Trang nhật ký Tháng 4 - Minh Toàn

02.04.2019

Trang nhật ký Tháng 4 - Minh Toàn

Nhà văn Dương Thị Xuân Quý sinh ngày 19 tháng 4 năm 1941 tại Hà Nội. Quê quán thôn Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Chị sinh ra trong một dòng tộc trí thức, nghệ sĩ yêu nước chống thực dân Pháp. Ông nội chị, cụ Dương Trọng Phổ, từ rất sớm đã vận động cho Đông Kinh Nghĩa Thục, bị thực dân Pháp đày ra Côn Lôn. Phụ thân chị, ông Dương Tụ Quán là một nhà giáo sau chuyển sang làm báo, chủ trương tờ Văn Học tạp chí, rồi tạp chí Tri Tân. Bác ruột chị, ông cử Dương Bá Trạc vừa tham gia tích cực trong Đông Kinh Nghĩa Thục vừa viết báo viết văn. Sau khi đàn áp Đông Kinh Nghĩa Thục, thực dân Pháp mời ông làm tri huyện nhưng ông từ chối và tiếp tục họat động chống Pháp, bị chúng đày ra đảo Côn Lôn trước cụ Dương Trọng Phổ ít ngày.  Một người bác ruột nữa của Dương Thị Xuân Quý là nhà nghiên cứu nổi tiếng Dương Quảng Hàm. Hai người anh con bác ruột của chị là các họa sĩ Dương Bích Liên, Dương Cẩm Chương.

Có năng khiếu và say mê văn chương, cô bé Dương Thị Xuân Quý đã thích ghi nhật ký từ 7 tuổi, khi đang sống với gia đình tại Thái Nguyên thuộc chiến khu Việt Bắc. Sau ngày giải phóng thủ đô, Dương Thị Xuân Quý về Hà Nội học trường phổ thông cấp 2 Trưng Vương, rồi ra Quảng Ninh học trường trung cấp mỏ, sau đó về học khóa báo chí do Ban Tuyên huấn trung ương mở. Tốt nghiệp khóa học, chị về làm phóng viên báo Phụ Nữ Việt Nam từ năm 1961 đến năm 1968. Là một phóng viên năng nổ và xông xáo, Dương Thị Xuân Quý đã có mặt ở nhiều vùng nông thôn trên miền Bắc. Mang thai con đến tháng thứ sáu, chị vẫn về Quảng Nạp (Thái Bình), đi cấy đi gặt với bà con xã viên để vừa viết báo vừa viết văn. Khi giặc Mỹ ném bom miền Bắc, Dương Thị Xuân Quý đã có mặt ngay tại các vùng trọng điểm tuyến lửa Nghệ An, Hà Tĩnh năm 1965. Cùng năm ấy, chị viết đơn tình nguyện xin được vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Tháng 4 năm 1968, chị lên đường vượt Trường Sơn vào miền Nam, khi con gái mới 16 tháng tuổi, và chồng chị, nhà thơ Bùi Minh Quốc đã có mặt ở chiến trường từ một năm trước đó.

Đêm 8 tháng 3 năm 1969, Dương Thị Xuân Quý anh dũng hy sinh tại thôn Thi Thại, xã Xuyên Tân (nay là Duy Thành), huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam trong một trận càn quét ác liệt của giặc Nam Triều Tiên khi chị cùng đồng đội từ dưới hầm bí mật bò lên cố tìm cách thoát ra khỏi vòng càn.

Ngã xuống giữa tuổi 28 phơi phới thanh xuân, Dương Thị Xuân Quý để lại cho đời tác phẩm “Hoa rừng” (gồm các truyện ngắn, bút ký viết trên miền Bắc và trong thời gian ngắn ngủi ở miền Nam) cùng tấm gương ngời sáng của một nhà văn - chiến sĩ hy sinh vì sự nghiệp độc lập cho dân tộc và tự do cho mỗi con người.

Nhà văn liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý  được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày sinh và 50 năm Ngày mất nhà văn Dương Thị Xuân Quý tạp chí Non Nước trân trọng trích đăng những dòng Nhật ký chị viết vào tháng 4 năm 1968 - những ngày chị từ miền Bắc vượt Trường Sơn vào miền Nam chiến đấu.

