Gió lay Hòn Kẽm ngẩn ngơ Đá Dừng - Huỳnh Trương Phát

15.10.2018

Gió lay Hòn Kẽm ngẩn ngơ Đá Dừng - Huỳnh Trương Phát

1. Cho đến tận bây giờ vẫn có không ít người tò mò về cái tên Hòn Kẽm Đá Dừng. Đơn giản là có một dòng sông ngoằn ngoèo chảy qua dãy núi, những chỗ ngoằn ngoèo ấy chính là những sườn núi đá hai bên đổ ra sông. Từ xa nhìn những sườn núi so le che chắn dòng sông người ta bảo dòng sông bị đá dừng, che lấp, qua khỏi sườn núi này lại gặp ngay sườn núi khác án ngữ. Con sông ấy cũng chính là con sông Thu Bồn. Vì vậy đi tìm nhau mà khó thấy nhau. Hoặc theo nhiều truyền thuyết khác nhau cũng từ cái sự che lấp này mà người ta truyền nhau câu ca bất hủ: Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng/ Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi”. Tôi may mắn được đến Hòn Kẽm Đá Dừng từ sau ngày quê hương giải phóng - năm 1975. Đi qua Tí, Sé, Dùi, Chiêng là đi qua cả một truyền thuyết dằng dặc bến bờ, gành thác, khe suối, nà thổ, phù sa, làng mạc,... và biết bao thế hệ làm nên nết đất, nết nhà. Tình cảm để lại nơi này không thể kể hết. Đến thì thương, đi thì vương. Chỉ có 2 câu văn vần ai đó nghĩ ra rồi truyền khẩu từ bao giờ mà hôm nay cứ mỗi lần trà dư tửu hậu bất kỳ ở đâu, mỗi lần nhớ Dùi, nhớ Chiêng là cất lên với cái giọng dí dí dỏm dỏm mà không có lối ra: Người lên mang nỗi niềm riêng/ Thương cho mấy chị có Chiêng mà không Dùi (những người khác đế theo: Chiêng Dùi Chiêng , Chiêng  Dùi Chiêng); Tôi về trong dạ bùi ngùi/ Thương cho số phận có Dùi mà không Chiêng (Chiêng Dùi Chiêng, Chiêng Dùi Chiêng);... Đêm trước khi lên đường lên Kẽm 15/8/2018, do Câu lạc bộ Thơ - Nhạc Sông Tranh, Hiệp Đức tổ chức, Ban Tuyên giáo huyện ủy Hiệp Đức gặp gỡ anh chị em báo chí văn nghệ sĩ chúng tôi rất vui và cũng với đề tài Dùi, Chiêng, những trận cười vỡ ra.

Những chiếc xe hon đa được chuẩn bị tốt, đoàn báo chí văn nghệ sĩ chúng tôi lên đường. Hòn Kẽm Đá Dừng như thể có sức hút kỳ lạ. Ai cũng muốn sớm nhìn thấy nó. Để chuẩn bị cho chuyến về nguồn lần này, Ban Chủ nhiệm CLB Thơ- Nhạc Sông Tranh đã tính toán rất chu đáo các lộ trình, theo đó là cái ăn, cái uống. Vì vậy với anh chị em báo chí văn nghệ sĩ chúng tôi luôn ý thức là phải đảm bảo an toàn là trên hết, ngoài ra không phải lo lắng gì hơn. Nhà thơ Thái Bảo - Dương Đỳnh, phó chủ nhiệm là người làm nhiệm vụ tiền trạm. Trước khi khởi hành từ xã Sông Trà anh đã điện thoại về cho nhà thơ Phạm Văn Lâm, chủ nhiệm cho biết mọi việc đã sẵn sàng. Trước đó nửa tháng anh Phạm Văn Lâm thông báo rất cụ thể về cuộc hành hương về nguồn rằng đúng 7 giờ sáng ngày 15/8/2018 có mặt tại cafe Family để sau đó xuất hành. Hành trình: Từ thị trấn Tân An về Hòn Kẽm Đá Dừng, dự nghe thuyết minh về công trình thiên niên kỷ cầu Trà Linh, gặp gỡ bà con dân làng, trưa dùng bún bò bà Năm Côi tại Trà Linh; đến căn cứ cách mạng Đồng Làng, qua hầm đường bộ Đông Trường Sơn, về khu di tích Khu ủy Khu V và dùng sắn, khoai chấm muối đậu phụng tại đây, uống rượu với bà con dân làng Cadong, về lại bến Tân An, kết thúc chuyến đi. Lưu ý: Anh chị em kiểm tra xăng, nhớt xe cộ đầy đủ, mang theo nilon đi mưa phòng khi mưa chiều, chuẩn bị giấy, bút để ghi chép khi cần, mỗi người tự mang theo một chai nước suối 1,5 lít, anh chị nào nhận được thông báo này hãy chia sẻ cho mọi người biết cùng đi, anh chị nào có bạn thân là nhà báo, nhà thơ hãy mời họ cùng tham gia. Hãy gặp nhau quý anh chị nhé!

