Paris có gì lạ không em?(*) - Văn Khoa

15.10.2018

Paris có gì lạ không em?(*) - Văn Khoa

Con đường từ sân bay Charles de Gaulle đến Paris dài và đẹp. Hàng cây phong đang còn mùa lá, xanh ngát hai bên đường. Thành phố được mệnh danh là “kinh đô ánh sáng” chìm trong sương mù. Trời chớm thu, nhiệt độ ở đây khoảng 16 độ, trời mát nhẹ, dễ chịu. Thành phố vừa thức dậy trong tiếng chuông nhà thờ Đức Bà Paris ngân vang cùng ánh bình minh bắt đầu lấp lánh trên dòng sông Seine.

Xuôi dòng sông Seine

Lang thang các hiệu sách cũ nằm dọc những  đại lộ, tôi bắt gặp nhiều quán cafe xưa cũ. Các bạn đã từng nghe về những "Bouquinistes de Paris" chưa? Đó chính là những người chuyên bán sách cũ, một nghề khá phổ biến ở hai bờ sông Seine. Họ đã tạo nên một không gian vô cùng thú vị và độc đáo của Paris. Và đó cũng là một trong nhiều nét văn hóa để  UNESCO công nhận, bờ sông Seine là di sản văn hóa thế giới vào năm 1991.

Người Pháp thích ngồi ven đường, nhâm nhi rượu vang, nghe nhạc và nhìn thiên hạ thả bộ trên vỉa hè. Vài đôi tình nhân ngồi trên bãi cỏ xanh, nhả khói thuốc, mắt mơ màng nhìn về các du thuyền đang lướt nhẹ trên dòng sông. Dường như Paris vẫn còn nguyên nét cổ điển cho dù thời gian đã trôi đi hàng trăm năm. Chợt nhớ bài thơ của Nguyên Sa được nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ nhạc mấy chục năm về trước:

"...Paris có gì lạ không em?

Mai anh về giữa bến sông Seine

Anh về giữa một giòng sông trắng.

Là áo sương mù hay áo em...?"

Sông Seine được xem là “linh hồn” của Paris, thiếu nó, chắc thành phố sẽ không còn đẹp như người ta thường ngợi ca. Sông Seine dài 776 km, bắt nguồn từ cao nguyên Langres, chảy qua nhiều khu vực hành chính, nổi tiếng nhất là những đoạn sông chảy qua ba thành phố lớn: Paris, Rouen và Troyes. Truyền thuyết cho rằng, chính César gọi tên cho con sông này theo tên của một vị nữ thần thời cổ đại La Mã “Sequana”, chuyển qua tiếng Pháp thành “Seine”. Có lẽ vì thế, tại thượng nguồn của dòng sông có tượng nữ thần sông Seine, được sao chép lại từ một bức tượng của nhà điêu khắc François Jouffroy.

Dọc theo hai bên bờ sông là những công trình kiến trúc nổi tiếng cùng 37 cây cầu cổ, đặc biệc là cầu Pont Des Art (khóa tình yêu), tượng trưng cho tình yêu vĩnh hằng, treo đầy những ổ khóa của các đôi tình nhân đến từ khắp nơi trên thế giới. Cầu cổ nhất của Paris là cầu Pont Neuf, nối liền 2 nhánh lớn nhỏ của sông Seine, được xây dựng từ năm 1578. Tuy nhiên, cầu Alexandre III mới là cây cầu được đánh giá đẹp nhất có lối kiến trúc độc đáo với những hàng trụ đèn đường lộng lẫy.

