Bàn về nghị quyết thứ hai dành riêng cho Đà Nẵng - Bùi Văn Tiếng

02.04.2019

Bàn về nghị quyết thứ hai dành riêng cho Đà Nẵng - Bùi Văn Tiếng

Vậy là trước thềm năm mới Kỷ Hợi 2019, thành phố bên sông Hàn lại được đón nhận nghị quyết thứ hai dành riêng cho địa phương mình, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cũng cái tâm trạng vừa mừng vừa lo như 15 năm trước, nhưng lần này thấy mừng hơn và bớt lo hơn. Mừng hơn là bởi Đà Nẵng vừa trải qua nhiều biến động trên chính trường nhưng vẫn được Trung ương đánh giá cao về khả năng trụ vững và đi tới. Còn bớt lo hơn là do đã có kinh nghiệm của cả 15 năm qua nên chắc sẽ đủ bản lĩnh và kinh nghiệm tránh được va vấp trong việc phát huy những lợi thế đặc thù. Đó là chưa kể Nghị quyết về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 lần này mang số 43-NQ/TW - con số gần gũi thân quen với đông đảo người Đà Nẵng hằng ngày tham gia giao thông, cũng là con số riêng có của Đà Nẵng trên mọi nẻo đường đất nước.

Cảm nhận trước tiên là Nghị quyết số 43-NQ/TW rất hướng biển, đậm chất biển. Trong phần quan điểm, Bộ Chính trị khóa XII nêu rõ rằng “chiến lược và các chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng được (...) dựa trên tiềm năng kinh tế biển...”, “phát triển thành phố Đà Nẵng theo hướng (...) tập trung phát triển trụ cột chính kinh tế biển; bảo đảm chủ quyền biển đảo...”. Về mục tiêu đến năm 2030, Bộ Chính trị khóa XII cũng khẳng định sẽ “xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành (...) thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế (...) chủ quyền biển đảo được bảo đảm vững chắc”, để đến năm 2045 trở thành “thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á”. Về nhiệm vụ và giải pháp, Nghị quyết số 43-NQ/TW xác định phải “tập trung đầu tư phát triển mạnh các ngành kinh tế biển gắn với bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo; phát triển hiện đại hóa các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ biển”, phải “có chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành một trung tâm kinh tế biển”, phải “bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, biển đảo, chú trọng vai trò của Đà Nẵng đối với Biển Đông”...

Không gian đô thị nói riêng và không gian phát triển nói chung của Đà Nẵng cũng được đề cập rõ nét trong Nghị quyết số 43-NQ/TW. Bộ Chính trị khóa XII xác định dứt khoát rằng đó phải là một không gian mở: “Chiến lược và các chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng được đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung - Tây Nguyên; có sự kết nối chặt chẽ với các cực tăng trưởng, các trung tâm phát triển, các thành phố lớn trong cả nước và khu vực Đông Nam Á, Châu Á - Thái Bình Dương”; “tăng cường xúc tiến đăng cai tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế và khu vực, đưa Đà Nẵng trở thành thành phố sự kiện, trung tâm hội nghị quốc tế”; “kết nối miền Trung - Tây Nguyên, phát triển hành lang kinh tế Đông Tây, Tiểu vùng Mê Công, kết nối hệ thống giao thông thành phố Đà Nẵng với các tỉnh lân cận, khu vực và quốc tế bằng đường bộ, đường biển, đường sắt và đường hàng không”; đặc biệt chú trọng yếu tố “Tây tiến” khi xác định phải “mở rộng cửa khẩu Đắc Ốc thành cửa khẩu quốc tế, nâng công suất cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, hành lang kinh tế Đông Tây 2 - Quốc lộ 14D, mở rộng Quốc lộ 14B, Quốc lộ 14G”...

