ở trên hầu hết các di tích. Mây mang đến những dấu hiệu tốt lành, hạnh phúc. Đối với cư dân nông nghiệp, mây là dấu hiệu báo hiệu sắp có cơn mưa. Đối với cộng đồng, cá nhân, mây mang đến điềm báo cát tường, như mây ngũ sắc cũng có nghĩa là ngũ phúc. Trong đạo Phật, người ta cho rằng, khi Đức Phật ra đời có mây ngũ sắc tỏa ánh hào quang, hoặc trong những buổi lễ tế thần, người xưa quan niệm rằng, nếu điều mình cầu mong được ứng nghiệm thì khi đó sẽ có những đám mây trắng hoặc mây ngũ sắc hiện ra. Với ý nghĩa trên, hình tượng mây được người nghệ nhân dân gian đưa vào trong các đồ án trang trí cùng với Tứ linh như: long vân khánh hội, long ẩn vân, phượng mây, mây nâng vòng Thái cực...

Đối với cư dân nông nghiệp lúa nước, nước là nguồn sống của con người và vạn vật. Nhưng nước cũng đứng đầu trong các mối hiểm họa đối với con người - “thủy hỏa đạo tặc”. Nước có mối quan hệ với lửa trong thế tương khắc (thủy khắc hỏa) và tương tác (thủy hỏa ký tế). Hình tượng sóng nước thường là những mô-típ được bố trí ở phía dưới của bố cục, gồm những đường lượn cong đều nhằm mô tả hình ảnh sông nước.

* Đồ án Tứ linh

Những nhà nghiên cứu về văn hóa cho rằng, đứng đầu trong các linh vật được người Việt tôn vinh là “tứ linh”, gồm: long (rồng) - lân (kỳ lân) - quy (rùa) - phụng (chim phượng). Theo quan niệm của người xưa thì loài vật trong tự nhiên được phân thành 5 loài: loài lông trần (đứng đầu là con người), loài lông vũ (đứng đầu là chim phượng), loài lông phủ (đứng đầu là kỳ lân), giống có vảy (đứng đầu là rồng) và giống có mai (đứng đầu là rùa). Do vậy, rồng, kỳ lân, rùa và chim phượng được tôn xưng là những linh vật cao quý nhất.

- Rồng: là một con vật huyền thoại cho đến nay chưa ai nhìn thấy, nhưng nó lại được thể hiện rất nhiều trong nghệ thuật của các quốc gia ở phương Ðông. Cả Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam đều dành cho con rồng một vị trí xứng đáng trong nền nghệ thuật của mình, và quốc gia nào cũng nhận đất nước mình là quê hương của rồng, hoặc cho rằng dân tộc mình là con cháu của rồng. Ở Việt Nam, rồng được xem là một hình tượng đặc biệt trong nghệ thuật truyền thống, bởi linh vật này là một trong những biểu tượng văn hóa quan trọng gắn liền với nguồn gốc ra đời của dân tộc.

Con rồng trong tiếng Hán Việt gọi là 龍 “Long”, tiếng Việt gọi là con rồng, là một con vật thường được sử dụng rất nhiều trong mỹ thuật của người Việt. Sách Thuyết văn giải tự của nhà ngôn ngữ Hứa Thận, sống vào thời nhà Đông Hán ở Yểm Thành, Trung Quốc viết rằng, trong 389 loài bò sát có vảy thì rồng là loài đứng đầu và có sức mạnh vô song. Rồng là biểu tượng của sự sinh sôi mạnh mẽ, là biểu tượng của phương Đông và của mùa xuân. Rồng được miêu tả với nhiều dáng vẻ, tùy thuộc vào sự tưởng tượng phong phú của từng cộng đồng, từng dân tộc và luôn biến đổi theo thời đại hay không gian cư trú. Rồng là con vật có sự kết hợp của 9 loài vật khác: đầu lạc đà, sừng hươu, mắt thỏ, tai bò, cổ rắn, bụng ếch, vây cá chép, móng chim ưng, bàn chân của hổ.

Ở Việt Nam, trong nghệ thuật, rồng xuất hiện từ rất sớm, khoảng hơn nghìn năm trước, hình tượng rồng đã được chạm khắc và trang trí ở cung điện thời nhà Đinh, Tiền Lê. Đến thời nhà Lý, nhà Trần, sau đó nhà Hậu Lê, hình tượng rồng được thể hiện ngày càng phong phú cả về hình dáng và chất liệu, nó không chỉ có hình dáng thon dài như rắn mà còn được thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau. Nhưng phải đến thời Nguyễn, hình tượng rồng mới đạt đến sự phong phú tối đa về đề tài, chất liệu cũng như phương thức thể hiện.

