Hương cốm của mùa xưa

06.12.2023
Hồ Sĩ Bình

Hương cốm của mùa xưa

Tranh Tào Linh

1. Hồi ấy đi học ở Huế, nhân một lần lang bạt theo bạn vào Đà Nẵng chơi trong một đêm núp mưa dưới hiên phố, tình cờ tôi quen với một cô gái. Cô gái đang đi học tiếng Anh ban đêm ở hội Việt Mỹ, trời mưa tạt vào và gặp nhau. Đã tạnh mưa từ lâu nhưng câu chuyện cũng chưa hề dừng lại, câu chuyện cứ tiếp tục theo chúng tôi trên đường về đến nhà cô gái. Rồi chia tay. Vì là đêm tối, trò chuyện đều đứng một hướng nhìn ra mưa, tôi chỉ loáng thoáng nhớ đến cô gái bởi một hình ảnh co ro trong đêm lạnh, tóc dài lửng phủ xuống vai một chút, có vẻ rất nhí nhảnh, tươi vui… Vậy thôi, về Huế “tưởng rằng đã quên”, như một chút mưa thoáng qua cho mát lạnh rồi tạnh ráo.

Dưới chân cầu Nam Giao có một quán cà phê nổi tiếng vì trong nhà có 5 đứa con gái đẹp dòng Tôn Thất nên người ta thường kháo nhau là cà phê Ngũ long công chúa. Thằng bạn cùng phòng trọ thì gọi là cà phê Juliette vì quán ấy có cô con gái mà theo hắn đẹp giống một nhân vật nữ trong một cuốn phim cùng tên chuyển thể từ một tác phẩm của Shakespear. Quán nằm trong một khu vườn rộng, tách bạch với ngôi nhà cổ của chủ nhà, trước mặt là sông An Cựu. Ngày ấy, tôi ở bên kia cầu Bến Ngự, chiều chiều tầm khoảng 5, 6 giờ đi bộ dọc qua cầu là có thể ghé quán. Huế vẫn có thú cho những kẻ xa nhà như bọn sinh viên chúng tôi, lang thang trong chiều mưa, hay đêm tối rồi cuối cùng rúc vào quán cà phê nào đó nghe nhạc, ngồi cho đến khuya khoắt mới trở về nhà. Những đêm tàn văng vẳng như mơ hồ vọng về những câu hát Ai về Bến Ngự cho tôi/ Bến xưa non nước Hương Bình/ Những phút tàn canh/ Vương vấn bao tình… Có lẽ, Dương Thiệu Tước viết Đêm tàn Bến Ngự chắc cũng trong đêm tàn xa vắng người yêu tại bến sông cô liêu này.

Buổi tối, tôi hay đến quán "Ngũ long công chúa", tôi lại không nhớ tên của quán chỉ nhớ mang máng Ngự Giao hay Ngư Viên chi đó. Đến chỉ ngồi nghe nhạc, nhấm nháp cà phê với những Hương xưa, Bên cầu biên giới, Áo lụa Hà Đông, Gửi gió cho mây ngàn bay… thỉnh thoảng nhìn vào quầy của quán, ngắm nhìn một chút tôn nữ xõa tóc đang ngồi đằng sau quầy, nơi có một khoảng sáng hắt ra từ một ngọn đèn hồng. Rồi về. Thường là sau đó tiếp tục thức khuya để học bài.

Cũng vào một đêm tối ghé vào quán, bỗng gặp lại cô gái đã gặp một đêm mưa ở Đà Nẵng. Cô gái ra thăm anh trai đang học ở Huế, cô gái ở lại nhà của các công chúa bởi mối quen biết từ anh trai học cùng lớp Văn khoa với cô chị cả của gia đình. Cô gái nhận ra tôi sau một chút ngỡ ngàng. Rồi trong mấy đêm cô gái ở lại Huế, đêm nào tôi cũng ghé uống cà phê. Cô chị cả của quán rất tế nhị, thường dọn một cái bàn ngoài sân cạnh chiếc xích đu để có không gian riêng cho hai đứa ngồi trò chuyện. Cô gái thường nhắc cô chủ mở cho nghe mấy bài hát của Ngô Thụy Miên phổ thơ Nguyên Sa. Cô cho biết mê nhất là thơ Nguyên Sa, mê đến đắm đuối, không có bài thơ nào của Nguyên Sa mà cô không thuộc lòng, thậm chí cô khoe là chép tay toàn bộ thơ của tác giả này vào một tập giấy pelure rất trân trọng. Điều này chẳng có gì làm tôi ngạc nhiên. Thời đó ở miền Nam, những trai gái mới lớn, học sinh, sinh viên “chưa từng hẹn hò” hay mới chớm yêu đều mê thơ Nguyên Sa cả. Bởi vì, người ta bắt gặp chính mình với những rung động không nói được thành lời hiển lộ mê đắm trong thế giới thi ca bát ngát yêu thương của Nguyên Sa. Và rồi cũng chia tay. Tôi vẫn ngần ngại chưa dám ngỏ lời. Cô về lại Đà Nẵng bỏ lại những câu thơ tình của áo lụa, mực tím, áo vàng hoa cúc, mùa thu tóc ngắn, con mèo ngái ngủ, mắt có còn ngoan, người về đêm nay hay đêm mai… lửng lờ bên sông vắng...

