Đất và người Thanh Khê qua các tác phẩm văn học hiện đại
Tượng Mẹ Nhu - Một biểu tượng trong các tác phẩm văn học
Miền đất Thanh Khê tươi đẹp, có một bề dày trên bảy trăm năm truyền thống văn hóa và lịch sử anh hùng từ khi cha ông mở đất phương Nam, con người Thanh Khê bao đời chân chất, kiên trung, nồng nàn một tình yêu quê hương đất nước, vùng văn hóa văn nghệ dân gian Thanh Khê với một kho tàng ca dao, tục ngữ, truyện cổ đầy ấn tượng xưa và nay đã được sưu tập một cách đầy đủ và phong phú. Ở bài viết có tính chất đặt vấn đề ban đầu này, tôi xin được phác họa đôi nét về một vấn đề có lẽ rất cần được quan tâm tìm hiểu rõ: Đất và người Thanh Khê qua các tác phẩm văn học hiện đại, cũng như sự đóng góp của các nhà văn Thanh Khê, đã và đang sống và viết tại Thanh Khê, cho nền văn học Việt Nam cũng như thành phố Đà Nẵng đương đại.
1. Những biểu tượng văn học ghi dấu ấn đất và người Thanh Khê qua các tác phẩm văn học hiện đại.
1.1. Tác phẩm ghi dấu ấn đầu tiên và có tính chất khái quát cao qua hình tượng văn học cả một giai đoạn chiến tranh đau thương gian khổ đầy tinh thần hy sinh anh dũng với những tấm gương chiến đấu kiên trung bất khuất của nhân dân Thanh Khê được dư luận bạn đọc đánh giá cao có thể nói là trường ca Từ chiếc tao đời mẹ ru của nhà thơ Đông Trình. Với hơn 1000 câu thơ được viết bởi thể thơ lục bát truyền thống dân tộc, Từ chiếc tao đời mẹ ru (NXB Đà Nẵng, 1986) tái hiện lại sinh động, hào hùng với lòng kính yêu, cảm phục vô bờ bến của tác giả đối với câu chuyện về cuộc chiến đấu và sự hy sinh dũng cảm của Mẹ Nhu Lê Thị Dãnh và 7 dũng sĩ Thanh Khê ngày 26 tháng 12 năm 1968. Để hoàn thành tập trường ca mang chất sử thi anh hùng ca này, tác giả ĐôngTrình cho biết đã có hơn một năm đi tìm hiểu về Mẹ Nhu, về nhà Mẹ và trận đánh khốc liệt diễn ra hơn 18 năm trước tại nhà Mẹ để có thể tái hiện lại câu chuyện lịch sử bằng thơ một cách chân thực, toàn diện và tràn đầy cảm xúc. Đã có rất nhiều đêm ông lang thang theo dọc bờ biển Thanh Khê nơi có nhà Mẹ Nhu để hình dung, suy ngẫm, tái tạo lại về cuộc đời người Mẹ bình dị, gần gũi, chân chất mà anh hùng, cuộc chiến đấu không cân sức giữa Mẹ và các dũng sĩ Thanh Khê với quân địch tàn bạo ngày ấy, những phút giây hy sinh làm nên lịch sử của Mẹ và các dũng sĩ để có thể hoàn thành tác phẩm với những câu chữ, ngôn từ và hình tượng nghệ thuật chân thực nhất, sinh động gần gũi mà mang nặng ân tình yêu kính nhất:
Thành phố như một con sông
Mẹ Thanh Khê, mạch nước trong đầu nguồn
Thành phố như một cánh buồm
Bàn tay Mẹ vẫy về phương mặt trời...
...
Con về thăm, ngôi nhà xưa
Mẹ ơi có phải mẹ vừa ra đi
Lặng trong gió biển con nghe
Tiếng ngàn năm, Mẹ Thanh Khê thì thầm...
Dẫu đã hy sinh anh dũng, nhưng hình ảnh Mẹ Thanh Khê vẫn sống mãi trong lòng quê hương Thanh Khê đang đổi mới phát triển giàu đẹp lên từng ngày trong hòa bình xây dựng hôm nay:
Thời gian... câu hát tuyệt vời
Phổ vào tiếng biển, muôn đời còn nghe
Sáng nay, nhà mẹ con về
Đã thay đổi, giữa Thanh Khê từng ngày...