 

Chuyến đò qua một khúc Thu Bồn, đưa chúng tôi xuôi dòng về Quế Lâm để thưởng ngoạn vẻ đẹp của nơi này khi có chiếc cầu treo vắt qua hai đầu núi để cho người dân yên tâm khi mỗi mùa bão lũ đến. Bên cạnh đó chúng tôi còn thưởng ngoạn thắng cảnh Vũng Tăm: “Ba Hang xô lại Một Gò/ Sóng xao Cổ Ngựa gió lùa Vũng Tăm”. Từ câu ca này nhà thơ Phạm Văn Lâm kể tiếp cho chúng tôi nghe về lai lịch của nó: Về thăm Hòn Kẽm Đá Dừng/ Hỏi bao lữ khách đã từng đến đây/ Ba Hang ai đã đong đầy/ Để cho Nước Mắt giãi bày luyến thương/ Người sao nỡ bỏ quan trường/ Hoang sơ Cổ Ngựa vấn vương tơ lòng/ Ta làm lữ khách thong dong/ Ngẫm về chuyện cũ mà lòng sắt se/ Thoáng nhìn nước chảy Nghiêng Khe/ Mặt sông sóng vỗ vành ghe chồng chềnh/ Bên thềm Đá Dựng chênh vênh/ Ngàn năm ai khéo gọi tên Đá Mài!... Tương truyền từ khi đất trời được tạo dựng, dưới chân Hòn Kẽm Đá Dừng, nay thuộc thôn Trà Linh, xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam đã hình thành ba cái hang sâu thẳm, không có thước tấc nào đo cho xuể. Người dân nơi đây đặt tên tiểu địa danh này là Ba Hang. Khi mặt sông dâng cao, nước đổ vào bao nhiêu cũng không đầy. Để xem thử ba hang này đi về đâu, sâu đến cỡ nào, dân làng mang đến ba quả bòng được khắc chữ, thả vào miệng hang rồi cất công tìm kiếm, mãi ba ngày ba đêm mới tìm thấy ba quả bòng ấy xuất hiện ở Cửa Đại, Hội An. Từ câu chuyện ấy lại được bắt đầu bằng một câu chuyện khác. Chuyện kể rằng, sau khi Ba Hang được hình thành một thời gian thì có một con Thuồng Luồng rất to khỏe, giống như một con rắn khổng lồ, nhưng lại có bốn chân, với những móng vuốt sắt nhọn. Mõm nhô ra và hai hàm răng to khỏe với những chiếc răng nhọn hoắc quắp vào. Mỗi khi nó tóm được con mồi dù trên cạn hay dưới nước đều không có cơ hội thoát thân. Sức mạnh của nó thật vô song. Nó chỉ cần quẫy nhẹ chiếc đuôi trên mặt sông thì cả một vùng dậy sóng. Có rất nhiều truyền thuyết, giai thoại cổ kể về Thuồng Luồng. Trong văn hóa Việt từ xưa đến nay, Thuồng Luồng xuất hiện như một loài thủy quái. Có nơi kể rằng, chúng thường rình rập để kéo con người xuống nước ăn thịt. Cũng có nơi lại kể, Thuồng Luồng chỉ ăn thịt kẻ ác, còn đối với người lương thiện thì chúng dùng quyền năng của mình để ban phát bổng lộc, của cải, châu báu. Khác với những con Thuồng Luồng hung giữ, Thuồng Luồng ở Ba Hang lại tỏ ra hiền lành, thân thiện, không giết hại một ai. Nó còn thường cứu vớt những người gặp nạn trên sông nước. Đêm đêm nó lặn mò dưới lòng sông tìm kiếm thức ăn, ngày về hang ngủ nghỉ, giữ cho miệng hang quang sạch. Thế rồi một hôm, bầu trời đang sáng trong bỗng dưng tối sầm mù mịt, mây đen vần vũ, sấm chớp ầm ầm. Và sau đó xuất hiện một con rắn Hổ Mang chúa khổng lồ, với sức mạnh phi thường. Nó phóng nhanh như chớp và lao thẳng đến miệng Ba Hang nhằm độc chiếm nơi cư ngụ của Thuồng Luồng. Trong giây phút sinh tử, Thuồng Luồng đã nổi cơn thịnh nộ, giương cao nanh vuốt quyết xông ra chống trả. Vậy là trong đêm tối mịt mùng, dưới chân Hòn Kẽm Đá Dừng đã xảy ra một cuộc thủy chiến kinh thiên động địa. Cuộc chiến giằng co quyết liệt cả đêm hôm đó và cuối cùng cả hai đều tử chiến. Máu đỏ lan tràn cả một dòng sông. Thân xác của Hổ Chúa và Thuồng Luồng đều xuôi về biển cả, để lại cảnh Ba Hang tiêu điều hoang vắng. Sáng hôm sau, có một đôi vợ chồng ngư dân nghèo chèo thuyền giăng lưới. Khi chiếc thuyền lướt nhẹ qua khúc sông ấy thì trong những vòm núi cao văng vẳng vọng ra lời ta thán: “Ai về nhắn với Ba Hang, Thuồng Luồng đã bị Hổ Mang hại rồi!”