Cơ chế đặc thù dành riêng cho địa phương thường là nội dung được chờ đợi nhất trong các nghị quyết kiểu như Nghị quyết số 33-NQ/TW 15 năm trước hoặc như Nghị quyết số 43-NQ/TW năm nay. Không phải ngẫu nhiên mà không ít người Đà Nẵng khi cầm nghị quyết thứ hai dành riêng cho địa phương mình, đã nôn nóng tìm đọc phần cơ chế, chính sách đặc thù, và phấn khởi khi thấy Nghị quyết nêu rõ: “Bộ Chính trị đồng ý chủ trương cần có cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước”. Tuy nhiên lần này để đặc thù đích thị là đặc thù và có tính khả thi cao, Nghị quyết số 43-NQ/TW nhấn mạnh: “Các cơ chế, chính sách đặc thù cần được nghiên cứu thấu đáo, cụ thể, bảo đảm tính tương quan, tương đồng với các thành phố lớn khác trong cả nước; những việc đã rõ, được thực tế chứng minh là hiệu quả thì làm ngay, việc gì mới, phức tạp nhưng cấp thiết thì nghiên cứu thực hiện thí điểm”. Tôi rất tâm đắc với hai cơ chế đặc thù mà Bộ Chính trị khóa XII dành cho Đà Nẵng lần này: “Đồng ý chủ trương thực hiện thí điểm xây dựng mô hình cơ quan quản lý cảng thống nhất tại Đà Nẵng theo hướng tiên tiến, hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế; xây dựng và thực hiện Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố và quy định của pháp luật”. Hai cơ chế này thuộc nhóm việc “mới, phức tạp nhưng cấp thiết” để làm thí điểm. Tôi nghĩ Đà Nẵng hoàn toàn có đủ điều kiện để thí điểm thực hiện thành công hai cơ chế này.

Tôi cũng rất tâm đắc khi Nghị quyết số 43-NQ/TW yêu cầu sự “vào cuộc” cụ thể của các cơ quan Trung ương, chẳng hạn yêu cầu “Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo việc nghiên cứu, xây dựng các văn bản pháp luật có liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước, việc cho phép thành phố Đà Nẵng thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện và giám sát việc thực hiện Nghị quyết”; đặc biệt yêu cầu “các Tỉnh ủy, Thành ủy trong cả nước, nhất là các Tỉnh ủy, Thành ủy khu vực miền Trung - Tây Nguyên cần tích cực xây dựng và củng cố mối quan hệ liên kết, hợp tác với thành phố Đà Nẵng, tạo không gian kinh tế thống nhất để thúc đẩy phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên” - một yêu cầu rất đúng rất cần nhưng chưa được đề cập trong Nghị quyết số 33-NQ/TW năm 2003.

B.V.T

Bài viết khác cùng số

Xây dựng Đà Nẵng thân thiện, năng động, hiện đại và sáng tạo(*) - Trương Quang NghĩaBàn về nghị quyết thứ hai dành riêng cho Đà Nẵng - Bùi Văn TiếngTrang nhật ký Tháng 4 - Minh ToànHãy trồng một cái cây - Trần Nguyên HạnhVề Hà Nam viếng cụ Tam Nguyên - Hoàng Thanh ThụyNhững nụ hôn trong bóng đêm - Hoàng Nhật TuyênChi - Mẫu ĐơnNhớ làng K’ro Lapia - Campuchia - Trần Ngọc PhươngDòng sông đợi nắng - Nguyễn Bá HòaThuyền quyên - Đỗ Nhựt ThưThơ Pilinszky JánosKhúc giao mùa - Võ Thị NhungĐà Lạt mơ - Trương Thị Bách MỵNỗi nhớ cuối mùa - Tăng Tấn TàiThơ về những cơn gió buổi chiều - Nguyễn Hải LýNhững ám ảnh bất động - Đinh Thị Như ThúyPhố trưa - Nguyễn Hữu Hồng SơnLưỡi cưa - Nguyễn Minh HùngHoa gạo; Hoa sưa - Xuân HiệuNhững tảng đá ở bờ biển Nam Ô - Huỳnh Minh TâmVà một đường đạn bay - Trần TuấnTrong mưa xuân ngày ấy xa xăm...- Nguyễn Kim HuyNgẫu hứng với Thu Bồn - Nguyễn Nhã TiênTrưa 30-4-1975 - Phạm Đình ÂnThơ Thụy Sơn - Từ như hạt bụi đam mê đến trầm tích - Hồ Sĩ BìnhThầy giáo trẻ Lê Trí Viễn với nghiên cứu và phê bình văn học - Bùi Văn TiếngChuyển thể nhân vật từ truyện ngắn Việt Nam đương đại sang tác phẩm điện ảnh - Nguyễn Văn HùngHành trình tiếp cận mỹ thuật triều Nguyễn - Nguyễn Hữu Thông