Trong các đình, miếu ở Đà Nẵng, hình tượng rồng hầu như xuất hiện ở các bờ nóc, góc mái, bờ quyết, cổ diêm, đầu hồi, khung cửa, đuôi kèo, đuôi trính, bao lam, bệ thờ, bài vị... hoặc ngay trên các cổ lâu của hậu tẩm, lầu chuông, gác trống của đình làng cũng có những mô-típ trang trí này. Khi thì rồng được tạo thành hình khối, lúc lại thể hiện trên bề mặt phẳng, lúc khác lại đắp nổi bằng những mảnh sành sứ. Đầu rồng thường được chạm phóng khoáng, cách điệu bằng những tia lửa, vân mây, đuôi rồng thường được tạo bởi các họa tiết hoa văn hình đao mác, những đám mây hồi cố… Hình ảnh của rồng được thể hiện dưới nhiều đồ án trang trí khác nhau như: lưỡng long tranh châu, lưỡng long triều nhật, long hý thủy, hồi long, viên long, long truy, long phụng, long lân, long thọ, trúc hóa long… Chúng được vẽ bằng bột hoặc sơn màu trên tường, cẩn bằng sành sứ, đắp nổi bằng vôi vữa, được chạm trổ trên gỗ, đá hay trên các loại chất liệu khác.

Có thể nói, rồng tượng trưng cho sự phồn vinh và sức mạnh của dân tộc, theo thời gian nó trở thành hình tượng biểu hiện uy quyền của nhà nước phong kiến, chỉ dùng nơi trang trọng nhất của cung vua, hay những công trình lớn của quốc gia. Nhưng con rồng đã vượt ra khỏi kinh thành, đến với những làng quê dân dã, nó leo lên các ngôi đình, miếu, ẩn mình trên các mảng sơn trên bàn hương án. Hiện nay, hình tượng rồng tuy không còn tính chất thiêng liêng, tối thượng nhưng nó vẫn được đưa vào trang trí cho các công trình kiến trúc, hội họa, chạm, khắc nghệ thuật... Dù ở bất cứ thời điểm nào, rồng vẫn là một phần trong cuộc sống văn hóa của người Việt ở Đà Nẵng.

- Lân: Bên cạnh rồng, tại các cơ sở thờ tự ở Đà Nẵng, kỳ lân cũng là một trong những loài vật được sử dụng để trang trí rất nhiều. Người ta cho rằng, kỳ lân là linh vật báo hiệu điềm lành, là biểu tượng của sự thông thái, trường thọ, sự cao quý và của niềm hạnh phúc lớn lao. Kỳ lân cũng là biểu tượng của lòng nhân từ và sự trung thành. Kỳ lân là tên ghép, trong đó kỳ là con đực và lân là con cái. Theo truyền thuyết, kỳ lân là sự kết hợp của các loài vật khác như: mình của hươu, đuôi của bò, trán chó sói, móng của ngựa, da có 5 màu là: đỏ, vàng, xanh, trắng, đen, dưới bụng có màu vàng. Con kỳ có một chiếc sừng ở giữa trán. Bẩm tính của kỳ lân rất nhân từ, nên khi di chuyển, nó tránh dẫm lên các loài côn trùng và không làm hư hại các loài cỏ mềm dưới chân. Nó cũng không ăn thịt hay làm hại bất kỳ con vật nào và không bao giờ uống nước bẩn. Người Trung Quốc cho rằng, kỳ lân xuất hiện báo hiệu những điềm tốt lành như sự ra đời của một minh quân, chân chúa hay nhà hiền triết. Trong văn hóa Việt, kỳ lân còn biểu hiện cho uy quyền của nhà vua, là linh vật biểu trưng cho thái tử và còn là biểu tượng của hạnh phúc, đoàn viên.

Trong các ngôi đình, miếu ở Đà Nẵng, kỳ lân được chế tác trên các chất liệu như vôi vữa đắp nổi, cẩn sành sứ, khắc trên sa thạch và bài trí thành từng cặp ở trước điện thờ, trên trụ của cổng tam quan hay trụ của các bức bình phong, mặt kỳ lân hướng ra bên ngoài, biểu tượng cho sự tôn nghiêm, kính cẩn.

