Thuyền quyên - Đỗ Nhựt Thư

02.04.2019

Thuyền quyên - Đỗ Nhựt Thư

“Thuyền quyên sánh với anh hùng,

Những người thục nữ sánh cùng văn nhân.”

                                                                                    (Ca dao)

Năm 1899

Cô Đinh vừa 18, nghe mẹ ướm lời về chuyện bà Nghè Phạm đến nhà mai mối se duyên cùng Nguyễn, mặt mày cô đỏ lựng, cứng miệng không thốt nên lời. Nguyễn ư? Người vang danh khắp xứ Bắc này - thủ khoa lớp Hậu bổ năm 1896 của người Pháp khi mới 14 tuổi, được bổ làm ông Thông, là người giỏi nhất xứ ư? Đẹp trai, mạnh khỏe, mạnh mẽ, tân thời khiến bao tiểu thư lá ngọc cành vàng mơ ước mà lại chọn mình ư? Cô cứng miệng, chỉ lí nhí như hụt hơi: “Cha mẹ đặt đâu con xin ngồi đấy.”

Nhìn ánh mắt cô bà Đinh biết con mình xiết bao vui mừng, bà thở dài: “Hắn nhà nghèo rớt mà sao giỏi đến thế, nhưng ngang tàng quá lại có đôi mắt đa tình, sợ con bé sẽ khổ tâm đây.”. Bà lại vân vi: “Mới 14 tuổi đã là cậu Thông, giúp người Pháp mở tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, họ lại trọng dụng hắn cho về thành Hải giúp việc nhận hàng từ chính quốc, lương đến 30 đồng bạc Đông Dương”. Bà lạnh người: “30 đồng là 30 quan tiền, là... tiền kẽm (bà tính không ra) mà 1 quan bằng 600 đồng tiền kẽm, là mua được 50 ký thóc; mình nằm mơ cũng không nghĩ đến được.”

Đêm ấy cô Đinh thao thức vì mừng vui. Vốn con nhà gia giáo khá giả, dù xinh đẹp nhưng cô rất hiền dịu, cam phận nữ nhi. Đã chạm mặt nhiều lần khi pha trà mời Nguyễn lúc anh đến nhà hầu chuyện cùng thân phụ, hai mắt nhìn nhau bỗng như bị sét đánh, cả người mê mụ, cô run rẩy lóng ngóng rót cả ra khay, phụ thân lại mỉm cười độ lượng pha chút hài lòng.

1909

Vi mới 15, là cháu tri phủ Tràng Khánh, xứ Lạng, được ông bác thương đem về nuôi như con vì cô đẹp người, đẹp nết lại ham học, ưa sự mới lạ. “Người Tày ta phải chăm lo cho nhân tài để nở mày nở mặt với thiên hạ”, ông bác bảo với ông em rồi dẫn Vi về phủ. 

Năm sau, Vi chóang ngợp đến sững sờ trước một anh chàng nhà báo tân học nổi tiếng nhất nước, chủ bút 2 tờ báo tiếng Pháp, từng là chủ bút tờ Đăng cổ tùng báo làm dậy sóng nước Nam. Anh từ Hà Nội theo tàu hỏa lên mạn ngược, áo sơ-mi, quần soóc, cưỡi chiếc xe đạp chạy như ngựa đi lấy tin, nói chuyện về dân chủ, săn bắn và ghé thăm Tri phủ. Vốn bạo dạn cô ra tiễn anh và trao đổi vài câu, anh chàng nhà báo đa tình như chết sững trước bông hoa rừng xinh đẹp, chân chất, tự nhiên và khá hiểu biết này. Tình như sét đánh.

Trước khi về Hà Thành cô đã cho anh ngủ nhờ như phong tục của người Tày, ông bác cũng ưng bụng lắm, thầm nghĩ: “nhân tài như lá mùa thu, may mà ta sẽ có những đứa cháu ngoại lưu danh thiên cổ.”. Anh - một kẻ sĩ - hứa như đinh đóng cột sẽ lấy cô làm vợ.