. Đôi vợ chồng ngư dân nọ lấy làm lạ và cảm thấy tiếc thương cho Thuồng Luồng bạc mệnh, mang câu chuyện ấy về kể lại với dân làng rồi truyền tụng mãi cho đến ngày nay. Lại nói về đôi vợ chồng ngư dân đánh cá. Ngay sau khi mẻ lưới đầu tiên được xóc lên, không hiểu sao cá tôm nhiều vô kể. Nhiều đến nỗi họ phải mang cả lưới và cá tôm về nhờ dân làng đến gỡ hộ. Dân làng hò reo vui mừng chia cho nhau từng ô tôm cá. Nhưng điều kỳ lạ thay, trong đống bùng nhùng rối bời của tấm lưới cá lại mang theo rất nhiều miếng kim loại, nhỏ, bẹp như các thỏi chì gắn câu, lại ánh màu vàng sẫm. Họ cũng được chia nhau làm quà kỷ niệm. Về sau người ta mới phát hiện ra đó là một loại vàng lá của người đời xưa để lại. Sau ngày Thuồng Luồng bị hại, Ba Hang cũng bị sỏi cát lấp đầy. Và cũng từ ngày ấy, cứ sau những cơn mưa giông mùa hạ, thỉnh thoảng người ta nhìn thấy xuất hiện một cái vòng cầu vồng bảy sắc. Gốc của nó xuất phát từ miệng Ba Hang và vắt vòng qua Hòn Kẽm, báo hiệu một mùa giông bão sắp đến, nhắc nhở người dân cảnh phòng chu tất. Cái vòng cầu vồng bảy sắc ấy người dân nơi đây thường gọi là Mống Ba Hang. Còn ở hướng Cửa Đại Hội An thi thoảng cũng xuất hiện những cái mống tương tự, nhưng nó lại báo hiệu những ngày trời quang mây tạnh. Vì vậy mà dân gian có câu: “Mống Ba Hang tìm đàng mà chạy. Mống Cửa Đại gải dái mà nằm”. Gặp các anh Nguyễn Hoàng, Đặng Văn Đinh, Đỗ Văn Xin và bà con làng Trà Linh, chúng tôi được nghe rõ đầu đuôi truyền thuyết về Ba Hang với một cảm xúc kỳ lạ. Giờ đây, câu chuyện về Ba Hang và Thuồng Luồng chỉ còn lại mơ hồ trong tâm trí của người dân và được gợi nhớ bằng hai câu thơ đầy cảm xúc: “Ai về nhắn với Ba Hang, Thuồng Luồng đã bị Hổ Mang hại rồi!”... Chúng tôi dừng chân ở Đồng Làng và ghé thăm Mã Ngài. Lại thêm một câu chuyện đời độc đáo ở Hòn Kẽm Đá Dừng, ghi nhớ công lao ông Trần Bình, người xưa đánh cọp giữ làng. Vào một ngày tháng bảy ông Trần Bình trên đường đi gặt lúa thì thấy một con cọp đang tấn công dân làng. Ông Trần Bình bèn dùng cây đòn xóc chống cự và tung những thế võ phủ đầu, con cọp bất ngờ, không chống đỡ kịp. Thế nhưng sau cú đòn choáng váng, con cọp lấy lại bình tĩnh chống trả lại ông Trần Bình bằng nanh vuốt lợi hại của nó. Ông Trần Bình nhanh như chớp, bật ngửa người hậu cước, con cọp lăn quay. Tưởng đâu thế là hết đời con cọp nhưng không, cuộc quyết đấu vẫn diễn ra, cọp và người bê bết máu, cả hai cùng kiệt sức rồi cùng ngã ra bờ khe. Dân làng làm lễ an táng hai Ngài, theo cách gọi nể vì của người Đồng Làng. Hai ngôi mộ được xây cất đàng hoàng. Một để tưởng nhớ Ngài Trần Bình có công giữ bình yên cho xóm làng, một để hòa hiếu với sơn lâm mong được an hòa cư xử. Từ đó cho đến bây giờ, thậm chí cho đến muôn đời sau người Đồng Làng không thể quên được 2 Ngài bằng việc sắm lễ vật cúng vào ngày 14 tháng 7 âm lịch hằng năm đồng thời tập trung dân làng tu bổ, sửa sang phần mộ của 2 Ngài. Sau cuộc hành trình, nhà thơ Phạm Văn Lâm, nhà thơ Thái Bảo - Dương Đỳnh lại may mắn được người dân Đồng Làng mời lên uống rượu nhân ngày giỗ ông Trần Bình.

