Vườn không có nắng - Nguyễn Bá Hòa

15.10.2018

Vườn không có nắng - Nguyễn Bá Hòa

Từ ngày theo ba mẹ dọn về nhà mới ở khu dân cư này, Phương vui hẳn ra, thấy cuộc đời tươi đẹp hơn.

Đương nhiên nhà mới phải hơn nhà cũ chứ!

Ngôi nhà cũ đúng với nghĩa của nó, tọa lạc trên một khu vườn cũng đã vài trăm tuổi, trong một con hẻm nhỏ, quá nhỏ, hai chiếc xe máy đi ngược chiều nhau, một chiếc phải nhường đường. Vườn nhà cây cối um tùm, hầu như không có nắng, đã có từ trước đời ông cố, sau đó giao lại cho ông nội, rồi cho ba, bây giờ thì... bỏ hoang.

Chị em Phương sinh ra và lớn lên ở đó cũng đã ba mươi năm rồi. Nhiều lần Phương mơ ước gia đình có một chỗ ở mới tốt hơn nhưng không dám nói ra. Những khi đi họp ban đêm về, thấy những bóng người lấp ló bên đường, tim Phương đập loạn xạ, cũng may, không có chuyện gì tồi tệ xảy ra. Tiếng chim kêu đêm, nhất là tiếng cú ăn khuya ở bụi tre sau vườn cứ cứa vào giấc ngủ của Phương đau rát. Mỗi lần như thế, ước mơ của Phương càng lớn dần lên. Còn nhớ khi ba đi công tác xa, hai mẹ con ở nhà, nửa khuya mẹ lên cơn đau tim dữ dội, nhà hàng xóm gần nhất cũng cách một khu vườn, gọi xe cấp cứu cũng vô ích, xe chỉ tới đầu con hẻm. Sực nhớ có thằng bạn là bác sĩ, Phương gọi điện nhờ vả, may mà hắn tới kịp, thế là tai qua nạn khỏi. Nếu không có Phương ở với mẹ, nếu không có thằng bạn tốt bụng, chẳng biết điều gì sẽ đến. Cái chết và sự sống đôi khi cách nhau chỉ một điều rất vật chất và cũng rất mong manh. Từ đêm đó, Phương quyết định sẽ không lấy chồng, sống cùng ba mẹ, chăm sóc ba mẹ tuổi về già. Thực ra, không phải Phương quá vội vàng trong quyết định của mình. Ngày Phương sinh ra suýt chút nữa mẹ đã vĩnh viễn ra đi. Sau này, mỗi khi mẹ lên cơn đau, bà ngoại thường an ủi mẹ: khi sinh con Phương con đã dũng cảm vượt qua cơn đau, bây giờ y học tiến bộ chẳng có chi ngại cả, khi nào có điều kiện ra Huế hoặc vào Sài Gòn chữa bệnh. Rồi bà ngoại mất, mẹ sinh con Hậu, công ăn việc làm kéo mẹ chạy theo quên cả bệnh tật. Quyết định của Phương chẳng biết đúng hay sai, sau này sẽ như thế nào nhưng trước mắt khiến Hoàng phải đau khổ. Yêu nhau đến thế mà phải chia tay, Hoàng hụt hẫng bỏ quê đi xa, Phương cũng chẳng cần tìm hiểu anh ấy đi đâu, làm gì!

Hai chị em Phương tính cách khác nhau nhiều lắm. Phương rụt rè, an phận, luôn gắn bó với gia đình. Còn Hậu, hồi học phổ thông đã tham gia các hoạt động thiện nguyện, năng động tháo vát, rất tự tin vào bản thân. Chuyện xa nhà đối với nó là chuyện nhỏ, chẳng có ai quen biết ở thành phố thế mà cứ đòi vào trong đó học khiến ba mẹ lo sốt vó, nhưng lo cũng bằng thừa, nó bảo tự nó lo được và đúng là nó đã làm được, Phương phục nó lắm!