(Từ chiếc tao đời Mẹ ru)
Những câu thơ khắc họa lên hình ảnh bất tử của Mẹ Thanh Khê trên đã được nhạc sĩ Minh Đức phổ thành ca khúc trữ tình sâu lắng Mẹ quê hương góp thêm sự lan tỏa rộng rãi cho trường ca Đông Trình.
Có thể nói, bằng tấm lòng cảm phục và biết ơn sâu nặng nhất của mình, Đông Trình là nhà thơ đầu tiên đã khắc họa sinh động hình ảnh Mẹ Thanh Khê lên một hình tượng văn học thiêng liêng qua trường ca tâm huyết của mình, bên cạnh hình tượng Người mẹ anh hùng đã được khắc họa hùng tráng trữ tình qua nghệ thuật điêu khắc, hội họa, âm nhạc, sân khấu... mà tiêu biểu là tượng đài Mẹ Thanh Khê hùng vĩ mà gần gũi tọa lạc trên đường Điện Biên Phủ của điêu khắc gia Phạm Văn Hạng.
Nhà thơ Đông Trình thực sự là đại diện tiêu biểu của thế hệ nhà thơ sống và viết tại Thanh Khê trong chiến tranh chống Mỹ, sinh năm 1942 tại Quảng Bình, hiện sống tại Thanh Khê, Đà Nẵng. Bút hiệu khác: Hồng Chi, Trần Hồng Giao, tên thật Nguyễn Đình Trọng, là “một trong những nhà thơ tiêu biểu trước 1975 thuộc khuynh hướng phản kháng xã hội và tìm về dân tộc ở miền Nam Việt Nam” (GS Huỳnh Như Phương). Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng. Tác phẩm chính đã xuất bản: Khi mùa mưa bắt đầu (1967), Lót ổ cho đại bác (1968), Rừng dậy men mùa (1972), Tên gọi mới của hạnh phúc (1983), Từ chiếc tao đời mẹ ru (1986), Lấm tấm hạt đau (1990), Rừng và hoa (1993), Mất và tìm (1996). Riêng thơ thiếu nhi, có Giữa thực và mơ (2008), Những chiếc xe màu lửa (1992), Nếm mật (1995). Về tản văn, có Trà dư tửu hậu (1995), Khéo dư nước mắt (1998). Về tiểu luận - khảo cứu, có Giữa vòng tay thân hữu (1974), Ngoài vô tận tìm kẻ xa lòng (1995), Vườn đời lá vẫn xanh cây (1996)…
Hình ảnh Mẹ Thanh Khê sau này cũng là nguồn cảm xúc lớn lao dạt dào để các thế hệ nhà văn nhà thơ tiếp tục viết về Mẹ. Nhà thơ Lê Anh Dũng (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Đà Nẵng) - một tác giả có những năm tháng tuổi thơ sống và học tiểu học tại Thanh Khê - thấy “vóc dáng quê hương” qua tượng đài Mẹ anh hùng với trường ca Sừng sững tượng đài:
Thanh Khê, Thanh Khê.
Nguồn nước xanh đắp bồi vùng đất.
Mạch sử thi ngút ngàn chất ngất.
Phố thị bề bề vẫn thơm thảo lòng quê.
Thanh Khê, Thanh Khê.
Con đánh giặc dưới bàn tay vẫy.
Ánh mắt mẹ bừng soi, con thấy.
Vóc dáng quê hương sừng sững tượng đài.
