Những nụ hôn trong bóng đêm - Hoàng Nhật Tuyên

02.04.2019

Những nụ hôn trong bóng đêm - Hoàng Nhật Tuyên

Nhà văn Hoàng Nhật Tuyên, sinh năm 1955 tại xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Tổng hợp Huế năm 1981 và từ đó đến nay anh sống, làm việc tại Nha Trang, Khánh Hòa. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.

SÁCH ĐÃ XUẤT BẢN:

Dưới chân Hòn Cối - Truyện dài về đề tài thiếu  nhi - NXB Trẻ, 1987

Thung lũng dấu chân ngựa - Truyện dài về đề tài thiếu  nhi - NXB Phú Khánh, 1987

Hành tinh người ba mắt - Truyện dài về đề tài viễn tưởng - NXB Kim Đồng, 1998

Đâu chỉ chuyện tình yêu - truyện vừa – NXB Đà Nẵng, 1988

Hoa tường vi trong đêm - Tiểu thuyết - Sở Văn hóa và Thông tin Khánh Hòa, 1989

Trái đắng - Tiểu thuyết- NXB Phụ nữ, 1990

Đêm trăng khuyết - Tập truyện ngắn - NXB Công an Nhân dân,1997

Những buổi chiều không tên - Tập truyện ngắn - NXB Quân đội Nhân dân, 2002

Hoàng Nhật Tuyên - 41 truyện mi ni

Một nửa là dĩ vãng - Tập truyện ngắn - NXB Quân đội Nhân dân, 2009

Ăn tô mì Quảng nói chuyện bao đồng - Tập bút ký - NXB Đà Nẵng, 2015

Người ấy và tôi - Tập truyện ngắn - NXB Đà Nẵng, 2018

Chúng tôi trân trọng giới thiệu truyện ngắn “Những nụ hôn trong đêm” anh vừa gửi cho tạp chí Non Nước.

Tôi có đứa cháu ngoại mới lên sáu. Một đứa bé sáu tuổi thường thấy cái gì cũng hỏi, toàn những câu hỏi ngây thơ, trong veo. “Ông ơi, cái lá sao lại có màu xanh?”. “Ông ơi, tóc của ông sao lại có những sợi bạc trắng, còn những sợi khác thì không?”. Thương cháu, không thể không trả lời, nhất là khi nhìn đôi mắt ngây thơ mở tròn, cái đầu hơi nghiêng nghiêng chờ đợi của nó. Có câu hỏi tôi trả lời ngay, nhưng cũng có câu phải tìm cách giải thích cho qua chuyện. Nhiều lúc phát bực vì sau câu hỏi chính còn có bao câu hỏi phụ nối đuôi nhau, song là cháu mà, cháu cứ nắm vào vạt áo của ông thỏ thẻ thì làm sao ông nỡ chối từ.

Mới đây theo mẹ về thăm, một lần nhìn tôi thắp hương lên bàn thờ, cháu hỏi: “Ông ngoại ơi! Tấm hình trên kia là hình của ai?”. “A, đó là hình của ông cố!”. Mắt đứa cháu gái tròn xoe ngước lên, quan sát một cách chăm chú, rồi hỏi tiếp: “Nhưng ông cố là ai?”. “Ông cố là cha của ông ngoại!”. Đứa cháu ngoại gật gật cái đầu làm hai bím tóc đung đưa, tỏ ý mình đã hiểu, nhưng một lát, khi tôi giải thích “ông cố đi xa, không về nữa” thì cháu lại hỏi: “Ông ngoại có nhớ cha của ông ngoại không?”. “Có, có chứ! Ông ngoại nhớ cha của ông ngoại lắm!”. “Vậy cha của ông ngoại có thương ông ngoại không, có hay hôn lên trán ông ngoại không?”. “Có! Có!”. Tôi đáp vội sau một thóang bối rối trước câu hỏi khá ngộ nghĩnh và đầy bất ngờ, nhưng sau đó lòng nhói đau khi nhìn lên tấm ảnh lồng trong tấm giấy gương màu đỏ.