 

10-4-1968

Đêm nay là đêm cuối ở trường 105. Cho đến bây giờ, 8g20 đêm mình mới thật sự xong ba lô. Xếp mãi, xếp mãi mà vẫn lai rai. Nhớ tới Anh. Hồi anh đi chắc cũng bấn như mình. Anh kể chuyện các cô nữ giúp anh khá nhiều. Còn mình mấy hôm nay thì trái lại, các anh nam giới xâu cho từng chiếc dải màn, dải tăng, gấp cho từng chiếc võng, chiếc màn và buộc gói, ghi địa chỉ để mình gửi đồ đạc về nhà. Anh làm hộ mình chiếc đèn, anh làm cho mình cái lót đồng hồ… Nếu không có tập thể giúp đỡ chắc mình lúng túng lắm. Cho đến phút này mình hoàn toàn có thể phấn khởi lên đường, thỏa mãn và toại nguyện. Không ngờ chiều chủ nhật 7-4 vừa qua mình lại còn được về ngủ với Ly một đêm.

...Sáng chủ nhật, 7g xe chạy về Hà Nội. Mình phải đi mượn một chiếc xe đạp. Đến Mỹ, gặp cả hai vợ chồng nó... Một chiếc xe đạp đang sơn, để cho nó khô, còn một chiếc thì chồng nó hôm sau đi sớm.

...Ở nhà Mỹ ra, mình định đi tìm Kim Thư mượn nó xe đạp. May sao gặp Chánh [2] đứng với Trịnh Tường và Hoàng Tống.

...Lấy xe của Chánh, mình về sửa soạn, ăn cơm xong tới gần 12g mình mới đạp về quê. Khoảng 2g30 chiều đến nhà. Bọn trẻ con reo lên và mình thấy Ly trên tay Thơ. Ly nhìn thấy mẹ, Ly cười, rồi Ly vừa cười vừa mếu. Mình dắt xe vào nhà và bế Ly. Ly bóc kẹo ăn ngon lành. Ly không gọi mẹ như những lần trước. Bảo mãi Ly cũng chẳng gọi, rồi Ly tụt xuống, Ly chỉ nhìn mẹ. Đôi mắt của Ly vừa linh họat, sinh động nhưng sao nó vẫn có vẻ gì như trầm lắng. Mình tắm cho Ly. Ly không khóc một chút nào. Thích quá. Buổi chiều Ly chỉ gọi mẹ khi nào mẹ bảo: “Gọi mẹ đi” thì Ly nũng nịu: “Mi...ẹ...ẹ”. Ôi, mình không sao quên được cái giọng thương yêu ấy của con. Lần này có một cái khác là Ly không xoắn xuýt mẹ như trước. Ly không khóc đòi theo mẹ mà Ly cứ tụt khỏi lòng mẹ để xăm xăm đi. Ly đã đi được như thường, đi rất nhanh. May mắn cho mình là mình được thấy con đi mạnh bạo như thế. Mặc Ly, Ly đi ra đường và lên đê. Mình dắt Ly, hai mẹ con vượt dốc và lên đê. Vừa lên tới đê Ly đã bảo: “Bò, bò…”. Tuy lúc ấy không có bò, nhưng vì Ly cứ nhớ lên đê là thấy bò mà. Gió lộng, mình thủng thẳng dắt Ly đi dạo trên đê. Những phút ấy sao êm đềm và hạnh phúc thế. Rồi sợ gió nhiều mình vội đưa Ly về và hai mẹ con đã chơi một tối trăng tuyệt diệu.

- Ông trăng đâu Ly?

Ly ngửa mặt lên và cười:

- Đầy! ...

Bé Ly với bà ngoại.

Mình bỗng khám phá ra một điều kỳ lạ: trong mắt Ly, giữa hai con ngươi lóng lánh, có hai chấm vàng nhỏ xíu bằng đầu kim lay động. Ông trăng đã in trong mắt Ly. Mình nghĩ ngay đến những chặng đường hành quân sắp tới. Mỗi khi nhìn trăng, mình sẽ nhớ rằng ông trăng ấy chính là ở trong mắt Ly. Mẹ hát ông trăng cho Ly nghe. Còn Ly thì thỉnh thoảng lại đòi: “Xuống… xuống”. Ly chỉ muốn chạy đi băng băng. Rồi mình cho Ly vào giường đùa một lúc. Bỗng dưng Ly nằm xuống. Mẹ đắp chăn và vỗ vỗ cho Ly. Ly thiu thiu ngủ. Suốt cho tới sáng, Ly không hề dậy. Chỉ có một lần Ly đạp chăn và mình sờ chân Ly thấy lạnh toát mình vội đắp lại cho Ly. Tối uống nước nhiều nhưng Ly không hề đái đêm. Bà bảo độ này Ly không đái đêm nữa. Gần về sáng thỉnh thoảng Ly lại thò tay ôm lấy cổ mẹ. Một tay trên, một tay dưới. Ly dậy muộn hơn mọi khi vì có mẹ bên cạnh. Khi mở mắt ra, câu đầu tiên của Ly là: “Chừa! Chừa!”. Hai mẹ con nằm mãi. Chính Ly cũng thích nằm chơi như thế, rất lâu con mới bảo: “Dậy! Dậy!”. Thương Ly ghê, chính cái niềm vui nho nhỏ ấy con cũng phải hy sinh. Bà dậy từ 5 giờ sáng để quấy bột, Ly nằm một mình không có ai để quàng tay vào cổ, thế là Ly dậy, chả có ai vuốt ve và kể chuyện “Con mèo” cho Ly nghe. Ly rất thích nghe chuyện. Hễ mẹ nói: Nằm im mẹ kể chuyện Con mèo nhé! Thế là Ly nằm yên lặng, chăm chú nghe mẹ kể. Chỗ nào mẹ cười, Ly cũng cười theo.

