Xây dựng Đà Nẵng thân thiện, năng động, hiện đại và sáng tạo(*) - Trương Quang Nghĩa
(Trích phát biểu bế mạc Tọa đàm mùa Xuân 2019 của đồng chí Trương Quang Nghĩa, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng)
T |
hành phố Đà Nẵng tổ chức chương trình Tọa đàm mùa Xuân, với mong muốn trở thành kênh thông tin trao đổi hữu ích giữa lãnh đạo thành phố và các hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhằm ghi nhận các ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp trong công tác định hướng phát triển thành phố những năm đến.
Trong những thập niên qua, dấu ấn của cộng đồng doanh nghiệp đối với thành phố Đà Nẵng là rất đậm nét. Cộng đồng doanh nghiệp thành phố đã lớn mạnh vượt trội cả về số lượng, lẫn quy mô, với hơn 27 ngàn doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, với tổng vốn đăng ký hơn 193 ngàn tỷ đồng. Doanh nghiệp luôn đồng hành cùng với chính quyền trong xây dựng và phát triển thành phố, nhất là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xã hội hóa dịch vụ công, giải quyết việc làm và tham gia thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn, tạo nên những bước tiến nhảy vọt, ấn tượng. Nhân Tọa đàm mùa Xuân, Chính quyền Đà Nẵng tiếp tục ghi nhận và tri ân sâu sắc những đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp đối với thành phố.
Năm 2018 khép lại với Đà Nẵng, là một năm đầy nỗ lực để đạt được nhiều kết quả nổi bật. Kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định, tổng sản phẩm xã hội tăng 7,86%; tổng thu ngân sách nhà nước đạt hơn 27 ngàn tỷ đồng (tăng 5% so với dự toán); khách du lịch đạt 7,6 triệu lượt người, tăng 15,5%, trong đó khách quốc tế đạt 2,8 triệu lượt. Thành phố tiếp tục duy trì thứ hạng dẫn đầu cả nước năm thứ 10 liên tiếp về chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông; xếp thứ 2 về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thứ 4 về chỉ số cải cách hành chính và đạt danh hiệu Thành phố xanh quốc gia do Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới bình chọn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, thành phố vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức to lớn. Dự báo sẽ chịu nhiều tác động từ các yếu tố khách quan, như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên và cả áp lực về hệ thống kết cấu hạ tầng, giao thông công cộng. Trong khi đó, quy mô kinh tế có tăng nhưng còn nhỏ bé, chỉ chiếm 1,55% GDP cả nước. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài mới chủ yếu ở lĩnh vực dịch vụ, du lịch, chưa có nhiều dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin theo định hướng của thành phố. Kết cấu hạ tầng đô thị còn thiếu đồng bộ, kết nối. Chưa phát huy và thể hiện rõ nét vai trò là đô thị trung tâm, đầu tàu, động lực dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội của miền Trung - Tây Nguyên. Tuy nhiều năm liền Đà Nẵng đứng vào nhóm đầu cả nước về các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách hành chính, nhưng thực chất vẫn đang phải đối mặt với các vấn đề về tổ chức bộ máy, sự kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, nhất là trên các lĩnh vực liên quan đến đất đai, doanh nghiệp, là nguyên nhân của những trì trệ, ách tắc, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và cả niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc thực hiện Kết luận số 2852/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ đã gây không ít khó khăn trong quản lý về đất đai, ảnh hưởng đến quyền lợi của tổ chức, người dân và doanh nghiệp; hiện nay, thành phố đang tập trung tháo gỡ, bước đầu đạt được một số kết quả, đồng thời đã tập hợp, kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết những vấn đề lớn còn tồn tại, vướng mắc, trên tinh thần đảm bảo quyền lợi chính đáng cho nhà đầu tư. Chúng tôi coi việc tập trung tháo gỡ Kết luận 2852 không chỉ giải quyết khó khăn, vướng mắc, mà còn qua đó, khơi thông nguồn lực từ đất đai để doanh nghiệp và thành phố đầu tư phát triển.