Mua vé, chờ đợi chừng 15 phút, tôi bước xuống du thuyền. Nhân viên trên tàu lịch sự, luôn tươi cười hướng dẫn chu đáo hành khách. Tàu lướt nhẹ, nắng tháng 6 vàng ươm, thoảng chút gió mát từ mặt sông khiến dòng sông Seine đẹp như tranh vẽ. Một cụ già người Pháp ngồi bên tâm sự, thời điểm du thuyền thú vị và lãng mạn nhất là khi hoàng hôn buông xuống. Khi đó, tháp Eiffel, nhà thờ và lâu đài cổ kính, nguy nga hai bên bờ sông mờ dần trong sương mù như trong những câu chuyện cổ tích. Đặc biệt, trong những đêm hè oi bức, người dân Paris thường xuống thuyền để tận hưởng một không gian thoáng đãng, gió mát lồng lộng, thả hồn vào dòng chảy êm đềm và hiền hòa của dòng sông Seine.

Tháp Eiffel - Niềm tự hào của người Pháp

Tháp Eiffel vẫn đứng đó, cô đơn, trầm mặc bên dòng sông Seine đang lững lờ trôi về biển cả. Hơn 100 năm nay, hình ảnh nước Pháp và Paris gắn liền với công trình kiến trúc này, người ta không thể hình dung được Paris không có tháp Eiffel. Người Pháp tự hào về công trình này bởi ngoài ý nghĩa khoa học và kỹ thuật, tháp Eiffel còn là biểu tượng cách mạng về phương diện chính trị. Để kỷ niệm cuộc cách mạng Pháp, kiến trúc sư Gustave Eiffel và các đồng nghiệp của ông đã xây dựng tòa tháp bằng sắt giữa kinh đô ánh sáng. Công trình nổi tiếng thế giới này được khởi công vào năm 1887, khánh thành năm 1889 với sự có mặt của hoàng tử xứ Wales (sau này là vua Edward VII của Anh).

Tháp nặng 7.000 tấn, được ghép lại từ 2 phần riêng biệt. Phần móng được dựng trên 4 cột trụ và tòa tháp hình búp măng thon nhọn đứng trên phần nền vững chắc. Với chiều cao 300m, tháp được chia thành 4 tầng. Tầng mặt đất bao gồm 4 chân tháp, được xây dựng theo đúng với bản vẽ của kiến trúc sư Alexandre năm 1886, tạo thành một hình vuông lớn, mỗi cạnh dài 125m, cao 33,5m so với mực nước biển. Tầng 1 cao 57m, diện tích 4.200m2, có sức chứa khoảng 3.000 khách tham quan. Bao quanh tầng này là một hành lang chạy dọc phía ngoài, cho phép du khách có thể ngắm toàn bộ Paris qua các kính viễn vọng được bố trí khắp nơi. Độ cao của tầng một được đánh giá tương đối vừa phải bởi từ đây, du khách có thể xem cảnh vật phù hợp, không quá nhỏ hoặc quá lớn. Tầng 2 của tháp nằm ở độ cao 115,73m, quang cảnh ở độ cao này được đánh giá tương đối quang đãng, đủ để khách tham quan trải rộng tầm mắt, có thể quan sát những chi tiết của các công trình kiến trúc. Tầng 3 cao nhất với không gian khép kín để đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho du khách. Muốn lên đây, người ta phải lắp đặt một thang máy riêng với những tấm bảng chỉ dẫn giúp khách tham quan dễ dàng tìm thấy những lối đi. Từ tầng này, tầm nhìn xa có thể đạt đến 67 km, dưới mắt du khách, thành phố Paris hoa lệ trở nên nhỏ bé, đẹp như một bức tranh.

