Trưa 30-4-1975 - Phạm Đình Ân

02.04.2019

Trưa 30-4-1975 - Phạm Đình Ân

Bạn tôi hát: “Sài Gòn ơi, ta đã về đây…”

Mặt anh lung linh nắng

Chúng tôi không ngờ, từ một hẻm sâu, kẻ thù đang rình bắn

Anh ngã xuống buổi trưa ngày 30 tháng Tư.

 

Ngay lúc ấy cờ ta bay trên dinh “Độc Lập”

Cờ lượn nhấp nhô qua những phố phường

Bao người không quen nhau

Bỗng khóac tay hát giữa lòng đường

Thành phố trào lên như biển.

 

Năm tháng trôi qua những tờ lịch treo tường

Nhưng ánh mắt bạn tôi khi đó

Cứ lặng gửi bao điều thăm thẳm nữa

Trong mỗi ngày đời tôi.

1-1981

Thanh Quế

Lời bình của Phạm Đình Ân

Đã có nhiều bài thơ viết về ngày 30 tháng 4 năm 1975. Có thể nhớ ngay được những bài: Nếu không có ngày 30 tháng Tư của Đinh Thị Thu Vân, Bữa cơm chiều trong dinh Độc Lập của Hữu Thỉnh,... và mới đây là bài Hoa loa kèn của Mai Nam Thắng... Người viết bài bình này muốn tìm thêm một bài khác, bài của Thanh Quế.

Nhà thơ Thanh Quế có một cách viết riêng. Ông thuật lại một sự việc. Một sự việc oái oăm, trái khóay, vô cùng đáng tiếc, có lẽ có thể tránh được ở một hoàn cảnh, tình huống rất thuận lợi, khi mọi may mắn chắc chắn đang và sẽ đến với từng con người. Trưa 30 tháng Tư, ngay lúc ấy cờ ta bay trên dinh “Độc Lập”, một chiến sĩ quân giải phóng đã đột nhiên ngã xuống bởi một viên đạn của kẻ thù bắn lên. Anh đang hát sôi nổi, hào hùng: “Sài Gòn ơi, ta đã về đây...”, gương mặt anh sáng ngời ánh nắng. Trên thực tế lịch sử, có thể cùng khoảnh khắc đó, hoặc trước và sau đó, còn một số chiến sĩ khác cũng ngã xuống. Nhưng tác giả chỉ nói về một người. Độc giả cũng chỉ hướng sự chú ý vào một người. Anh ấy là một điển hình, một đại diện.

Độc giả góp vui cùng tác giả và nhân dân cả nước, một niềm vui trào dâng ào ạt như chưa từng được hưởng niềm hạnh phúc tột cùng đến thế: “Cờ lượn nhấp nhô qua những phố phường/ Bao người không quen nhau/ Bỗng khóac tay hát giữa lòng đường/ Thành phố trào lên như biển”. Chỉ mấy câu thơ thôi, hình ảnh, âm thanh, sắc màu rộn ràng, náo nức, tươi đẹp đang hiện ra trước mắt độc giả một cách rất sinh động, khiến ai ai cũng cảm thấy như chính mình đang được may mắn, vinh hạnh trực tiếp chứng kiến, tham dự (hoặc chứng kiến lại, tham dự lại) vào sự kiện trọng đại trưa ngày 30 tháng Tư.

Ngỡ mọi người đang hòa vào niềm vui dậy trời, bất tận mà quên đi một chiến sĩ vừa hy sinh. Không, như lời một bài hát: Không thể nào quên! Chính khổ thứ hai của bài thơ đã làm tăng thêm nỗi sót xa tiếc nuối của tác giả, của mọi người đối với người chiến sĩ đã hy sinh đúng vào lúc giải phóng hoàn toàn miền Nam, đất nước đã liền một dải - một tình huống, khoảnh khắc đặc biệt. Cũng vì thế mà nỗi căm giận kẻ thù hèn hạ càng tăng lên. Chúng biết rõ chúng thất bại hoàn toàn mà vẫn giương súng bắn tỉa một người chiến thắng - một người đại diện cho cả một đất nước, một lẻ phải đã chiến thắng.

Nếu bài thơ chỉ dừng ở khổ thứ hai thì đó là một sáng tác hỏng. Khổ cuối đã làm cho bài thơ nặng xuống nhầm nâng tầm tác phẩm lên cao. Năm tháng đã, đang và sẽ trôi qua. Nhưng ánh mắt người liệt sĩ Cứ lặng lẽ gửi bao điều thăm thẳm đến nhân vật xưng tôi - suốt ngày này qua ngày khác.

Ánh mắt người liệt sĩ vẫn mãi mãi dõi theo không chỉ một người mà còn dõi theo tất cả, để gửi đến chúng ta không phải là niềm căm giận, mà là tình yêu cao cả đối với đồng loại, là lẽ sống chân chính, cao đẹp ở đời, là trách nhiệm của những người còn sống đối với hàng nghìn, hàng triệu người đã ngã xuống, trách nhiệm đối với nhân dân, Tổ quốc.

P.Đ.A

Bài viết khác cùng số

Xây dựng Đà Nẵng thân thiện, năng động, hiện đại và sáng tạo(*) - Trương Quang NghĩaBàn về nghị quyết thứ hai dành riêng cho Đà Nẵng - Bùi Văn TiếngTrang nhật ký Tháng 4 - Minh ToànHãy trồng một cái cây - Trần Nguyên HạnhVề Hà Nam viếng cụ Tam Nguyên - Hoàng Thanh ThụyNhững nụ hôn trong bóng đêm - Hoàng Nhật TuyênChi - Mẫu ĐơnNhớ làng K’ro Lapia - Campuchia - Trần Ngọc PhươngDòng sông đợi nắng - Nguyễn Bá HòaThuyền quyên - Đỗ Nhựt ThưThơ Pilinszky JánosKhúc giao mùa - Võ Thị NhungĐà Lạt mơ - Trương Thị Bách MỵNỗi nhớ cuối mùa - Tăng Tấn TàiThơ về những cơn gió buổi chiều - Nguyễn Hải LýNhững ám ảnh bất động - Đinh Thị Như ThúyPhố trưa - Nguyễn Hữu Hồng SơnLưỡi cưa - Nguyễn Minh HùngHoa gạo; Hoa sưa - Xuân HiệuNhững tảng đá ở bờ biển Nam Ô - Huỳnh Minh TâmVà một đường đạn bay - Trần TuấnTrong mưa xuân ngày ấy xa xăm...- Nguyễn Kim HuyNgẫu hứng với Thu Bồn - Nguyễn Nhã TiênTrưa 30-4-1975 - Phạm Đình ÂnThơ Thụy Sơn - Từ như hạt bụi đam mê đến trầm tích - Hồ Sĩ BìnhThầy giáo trẻ Lê Trí Viễn với nghiên cứu và phê bình văn học - Bùi Văn TiếngChuyển thể nhân vật từ truyện ngắn Việt Nam đương đại sang tác phẩm điện ảnh - Nguyễn Văn HùngHành trình tiếp cận mỹ thuật triều Nguyễn - Nguyễn Hữu Thông