Về Hà Nam viếng cụ Tam Nguyên - Hoàng Thanh Thụy
Hơn mười lăm năm trước tôi đã có lần đặt chân đến nơi đây, đi được một ít nơi, như: chùa Đọi Sơn, đình làng Duy Hải thuộc huyện Duy Tiên. Riêng với xã Châu Giang, tôi đã về vài ba lần, còn lưu lại trong ký ức một ít kỷ niệm khó quên về cái nơi một thời “chiêm khê mùa thối”, “sống ngâm da, chết ngâm xương” nghe mà buồn nhức nhói này. Những cái tên Trắc Bút, Du My, Chôm, Đoài, Đầm, Đọ... ẩn chứa trong nó biết bao sự tích, bao điều về lịch sử - văn hóa của một vùng đất mà tôi chỉ mới nghe được một phần rất ít ỏi trong chuyến đi nghiên cứu thực tế “cưỡi ngựa xem hoa” ấy, đã in sâu vào trí nhớ như một sự ám ảnh khó quên.
Lần này tôi về thẳng Yên Đổ viếng cụ Tam Nguyên Nguyễn Khuyến. Cuối tháng bảy “trời thu xanh ngắt mấy tầng cao”*, nắng và gió chan hòa. Phố thị, ruộng đồng, làng mạc yên vui mở rộng, trải dài ra trước mắt trên đoạn đường chừng ba mươi cây số tôi qua.
- Tới rồi! Xe dừng lại trước một ngã ba. Theo chân anh tài trẻ măng và rất vui tính, người địa phương, biết rất nhiều chuyện ở quê mình, tôi rẽ vào một lối nhỏ để vào một xóm quê. Cái xóm quê như trăm ngàn cái xóm quê của làng quê truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ trên đất nước Việt ngàn năm.
Nhà cụ Tam Nguyên ở cách đường lớn chỉ một đổi thôi và cũng dễ tìm. Hẵn là “trải qua bao cuộc bể dâu”, cảnh trí bây giờ đã khác đi nhiều so với cái thời cụ sống, đất nước, quê hương còn ngập ngụa trong lầm than, nô lệ, làng quê là nơi bùn lầy nước đọng với những bụi tre gầy, những mái rạ thấp lè tè, xơ xác bên những cánh đồng buồn thiu, gié lúa cho hạt không đủ để dân mình đóng thuế và ăn cầm hơi thì còn có dám ước mơ gì!
Tiếp tôi trong căn nhà kiến trúc theo lối xưa, nhưng hình như đã được tu bổ lại nhiều lần, còn hằn rõ những dấu chắp vá mới cũ trên mái, trên tường là một hậu duệ mấy đời của thi hào, một sĩ quan quân đội đã về hưu, được gia tộc giao trách nhiệm hằng ngày lo việc hương khói cho vị tiền bối của mình. Tuổi đã vào lớp người “cỗ lai hy”, nhưng trông ông nhanh nhẹn, họat bát, giọng nói còn ấm và vang.
Sau khi thắp hương chiêm bái cụ, tôi đứng chăm chú lắng nghe ông nói chuyện. Bằng vốn hiểu biết thơ văn rất đáng nể cùng với trí nhớ hiếm thấy ở những người cùng tuổi và lòng ngưỡng mộ, sùng kính chân thành, xen lẫn niềm tự hào, ông nói say sưa, rành rọt, khúc chiết, lớp lang về cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của “ông nhà” mình. Thấy tôi nghe với vẻ tâm đắc, tán thưởng, ông vui lắm. Đi với tôi ra phía sau vườn, ông bảo: “Thơ văn các cụ xưa mà lớp trẻ bây giờ còn hiểu, còn thích nghe như vậy là quí hóa quá.Văn hiến nước nhà còn tương lai chán. Vô cổ bất thành kim, phải không đồng chí?” -“Dạ, có được những người như chú để truyền thụ lại cho lớp người sau cái thâm thuý, thanh cao của thơ văn, chữ nghĩa của lớp người trước để mà học lấy, giữ gìn và noi theo thì còn gì hơn” - tôi thưa lại.
Dạo quanh vườn một lượt. Vườn rộng, xanh um cây lá, phảng phất mùi thơm của những loài hoa, tôi bước nhẹ, lắng nghe, dõi nhìn xung quanh, xem có còn thấp thoáng bóng người xưa, có còn nhận ra đâu đây dấu gậy, dấu chân của cụ mỗi sớm, mỗi chiều trong những ngày cụ “vườn cũ đà lui bước”, buồn vui với câu thơ, “chén rượu bên đèn”, với bè bạn tâm giao, trò chuyện cùng trăng cao, gió núi, mây ngàn.