Vừa qua, Ban Thường vụ Thành ủy đã làm việc với tập thể Bộ Chính trị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển Đà Nẵng. Trên cơ sở đó, ngày 24-01-2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, tập trung phát triển thành phố trên 03 trụ cột chính: (1) Du lịch, (2) Công nghiệp công nghệ cao, (3) Kinh tế biển; chú trọng đầu tư 05 lĩnh vực mũi nhọn: (1) Du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; (2) Cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; (3) Công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; (4) Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; (5) Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp.
Bộ Chính trị đã giao Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước, cho phép Đà Nẵng thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù theo thẩm quyền. Điều này hứa hẹn sẽ tạo cơ hội, động lực phát triển kinh tế, xây dựng khu vực kinh tế tư nhân lớn mạnh, làm cho lợi ích của chính quyền, người dân và doanh nghiệp đan xen, gắn kết và trở thành “dòng chảy” chủ đạo trong các quyết sách của thành phố. Đây cũng là lý do quan trọng mà Thành ủy Đà Nẵng quyết định chọn năm 2019 là Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư.
Tại Tọa đàm Mùa xuân này, tôi vui mừng chứng kiến 08 dự án đã được trao Giấy chứng nhận đầu tư và Quyết định chủ trương đầu tư, với tổng vốn gần 490 triệu USD; trao Thông báo cho phép nghiên cứu đầu tư đối với 11 dự án, với tổng vốn gần 3,5 tỷ USD. Có thể nói, các dự án nêu trên đã theo đúng chủ trương, định hướng và lĩnh vực thành phố tập trung phát triển thời gian đến.
Về định hướng kế hoạch cho “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư 2019”, qua lắng nghe phát biểu của các hiệp hội và doanh nghiệp, chúng ta có thể nhận thấy các từ khóa nổi bật như “cải cách hành chính”, “ứng dụng công nghệ thông tin”, “cơ sở hạ tầng” và “nhân lực” được trao đổi, thảo luận sôi nổi. Có thể nói, bên cạnh những yếu tố phần cứng như cảng hàng không, cảng biển, khu công nghiệp, khu công nghệ cao..., thì những tiền đề quan trọng đối với sự phát triển thịnh vượng của thành phố trong thời đại Cách mạng công nghệ 4.0 nằm ở các nguồn lực “mềm”, nhất là nguồn nhân lực năng động, sáng tạo và chất lượng cao. Ngoài ra, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ về nguồn nhân lực và nguồn vốn đầu tư, Đà Nẵng cần quyết liệt hơn trong cải cách hành chính và định hướng đầu tư.
Tôi xin tiếp thu những ý kiến đóng góp của quý vị; đồng thời, thay mặt lãnh đạo thành phố, tôi đề nghị lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương tập trung giải quyết một số vấn đề quan trọng sau đây:
Thứ nhất, về vấn đề quy họach, tại Tọa đàm hôm nay, thành phố đã ký kết Hợp đồng lựa chọn nhà thầu tư vấn lập Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Thiết kế chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030. Quan điểm của lãnh đạo thành phố là, bản quy hoạch mới này sẽ định vị được Đà Nẵng ở đâu trong khu vực và quốc tế; sẽ xác định rõ các định hướng phát triển ngành, lĩnh vực cần ưu tiên, kèm theo không gian và nguồn lực phát triển trong sự kết nối không chỉ trong nội bộ Đà Nẵng, mà còn với các địa phương khác trong nước và quốc tế. Quy họach mới phải đưa ra tầm nhìn mới, giải pháp mới và động lực mới cho sự phát triển nhanh nhưng ổn định và bền vững của Đà Nẵng. Chính vì vậy, tiếng nói và đặc biệt là sự đồng hành, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp vào quá trình xây dựng quy hoạch và triển khai thực hiện theo đúng định hướng: đầu tư theo quy hoạch, chứ không phải quy hoạch chạy theo đầu tư. Điều này sẽ có ý nghĩa quyết định đối với công cuộc cải cách và phát triển của Đà Nẵng.