2. Trong chuyến đi này chúng tôi được trò chuyện với em Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Sông Trà; với các em lãnh đạo xã Hiệp Hòa: Phạm Văn Luân, Bí thư đảng ủy; Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch HĐND; Huỳnh Ngọc Tân, chủ tịch Hội Khuyến học. Là lãnh đạo trẻ nhưng các em biết chan hòa với cuộc sống. Người dân ở đây còn nghèo nhưng tấm lòng luôn chân thật, cởi mở. Nghèo tiền nghèo bạc chứ đâu nghèo tấm lòng. Với sự chân thật và quý mến nhau UBND xã Hiệp Hòa chung góp với chúng tôi bằng những chuyến đò ngược xuôi sông nước và những bữa cơm thân mật đầy hương vị rượu quê. Người dân nơi đây làm nhiều nghề để mưu sinh, trong đó có nghề chèo đò đưa khách sang sông. Hôm ấy tôi bị lỡ chuyến đò vì theo ông Tiến người Hiệp Hòa đi ghi lại khoảnh khắc Khe Li và Miếu Bà - 2 địa danh làm nên tên gọi Trà Linh, trong đó có câu chuyện về một người phụ nữ đã chết rất linh thiêng được người dân lập miếu thờ. Người dân không biết danh tánh của Bà, nhưng Bà quá linh thiêng nên họ gọi là Bà Linh - Miếu Bà Linh! Vì lỡ chuyến đò trước nên mình tôi đi chuyến đò sau để theo kịp đoàn, cả đi lẫn về thủy lộ phí hết 100.000 đồng. Nguyễn Hồng Sơn có hỏi tôi là ông lái đò lấy tiền cước bao nhiêu. Tôi nói vậy. Sơn gật đầu có nghĩa là đúng giá. Một chút ứng xử của Sơn vậy thôi cũng làm tôi vui và nghĩ hoài về trách nhiệm của những người lãnh đạo trẻ nơi này. Một ngày thôi, nhưng chúng tôi vẫn đầy ắp niềm vui, ghi nhận được nhiều điều khi được trở lại với Thu Bồn long lanh sóng nước, với Hòn Kẽm Đá Dừng sừng sững non xanh, Khu di tích Khu V lưu giữ một thời kháng chiến, Đồng Làng ấm áp tình quê, Kẽm Nhỏ - Hầm Hiệp Hòa - Cung đường Trường Sơn Đông đã và đang mở ra nhiều hứa hẹn. Tuy nhiên với Kẽm Nhỏ thì anh Đồng Phước Sen, thôn trưởng thôn Đồng Làng có nhiều trăn trở khi cung đường Đông Trường Sơn mở ra. Nâng ly rượu quê mừng vui giây phút gặp gỡ bất ngờ và chúc chúng tôi thượng lộ bình an, anh Sen nói rằng con đường lớn mở ra đi qua Đồng Làng là niềm vui lớn nhưng nỗi lo không phải là nhỏ khi hằng đêm hằng ngày người xe qua lại ầm ào, tác động đến môi trường sống của thực vật và động vật. Chẳng hạn như một đàn khỉ hàng trăm con đã không chịu nổi sự tác động vô ý thức của một số người đi săn bắt, đành bỏ rừng mà đi. Nguồn cá Mát hay còn gọi là cá Niêng trước đây sinh trưởng hằng năm vài tạ cá chừ cũng cạn kiệt rồi. Con ốc đá mà vợ chồng anh bắt về mấy ngày trước để dành để tiếp đãi chúng tôi cũng không còn nhiều. Mấy người bạn ở thị trấn Tân An tâm tình với chúng tôi là hồi xưa vào Đồng Làng khó lắm vì chưa có đường. Vào Đồng Làng mua được con gà nấu cháo là một kỳ công nhưng rất tuyệt. Đồng Làng có rừng Kẽm, sau giải phóng còn hoang vu, cọp rất nhiều. Đêm đêm nó xuống Đồng Làng. Dân đặt bẫy thò rất nhiều. Cọp xuống không vào được làng tức lên, gầm gào cả đêm, kinh lắm. Rừng Kẽm bây giờ bị con người tàn phá quá nhiều. Phá cả rừng giết cả thú. Rừng Trà Linh có nhiều danh mộc như Gõ, Huỹnh, Dỗi, Sơn,... cũng cùng chung số phận. Theo họ với những gì tạo hóa ban cho xứ sở này, nếu trong vòng 3 - 5 năm đến không bị con người tàn sát thì chắc chắn cây rừng và muôn thú sẽ tái sinh. Nhân nhắc đến chuyện cọp khiến tôi nhớ lại ngày đầu tiên lên rừng Trà Linh với công việc của người điều tra thiết kế rừng thuộc Lâm trường Trà My, Ty Lâm nghiệp Quảng Nam - Đà Nẵng. Một tổ có 6 thằng ngủ chung trong căn lán tạm bợ làm bằng cây rừng bên dòng suối. Rừng đêm im ắng đến rợn người, chặp chặp có tiếng gầm gừ của thú rừng, hình như là cọp. Trước khi hành quân những người lính Trường Sơn năm xưa trang bị cho chúng tôi nhiều kinh nghiệm ngủ rừng. Nằm võng dứt khoát phải có mùng tức là bọc võng, nếu có cọp vào nó sẽ không biết cái đầu của mình ở đâu. Vậy thôi. Căn lán nhỏ, chật hẹp, 6 cái võng treo song song. Thằng nào cũng sợ nên muốn nằm giữa cho an toàn. Nhưng làm sao được. Cuối cùng phải bốc thăm. Nửa đêm thằng nằm ngoài cùng lẻn lẻn mở võng cột vào giữa. Thằng kế bên giật mình dậy thấy mình nằm ngoài lại lẻn lẻn mở võng cột vào giữa. Cứ thế... cứ thế... Đến sáng mai thức dậy cái lán nhỏ đêm qua chật chội lại thấy rộng thênh, 6 thằng nhìn nhau cười xòa. Nghe chuyện tôi kể nhà thơ Thái Bảo - Dương Đỳnh lại nhớ về huyền thoại rượu ở Hòn Kẽm Đá Dừng. Rừng yên. Cọp nhiều. Cọp thường hay qua lại các tảng đá rồi để lại tinh cọp. Lâu ngày chỗ đó lên rêu. Dân làng đi rừng thấy được xén mảng rêu ấy đem về ngâm rượu và có tên gọi là Thạch Tinh Tửu. Người Trà Linh hồi xưa cũng nghĩ ra cách làm rượu chuối thật lạ khi khoét vào Hòn Kẽm một lỗ lớn hình dáng hủ rượu rồi bỏ chuối mốc vào đó, bịt kín 9 tháng 10 ngày mới lấy về ngâm rượu và đặt tên là Cố Hương Tửu. Vì chuối là loại cây trồng luôn luôn có trong vườn nhà của mỗi người Việt Nam như là hình ảnh gắn bó thủy chung với quê hương.