Ra đứng bên bờ ao trước nhà, mặt ao xanh tĩnh lặng, tôi mong nhận ra cái “sóng biếc theo làn hơi gợn tí/Lá vàng trước gió sẻ đưa vèo” và cả cái “đớp động dưới chân bèo” của con cá nhỏ dưới làn “nước trong veo” kia.
Xuân Diệu, nhà thơ lớn, cũng là nhà phê bình văn học thuộc vào hàng cự phách của nước ta đã cho rằng ba bài thơ nói về mùa thu của Nguyễn Khuyến là ba bài thơ hay và điển hình nhất cho mùa thu Việt Nam. Thiết nghĩ sự đánh giá đó không quá lời. Đúng là mỗi bài thơ, thậm chí mỗi câu thơ ấy là một bức tranh thiên nhiên vô cùng sống động. Nếu không tài hoa đến mức nào đó, nếu không gắn bó, hoà quyện tâm hồn mình với đất nước, quê hương, với nhân dân đến máu thịt như thế nào, nếu không thắm đượm một tình yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên, yêu con người đến thiết tha thì làm sao cụ có thể cảm nhận nó một cách tinh tế, sâu sắc để có thể viết nên những bài thơ, những câu thơ để đời đó.
Trên đường về tôi cứ miên man những ý nghĩ về cụ với lòng thương cảm đến xót xa. Một người đã từng đỗ đầu ba kỳ thi, ra làm quan đến chức Án sát, Bố chính và từ chối chức Quyền Tổng đốc, có thể nói cụ thuộc loại nhà nho mà xưa kia người ta cho là “hiển đạt”, nhưng cụ nào có được mấy khi vui! “Vốn không thực học phù thời loạn/Uổng chút hư danh đỗ đại khoa”. “Nghĩ đến bút nghiên dàn nước mắt/ Chạnh nhìn sông núi xiết buồn đau”. “Nước non canh cánh đầu đà bạc”... Cụ nhiều lần than thở một mình như vậy.
Còn gì đáng buồn đau hơn khi thấy nước, dân như thế mà chẳng làm được gì vì phận mình “tài mọn khó đương”, “chức hèn khôn gánh”. Nói “tài mọn” thì chắc là cụ khiêm tốn đó thôi, chứ còn “chức hèn” thì có lẽ cụ nói thật lòng. Cụ làm quan mười ba năm, nhưng ở nhà cư tang mẹ hết ba năm rồi. Còn lại mười năm thì đến hai phần ba thời gian cụ chỉ làm học quan và sử quan, là những chức quan “không dính dáng đến việc cai trị”, gọi là quan “bỉnh bút” như cụ đã từng nói. Mà cho dù không phải là “chức hèn” đi nữa, là quan to đến mấy, có “võng lọng nghênh ngang ngồi bảnh choẹ” thì liệu cụ có thể làm được gì? Bởi tất cả đều là hư danh, hư vị, là những thứ “đồ chơi” không hơn không kém. “Vua chèo còn chẳng ra gì/ Quan chèo vai nhọ khác chi thằng hề”. Dưới ách thống trị của thực dân Pháp, mọi quyền sinh quyền sát nằm trong tay chúng thì vua quan Nam Triều thực chất nào có giá trị gì, có quyền bính vinh oai gì, chẳng qua chỉ là một đám tay sai có ngôi thứ mà thôi. Đã hơn một lần cụ thốt lên chua chát: “Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già”.
Làm quan để mọt nước sâu dân, tàn hại đồng bào thì cụ chẳng hề. Bởi cụ luôn nặng mối ưu tư đến trào nước mắt trước cảnh “nước mất, dân nghèo, đời nhiễu nhương”. Nhưng trực tiếp cầm gươm chiến đấu dưới lá cờ tụ nghĩa Cần Vương để cứu nước cứu dân như một ít người đương thời thì cụ chưa làm được.Thế cho nên cụ chưa bao giờ là “nhà yêu nước tích cực” trong suy nghĩ của người đời. Đó là “nỗi đau đến thác cũng còn” đối với cụ.Và có thể nói đó cũng là bi kịch của cuộc đời cụ.