Ly ngồi ghế thủng ỉa, vừa ăn sữa. Lần này con ăn sữa rất nhanh chứ không chê tránh như lần trước. Ly vừa ngồi ỉa, mẹ đi bắt muỗi trong màn. Muỗi trong màn nhiều quá, hàng chục con mọng máu.Thảo nào trán Ly lấm tấm đỏ vì muỗi cắn. Làm sao được. Phải biết tránh, không để cho những gợn đó bào vào ruột! Ly vẫn ỉa thành khuôn. Sau khi ăn sữa, Ly lại ăn một quả chuối. Rồi 9g lại ăn cơm trứng. Chả hiểu có đau bụng không? Có một lúc mình bỗng thấy Ly cười: “Quốc! Quốc! ”. Ly nói Quốc rất rõ, không ngọng ngượng tí nào. Rồi Ly gọi: “Quý! Quý! ”, Ly tròn miệng: “Bố! Bố !”. Mấy tiếng ấy Ly thường nói liền nhau. Mình ứa nước mắt. Không biết bao giờ Ly mới được sống gần bố. Nếu mình vào và anh được ra với Ly thì mình sung sướng quá. Ăn cơm xong mình phải đi thay áo. Ly ngồi xổm nhặt rau với bà. Mình bế Ly lên, Ly lại tụt ra đòi ngồi nhặt rau. Nhìn đồng hồ đã 10g10. Mình vội lên đường. Kể ra mình có thể ở nhà tới 12g. Nhưng còn phải đi trả xe Tú, lại chờ anh Chức ở nhà. Mình sợ 3g đến Hà Nội thì cập rập quá. Mình đi. Mợ bế Ly ra tiễn. Ly lên tận đê và chỉ nhìn theo mẹ đi chứ không khóc đòi theo mẹ. Thôi, thế cũng yên tâm. Kỳ này mình mang về cho Ly 1 hộp dầu cù là Trung Quốc trong số 3 hộp mình được phát. Lại mang cho Ly được 2 hộp sữa nữa. Thế là 9 hộp cả thảy. Lẽ ra chỉ có 8 hộp nhưng mình đã đổi trứng gà của mình cho chị Vân để lấy một hộp sữa. Từ hôm đến trường, mình không động đến một giọt sữa nào. Tất cả dành cho Ly hết. Hiện nay trong ba lô của mình chỉ còn một gói sữa bột thôi. Nhưng không sao. Sức khỏe mình rất tốt. Mình đã tăng 3kg. Hôm đến trường mình chỉ có 41kg. Hôm nọ cân được 44kg, béo hơn cả hồi đi Khu 4 mình chỉ có 42kg. Trông ảnh, cũng thấy rõ là mình béo. Có lẽ vì mình khỏe như vậy nên trong số nữ cán bộ, mình là đứa duy nhất ở lại đi bộ. Sáu nữ và bốn nam ở các chi tách ra, đi ô tô vào tới Kông Tum.

 

30-4-1968, trạm 21, Trường Sơn, 6g15 chiều

8g30 sáng nay mình khởi hành từ trạm 20. Một chặng đường ngắn nhất từ hôm đi. Cả thảy 7 km (hôm qua 25 km). Nghỉ giải lao có một lần, lại không dốc lắm. 11g20 đến nơi. Hôm nay được ở với chi ngoài rừng vì nhà có bộ đội và mấy ông cán bộ ở. Trạm mới chuyển về đây nên rừng còn lơm nhơm lắm. Không quang đãng và bằng phẳng như trạm 20. Suối ở 20 rất nhỏ, nước chảy chậm và  nông, đến đây không còn suối nữa, chỉ có một ống nứa nhỏ phun nước ra. Mỗi người mang hăng-gô hứng một ít rồi rửa chân tay. Mình bị mất mũ ở trạm 19, đến đây xin được cái mũ quân giải phóng. Lên Ban chỉ huy trạm gặp ba lính đào ngũ. Anh Bái lăn vào giải thích, ba lão bảo:

- Chúng em nghĩ kỹ rồi, chỉ vì các em yếu sức khỏe nên chúng em không vào Nam được, chúng em ra Bắc, vẫn ở bộ đội ngoài Bắc thôi, chứ chúng em về nhà thế nào được.