- Rùa: biểu tượng cho sự trường thọ, sinh lực và sức chịu đựng. Rùa là con vật thuộc nam tính lẫn nữ tính, thuộc loài người và vũ trụ, ý nghĩa biểu trưng của rùa trải rộng trên tất cả các miền của trí tưởng tượng. Rùa mang chiếc mai hình vòm trên lưng, biểu tượng cho bầu trời và phần mai phẳng dưới bụng biểu tượng cho mặt đất. Những đường rãnh ở phần trên của mai rùa tương ứng với chòm sao Đại Hùng trên trời, biểu thị cho nguyên lý dương. Những đường rãnh ở phần dưới mai rùa tương ứng với mặt đất, biểu thị cho nguyên lý âm. Nhưng cái khối đồ sộ của nó đặt trên bốn chân ngắn cắm vào đất như những chiếc cột đền thờ gợi lên ý tưởng về sức mạnh của nó, kẻ cõng thế giới, làm cho nó gần gũi với những con vật hùng mạnh khác. Do đó, nó có chức năng chống đỡ, đảm bảo sự ổn định của thế gian. Sự trường thọ đã gắn con rùa với ý tưởng về sự bất tử, vốn đi đôi với tính phì nhiêu của các nguồn nước khởi nguyên. Rùa cũng là hiện thân của sự kết hợp từ nhiều loài vật khác: đầu rắn, cổ rồng, chân vịt. Rùa còn được xem là biểu tượng của sự ổn định và vững chắc. Bốn chân rùa tượng trưng cho bốn cực của thế giới. Trong các cơ sở thờ tự như đình, chùa, miếu ở Đà Nẵng, rùa thường được trang trí cùng các linh vật khác thuộc bộ tứ linh, nhưng phổ biến nhất là hình tượng “rùa đội hạc”. Điều đó cho thấy, rùa là loài vật có thực nhưng đã được thiêng liêng hóa ở một mức độ cao tạo nên một biểu tượng linh thiêng trong bộ tứ linh. Có lẽ vì tuổi thọ cao và đặc điểm đi dưới mặt đất nên biểu tượng rùa thể hiện ước mơ được sống lâu và thể hiện tính âm của dân gian xưa.

- Chim Phượng: biểu tượng cho hoàng hậu, được được sinh ra từ mặt trời và lửa, được tôn vinh là vua của các loài chim. Chim trống gọi là phượng, biểu tượng cho phúc lộc, chim mái gọi là hoàng, biểu tượng cho hoàng hậu. Loài linh điểu này cũng là hiện thân của nhiều loài vật khác, có cổ của loài rắn, mỏ của gà, đuôi chẻ như đuôi cá, trán của chim hạc, mào của vịt xiêm, thân có những dấu vằn của rồng và phần đằng sau cuốn vòm như con rùa. Lông chim phượng có 5 màu, tiếng hót của phượng hoàng như tiếng nhạc và có 5 biến điệu diệu kỳ. Chim phượng cũng là biểu tượng của hiền đức, không giết hại côn trùng, làm hại cây cỏ, cư ngụ trên cây ngô đồng, ăn hạt hoa trúc, uống nước ở các dòng thác và trứng của chim phượng là thức ăn của các vị thần tiên. Truyền thuyết cho rằng, chim phượng chỉ xuất hiện trong những triều đại thái bình, thịnh trị. Nó là biểu tượng của mặt trời, của mùa hạ và sự thu hoạch mùa màng. Trong nhiều công trình kiến trúc thờ tự ở Đà Nẵng, chim phượng được trang trí trên các bình phong, bệ thờ, khám thờ…

Qua những đồ án tứ linh được trang trí tại các di tích tín ngưỡng của người dân Đà Nẵng, phần nào đã phản ánh được đời sống văn hóa tín ngưỡng của cư dân nơi đây trong suốt các thế kỷ qua. Hình ảnh của long, lân, quy, phụng với những cách thể hiện trên các chất liệu khác nhau đã đưa chúng ta tìm về với vốn văn hóa truyền thống của dân tộc cùng những ước mơ cháy bỏng của con người về sự mạnh mẽ, trường tồn, thông minh và thánh thiện.