(Trích trường ca Sừng sững tượng đài - Lê Anh Dũng)
1.2. “Khu Đô thị Tây Phú Lộc mới hình thành hơn dăm năm nay mà đã khá bề thế. Đó là kết quả quá trình đô thị hóa, tốc độ nhanh đến chóng mặt ở khu vực miền Trung. Mới là làng Thanh Khê hôm nao, nay đã là “Khu Đô thị Tây Phú Lộc” mới toanh. Nhà cửa khang trang, phố phường thông thoáng, điện sáng giăng giăng, cây xanh tươi mát. Mọi người hay nói với nhau rằng, nơi đây là “khu phố đáng sống” cũng không ngoa. Bởi lẽ, là một khu phố mới, hướng tới dịch vụ du lịch ven biển, nhưng còn rất yên tĩnh. Có tiệm tạp hóa bán mua nhưng không sầm uất tưng bừng. Có nhà hàng khách sạn, cà phê giải khát, quán nhậu… nhưng không xô bồ huyên náo. Gọi là nơi tái định cư, nhưng mọi người sống với nhau gần gũi ôn hòa. Nét đáng yêu nơi đây là dáng phố mà còn vương lại những nét làng quê. Nếu một số thửa đất phân lô xây căn hộ rải rác ở mỗi con phố không bị bỏ trống và khu đất rộng gần hai héc ta ở ngã tư Nguyễn Thị Thập - Ngô Đức Kế được tái thiết thành một công viên như đã quy hoạch, chứ không bỏ hoang cho cỏ mọc như hiện nay, thì Tây Phú Lộc có thể là một khu đô thị mới kiểu mẫu của thành phố.” Đây là đoạn mở đầu cho cuốn truyện dài Chó hoang của nhà văn Bùi Tự Lực (1954 - 2020) do NXB Kim Đồng ấn hành lần đầu năm năm 2017. Nối tiếp thành công lớn của truyện dài Nội tôi đoạt giải thưởng của NXB Kim Đồng ngay lần đầu xuất bản năm 1999 và tái bản 7 lần với hàng vạn bản in. Tác phẩm lấy cảm hứng từ câu chuyện cảm động viết về cuộc đời kỳ diệu và cái chết bí ẩn bi hùng của bà nội tác giả, một bà mẹ Việt Nam anh hùng. Dẫu một tác phẩm dù không đồ sộ nhưng mang đầy đủ chất sử thi anh hùng lẫn sự mờ ảo huyền thoại quyện chặt vào thực tế cuộc chiến tranh tàn khốc của dân tộc Việt Nam đã in đậm mấy mươi năm trong ký ức tuổi thơ đứa cháu và được viết ra bởi sự thôi thúc tột bậc của trái tim nhà văn. Tác phẩm đã định hình để Bùi Tự Lực, một người con sinh ra tại Thăng Bình, Quảng Nam từ rất lâu đã nhận đất Thanh Khê là quê hương thứ hai với rất nhiều năm sống, cống hiến, công tác và sáng tác văn học ở Thanh Khê, xứng đáng được vinh danh là Nhà văn thiếu nhi cùng với nhiều tác phẩm khác sau này (Trên những nẻo đường liên, Chú bé và cái ống phốc…). Tác phẩm Chó hoang của Bùi Tự Lực với 14 chương xuyên suốt 158 trang sách là bức tranh toàn cảnh về một quê hương Thanh Khê đang đổi mới, phát triển mọi mặt trên từng góc phố, mỗi con đường mỗi ngày sau 45 năm hòa bình xây dựng. Qua câu chuyện giản dị, nhân hậu, chan chứa yêu thương của vợ chồng ông giáo già nghỉ hưu và chú chó hoang quý tộc Vằn, mọi nét đẹp trong cuộc sống bình yên với những sinh hoạt đời thường ngày chan hòa, cởi mở nhưng cũng luôn sôi động phát triển hằng ngày ở vùng đất Thanh Khê, tính cách cần cù, chân chất, siêng năng, cần mẫn, rộng lượng nhưng yêu ghét rõ ràng, nhân ái lo lắng yêu thương chăm sóc cho cả đến chú chó đầy cá tính hoang dã của người Thanh Khê hiện lên khá rõ và có sức cuốn hút thuyết phục trên từng trang viết. Có thể nói, truyện dài Chó hoang của Bùi Tự Lực là tác phẩm văn xuôi mang hơi thở cuộc sống hiện đại của đất và người Thanh Khê vào văn học một cách rõ ràng, chân thực và cảm động. Thành công đó đã mang lại cho tác giả giải nhất Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật lần thứ 4 (2015 -2020) của UBND TP Đà Nẵng, sau giải A của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng năm 2017.
1.3. Có những miền đất là quê hương của thơ. Miền đất Thanh Khê tươi đẹp với dọc dài mênh mông biển trời xanh ngát quanh năm sóng vỗ là một miền đất như vậy. Đặc biệt với những nhà thơ đã sinh ra và lớn lên, gắn bó từng ngày và trọn đời với miền đất gian truân vất vả mà thơ mộng này. Tác giả Vầng trăng khuyết (NXB Đà Nẵng, 2005), nhà thơ Hoàng Tư Thiện (1946-2005) là một người con Thanh Khê như vậy. Tình yêu trọn đời với miền đất nghĩa tình Thanh Khê đã đem lại cho ông một áng thơ tuyệt hay, đẹp đẽ, sâu lắng và tràn ngập cảm xúc về quê hương Thanh Khê và thành phố Đà Nẵng yêu thương. Bài Thành phố tháng Ba:
Tôi sinh ra và lớn lên ở đây
Ba mươi năm sóng dạt dào cửa bể
Từ chiếc nôi nhỏ mẹ ru thời tấm bé
Đến bầu trời thành phố tháng ba
Tháng ba tháng ba
Ơi tháng ba
Khi con tu hú gọi mùa rôm rả
Những tấm lưới sãi lòng mình quanh Bến Đá
Cá khơi luồng tấp nập bãi Thanh Khê
…
Từ chiếc nôi nhỏ của một tời tấm bé
Đến bầu trời thành phố mênh mông...