Có được ngôi nhà thoáng đãng hơn, gần bà con lối xóm hơn để khi đau ốm còn gọi nhau, có đường sá vừa đủ rộng để xe cứu thương cứu hỏa  đi lại dễ dàng, mơ ước đó không chỉ của riêng Phương mà còn của con Hậu nữa. Hậu học đại học ở thành phố rồi cùng bạn bè ở lại làm việc trong đó, thỉnh thoảng mới về thăm nhà nên ước mơ của nó cũng lởi xởi bồng bềnh chứ không nặng lòng đau đáu như Phương. Nhưng dễ gì ước mơ trở thành hiện thực! Ngôi nhà cũ tuy xuống cấp, mảnh vườn cũ tuy u ám, không chỉ là nơi ở của gia đình Phương mà còn là nhà thờ tộc của đại gia đình, là kỷ niệm bao đời được lưu giữ nơi đây. Chắc gì ba mẹ chịu rời bỏ nó. Lại nữa, ba mẹ một đời tất bật với công việc cũng chỉ đủ nuôi hai chị em Phương ăn học chứ có dư dả chi mà đòi xây nhà mới. Ra trường may mắn có việc làm ngay tại quê nhà nhưng lương hướng chẳng bao nhiêu làm sao nghĩ đến chuyện giúp đỡ ba mẹ việc lớn như vậy được. Vì thế ước mơ của Phương dù mãnh liệt đến mấy cũng chỉ nằm trong đầu thôi, chẳng dám thổ lộ với ai cả.

Con gái đã hơn ba mươi tuổi, có chút nhan sắc, kín đáo mặn mà, nhiều chàng trai lui tới, nhưng ba mẹ chẳng rõ nguyên cớ nào mà Phương vẫn từ chối, từ chối trong vui vẻ. Đi làm về giúp ba mẹ việc nhà, vô âu vô lo, chẳng có gì gọi là nỗi niềm hay buồn tủi cả. Nhìn những đứa con đã lớn vẫn chưa lập gia đình ba mẹ lo lắng đến già hơn tuổi, không nói ra nhưng nỗi buồn lớn quá không cất giấu vào đâu được.

Vào một chiều cuối xuân, nhân con Hậu từ thành phố về, trong bữa cơm gia đình, ba đem chuyện mua đất làm nhà ra bàn.

- Cả nhà có biết thành phố mình đã mọc lên mấy khu dân cư mới không? Khu gần nhà mình nằm bên trái con đường chính của phố đó!

Con Hậu biết hết mọi chuyện:

- Dự án này có đã lâu rồi, không biết có còn đất cho nhà mình?

Mẹ không nói gì, có lẽ đã bàn bạc với ba kỹ lắm. Phương thì cứ hồi hộp:

- Ba định...

Ba Phương như đã chuẩn bị sẵn câu trả lời:

- Mẹ đã về hưu được mấy năm rồi, ba cũng sắp về hưu, tuổi già sức khỏe giảm sút, sợ đau ốm khuya khoắt ở đây chẳng biết kêu ai, ra phố mới ở tiện hơn.

- Nhưng...

- Tiền nong ba bẹ cũng dành dụm chút ít, mượn thêm mấy chú, mấy dì rồi từ từ trả cũng được, bí quá thì vay ngân hàng, các con thấy thế nào?

- Còn vườn nhà mình thì sao?

Ba Phương một thoáng buồn nhưng cũng kịp trả lời Phương.

- Cũng gần mà con, chạy đi chạy về chăm sóc vườn tược, hương khói ông bà...

Con Hậu vui ra mặt, hết mang kiểu nhà này đến kiểu nhà khác ra thuyết phục mọi người, phải thế này phải thế kia... Phương trong lòng rạo rực, ước mơ ấp ủ từ lâu tưởng đã nguội lạnh lại bùng lên ấm áp lạ thường.

Ở thành phố, con Hậu cứ gọi điện hỏi thăm chuyện làm nhà. Phương cứ nghĩ từ dự tính đến khi thực hiện ít nhất cũng vài ba năm, nên ỡm ờ trả lời cho qua chuyện. Đùng một cái, mấy tháng sau ba đã mua xong đất. Nỗi vui mừng chưa kịp lắng xuống đã nghe ba nói cuối tháng đến là khai móng...

Và bây giờ Phương cùng ba mẹ đang ở trong ngôi nhà mới, mà cũng hơn năm năm rồi chứ không ít. Nghĩa là Phương cũng qua tuổi ba mươi lăm rồi. Con Hậu hơn ba mươi. Đứa nào cũng lo công lo việc chẳng nghĩ đến chuyện kiếm cháu cho ông bà vui chút tuổi già. Nỗi lo của ba mẹ Phương lớn dần theo thời gian và không còn giấu diếm nữa. Ông viết thư cho con Hậu, thư dài lắm kể lể tại sao ông phải vay mượn làm nhà mới, giục con Hậu lấy chồng chứ để như Phương thì khổ... Bây giờ Hậu mới vỡ lẽ. Thì ra..., phải kể lại cho chị Phương biết thôi.