* Đồ án Chim Hạc

Con hạc gắn liền với nhiều biểu tượng và truyền thuyết khác nhau. Người xưa quan niệm có 4 loài hạc nổi tiếng, được phân biệt qua màu lông: đen, vàng, trắng, xanh. Trong đó loài hạc đen là loài sống lâu nhất. Tuy nhiên, trong nghệ thuật tạo hình, hạc thường được thể hiện với bộ lông trắng muốt, biểu tượng cho sự cao quý, thanh khiết. Đầu hạc màu đỏ, nơi tập trung khí dương, tạo nên sự bền bỉ và sức sống dẻo dai. Con hạc thường xuất hiện trong điêu khắc trang trí đình, miếu ở Đà Nẵng với mô-típ hạc - rùa, biểu tượng của sự trường tồn, vĩnh cửu, có ý nghĩa về thời gian và sự trường thọ, bền vững, cao sang, an lạc.

* Đồ án Hổ

Hổ là mãnh thú thuộc loại lớn nhất trong họ mèo Felidae và đứng hàng thứ 3 trong Thập nhị địa chi. Hổ đứng vào hàng ngũ chúa sơn lâm của các loại mãnh thú. Hình tượng hổ chứa đựng nhiều sự ẩn dụ. Với người phương Bắc, hổ biểu tượng cho quyền uy, sự dũng mãnh nơi chiến địa. Hổ trắng là hình ảnh của đấng minh quân, khác với biểu tượng của phương Nam là con voi trắng (bạch tượng). Hổ được quan niệm là một mãnh lực siêu phàm có thể chống lại những thế lực ma quỷ. Ở các đình, miếu, hổ thường được đắp nổi trang trí trên các bức bình phong.

* Đồ án con dơi

Trên một số đình, miếu ở Đà Nẵng, đồ án con dơi được các nghệ nhân trang trí lên đầu hồi, bệ thờ hoặc tại các bức bình phong phía trước. Trong phong thủy con dơi là linh vật biểu tượng sự may mắn, an lành. Con dơi có âm Hán - Việt là “phúc”, đọc trùng âm với chữ phúc trong từ hạnh phúc, sung sướng. Vì thế người ta đã lấy con vật này để chỉ niềm hạnh phúc sung sướng, cầu mong hạnh phúc đến với mọi người. Đôi khi để mong ước có hạnh phúc viên mãn người ta trang trí năm con dơi tượng trưng cho ngũ phúc: thọ tức là sống lâu, phú tức là giàu có, khang ninh tức là yên ổn và có sức khỏe, du hảo đức tức là yêu mến đức hạnh, khảo chung mệnh tức là chết mà không bệnh tật khi tuổi già.

Hình ảnh con dơi đang bay, miệng ngậm đồng tiền lớn, hay hình ảnh con dơi ngậm chiếc khánh đá, con dơi ngậm chữ thọ, con dơi ngậm hoa cúc… được các nghệ nhân khắc hoặc đắp nổi đều mang những ý nghĩa nhất định. Con dơi ngậm khánh đá tức là con dơi ấy đang mang đến niềm may mắn, bởi chữ khánh có nghĩa là vui vẻ, hạnh phúc, phần thưởng. Khi nó kết hợp với con dơi tức là Phúc Khánh có ý nghĩa càng làm tăng sự hạnh phúc sung sướng và may mắn gấp bội. Con dơi ngậm chữ thọ khi người ta kết hợp hai chữ phúc và thọ lại để chỉ một thông điệp mà ai ai cũng mong muốn có được. Đó là sự giàu có sung sướng hạnh phúc và sống lâu trăm tuổi.

Ngoài những đồ án chủ đạo được trang trí như đã kể trên, thì ở một số đình, miếu còn được trang trí các mô-típ khác như: bát bửu, thái cực, hoa lá, câu đối... Đặc biệt, còn trang trí rất nhiều bức tranh tả cảnh thiên nhiên hoặc cảnh vật của vùng đất Đà Nẵng bằng sơn màu. Phải chăng các nghệ nhân xưa muốn ca ngợi cảnh sắc quê hương và thể hiện ước mong quê hương được thanh bình, giàu đẹp?

Có thể thấy, những mô-típ trang trí thông qua đời sống tâm linh đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt. Ngày nay, nếu ứng dụng những mô-típ này bằng cách chuyển hóa bằng khoa học công nghệ, kỹ thuật, chất liệu mới trong các lĩnh vực như phim ảnh, hội họa, kiến trúc… hiện đại thì “hồn cốt” của những giá trị văn hóa truyền thống sẽ được “thăng hoa”. Như vậy, việc khai thác giá trị nghệ thuật trang trí dân gian trên các đình, miếu… cũng góp phần khẳng định sự tiếp nối, có sự xuyên suốt trong dòng chảy của văn hóa.

Đ.T.T