“Đời muôn sự chẳng vừa lòng/Cố hương lui gót một mong hai chờ”. Cuối cùng, bằng mọi cách, cụ từ quan, khi mới vừa năm mươi tuổi. Cũng cần nói thêm rằng: cụ rời hẳn quan trường - cái nơi cụ gọi là “gió bụi” ấy vào mùa thu năm 1884, đúng lúc triều đình Huế vén tay áo đại trào ký kết bản hiệp ước đầu hàng thứ tư, công nhận ách đô hộ của thực dân Pháp trên toàn cõi đất nước ta. Điều ấy có phải chỉ là ngẫu nhiên thôi, hay chính nó đã nói lên một điều gì đó về thái độ của cụ trước thời cuộc?
Trên hai mươi lăm năm về ẩn dật ở quê nhà, nghĩa là về lại với dân, về làm dân trở lại, có điều kiện mắt thấy tai nghe nỗi thống khổ ngút trời của dân, nỗi nhục không lấy gì sánh được của nước, cụ lại càng buồn, cái buồn đêm ngày chẳng dứt. Thêm vào đó, cái nỗi mình già yếu “Nhập nhèm bốn mắt tranh mờ tỏ/ khấp khểnh ba chân dỡ tỉnh say”, cái “cảnh nghèo, mặt võ, thân thêm võ/Người bệnh hình trơ, bóng cũng trơ”, cái tâm trạng cô đơn “tối sớm đi về thân hạc độc”... cứ vầy nhau hành hạ, dày vò cụ đến không chịu nổi.
Biết trút vào đâu cái “nỗi sầu vạn cổ” ấy, cụ lại tìm đến cái say triền miên ngàn ngày, dù tửu lượng chẳng được là bao như cụ đã từng tự bạch: “Rượu tiếng rằng hay, hay chẳng mấy/Độ dăm ba chén đã say nhè”. Chúng ta biết: chén uống rượu của các cụ ngày xưa nhỏ lắm, “chén mắt trâu” chứ không như chén uống rượu bây giờ.
Hai mươi lăm năm sau, ngày 5.2.1909 cụ mất, đất nước, quê hương vẫn ngày càng ngập sâu trong cảnh “đoạn trường quốc phá gia vong”. Cuộc đấu tranh trường kỳ “máu sông xương núi” của cả dân tộc suốt nửa thế kỷ rồi vẫn còn đầy cam go, mà ngày mai thì mờ mịt! Máu của những chí sĩ yêu nước và hàng vạn đồng bào nông dân bị kẻ thù đàn áp dã man trong vụ kháng thuế ở Trung Kỳ chưa khô. Tiếng súng của nghĩa quân Đề Thám vẫn ngày đêm rền vang sông núi, tuy có làm cho bọn xâm lăng phải bao phen điên đảo, tổn tướng hao binh, nhưng cuộc kháng chiến anh dũng ấy cũng chẳng kéo dài được bao lâu nữa. Nó đã chấm dứt cùng với cái chết vô cùng đớn đau của vị chủ tướng anh hùng: “Con Hùm Yên Thế!”. Cụ Phan Bội Châu -
một người suốt đời bôn ba cứu nước, chủ trương dựa vào nước Nhật “đồng chủng đồng văn” để đánh đuổi Pháp, đề xướng phong trào Đông Du. Nhưng trớ trêu thay, lại chính Chính phủ nước này đã ra lệnh trục xuất cụ theo yêu cầu của chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương. Phong trào Đông Du tan rã!
Và biết bao chuyện đau lòng nữa đã xảy đến với đất nước và nhân dân đã quá nhiều bất hạnh này. Hẳn là cụ buồn lắm. Nỗi buồn ấy chắc cụ mang theo xuống huyệt lạnh, về cõi u huyền cùng với tiếng kêu khắc khoải ròng rã suốt “năm canh máu chảy đêm hè vắng/ Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ” tưởng như tiếng khóc nhớ nước thương nhà của con quốc quốc kia mà sinh thời cụ đã từng ký thác tâm sự của mình vào những câu thơ buồn xé ruột. Và cũng chắc là ở cái thế giới bên kia cụ vẫn hằng đau đáu niềm hy vọng, chờ mong một cuộc chuyển vần, để cho vận mệnh đất nước được chóng “qua cơn bĩ cực, đến hồi thái lai” như cụ đã từng thổ lộ ở nhiều bài thơ gan ruột trong Quế Sơn thi tập của mình sau khi cáo quan về sống với những tháng năm dài ẩn dật cho đến ngày ra đi.
Đà Nẵng đầu tháng 8 năm 2018
H.T.T