Tháp Eiffel được xây dựng để trở thành một biểu tượng của khoa học hiện đại như Eiffel đã nói: “Không chỉ là nghệ thuật kiến trúc hiện đại, nó còn là bức tranh phản ánh thời đại của khoa học và công nghiệp mà chúng ta đang sống” Tại thời điểm khánh thành, Eiffel là ngọn tháp cao nhất thế giới. Mãi đến năm 1930, tòa tháp Chrysler tại thành phố New York cao 1.046 feet (318 mét) đã dành ngôi kỷ lục này. Từ buổi ban đầu, người dân Paris chẳng ưa gì Eiffel, họ coi nó là “cái gai” văn hóa trong mắt. Các phương tiện truyền thông lúc bấy giờ nhận được nhiều bức thư, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ. Họ phản ứng, ngọn tháp không phù hợp với quy hoạch của thành phố, hủy hoại vẻ đẹp cổ kính của Paris. Chuyện kể lại, nhà viết tiểu thuyết Guy de Maupassant nói rằng, chẳng có cảm tình gì với Eiffel nhưng ông lại thường xuyên ăn trưa hằng ngày tại cửa hiệu bên trong tháp. Khi được hỏi tại sao vậy, Maupassant trả lời, đó là nơi duy nhất ở Paris  mà ông không phải nhìn thấy nó hằng ngày (vì ông ta đang ở bên trong nó).

Cho dù thế nào đi nữa, công trình kiến trúc này có nhiều khách đến thăm nhất thế giới, thu hút gần 7 triệu khách mỗi năm (75% trong số đó là từ các nước khác), mang lại doanh thu lớn cho Paris. Ngoài địa điểm du lịch thuần túy, Eiffel còn là trụ sở của nhiều tờ báo, bưu điện, phòng thí nghiệm khoa học, nhà hát và cả một sân trượt băng ở tầng 1. Người ta khuyên rằng, để ngắm nhìn toàn cảnh Paris, khách tham quan nên chọn ngày nắng đẹp, không lên tháp quá sớm vì buổi sáng ở Paris thường có sương mù, nên chọn buổi chiều lúc mặt trời lặn hoặc ban đêm. Từ năm 1985, tháp được lắp thêm một hệ thống chiếu sáng, tôn tạo vẻ đẹp và những đường nét kiến trúc tuyệt vời của tháp.

Khải Hoàn Môn - Biểu tượng của Pháp

Thả bộ dọc đại lộ Champs Elysees, tôi đến Khải Hoàn Môn, một kiến trúc lớn của Pháp, được Napoléon xây dựng ngay tại trung tâm thành phố Paris. Đây là công trình nổi tiếng, không chỉ bởi kiến trúc vòng cung lớn nhất thế giới mà còn là biểu tượng thiêng liêng bậc nhất, nơi chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại của lịch sử nước Pháp.

Khải Hoàn Môn nằm ở quận 8 của Paris, chính giữa quảng trường Charles de Gaulle (trước đây gọi là quảng trường Ngôi Sao), điểm giao nhau của 12 đại lộ, trong đó, Champs Elysees được vinh danh là đại lộ đẹp nhất thế giới. Khải Hoàn Môn cao 50m, rộng 45m và có bề dày 22m với phần móng sâu gần 9m dưới lòng đất. Mặt ngoài 4 trụ cột của Khải Hoàn Môn Paris trang trí bằng những phù điêu lớn, miêu tả các trận đánh nổi tiếng thời cách mạng tư sản Pháp và đế chế Napoléon, phía dưới có khắc tên những nhân vật quan trọng trong giai đoạn lịch sử đó.