2. Không phải ngoại lệ, tôi vẫn là người say đắm với thơ tình Nguyên Sa. Hồi ấy tôi vẫn thắc mắc sao Nguyên Sa (Trần Bích Lan) vốn là một giáo sư triết học mà thơ của ông (xin nhắc, bài viết khu biệt về thơ Nguyên Sa sáng tác từ năm 60 về trước) chẳng có một chút gì là triết lý cả. Nhưng có câu thơ này: Bức tường vô hình nên bức tường dày mênh mông… phải chăng một chút hơi hám của siêu hình học. Nếu được chọn cho mình hai câu thơ hay nhất của Nguyên Sa? Chọn thơ, chọn tác giả thì quá là chủ quan nhưng tôi thích hai câu này nhất:

Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm

Chẳng biết tay ai làm lá sen

Vì sao? Thứ nhất, hồi tôi học đệ thất, đệ lục tôi rất mê bài Cốm làng Vòng của Thạch Lam. Bài này cô giáo bắt học thuộc lòng. Những câu văn như đóng đinh vào trí nhớ của tôi, rồi ở lại như một giấc mơ khẽ khàng xa vắng… Gốm là thức quà riêng biệt của đất nước, là thức dâng của những cánh đồng lúa bát ngát, mang trong cái hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ Việt Nam… Sự vướng vít của tơ hồng, thức quà trong sạch, trung thành như các việc lễ nghi. Hồng cốm tốt đôi… Chẳng có gì hơn là một lá cốm Vòng tươi sạch trong một chiếc lá sen mới gói về… Thêm vào cái mùi hơi ngát của sen già, ướp lấy từng hạt cốm một, còn giữ cái ấm áp của những ngày mùa hạ trên hồ.  Và: …Trời sinh lá sen để bao bọc lấy cốm, cũng như trời sinh cốm nằm ủ trong lá sen… chính đoạn văn với hình ảnh này có thể đã ăn sâu trong tiềm thức của Nguyên Sa để rồi bật ra trong thơ của mình một lời tỏ tình thật ý nhị được hình ảnh hóa bằng một ngôn ngữ ẩn dụ thật ấn tượng. Tôi thích hình ảnh hương cốm, lá sen của Thạch Lam để rồi yêu thêm vô cùng Hà Nội. Văn chương kể ra có một sức mạnh kỳ lạ, cùng với hương cốm, lá sen, Nhà mẹ Lê, Gió đầu mùa của Thạch Lam, Nhặt lá bàng của Nhất Linh… đã làm tôi mê mẩn một Hà Nội 36 phố phường, để ấp ủ một giấc mộng viễn du về một miền đất trong tâm tưởng mà mình chưa hề đặt chân đến. Rõ ràng trong những bài tập đọc, bình giảng trong sách quốc văn của nhà trường ngày ấy đã để lại trong tâm hồn tôi những dấu ấn mạnh mẽ về cảm xúc đầy yêu thương với cuộc sống. Tôi hằng tin rằng, có một không gian văn chương của thế giới tuổi thơ, tuổi mới lớn đã ảnh hưởng sâu đậm trong việc hình thành tâm hồn của con người và cảm ơn một nền văn chương, văn hóa thấm đẫm tình người, lòng yêu thương cao cả mà mình từng được thụ hưởng. Tôi lại nhớ cô giáo dạy văn, người Bắc và những giờ học nơi ngôi trường tỉnh lẻ. Cả lớp học đều im phăng phắc mỗi lần cô đọc, giọng sắc nhọn mà lại mềm mại ngân ngất như một tiếng vọng từ xa vọng lại như đánh thức trong tôi một giấc mơ đầy xao xuyến. Ngoài sân trường lá phượng đã rụng như những cơn mưa bụi, mỗi lần có gió, lá phượng lại rụng nhiều. Những bài văn đã hay đã ấm áp rồi mà với giọng đọc nhiều âm điệu của cô giáo đã gieo xuống lòng tôi một cảm giác dịu ngọt thú vị. Cô giáo ấy có còn không, giờ cô đang ở đâu? Cô có biết không, cô là một giấc mơ buồn của tôi.

3. Cô gái ngồi trên xích đu trong khu vườn Huế đã về lại Đà Nẵng mà không có tin tức gì. Vốn là một người hay ngại ngùng, những đêm ngồi uống cà phê bên nhau dưới chân cầu Nam Giao vẫn không thổ lộ được tình cảm sâu kín trong lòng mình. Cái giới hạn hết sức nhỏ bé nhưng thật khó khăn mở lời, để bước qua như kiểu chỉ là Khung của hẹp mà một nhân vật của André Gide ngàn đời không thể vượt qua. Ôi, bức tường vô hình nên bức tường dày mênh mông. Tôi vẫn ngại ngùng… Âm ỉ trong tôi nhiều ngày niềm riêng khép kín đến lúc phải thổ lộ lòng mình. Trong một bức thư dài mấy trang giấy học trò tôi chỉ bâng quơ chuyện vui buồn mưa nắng của Huế, thế thôi. Câu cuối bức thư tôi mạnh dạn (cũng mạnh dạn ởm ờ thôi!) mượn hai câu thơ của Nguyên Sa: Cuối thư này anh viết lại hai câu thơ của Nguyên Sa: Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm/ Chẳng biết tay ai làm lá sen… Em có bằng lòng làm lá sen để gói trọn chút hương lá sen của lòng ai không… Tôi nghĩ đó là lời tỏ tình đầy ái ngại, dè dặt, tế nhị và cũng khiêm tốn… và chờ đợi.

Khoảng hơn một tuần sau. Thư trả lời, thư tay từ cô chủ quán ấy đưa cho tôi… Ôi Nguyên Sa, Ôi Maria của tôi. Thư em viết ngắn gọn: Bằng lòng hay không, gặp nhau ở Đà Nẵng em sẽ trả lời…

Vâng, đó là một kỷ niệm, là ký ức. Mà ký ức thì riêng có và không thể nào thay thế. Và thêm một lý do nữa để tôi yêu thêm, yêu mãi thơ Nguyên Sa. 

H.S.B