Cả ba là đảng viên, trong đó có một lão là thượng sĩ. Cuộc sống đúng là một sự sàng lọc ghê gớm. Chặng nào cũng thấy lính đào ngũ. Họ sợ chết, sợ gian khổ, nhưng họ không nghĩ rằng khi rời bỏ hàng ngũ tức là họ đã đi vào chỗ chết.

Con số chết của đoàn bộ đội đi trước mình hôm qua lên tới 5. Bị thương 9. Ghê gớm thật.

Đây là trạm cuối cùng của chiến trường A. Lại lãnh thêm mì, thịt hộp, gạo, lạc… Chiều, cả chi làm một bữa mì nấu thịt hộp, ăn tưởng như phở Hàng Buồm, lại có lạc rang và chè tàu nữa, sang thật. Ngày mai sẽ đến đất Lào. Trạm này, anh của mình cũng đã đến. Từ mai, sẽ gặp nhiều lưu niệm về anh. Từ mai em sẽ đi những chặng đường anh đã đi. Thôi chào miền Bắc thân thương. Chào Ly yếu dấu và nhiều thân thương của mẹ. Hãy tha thứ cho mẹ con nhé. Mẹ sẽ đem Hạnh phúc tới cho con.

 

Vào dịp kỷ niệm 50 năm nhà văn liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý hy sinh, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức buổi lễ kỷ niệm trang nghiêm và xúc động. Nhà xuất bản Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh tái bản tập sách “Nhật ký chiến trường” của Dương Thị Xuân Quý và gia đình đã tổ chức giới thiệu tập nhật ký này với đông đảo bạn đọc tại thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội.

Trong những ngày tháng 4 này đọc lại những dòng Nhật ký cách đây hơn 50 năm của một người con gái vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu chúng ta càng cảm nhận sâu xa hơn giá trị của hòa bình, giá trị của tự do, hạnh phúc của mỗi người hôm nay.

M.T

Bài viết khác cùng số

Xây dựng Đà Nẵng thân thiện, năng động, hiện đại và sáng tạo(*) - Trương Quang NghĩaBàn về nghị quyết thứ hai dành riêng cho Đà Nẵng - Bùi Văn TiếngTrang nhật ký Tháng 4 - Minh ToànHãy trồng một cái cây - Trần Nguyên HạnhVề Hà Nam viếng cụ Tam Nguyên - Hoàng Thanh ThụyNhững nụ hôn trong bóng đêm - Hoàng Nhật TuyênChi - Mẫu ĐơnNhớ làng K’ro Lapia - Campuchia - Trần Ngọc PhươngDòng sông đợi nắng - Nguyễn Bá HòaThuyền quyên - Đỗ Nhựt ThưThơ Pilinszky JánosKhúc giao mùa - Võ Thị NhungĐà Lạt mơ - Trương Thị Bách MỵNỗi nhớ cuối mùa - Tăng Tấn TàiThơ về những cơn gió buổi chiều - Nguyễn Hải LýNhững ám ảnh bất động - Đinh Thị Như ThúyPhố trưa - Nguyễn Hữu Hồng SơnLưỡi cưa - Nguyễn Minh HùngHoa gạo; Hoa sưa - Xuân HiệuNhững tảng đá ở bờ biển Nam Ô - Huỳnh Minh TâmVà một đường đạn bay - Trần TuấnTrong mưa xuân ngày ấy xa xăm...- Nguyễn Kim HuyNgẫu hứng với Thu Bồn - Nguyễn Nhã TiênTrưa 30-4-1975 - Phạm Đình ÂnThơ Thụy Sơn - Từ như hạt bụi đam mê đến trầm tích - Hồ Sĩ BìnhThầy giáo trẻ Lê Trí Viễn với nghiên cứu và phê bình văn học - Bùi Văn TiếngChuyển thể nhân vật từ truyện ngắn Việt Nam đương đại sang tác phẩm điện ảnh - Nguyễn Văn HùngHành trình tiếp cận mỹ thuật triều Nguyễn - Nguyễn Hữu Thông