Trong mỗi chúng tôi ai cũng giữ lại được cho mình nhiều khoảnh khắc thăng hoa để làm nên tác phẩm thơ, văn, nhạc, họa trước vẻ đẹp thiên nhiên mà tạo hóa đã ban tặng cho đất Quảng và tấm lòng sắt son của đồng bào các dân tộc thiểu số đầu nguồn sông Thu: “Thương em mà ngọn Đá Dừng/ Lòng tôi đã Kẽm dấu chưn lên Hòn/ Ánh trăng vàng ngập Thu Bồn/ Mùa màng bì bõm bãi cồn Cà Tang/ Trà Linh bóng núi giăng ngang/ Mắt môi Tí, Sé rỡ ràng núi non/ Dùi, Chiêng ai gõ mà mòn/ Tim tôi ai gõ mà khôn nguôi tình... Em lay mùa bắp trổ cờ/ Tôi lay Hòn Kẽm ngẩn ngơ Đá Dừng”. (HTP). Hà Giang cô gái trong đoàn thốt lên những lời hạnh phúc rằng mùa thu mát mẻ, nước sông Thu Bồn xanh ngắt một màu.Tất cả cùng chu du trên chuyến đò để chiêm ngưỡng cảnh đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên ban tặng. Máy ảnh của các anh phóng viên và điện thoại của mọi người làm việc hết công suất. Tiếng nói cười làm xao động cả một khúc sông. Kia là những vách núi cheo leo, đây là những hòn núi cao dài tưởng chừng như dừng ngang trước mặt... Những ai có mang trong mình một chút lãng mạn thì chẳng thể nào làm ngơ với trời mây non nước nơi đây. Lập lờ con nước buông trôi/ Ba chìm bảy nổi phận đời ngàn năm/ Chút gì vướng lại bên ghềnh/ Khi ta giã biệt bạn nguồn về xuôi...! Cùng tâm trạng với Hà Giang, Vũ Hùng chia sẻ Ta về Hòn Kẽm nhớ ai/ Đá Dừng che khuất sương mai ước dầm/ Mạn thuyền ai đợi bên sông/ Em tôi vội vã theo chồng về xuôi/ Nhớ em lòng những ngậm ngùi/ Trà Linh ơi để cho tôi đợi chờ. Cũng là nỗi đợi chờ, nhưng Hương Sen rất là con gái Ta mãi chờ nhau câu thơ lục bát/ Rắc xuống Thu Bồn dào dạt sóng reo/ Nghe nghiêng nghiêng bằng trắc níu lưng đèo/ Dùi Chiêng khua câu thương câu nhớ. Và anh bạn Ngôi Nhà Nhỏ của tôi đã nói thay lời chúng tôi như một niềm vương vấn sau cuộc đi Giữa chiều sông nước mênh mang/ Khúc tình ca nối Đồng Làng - Trà Linh.