Vi như ngây dại, nỗi tương tư làm cô héo úa, mấy đêm anh đưa cô lên đỉnh Vu sơn nên đã lấy mất hồn cô. Rồi từ đó anh đi biệt, nghe là anh gây ra mấy vụ rắc rối, người Pháp đã đóng cửa các tờ báo, anh phải vào Nam làm báo, nghìn trùng cách biệt.

Cô nằm liệt, ông bác hoảng liền điện cho anh. Tức tốc anh về và lên xứ Lạng thăm người vợ chưa cưới.

Bà Đinh đang mang thai đứa con thứ 3 như điếng hồn khi nghe chồng bảo đi cưới vợ hai, cả đêm suy nghĩ: ông là nhân tài xuất chúng, tính gia trưởng, mọi việc đều một tay chỉ bảo quyết đoán, lại mạnh mẽ; bà vốn hiền thục nên đáp ứng được yêu cầu của chồng, mà xưa nay ‘trai năm thê bảy thiếp’ là sự thường. Bà thở dài: thôi thì đành vậy. Sắm lễ vật hoành tráng bà lên tận xứ Lạng cưới Vi làm vợ hai cho chồng.

Năm sau bà sinh một con gái.

Năm 1914 bà Vi sinh nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp và bà Đinh được ông yêu thương hơn nên lại sinh - năm một, cậu Tư.(!)

Chuyện viết lại:

Năm 1917 vua Khải Định ra Hà Nội để yết kiến Toàn quyền Đông Dương theo thông lệ sau khi lên ngôi. Sau đó hai ngài dự buổi lễ chào mừng vị vua mới của các quan dân xứ Bắc.

Ông Nguyễn dẫn đầu đoàn dân biểu Hà Nội bước lên, viên Toàn quyền liền giơ tay ra bắt tay ông, đức vua đứng bên cũng giơ tay ra bắt, ông đành phải bắt tay nhà vua. Cả khán phòng ồ lên kinh ngạc: Ông đã mắc tội phạm thượng khi dám động vào long thể , vì quy định phải bái lạy đức vua. 

Khi triều đình dâng sớ nghị án xử trảm ông, vua Khải Định nhăn mặt:“Các ông lạ kỳ thật, chuyện có thế mà đòi chém người ta!”

1919

Tiểu thư Suzanne mỉm cười từ chối lời mai mối xin cô về làm dâu nhà Tổng đốc, cũng như bao lần khác - toàn các nhà danh gia vọng tộc, mẹ Suzan chỉ thở dài. Nhìn cuốn Kim Vân Kiều do Nguyễn dịch từ bản tiếng Nôm của cụ Nguyễn Du xuất bản từ năm 1915 đã nhàu cũ và đủ sách báo của Nguyễn - cả một chồng  tờ tuần báo Đông Dương tạp chí bà đoán biết lòng con. Đọc Kiều và cảm Kiều nên thương cả người dịch, Nguyễn đã gây thổn thức trong lòng bao tiểu thư lá ngọc cành vàng.

Nhưng con bà, một giai nhân mới 16 có dòng máu Pháp, thẳng thắn và quyết liệt hơn. Nàng mê Nguyễn. Mẹ cô sẽ sàng: “Nguyễn đã có 2 vợ và 10 người con. Con là một gái thuyền quyên,... bao nhiêu công tử mơ ước”. Cô mạnh mẽ: “Thuyền quyên chỉ dành cho anh hùng. Con chỉ cần là vợ Nguyễn, những cháu ngoại của mẹ sẽ là những nhân tài của đất nước. ‘Gái khôn tìm chồng giữa đám ba quân’ mà mẹ. Nguyễn là anh hùng của nước Nam. Ông là cha của quốc ngữ đó. Mẹ...”