Cuối năm 1805, sau trận đánh lẫy lừng và vang dội tại Austerlitz, Napoléon yêu cầu triều đình xây dựng một khải hoàn môn để vinh danh quân đội. Và đó cũng là lời hứa của ông với các binh lính rằng, họ sẽ trở về dưới cánh cổng khải hoàn. Viên đá đầu tiên được đặt vào đúng ngày sinh nhật của Napoléon (15/8/1806) nhưng tiếc thay, ông không còn cơ hội nhìn thấy công trình được hoàn tất do tiến độ thi công chậm trễ đến 30 năm sau, dưới thời trị vì của vua Louis-Philippe. Người hướng dẫn viên đi cùng nói rằng, ngay dưới vòm Khải Hoàn Môn là nơi an nghỉ của một người lính Pháp hy sinh trong trận Verdun. Sau đó, chính quyền tiến hành xây dựng mộ Chiến Sĩ Vô Danh tại đây để tôn vinh tất cả những người lính đã hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ nước Pháp. Năm 1923, tại buổi lễ kỷ niệm ngày kết thúc thế chiến, bộ trưởng chiến tranh André Maginot đã thắp “ngọn lửa thiêng” lần đầu tiên tại tượng đài. Kể từ đó đến nay, ngọn lửa này chưa bao giờ tắt, kể cả lúc Paris bị Đức Quốc Xã chiếm đóng vào những năm 1940-1944. Đến nay, nghi lễ tiếp lửa này tiếp tục được tiến hành vào 18h30 hàng ngày với sự tham gia của đại diện các hiệp hội cựu chiến binh Pháp và hội chữ thập đỏ. Ngày 14/5/2017, sau lễ nhậm chức ở điện Elysée, tân tổng thống Emmanuel Macron cũng đã tới Khải Hoàn Môn đặt vòng hoa tưởng niệm trước mộ Chiến Sĩ Vô Danh, đồng thời thực hiện các nghi lễ tiếp lửa. Người dân Paris tin rằng, ngọn lửa thiêng đó không bao giờ tắt, tượng trưng cho niềm hy vọng vào tương lai và niềm tin vào vận mệnh của nước Pháp.

Những bí ẩn trong nhà thờ Đức Bà Paris?

Rời Khải Hoàn Môn, tôi lang thang đến nhà thờ Đức Bà Paris (Notre Dame Cathedral), một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất của văn hóa Pháp, “báu vật" của Công giáo, tồn tại hơn 850 năm tuổi. Dưới sự chứng kiến của Đức Giáo hoàng Alexande III và vua Louis VII, nhà thờ Đức Bà, theo phong cách kiến trúc Gothic, được khởi công vào năm 1163 tại đảo Ile de la Cite nằm giữa dòng sông Seine. Đến năm 1350, sau 187 năm xây dựng, công trình mới chính thức hoàn thành. Đứng trước nhà thờ, tôi thấy rất đông du khách chắp tay trước ngực để cầu nguyện. Theo số liệu thống kê của cơ quan quản lý du lịch tại Paris, hằng năm có trên 14 triệu du khách đến đây. Có lẽ nhờ miễn phí vé vào cửa nên nhà thờ Đức Bà đứng đầu trong danh sách 61 công trình văn hóa được tham quan nhiều nhất tại Paris.

Về kiến trúc, mặt tiền của nhà thờ có ba lối vào, cổng “Đức Mẹ Đồng Trinh” (le Portail de la Vierge), cổng “phán xét cuối cùng” (le Portail du Jugement dernier) và cổng “Thánh Anna” (le Portail Sainte-Anne). Nếu như cổng “Thánh Anna” nói đến cuộc sống của Đức mẹ Maria và Chúa Giê-su ra đời thì cổng “Đức Mẹ Đồng Trinh” kể về cái chết của Đức mẹ Maria và giây phút bà lên ngôi nữ hoàng của bầu trời. Trên cổng “Đức Mẹ Đồng Trinh” một bức điêu khắc nói về sự tích Adam và Eva, nhắc nhở con chiên về tội lỗi của tổ tiên loài người. Nhìn về phía bên trái của cổng, tôi ngạc nhiên thấy một tượng thánh đang cầm đầu của mình trong tay. Khi được hỏi về điều bí ẩn này, hướng dẫn viên người Pháp giải thích, thánh Denis là người đã mang đạo Kitô từ Jerusalem về Paris vào năm 250. Với hành động này, ông đã phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình, bị chém đầu ngay trên đỉnh đồi Montmartre. Người ta kể lại rằng, sau khi bị tử hình, thánh Denis đã cúi xuống, bưng đầu của mình lên, đi khoảng 7-8 km về phía Bắc của Paris và ngã xuống. Và nơi ông mất đã trở thành địa điểm xây dựng nhà thờ Saint-Denis ngày nay. Thả bộ dọc theo phía Bắc của nhà thờ, tôi bắt gặp những tượng hình đầu thú quái dị. Một cụ già cùng đi nói rằng, các bức tượng này có khả năng xua đuổi ma quỷ và nhắc nhở những người gây tội lỗi rằng, địa ngục đang chờ họ. Thật ra, để giữ cho nền móng khỏi bị ẩm ướt khi trời đổ mưa, các kiến trúc sư ngày ấy đã cho xây dựng những máng nước hình đầu thú này (gargoyle) để dẫn nước từ mái nhà chảy xuống.