Ba Phương đi coi thầy xem quẻ gì đó, thầy nào quẻ nào cũng khẳng định khu đất vườn nằm trên một cái đình cũ thiêng lắm. Những gia đình ở trên khu đất này thường gặp khó trong chuyện chồng con. Quả là thầy nói rất chính xác. Những người cô của Phương có người không lấy chồng, có người chồng chết trẻ. Mấy đứa bạn cùng lớp cùng xóm với Phương chỉ có con Linh có chồng, nhưng sau khi sinh được thằng con trai thì ly dị... Chừng đó đủ cho ba Phương tin tưởng tuyệt đối lời thầy dạy, phải chuyển nhà đi nơi khác mấy đứa nhỏ mới mong yên bề gia thất.

Vậy là Phương có nơi ở mới, khẩn trương và đột xuất. Ước mơ về một ngôi nhà mới của Phương trở thành sự thật một cách ngoài sức tưởng tượng như vậy sao? Còn mong muốn được sống cùng để chăm sóc ba mẹ lại thành gánh nặng của gia đình sao? Vậy là năm năm qua ba mẹ sống trong ngôi nhà mới với sự chờ đợi và kỳ vọng điều linh diệu sẽ xảy ra?

Đứng trên tầng hai nhìn dãy phố cuối đường, những chiếc xe hối hả nối nhau vượt nhau như sợ ngày tàn đêm hết. Thời gian cứ trôi dần theo mùa, tóc ba mẹ đã thêm nhiều sợi trắng. Con Hậu vẫn mải mê công việc ở thành phố xa lơ xa lắc. Phương không còn bình yên trong mỗi ước nguyện của mình, dòng vô tư trôi theo năm tháng đổ vào nơi mơ hồ nào đó rồi tan biến. Nắng rọi qua bóng cây bóng lá rơi rớt bên Phương những chùm hoa nắng. Hoa sẽ tàn khi nắng tắt, nhưng hoa lại mọc lên khi nắng về, mà nắng thì ngày nào chẳng có. Suy nghĩ có chút ngu ngơ khập khiễng nhưng đã làm cho Phương vơi bớt nỗi buồn.

Cuối phố là con đường chảy về ngôi nhà cũ, nơi Phương sinh ra và lớn lên với đầy ắp kỷ niệm. Ba cũng đã nghỉ hưu được mấy năm rồi, ngày nào  cũng cùng mẹ về chăm sóc vườn tược, trồng rau nuôi gà, không để thời gian rảnh rỗi, không cho nỗi buồn lấn dần cuộc sống vốn đã gần chiều. Những lần phải một mình nhìn con phố quen Phương thường gọi cho con Hậu, khuyên nó phải sống thế này, thế kia... và thăm dò chuyện tình cảm của nó. Phương chỉ mong con Hậu lấy chồng cho ba mẹ vui. Con Hậu chẳng biết trong đầu nó nghĩ gì, cứ lấy cớ chị lấy chồng rồi mới đến lượt em. Nghe bạn bè con Hậu kể lại, tụi nó ở thành phố năng động nên cũng phải năng động để tồn tại, hết công tác nơi này lại đến nơi khác, lo làm lo ăn, bận rộn như nó thì còn đâu thời gian nghĩ đến chuyện chồng con. Còn ba mẹ? Biết con đã trưởng thành có công ăn việc làm ổn định nếu không muốn nói là thành đạt, nhưng ba mẹ chẳng vui chút nào. Phương cũng mừng cho em nhưng vẫn áy náy trong lòng, phải làm sao đây!

Nhạc chuông điện thoại cắt ngang suy nghĩ, biết ngay là con Hậu gọi.

- Chị Phương ơi!

- Chị đây!

- Có chuyện quan trọng muốn bàn với chị trước khi nói với ba mẹ.

Phương nghĩ con Hậu sẽ nói chuyện chồng con nên mừng thầm, tin vui rồi, phải vậy chứ!

- Nói đi, chị nghe đây!

- Mà chị có rảnh không, chuyện dài lắm!

- Rảnh mà, nói đi! 

- Chuyện thứ nhất, cả nhà dọn vào thành phố sống với em...

Phương sửng sốt:

- Cái gì?

- Tụi bạn cho em vay tiền mua căn nhà nhỏ xa trung tâm thành phố một chút nhưng cần đi lại thì có xe buýt, có taxi, sau này có điều kiện mình chen mình lấn dần vào cũng được.

Phương vẫn không hiểu nỗi con Hậu đang nói gì:

- Cả nhà mình vào đó sống?

- Nhà cửa vườn tược ngoài đó bán hết đi, ba mẹ vào trong này đổi gió thư giãn, mẹ có điều kiện chữa dứt bệnh tim, chị bỏ việc vào làm với nhóm tụi em, còn...