Có lẽ vì thế năm qua cha nàng nhờ Schneider mời Nguyễn qua trang trại ở Gia Lâm uống rượu, và nàng được ngồi hầu rượu để nghe luận đàm thế sự.

Schneider nghỉ hưu, mến tài Nguyễn ông  đã nhượng lại cơ ngơi cho anh, từ đó anh có cơ hội làm chủ nhiệm kiêm chủ bút các tờ báo, phả làn gió dân chủ làm sôi sục lòng dân cả nước, nhà cầm quyền Pháp rất bực tức và tìm mọi thủ đoạn ngăn cấm. Nhưng cũng từ lòng tốt của người bạn Pháp này ông bị một số người bôi nhọ.

Suzanne nhìn Nguyễn say đắm, nghe như nuốt từng lời của anh. Cô lại mạnh dạn xin được tham gia vào việc văn chương. Nguyễn choáng và mừng.

Anh dẫn Suzanne đi uống cà phê tại nhà hàng Café de Paris ở ngõ Cấm Chỉ, một nhà hàng 2 tầng sang trọng, hiếm có này được xây vào năm 1887 chỉ dành cho giới thượng lưu An Nam. Bầu không khí thơm nồng, những ngụm cà phê đăng đắng ngòn ngọt đã làm cô say đắm hơn.

Rồi trong những buổi chiếu phim lạ lùng ở khách sạn Metropole hoành tráng và mỹ lệ, một công trình kỳ vĩ của xứ Đông Dương, anh đã hôn cô, xin cưới cô làm vợ. Cô cảm động trào lệ, chỉ biết gật đầu, ngã người vào lòng anh đầy âu yếm và anh dìu cô vào phòng đưa nhau lên cõi thiên thai.

Bà Đinh lại nghe lời chồng mà sắm lễ cưới vợ ba cho ông chồng đa tài, đa tình; bà đã có 8 mặt con, bà hai Vi cũng đã 2 đứa, bà không chịu nỗi sự mạnh mẽ của một người đàn ông ngoại hạng.  

Từ đó bà Ba là nguồn cảm hứng và là trợ thủ đắc lực cho chồng khai mở các thể loại nghệ thuật: năm 1920 ông là người đầu tiên dựng các vở hài kịch của Moliere tại Nhà hát lớn, năm 1924 cùng dựng bộ phim truyện Kim Vân Kiều - bộ phim đầu tiên của nền điện ảnh nước nhà.  

1936

Bà Đinh ngất lịm khi nghe tin dữ.

Nhược Pháp vào thắp hương, hình như di ảnh của bà Vi cũng nhòa đi trong sầu thảm.

Chỉ bà Ba còn vững vàng đôi chút, bà cùng 2 con trai của bà Đinh vội theo xe của Hội Tam điểm qua Sê-Pôn để đưa ông về.

Bà miên man nghĩ: Lạ thật, ông rất khoẻ mạnh. Trước áp lực của cả phủ Toàn quyền và Nam triều ông vẫn ngang nhiên. Từ năm 1932 họ đòi ông dừng viết báo, chấm dứt việc đả phá triều đình, vào Huế làm Thượng thư nếu không sẽ tịch biên gia sản - do năm 1927 ông vay một khoản lớn của Ngân hàng Đông Dương để mở Trung tâm sách Âu Tây tư tưởng. Uất giận là khế ước vay đến 20 năm mà chúng tìm cách lật lọng đòi nợ trước thời hạn.

Thấy ông cứng đầu năm qua chúng ra điều kiện ngặt nghèo hơn buộc ông chọn 1: hoặc dừng viết, hoặc đi tù, hoặc sang Lào tìm vàng trả nợ. Và ông đã chọn qua Lào. 