Bên trong nhà thờ Đức Bà rộng lớn, trang nghiêm. Những mái vòm nhọn, cao 33 mét, được xây theo kiến trúc Gothic nhằm giảm thiểu bớt trọng lượng đối với những bức tường. Nhờ đó, trong các lần trùng tu, người ta có thể phá tường, thay vào đó là những cửa sổ kính màu giúp cho tòa nhà được chiếu sáng, lung linh. Cánh ngang của nhà thờ còn lại cửa sổ hình hoa hồng, được xem là “báu vật” của nhà thờ, được lắp đặt vào thời trung cổ. Bông hồng phía Bắc có hình Đức Mẹ và Chúa hài đồng, xung quanh là những nhà tiên tri và các vị vua, bông hồng phía Nam là hình ảnh của Chúa Giê-su và 12 môn đồ cùng với các vị Thánh. Bông hồng phía Tây tượng trưng về sự lao động của loài người với 12 cung hoàng đạo, 12 tháng cũng như những hoạt động tương ứng với mỗi tháng trong năm. Bên góc trái phía sau cửa phía Tây Bắc là một cầu thang có 402 bậc dẫn lên tháp chuông, nơi treo một cái chuông lớn (tên gọ là Emmanuel) cân nặng tới 13 tấn.

Với kiến trúc cổ kính, tráng lệ giữa một Paris lãng mạn và trầm lặng, nhà thờ Đức Bà khiến cho đại văn hào Victor Hugo xúc cảm, viết và hoàn thành tác phẩm nổi tiếng "Thằng gù Nhà thờ Đức bà Paris" vào năm 1831. Ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thanh thoát của nhà thờ, tôi chợt nhớ đến Quasimodo, một thằng gù hoang dại, xấu xí, khốn khổ, mồ côi từ nhỏ, được người ta đưa về đây nuôi dưỡng và trở thành người đánh chuông nhà thờ. Khốn thay, những bi kịch bắt đầu xảy ra khi chàng yêu đắm say, điên dại nàng Esmeralda xinh đẹp, quyến rũ. Câu chuyện kết thúc họ được giải thoát, để lại những con đường còn vương mãi những cơn gió buồn xơ xác lòng người, một Paris trở lại trong yên bình với một tình yêu mãnh liệt đã vỡ tan.

Đồi Montmartre

Chiều nghiêng nắng vàng trên những mái nhà cổ. Phố xá nhộn nhịp, tấp nập, nhiều hành khách bước vội về công trường Place de Clichy, nơi có nhà ga xe điện ngầm (métro). Thả bộ dọc theo đường Caulaincourt, tôi ngang qua nghĩa địa Montmartre, nơi được xem là cõi thiên thu của giới văn nhân, nghệ sĩ nổi tiếng cùng những nàng vũ công tài sắc một thời của phố Pigalle, một khu giải trí ăn chơi về đêm của Paris.