Không để Hậu nói tiếp, Phương lo lắng thực sự:

- Cả một sự đổi thay lớn đến như thế mà nghe em nói nhẹ hều như gió thu, phải về nhà gặp ba mẹ bàn bạc tính toán thật kỹ đã chứ?

- Chị đúng là lạc hậu, chuyện gì cũng e dè sợ sệt, nhút nhát như thế làm sao lo cho ba cho mẹ được, chị phải đứng về phía em thuyết phục ba mẹ chứ!

Mỗi khi nghe con Hậu phê phán thẳng thừng Phương không giận em vì biết nó nói đúng, đành lảng sang chuyện khác:

- Biết rồi! Còn chuyện chi nữa?

Giọng con Hậu hồ hởi:

- Chị còn nhớ anh Hoàng không? Anh Hoàng một thời bám đuôi chị đó!

Phương lại giật mình, cái con này nhắc chi chuyện xa xưa đó chứ. Không nghe Phương trả lời, nhưng biết chị đang rất muốn nghe, nên Hậu vẫn cứ tiếp tục nói:

- Tình cờ em gặp anh Hoàng, chuyện dài lắm nhưng nói gọn lại thế này, anh vẫn sống một mình, vẫn yêu chị, vẫn đang chờ chị đó, chị vào trong này em sẽ sắp xếp anh chị gặp nhau.

Nghe rất rõ và cũng muốn hỏi thêm thật nhiều nữa nhưng lại sợ phải đối mặt với sự thật nên ngắt lời em, tính Phương luôn là vậy:

- Thôi đừng nói chuyện ấy nữa, định khi nào về quê?

- Em bay về ngay ngày mai, tối nay chị tranh thủ nói chuyện trước với ba mẹ. Em ngắt máy đây!

Những ngọn gió trộn cái nắng chiều vàng vọt thổi vào vòm lá khiến bóng Phương chao đảo. Phương bỗng nhận ra ngôi nhà trống vắng lạ thường. Ba mẹ vẫn cặm cụi với mảnh vườn tổ tiên để lại. Phương vẫn đứng đây chờ đợi ba mẹ như một thói quen đã được lập trình. Chỉ có con Hậu dám bay xa, dám dứt bỏ, dám nói thẳng, dám nghĩ, dám làm. Phương không đủ can đảm giúp con Hậu thuyết phục ba mẹ, càng không thể tưởng tượng ra ngày mai con Hậu về chuyện nhà sẽ ra sao.

Thôi thì cứ đợi!

N.B.H

Bài viết khác cùng số

Vườn không có nắng - Nguyễn Bá HòaMười bảy và mười ba - Võ Thanh Nhật AnhParis có gì lạ không em?(*) - Văn KhoaMùa đậu phộng - Y NguyênGió lay Hòn Kẽm ngẩn ngơ Đá Dừng - Huỳnh Trương PhátCó một cây lê nở đầy hoa trắng - Ngô Thị Thục TrangNhớ gió... - Trần Thanh ThoaDì tôi - Nguyễn Nho Thùy DươngThơ La Mai Thy GiaPhía bên kia giậu - Mai Thanh VinhHướng nào cũng từ tim anh - Hoàng Thụy AnhThơ Vạn LộcLời người mẹ có con tự kỷ - Thụy SơnCô đơn - Nguyễn Thị Anh ĐàoVầng trăng Đà Nẵng - Lộc Bích KiệmThơ Nguyễn Duy ThanhLầm lũi cuộc về - Phạm Tấn DũngTháng mười - Đinh Lê VũNhững câu thơ bất chợt - Xuân Hiệu7 bài thơ ngắn - Thanh QuếĐến Đà Nẵng, nhớ nhà thơ Thu Bồn - Đàm Chu VănNữ văn sĩ Canada gốc Việt vào chung kết giải Nobel thay thế - Trần Trung SángÂm nhạc Đà Nẵng 5 năm nhìn lại - Văn Thu BíchMái tóc người thương trong thơ Nguyễn Văn Long - Nguyễn Thị PhúHỒ SĨ BÌNH như bóng nhạn qua sông - Mai Hữu PhướcNhững thanh âm từ “Trong những lời yêu thương”(*) - Nguyễn Nhã TiênLưu Quang Vũ với quê hương Đà Nẵng - Bùi Văn Tiếng Sự dịch chuyển không gian văn học Việt Nam đương đại - Nguyễn Văn Hùng“Võ Hùng Vương’’ vở tuồng cổ đỉnh cao của nhà soạn tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh - Lê Công Phượng“Đà Nẵng chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha (1858-1860): Quá khứ và hiện tại”(*) - Bùi Văn Tiếng