Các bà đã xúm lại năn nỉ ông nghĩ lại, nhưng thuyền quyên chỉ là một phần đời của anh hùng, ông nạt: “Thôi. Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách. Thân ta đã phụng hiến cho Tổ quốc. Có chết cũng chết như một kẻ sĩ.”

Nghe kể là chiều ngày 1 tháng 5 trời mưa tầm tã, ông nằm bất tỉnh một mình trên con thuyền độc mộc trên dòng Sê - Păng - Hiên, tay bút, tay sách, toàn thân tím tái.

    Các bà sùi sụt vạ vật trong tang lễ. Các nhân sĩ, giới báo chí và nhân dân đều bàng hoàng thương tiếc và đến viếng hương. 20 điếu văn thương tiếc rúng động lòng người, nước mắt như mưa.

Đó là một trong những đám tang lớn nhất nước Nam, hàng vạn người đủ thành phần đưa tiễn ông, kéo dài cả cây số. Và đất trời cũng nhỏ lệ tiếc thương.    

Các bậc thuyền quyên được an ủi phần nào khi nhìn những vòng hoa đính băng tôn vinh: ‘Kính viếng ông Tổ của nghề báo’ của giới báo chí, Hội Nhân quyền Hà Nội mệnh danh ông là ‘Người công dân vĩ đại’,...

Từ Huế, cụ Phan - một người công dân vĩ đại khác đã gởi điếu văn khóc bạn:

“...Mây hạc sẽ về đâu, ôi bạn ta ngọc báu của năm châu.

Kim khánh chửa từng đeo, há có như núi vàng mà cướp người tài mang đi mất.

Sóng biển còn như cũ, nhớ lão phu  duyên trước đã mười năm.

Tiếng xe còn chuông vẳng, biết bao giờ gặp lại để cùng trẻ tạo cuộc rong chơi...”

09/2018

Đ.N.T

Bài viết khác cùng số

Xây dựng Đà Nẵng thân thiện, năng động, hiện đại và sáng tạo(*) - Trương Quang NghĩaBàn về nghị quyết thứ hai dành riêng cho Đà Nẵng - Bùi Văn TiếngTrang nhật ký Tháng 4 - Minh ToànHãy trồng một cái cây - Trần Nguyên HạnhVề Hà Nam viếng cụ Tam Nguyên - Hoàng Thanh ThụyNhững nụ hôn trong bóng đêm - Hoàng Nhật TuyênChi - Mẫu ĐơnNhớ làng K’ro Lapia - Campuchia - Trần Ngọc PhươngDòng sông đợi nắng - Nguyễn Bá HòaThuyền quyên - Đỗ Nhựt ThưThơ Pilinszky JánosKhúc giao mùa - Võ Thị NhungĐà Lạt mơ - Trương Thị Bách MỵNỗi nhớ cuối mùa - Tăng Tấn TàiThơ về những cơn gió buổi chiều - Nguyễn Hải LýNhững ám ảnh bất động - Đinh Thị Như ThúyPhố trưa - Nguyễn Hữu Hồng SơnLưỡi cưa - Nguyễn Minh HùngHoa gạo; Hoa sưa - Xuân HiệuNhững tảng đá ở bờ biển Nam Ô - Huỳnh Minh TâmVà một đường đạn bay - Trần TuấnTrong mưa xuân ngày ấy xa xăm...- Nguyễn Kim HuyNgẫu hứng với Thu Bồn - Nguyễn Nhã TiênTrưa 30-4-1975 - Phạm Đình ÂnThơ Thụy Sơn - Từ như hạt bụi đam mê đến trầm tích - Hồ Sĩ BìnhThầy giáo trẻ Lê Trí Viễn với nghiên cứu và phê bình văn học - Bùi Văn TiếngChuyển thể nhân vật từ truyện ngắn Việt Nam đương đại sang tác phẩm điện ảnh - Nguyễn Văn HùngHành trình tiếp cận mỹ thuật triều Nguyễn - Nguyễn Hữu Thông