Nỗi niềm cố quận trong thơ Nguyễn Hàn Chung

06.12.2023
Nguyễn Thị Thu Thủy

Nỗi niềm cố quận trong thơ  Nguyễn Hàn Chung

Khi nỗi nhớ quê cộng hưởng với tình yêu mảnh đất chôn nhau cắt rốn trở nên mãnh liệt thì thơ ca là phương tiện chính để người thi sĩ bày tỏ nỗi lòng mình. Với Nguyễn Hàn Chung cũng vậy. Bao năm xa cách quê hương nhưng thơ ông vẫn một niềm thao thức về cố quận, khao khát được trở về để đắm mình trong hoài niệm thuở thiếu thời, là nỗi âu lo trước những đổi thay của con người cùng những giá trị truyền thống làng quê đang mỗi ngày phai nhạt. Niềm riêng tư ấy đã được Nguyễn Hàn Chung gửi vào tập thơ tuyển Màu sương riêng rớt (NXB Hội Nhà Văn 2023) ra mắt tại quê hương những tháng cuối của năm 2023. Tuyển thơ khá dày dặn với hơn 200 bài thơ, ở đủ mọi thể loại. Dường như Nguyễn Hàn Chung luôn tạo cảm giác mới mẻ cho người đọc khi thơ ông xuất hiện với đầy đủ loại hình: lục bát phá cách, lục bát biến thể, tự do, thơ văn xuôi, haiku, Đường luật biến thể, thơ 7 chữ, 8 chữ… Ông chiêu đãi độc giả một buổi tiệc thơ với một giọng điệu riêng biệt; một “màu sương” bàng bạc chỉ là của riêng Nguyễn Hàn Chung. Cách đặt đầu đề, trang trí bìa, các phụ bản tranh của tập sách đều mang một dấu ấn khác lạ.

Thơ Nguyễn Hàn Chung đậm đà niềm thao thiết về cố quận. Dù rằng dòng sông thời gian muôn đời cứ chảy và không ai tắm hai lần trên cùng một dòng nước ấy: “Tôi đã đi qua những con sông/ sông đến không ngờ/ sóng vỗ tự ngày kí ức/ những khóm tre vắt mình rạo rực/ rơi già lên tóc em” (Ký ức xanh). Những con chữ đã nói hộ lòng ông nỗi niềm trăn trở về những bể dâu đời người. Con người rồi sẽ già đi nhưng những kỉ niệm với bạn bè, quê hương sẽ mãi còn xanh như “sóng vỗ tự ngày kí ức” vang vọng cho đến bây giờ. Những trải nghiệm cuộc đời ly hương, niềm khát vọng trở về bên mái nhà xưa luôn hiện hữu thống thiết trong thơ ông. Bên ngoài những câu chữ giễu nhại, phá phách là một Nguyễn Hàn Chung đau đáu nỗi thương nhớ khôn cùng: “Nằm đêm sùi sụt nhớ quê/ về dăm bảy bữa có về mãi đâu/ tay rờ nhúm đất mà đau/ bụi môn cây khế buồng cau trách người” (Về thăm nhà cũ).

Có những hoàn cảnh buộc con người phải ly hương, tuy nơi xa vẫn có gia đình, bạn bè kề bên, nhưng với Nguyễn Hàn Chung quê cha đất tổ vẫn hằng níu gọi. Bao lần ông tự trách, tự dằn vặt chính mình, bao lần ông ôm ấp ý định về quê nhưng tuổi ngày một cao mà quê hương vẫn xa ngàn dặm. Và có thể ở nơi xa ấy, cuộc sống có sung sướng hơn nhưng tận đáy lòng, ông vẫn khao khát mắt được nhìn gốc tre làng, mũi được ngửi mùi hương đồng thân quen như thuở bé: “Vỡ tan ra từ gốc tre làng/ Em không nhặt hỏi ai còn nhặt nữa/ Gió thì bận trốn vào hương con gái/ Mà hương đồng có đời thuở nào tan” (Đêm vỡ). Hương đồng đất quê hương mãi quấn quýt theo người dù có cách biệt về không gian, thời gian. Mượn lời tâm sự cùng một đối tượng “em” nào đó, Nguyễn Hàn Chung kí thác nỗi lòng hoài vọng cố hương. Cho dù nông thôn mới quê ông có thể không còn “gốc tre làng”, những đồng lúa cũng dần thu hẹp lại nhưng mùi hương của ngày xưa ấy vẫn vấn vít nơi đầu mũi của người ra đi, như vẫy gọi bước chân tìm về.

Những tháng ngày rảnh rỗi nơi xa xứ, ông hình dung lại chuyến về thăm quê dạo trước: “Tháng tận tôi về thăm mộ chí/ Môi nhớ mùi thơm hương ổi ta/ Con chim lẻ bóng trên cành khế/ Nhìn tóc người xưa bỗng hót òa” (Xứ xang). Ngày ông ra đi, tóc vẫn còn xanh, ngày về thăm tóc đã thay màu trắng, năm tháng phủ bụi lên đời người và quê xưa trong mắt ông đã dần thay đổi, có chút mừng vui song cũng có chút ngậm ngùi, nuối tiếc. Cụm từ “hót òa” là chữ dùng của chỉ riêng Nguyễn Hàn Chung, gợi sự thảng thốt giật mình trước bao dâu bể cuộc đời.