(Thành phố tháng Ba - Hoàng Tư Thiện)
Không sinh ra nhưng gắn bó với Thanh Khê gần như sống trọn cuộc đời mình tại đất lành Thanh Khê với nhiều khúc nôi thăng trầm, nhiều ký ức vui buồn; nhiều ấn tượng sâu đậm dạt dào về miền đất trữ tình, quê hương của thơ Thanh Khê, các nhà thơ Nguyễn Quân, Phụng Lam, Bùi Văn Tiếng, Trương Văn Ngọc, Trương Điện Thắng, Nguyễn Văn Tám, Nguyễn Ngọc Hạnh, Nguyễn Minh Hùng, Nguyễn Minh Khôi, Trần Trúc Tâm, Vạn Lộc, Cao Xuân Hiệu, Huỳnh Viết Tư, Bùi Hồng Khanh... cũng đã có nhiều sáng tác xúc động về đất và người Thanh Khê. Phụng Lam (1938 -2013) phác họa nét đẹp phố Thanh Khê nơi ông sống qua mấy câu thơ rung động bởi sự gắn kết hài hòa giữa nét quê xưa và vẻ hiện đại của mái phố Thanh Khê dẫu có sự ngậm ngùi luyến tiếc quá khứ qua hình ảnh bầy chim sẻ:
Bay về đậu mái phố chóp lầu
thả lời vui hàng cây đường hẻm nhỏ
đêm đèn mờ đèn tỏ
điệu nhạc rốc xập xình
thâu canh vang tiếng cười men rượu
(Khúc lưu vong của bầy chim sẻ - Phụng Lam)
Sinh sống ở phường Tam Thuận, hơn nửa đời vất vả mưu sinh buôn bán sớm hôm tảo tần nuôi chồng và 9 đứa con khôn lớn nên người ở Chợ Cồn “Chính nơi mặc cả bon chen đó/ Tôi đã đi qua nửa cuộc đời/ Bỏ áo nữ sinh, mang áo chợ/ Tháng ngày mòn mỏi tuổi xuân tươi.” (Chợ Cồn), nhà thơ cao tuổi Vạn Lộc, tác giả của 11 tập thơ viết chính trên mảnh đất gắn bó này, cảm nhận Thanh Khê chính là “Mảnh đất tâm hồn tôi” để làm nên những câu thơ tha thiết thủy chung trĩu nặng ân tình:
Thanh Khê ơi, xưa sau rồi vẫn thế
Hồn thơ tôi đau đáu những ân tình
Dẫu hoàng hôn đời mình đã trước mắt
Nhưng thiên thu mãi mãi vẫn bình minh!
(Thanh Khê - mảnh đất tâm hồn tôi - Vạn Lộc)
Gắn bó, công tác tại các cơ quan lãnh đạo quận phường Thanh Khê trên 15 năm, tác giả Cao Xuân Hiệu - tác giả viết nhiều về đất và người Thanh Khê, có 3 ca khúc phổ nhạc thơ anh từ đề tài này - luôn đinh ninh trong lòng một “Ân tình Thanh Khê” với những lần viếng mộ Mẹ Dũng sĩ:
Chúng con về viếng mộ Mẹ chiều nay
Trời trở lạnh biển rì rầm sóng vỗ
Con hẻm nhỏ nối hai đầu dãy phố
Nơi Mẹ yên nằm tĩnh mịch bóng thời gian.
(Viếng mộ Mẹ Dũng sĩ Thanh Khê - Cao Xuân Hiệu)
Với những chiều sóng bước bên nhau lắng nghe tiếng hát bên sông Phú Lộc, ngắm nhìn biển trời xôn xao dạt dào sóng vỗ tình người:
Tiếng ai hát chiều nay
Trên giòng sông Phú Lộc
Trong gió chiều dịu ngọt
Tha thiết tình quê hương.