Thứ hai, về kết cấu hạ tầng phục vụ thu hút đầu tư. Có thể nói rằng, mặc dù kết quả thu hút đầu tư còn khá khiêm tốn nhưng trong năm 2018, thành phố đã có nhiều nỗ lực trong đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ kêu gọi đầu tư như: hoàn thành Khu Công nghệ thông tin giai đoạn 1, xúc tiến đầu tư Khu công viên phần mềm số 2, số 3 và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thời gian đến, thành phố cần nghiêm túc rà soát tình trạng cơ sở hạ tầng của các khu công nghiệp, nhanh chóng khắc phục các tồn tại và có kế hoạch đầu tư mới hạ tầng còn thiếu, bao gồm kết nối giao thông công cộng, tạo điều kiện cho nhà đầu tư yên tâm sản xuất, kinh doanh. Trong đó, đối với các khu công nghiệp mới, cần rà soát quy hoạch các nhóm ngành cần thu hút, trên cơ sở phân tích và xem xét kỹ lợi thế cạnh tranh đối với các vùng lân cận và trong khu vực, có lộ trình khẩn trương tìm kiếm nhà đầu tư hạ tầng để đáp ứng kịp thời nhu cầu của nhà đầu tư. Đồng thời, tiếp tục minh bạch và công khai quy hoạch các vị trí đất mà thành phố đang thu hút đầu tư.
Thứ ba, lao động đang và sẽ là nút thắt lớn đối với phát triển kinh tế của thành phố. Cần nghiêm túc nhìn nhận các vấn đề tồn tại về cơ cấu và chất lượng lao động hiện nay, có kế hoạch dự báo cụ thể và chủ động tạo nguồn lao động trên cơ sở hợp tác hiệu quả với các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.
Thứ tư, về môi trường đầu tư và kinh doanh. Đà Nẵng luôn là thành phố nằm trong nhóm dẫn đầu về môi trường đầu tư, kinh doanh và sẽ tiếp tục phấn đấu như vậy. Tuy nhiên, các chỉ số ấy vẫn là chưa đủ đối với Đà Nẵng - một thành phố luôn nỗ lực cho khát vọng vươn lên, để giữ vị trí dẫn đầu và vị thế tiên phong. Muốn vậy, Đà Nẵng phải rà soát lại một cách thực chất các chỉ số này và tiếp tục xây dựng hệ thống đánh giá cao hơn, bám sát các tiêu chí quốc tế, đảm bảo chắc chắn rằng, vị trí cao đó thực sự tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và được doanh nghiệp tin cậy. Đà Nẵng phải đặc biệt chú trọng tính minh bạch, hiệu quả và hiệu lực thực thi chính sách. Đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng nhanh gọn, minh bạch, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến đấu thầu dự án, đấu giá quyền sử dụng đất. Đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền giải quyết của thành phố, phải báo cáo các Bộ, Ngành Trung ương trong thời gian sớm nhất. Năm 2019, việc làm thiết thực đầu tiên là tập trung nâng cao các chỉ số quan trọng có dấu hiệu chững lại hoặc giảm điểm như: chỉ số tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng; tính minh bạch và tiếp cận thông tin.
Năm 2019, thành phố quyết tâm triển khai các chương trình hành động cụ thể để xây dựng và thiết lập một môi trường đầu tư thật sự minh bạch và trong sạch; đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ đối với các doanh nghiệp đang đầu tư tại thành phố Đà Nẵng, không chỉ đối với các nhà đầu tư lớn, chiến lược mà còn thực sự quan tâm đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển trở thành các doanh nghiệp lớn, đủ sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế thời gian đến.
Thành phố sẽ duy trì các kênh thông tin, đặc biệt các cuộc làm việc, trao đổi với các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư sẽ được tăng cường; chúng ta không thể để thời gian trôi qua một cách lãng phí, vô ích. Đó là cam kết của cá nhân tôi, nhằm lắng nghe, với tinh thần cầu thị các góp ý của cộng đồng doanh nghiệp, rất mong cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục trao đổi, phản ánh những khó khăn, vướng mắc; đồng thời, thẳng thắn tư vấn, hiến kế giúp lãnh đạo thành phố những giải pháp thiết thực, hiệu quả, những cơ chế, chính sách đột phá để phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, bền vững hơn, nhất là trong việc tạo lập một môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, xây dựng hình ảnh một Đà Nẵng thân thiện, năng động, hiện đại và sáng tạo.
T.Q.N