H.T.P

Bài viết khác cùng số

Vườn không có nắng - Nguyễn Bá HòaMười bảy và mười ba - Võ Thanh Nhật AnhParis có gì lạ không em?(*) - Văn KhoaMùa đậu phộng - Y NguyênGió lay Hòn Kẽm ngẩn ngơ Đá Dừng - Huỳnh Trương PhátCó một cây lê nở đầy hoa trắng - Ngô Thị Thục TrangNhớ gió... - Trần Thanh ThoaDì tôi - Nguyễn Nho Thùy DươngThơ La Mai Thy GiaPhía bên kia giậu - Mai Thanh VinhHướng nào cũng từ tim anh - Hoàng Thụy AnhThơ Vạn LộcLời người mẹ có con tự kỷ - Thụy SơnCô đơn - Nguyễn Thị Anh ĐàoVầng trăng Đà Nẵng - Lộc Bích KiệmThơ Nguyễn Duy ThanhLầm lũi cuộc về - Phạm Tấn DũngTháng mười - Đinh Lê VũNhững câu thơ bất chợt - Xuân Hiệu7 bài thơ ngắn - Thanh QuếĐến Đà Nẵng, nhớ nhà thơ Thu Bồn - Đàm Chu VănNữ văn sĩ Canada gốc Việt vào chung kết giải Nobel thay thế - Trần Trung SángÂm nhạc Đà Nẵng 5 năm nhìn lại - Văn Thu BíchMái tóc người thương trong thơ Nguyễn Văn Long - Nguyễn Thị PhúHỒ SĨ BÌNH như bóng nhạn qua sông - Mai Hữu PhướcNhững thanh âm từ “Trong những lời yêu thương”(*) - Nguyễn Nhã TiênLưu Quang Vũ với quê hương Đà Nẵng - Bùi Văn Tiếng Sự dịch chuyển không gian văn học Việt Nam đương đại - Nguyễn Văn Hùng“Võ Hùng Vương’’ vở tuồng cổ đỉnh cao của nhà soạn tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh - Lê Công Phượng“Đà Nẵng chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha (1858-1860): Quá khứ và hiện tại”(*) - Bùi Văn Tiếng