Biển trời xanh bao la
Những con tàu vươn xa
Xôn xao ngàn nỗi nhớ
Biển dạt dào sóng vỗ
Tình người Thanh Khê Đông.
(Ân tình Thanh Khê Đông - Cao Xuân Hiệu)
Và còn nhiều, rất nhiều những bài thơ, ca khúc của các tác giả Thanh Khê viết về miền đất của truyền thuyết, của thơ của nhạc nơi mình đang sống…
2. Đất và người Thanh Khê, nguồn cảm hứng lớn lao bất tận cho các sáng tác văn học xưa và nay…
Không phải chỉ có người Thanh Khê viết về đất và người Thanh Khê. Miền đất thiêng liêng thơ mộng tươi đẹp giàu truyền thống văn hóa lịch sử này là nguồn cảm hứng lớn lao bất tận cho các thi nhân mặc khách xưa và nay đã ghé đến và dừng chân nơi này. Nhà thơ Nguyễn Nhã Tiên có lần “Đi trên cát biển Thanh Khê nhớ Chu Thần”: kể lại trong tùy bút này câu chuyện đọc thơ Cao Bá Quát tại biển với những ngôn từ văn chương lay động: “Bước thảnh thơi trên cát biển Thanh Khê vào một chiều cuối năm biển vắng, dường như để lấp vào khoảng vắng vẻ kia, khói mây như tơ trời mỏng mảnh giăng giăng dễ làm vọng động lòng người. Dòng sông Phú Lộc, hay còn gọi là sông Thanh Khê, đổ ra đến vịnh Đà Nẵng thì cửa sông chỉ còn là cái lạch nhỏ chảy giữa đôi bờ cát trắng trước khi hòa tan mất hút vào lòng trùng dương.
Ngồi bệt xuống trên một doi cát, vốc từng nắm cát trắng mịn màng ném tung về phía biển một cách vô thức, bất chợt tôi nghe chừng như trong tiếng gió hồi âm có chen lẫn tiếng lao xao thì thầm. Biết là vọng tưởng mà ra, nhưng quả thật cái bến xưa Thanh Khê đầy ắp âm thanh cổ sử dẫn đường, bỗng hiện lên trong trí tưởng của tôi con thuyền từng đưa Chu Thần - Cao Bá Quát nhấp nhô trên sóng qua vùng cửa sông này.
Chính tại cửa sông này đây, khoảng non 2 thế kỷ trước, chính xác là 177 năm, Cao Bá Quát đã có những ngày xuôi thuyền tại nơi đây. Bài thơ Chu hành há Thanh Khê nhân cố nhân ký biệt tòng du chư đệ tử (Thuyền xuôi Thanh Khê, nhân có người quen gửi lời từ biệt các học trò) đã được Cao Bá Quát viết ra từ bến nước này.”
(Đi trên cát biển Thanh Khê nhớ Chu Thần - Nguyễn Nhã Tiên)
Cũng mạch nguồn cảm xúc về câu chuyện Chu Thần Cao Bá Quát dừng chân làm thơ tại biển Thanh Khê, nhà thơ Nguyễn Hoàng Thọ đã viết “Cao Chu Thần làm thơ trên sông Thanh Khê” với những dòng đầy cảm khái về cuộc đời bi kịch của bậc tiền nhân anh hùng tài hoa:
Hữu tình trời biển Thanh Khê
Mênh mang sông nước
Hồn quê dạt dào
Động lòng thi sĩ họ Cao
Tinh thơ khí chất
Ánh sao lưng trời
Nào hay cái ác trên đời
Cao Chu Thần
Phải ngậm cười thác oan
Thanh Khê sông nước bàng hoàng
Thuyền thơ dựng sóng
Nên trang anh hùng.
(Cao Chu Thần làm thơ trên sông Thanh Khê - Nguyễn Hoàng Thọ)
Sau 21 năm chiến tranh khốc liệt, công cuộc tái thiết, xây dựng thành phố Đà Nẵng nói chung và Thanh Khê nói riêng giàu đẹp lên mỗi ngày đã được nhiều tác phẩm văn học phản ánh, ghi nhận. Nhà thơ Lưu Trùng Dương (thế hệ nhà thơ thời chống Pháp, Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2013) đã cất lên Bài ca Đà Nẵng và ghi nhận nhiều cảm xúc khi vườn hoa Quảng trường 29 Tháng Ba bắt đầu hình thành từ một bãi rác khổng lồ:
Nhà thơ ơi, dạo bước giữa vườn cây
Anh có gặp mùa xuân vừa đến sớm?