Tôi là đứa con không may mắn có cha sống bên cạnh. Tôi chào đời đúng vào lúc vừa tròn một năm khi đất nước bắt đầu chia cắt theo tinh thần của Hiệp định Gienève. Vốn là một cán bộ Việt Minh nhưng cha tôi không thuộc diện đi tập kết mà được phân công ở lại miền Nam để họat động. Ngày ấy, cũng như nhiều vùng quê khác, ở quê tôi, chính quyền Ngô Đình Diệm thường tổ chức những đợt truy quét rất gắt gao nhằm đàn áp phong trào cách mạng. Rất nhiều cán bộ của ta đã bị bắt giam và không ít người đã bị tra tấn đến chết. Để họat động, cha tôi phải trốn lên rừng cùng nhiều cán bộ khác và đêm đêm bí mật về các thôn xóm móc nối, gầy dựng cơ sở. Khi bắt đầu hiểu biết, tôi hỏi mẹ: “Cha con là ai? Sao không thấy?”. “Cha con đi xa! Rồi một ngày sẽ về!”. Mẹ nói rồi dặn dò: “Đừng hỏi về cha, khi có người khác ở bên cạnh!”. Tôi nghe lời mẹ, nên dù bạn bè có khoe về cha mình điều này, điều nọ tôi đều lặng im.

Năm tôi lên tám, giữa khuya, đang ngủ say trên chiếc giường tre, giật mình thức giấc, thấy có ai đó ôm chặt lấy người tôi, hôn lên trán và phả vào mặt tôi mùi mồ hôi rất lạ. Tôi hoảng sợ la toáng lên. Trong bóng đêm, mẹ vội vàng đưa tay bịt miệng tôi và nói nhỏ: “Cha con vừa về và vừa hôn con đó! Đừng nói to, mọi người biết!”. “Thế cha con đâu?”. “Vì con la to nên cha đi rồi! Lần sau cha lại về!”.

  Cũng từ đó, qua lời giảng giải của mẹ, tôi dần hiểu ra vì sao cha tôi không được ở gần tôi và gia đình. Đêm đêm nằm ngủ, tôi chờ đợi và rồi tôi đã gặp được cha. Mặc dù quanh làng những hàng rào của ấp chiến lược căng dày những lớp chông nhọn và dây thép gai, nhưng thỉnh thoảng cha tôi lại về đúng vào những lúc giữa khuya. Mẹ đã đánh thức tôi dậy và trong bóng đêm, tôi đã được cha ôm ấp. Trước khi đi cha lại hôn lên trán tôi. Có lần tôi thì thầm vào tai cha rằng, tôi muốn được gặp cha vào ban ngày để mấy anh chị em chúng tôi nhìn thấy rõ mặt cha. “Nhất định sẽ có ngày đó!” - Cha nói rồi lặng lẽ lách người qua cánh cửa, lao vội ra vườn cây.

Trong làng, có nhiều nhà nuôi trâu, đôi lúc thấy thằng Tiến, bạn cùng xóm, được cha nó bồng, đặt lên lưng trâu, cho tập cởi. Tôi thèm. Giá mà cha tôi không đi xa! Tất nhiên rồi, nếu cha tôi ở gần, với tôi có bao nhiêu niềm vui. Tôi và mẹ cũng đỡ vất vả hơn nhiều, không phải bắc thang lên che lại những chỗ trống trên mái nhà khi gió xoáy, tốc lên. Có lần, cái chuồng heo bị hư, là phụ nữ, vậy mà mẹ phải  chui vào bụi tre đầy gai, hì hục đốn cho được mấy cái gốc để sửa. Hai cánh tay trần của mẹ rướm máu, thương mẹ quá, nhưng tôi chẳng biết phải làm cách nào, chỉ giúp được mỗi việc lấy bình dầu Nhị Thiên đường bôi lên những vết thương ngang dọc do gai cào.

Ở quê tôi ngày đó, nhà nào cũng có một chiếc mõ tre. Ông Liên gia trưởng đến từng nhà, bắt phải làm cho kỳ được. Nhà tôi cũng có. Đó là một lóng tre dài, được đục một lỗ do mẹ tôi nhờ chú Ba Gù trong xóm làm giúp. Khi dùng chiếc dùi gỏ vào, tiếng mõ vang lên những tiếng kêu cốc cốc, tuy đơn điệu, khô khốc nhưng vang rất xa.

Cảnh canh gác, không cho cán bộ cách mạng đột nhập vào làng ngày càng chặt chẽ. Ở những hàng rào của ấp chiến lược, ngoài lính canh, người ta còn bắt dân làng làm những cái chuồng nhỏ, tối đến nhốt chó vào đó để khi có tiếng động, chó sẽ sủa. Có nhà còn nhỐt vào chuồng một con ngỗng. Nhiều đêm có tiếng chó sủa, ngỗng kêu, sau đó là tiếng mõ vang lên khắp làng, rồi tiếp theo là tiếng súng nổ. Những lúc như thế, theo lời mẹ, chúng tôi, mặc dù rất buồn ngủ, nhưng vẫn phải mang mõ ra đánh. Đánh mõ nhưng chúng tôi lại chờ. Biết đâu cha tôi đang về?