Nơi xứ người, ban ngày bận rộn với biết bao việc, có thể nỗi nhung nhớ quê nhà tạm thời lắng xuống song thời khắc đêm về là lúc ông bừng thức khao khát, trăn trở, nhớ nhung nhiều nhất. Nhà thơ một mình đối diện với bóng, cố tìm cho ra tri âm giữa cuộc đời này nhưng đành bất lực; suốt đêm trường chỉ biết rót rượu ra ly và rót ngược vào chai: “Rượu rót ra rồi không chịu uống/ vầy sao cho đặng cuộc lai rai/ cứ thế rót hoài cho tới sáng/ ly đầy rót ngược rượu vào chai” (Rót). Nỗi cô độc đến bao la cùng tận, không biết ngỏ cùng ai, nhuốm trong không gian và thấm đẫm trong mọi khoảnh khắc. Nhà thơ đã chọn thời khắc đêm khuya để đối ẩm và cũng để tra vấn với chính mình, tìm về với chút kỉ niệm quê nhà, không chỉ vào đêm tối trời mà những đêm trăng sáng cũng gợi trong ông những hồi ức thẳm sâu: “Trăng quá không sao cưỡng được/ chằm gàu mo múc ao đêm/ anh múc sâu vào kí ức/ gàu nào cũng đổ ra trăng” (Khúc quê). Đêm trăng sáng như kí ức mãi vằng vặc trong ông, hành động “chằm gàu mo múc ao đêm” chỉ là một hành động trong tâm tưởng, mãi không bao giờ có được một khi thời gian đã xa, nơi xứ người chỉ có cái ao ký ức. Rồi những lúc trời mưa, từng hạt mưa rơi nơi xứ người như gặm nhấm nỗi cô đơn, khắc khoải trong ông: “Mưa chiều viễn xứ buồn như kiến/ cắn cuống nhau chôn dưới gốc dừa” (Mưa chiều viễn xứ). Ngôn từ đậm chất Quảng cùng lối ví von độc lạ, vừa khắc sâu nỗi buồn khổ, chán chường vì lạc loài nơi xứ lạ vừa đăm đắm nỗi nhớ cố hương đến bồn chồn, ray rứt.

Hình ảnh quê hương trong nỗi nhớ của Nguyễn Hàn Chung nơi đất khách quê người còn gắn với những vần thơ ông viết riêng cho từng vùng đất xứ Quảng. Đó là một Hội An cổ kính hiển hiện trong hoài niệm với mái ngói rêu phong cùng những con đường quanh co nép trong từng con phố nhỏ: “Hội An nghèo nhưng giàu có rêu phong/ Hội An nhỏ như một vòng tay lớn/ Hội An cổ như nõn tơ mơn mởn/ Nối thăng trầm, hưng phế với muôn xa (Ngày Hội An lên xưa). Tháp Bằng An qua bao thời gian vẫn sừng sững với những phiến “gạch không hồ”: “Bấy lâu uống rượu thời gian mà không biết nhắp/ lạc giữa sắc rêu những kẽ gạch không hồ” (Với tháp Bằng An).  Lắng đọng trong ông còn có chút tiếc nhớ “Đà Nẵng mưa trong tiếng còi tàu”: “Biết, vẫn đoạn đành trôi giạt xứ/ cảm thấm ai xưa tiếng gọi đò/ phàm tục loanh quanh hoài mệt lử/ nhớ Hàn như nhớ đứa con so” (Nhớ nhứt mưa thôi). Cách so sánh hiếm gặp “nhớ Hàn như nhớ đứa con so” cùng âm thanh tiếng còi tàu, tiếng gọi đò vẳng đâu đây như nỗi hoài vọng của người con lưu lạc về quê nhà nay đã “khuất bóng hoàng hôn”.

Giở từng trang thơ trong Màu sương riêng rớt, ta hiểu thêm những tâm sự, nỗi niềm Nguyễn Hàn Chung gửi gắm qua từng con chữ. Đằng sau cái giọng điệu tưng tửng “tưởng như rứa mà không phải rứa”, là một cái tôi sáng tạo khi dụng ý, dụng chữ; ông đã “tự bứt phá chính mình để được là mình một cách khác hơn, mới mẻ hơn” (Nguyễn Ngọc Hạnh). Nguyễn Hàn Chung có ý thức đổi mới mình qua cách tạo giọng điệu đa dạng cho thơ: khi hài hước giễu nhại, lúc trữ tình, đằm sâu tâm trạng; chất Quảng Nam đậm đặc qua việc sử dụng nhiều từ địa phương, cách vận các địa danh xứ Quảng vào trong thơ tài tình; lối so sánh, ẩn dụ gần gũi mà giàu sức biểu cảm... Tuy nhiên, việc thi sĩ luôn khát khao cách tân cho thơ mình cũng tạo ra những “mảnh vỡ” làm cho người tiếp nhận nghiêm túc chưa thật ưng ý ở một số dạng thức, loại thể trong thơ Nguyễn Hàn Chung.  Đọc thơ của ông, ta nhận ra một tấm lòng thiết tha yêu đời, yêu người và dù có đi bốn phương trời khí chất Quảng Nam và niềm nhớ thương quê nhà nơi xa xứ của Nguyễn Hàn Chung vẫn không bao giờ phôi phai. Đúng như nhận xét của nhà thơ Lương Thư Trung: “Dù có giấu kỹ những suy tưởng của mình về trời đất về thế thái nhân tình thì cái chất trữ tình trong máu huyết ông, cái nỗi dằn vặt trong hồn ông vẫn còn đó một cách nguyên vẹn khó phai lợt…” (Phụ lục Màu sương riêng rớt).

N.T.T.T