Đôi mắt anh dẫu chan hòa nắng ấm
Sao vẫn chưa in màu lộc biếc, chồi xanh?
Và trái tim anh dù đỏ thắm ân tình
Sao chưa biết nâng niu những gì đẹp nhất?
Cũng là sứ giả của mùa Xuân, anh có phần đáng trách.
Đi giữa mùa vui anh đã chóng quên rồi!
Đất dưới chân anh, đất đau thương, đất anh hùng
(…) Bây giờ thành một vườn hoa.
(Giữa Công viên 29/3 - Lưu Trùng Dương)
Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng) tặng những câu thơ ngẫu hứng tin yêu cho cô gái Thanh Khê:
Kìa núi Hải Vân, kìa Sơn Trà xanh thẳm
Da núi xanh như tà áo em xanh
Cả một chiều ươm đầy thương mến
Biển Thanh Khê tròn phố và núi vây quanh.
(Bài thơ tình gởi em gái nhỏ Thanh Khê - Nguyễn Nho Khiêm)
Tác giả Mai Hữu Phước lại tìm về một “Dấu chân” từ “Một thuở học trò” dưới mái trường Cấp III (THPT) Thái Phiên nhiều hoài niệm:
Xóm xưa đã tinh tươi màu phố mới
Sao lòng ta cứ cũ mãi muôn sau
Em đâu biết dấu chân ngày xưa ấy
Đã trở thành buốt nhói để cho nhau!
(Dấu xưa - Mai Hữu Phước)
Đất trời Thanh Khê mênh mang hướng ra Biển Đông, cũng là nguồn cảm xúc để nhà thơ Đinh Thị Như Thúy (Ủy viên Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Thơ Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng) viết Chùm thơ viết bên dãy núi Răng Cưa, nhà thơ Trần Trình Lãm mê say viết những bài thơ về biển… Và cũng là không gian nghệ thuật để Nguyễn Kim Huy (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn TP. Đà Nẵng) viết liền mạch trong một đêm Bài thơ nhỏ tôi dâng lên Tổ quốc với niềm tin và khát vọng lớn lao tha thiết về sự giành lại trọn vẹn biển đảo đất nước khi kẻ thù vẫn còn ngang ngược chiếm đóng nhân sự kiện Tàu Hải dương 981 Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam năm 2014:
Khi quân thù đã ra mặt xâm lăng
Lòng yêu nước nhân dân tôi sẽ đẩy con tàu Tổ quốc lướt sóng băng băng
Vượt qua muôn ngàn bão dữ
Nhấn chìm mọi tham vọng cuồng điên của kẻ bạo tàn!
Tôi một lòng tin như mọi lần rồi bão dữ sẽ tan
Tổ quốc tôi lại mênh mang màu xanh từ đất liền ra biển đảo
Bầu trời Tổ quốc lại êm đềm rạng rỡ những vì sao
Các con tôi lại nối nhau đọc cho nhau nghe những bài ca dao về giàn bầu dây bí
Kể cho nhau nghe chuyện truyền kỳ thế kỷ
Rằng năm ấy ngày kia Đất Nước mình chiến thắng quân thù giữ trọn biển quê hương
Thêm một lần Tổ quốc tỏa hương!
(Bài thơ nhỏ tôi dâng lên Tổ quốc - Nguyễn Kim Huy)
...
3. Đôi dòng tạm kết.
Những nét cơ bản trên đây về “Đất và người Thanh Khê trong các tác phẩm văn học hiện đại” chỉ là sự phác thảo ban đầu của một tác giả sống và viết trên mảnh đất Thanh Khê, may mắn và tự hào khi được trở thành con em Thanh Khê từ mấy mươi năm nay. Hy vọng đề tài này sẽ tiếp tục được các nhà lý luận, nghiên cứu, phê bình văn học nghệ thuật quan tâm tìm hiểu và có những công trình khoa học nhân văn xứng tầm, phản ánh được trọn vẹn toàn bộ diện mạo văn học Thanh Khê, hình ảnh đất và người Thanh Khê trong nền Văn học hiện đại Việt Nam. Đất và người Thanh Khê sẽ tiếp tục là nguồn cảm hứng lớn lao cho các nhà thơ nhà văn, các văn nghệ sĩ sáng tạo, viết nên những tác phẩm Văn học nghệ thuật lớn, có sức rung động mạnh mẽ và lan tỏa rộng rãi trong hôm nay và ngày mai!
N.K.H