Những cuộc chờ đợi nhiều lên theo ngày tháng, nhưng số lần bí mật ghé qua thăm nhà của cha thưa dần. Có lần, một cán bộ cách mạng bị phục kích bắn chết, phơi xác ở một ngã ba đường đầu chợ. Nghe người trong xóm báo, mẹ bảo chúng tôi ở nhà, một mình đội nón ra đi, để rồi sau đó trở về, thắp hương lên bàn thờ khấn vái. Nhìn mặt mẹ, chúng tôi biết, người vừa nằm xuống không phải cha mình.

Ngày quê nhà đồng khởi, nhiều bạn bè của cha đã về nhưng cha tôi vắng bóng vì đang bận công tác ở một vùng khác. Tiếp đó, chiến tranh diễn ra ngày càng ác liệt và cha đã vĩnh viễn nằm xuống trong một lần bị địch phục kích. Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, một người bạn của cha  đã mang về, trao cho mẹ tôi tấm hình của cha không rõ được chụp từ lúc nào. Hình như có một phóng viên chiến trường nào đó đã giúp, chụp cho cha làm kỷ niệm khi đang ở chiến khu, vì chung quanh toàn cây rừng.

- Liệu chúng tôi có thể tìm được mộ anh ấy để mang về quê nhà chôn cất không anh? - Mẹ hỏi người bạn của cha trong khi đang khóc.

- Anh ấy hy sinh trong một lần B52 rải thảm. Cả khu rừng bị xáo tung. Người ấy trả lời rồi nói sau tiếng thở dài - Chúng tôi sẽ cố tìm xem, nếu có tin tức sẽ báo cho gia đình ta biết.

Đã hơn nửa thế kỷ trôi đi, tin tức về cha chỉ có vậy và hàng ngày tôi chỉ được nhìn cha qua tấm ảnh. Ký ức về cha với tôi thường dừng lại ở những lời thì thầm và những nụ hôn cha dành cho tôi trong bóng đêm.

“Cha của ông ngoại có hay hôn lên trán ông ngoại không?”. Câu hỏi của đứa cháu ngoại làm tôi muốn khóc. Tôi giấu nỗi đau bằng cách cúi xuống hôn lên má đứa cháu. Nhưng con bé không đồng ý, đưa tay chỉ vào trán mình và nói: “Ông ngoại phải hôn lên trán con chứ! Ba con thường hôn ở đây nè!...”.

H.N.T

Bài viết khác cùng số

Xây dựng Đà Nẵng thân thiện, năng động, hiện đại và sáng tạo(*) - Trương Quang NghĩaBàn về nghị quyết thứ hai dành riêng cho Đà Nẵng - Bùi Văn TiếngTrang nhật ký Tháng 4 - Minh ToànHãy trồng một cái cây - Trần Nguyên HạnhVề Hà Nam viếng cụ Tam Nguyên - Hoàng Thanh ThụyNhững nụ hôn trong bóng đêm - Hoàng Nhật TuyênChi - Mẫu ĐơnNhớ làng K’ro Lapia - Campuchia - Trần Ngọc PhươngDòng sông đợi nắng - Nguyễn Bá HòaThuyền quyên - Đỗ Nhựt ThưThơ Pilinszky JánosKhúc giao mùa - Võ Thị NhungĐà Lạt mơ - Trương Thị Bách MỵNỗi nhớ cuối mùa - Tăng Tấn TàiThơ về những cơn gió buổi chiều - Nguyễn Hải LýNhững ám ảnh bất động - Đinh Thị Như ThúyPhố trưa - Nguyễn Hữu Hồng SơnLưỡi cưa - Nguyễn Minh HùngHoa gạo; Hoa sưa - Xuân HiệuNhững tảng đá ở bờ biển Nam Ô - Huỳnh Minh TâmVà một đường đạn bay - Trần TuấnTrong mưa xuân ngày ấy xa xăm...- Nguyễn Kim HuyNgẫu hứng với Thu Bồn - Nguyễn Nhã TiênTrưa 30-4-1975 - Phạm Đình ÂnThơ Thụy Sơn - Từ như hạt bụi đam mê đến trầm tích - Hồ Sĩ BìnhThầy giáo trẻ Lê Trí Viễn với nghiên cứu và phê bình văn học - Bùi Văn TiếngChuyển thể nhân vật từ truyện ngắn Việt Nam đương đại sang tác phẩm điện ảnh - Nguyễn Văn HùngHành trình tiếp cận mỹ thuật triều Nguyễn - Nguyễn Hữu Thông