Để đến Vương cung thánh đường Sacré Coeur Basilica (còn gọi là “Nhà thờ Thánh Tâm”), tôi men theo con đường dốc, quanh co, nhỏ hẹp, hai bên là những quán nhỏ bán hàng lưu niệm, tiệm tranh. Du khách tập trung rất đông tại công trường Place du Tertre (Tertre có nghĩa là đồi cao), nơi có rất nhiều họa sĩ đang miệt mài trước giá vẽ chân dung. Quan sát một họa sĩ, tôi thấy ông vẽ rất đẹp, giống cô gái người Ý đang ngồi làm mẫu. Một họa sĩ khác đang ngồi đọc báo chờ khách ngước nhìn tôi mỉm cười thân thiện. Ông nói rằng, một bức tranh khổ chừng (0,5 m x 0,7m) có giá từ 70 đến 100 euro (khoảng 2 triệu đồng) tùy cách vẽ. Nếu cẩn thận, trau chuốt, thời gian hoàn thành bức chân dung phải mất một giờ, còn nhanh, chừng nửa giờ là xong. Khi tôi hỏi số lượng bức tranh vẽ cho khách mỗi ngày, ông cười nói, trung bình từ 3 đến 4 bức vì họa sĩ ở đây rất đông nhưng khách hàng lại giới hạn.

Chia tay với người họa sĩ già, tôi bước vào khuôn viên nhà thờ Thánh Tâm, một công trình kiến trúc cổ xưa với màu trắng tinh khôi, vô cùng uy nghiêm và nổi bật trên đỉnh đồi Montmartre thơ mộng. Khoảng 200 năm về trước, Montmartre là khu ngoại ô của dân nghèo lao động Paris, nhiều văn nhân, họa sĩ về đây sinh sống, vẽ tranh và bày bán những tác phẩm của mình. Montmartre có nghĩa là “đồi tử đạo” (mount of martyrs) vì chính nơi đây, Thánh Denis và bổn đạo của ông đã bị hành hình vào năm 250 sau Công nguyên.

Theo một số ghi chép còn lưu lại, dự định xây dựng nhà thờ Thánh Tâm từ năm 1870, xuất phát ý tưởng của 2 nhà tư sản tại Paris là Alexandre Legentil và Hubert Rohault de Fleury. Họ rất sùng đạo, cho rằng Pháp thua trận vì đã mang tội lỗi. Chính vì lẽ đó, họ đề xuất xây dựng một nhà thờ để tỏ lòng thành tâm sám hối. Năm 1872, Đức Hồng y Joseph Hippolyte (Giám mục của Paris) chấp nhận lời đề nghị, chọn đồi Montmartre là địa điểm khởi công xây dựng nhà thờ. Năm 1873, ngài gửi thư đến Jules Simon (Bộ trưởng Bộ Văn hóa Pháp), thỉnh cầu được xây dựng một nhà thờ mới. Sau khi được phê chuẩn, khu đất để xây dựng nhà thờ trên đồi Montmartre được mua lại với giá 833.000 franc. Toàn bộ kinh phí xây dựng được quyên góp từ khắp nước Pháp. Cùng thời gian đó, Đức Giáo Hoàng Piô IX cũng gửi một chiếu thư đồng ý cho xây Vương cung thánh đường Sacré-Coeur, với ngụ ý đặt tước hiệu là Thánh Tâm Chúa Giêsu. Sau đó, hàng loạt nhà thờ lớn nhỏ được xây dựng khắp nước Pháp như nhà thờ ở Lộ Đức (Lourdes), nhà thờ Đức Bà Garde ở Marseille, nhà thờ Đức Bà Fourvière ở Lyon,...

Rời đồi Montmartre trong nắng chiều sắp tắt. Hoàng hôn buông dần trên những lối đi. Đường phố đã lên đèn. Tôi nghỉ chân tại một quán café lộ thiên trên bờ sông Seine lộng gió. Những cô gái Pháp mỉm cười thật vội, mắt mơ màng nhìn xuống dòng sông hiền hòa đang lững lờ trôi trong tiếng chuông chiều từ thánh đường ngân vang. Đã từ lâu rồi, Paris như hiện thân của một thiên đường với tất cả những gì lộng lẫy và kiêu sa nhất, niềm kiêu hãnh của người dân Pháp. Người ta có thể đến Paris với nhiều mục đích khác nhau, có người chỉ đến Paris trong vài ngày ngắn ngủi như tôi, có người ghé thăm nhiều lần trong nỗi nhớ như lời hò hẹn với tình nhân từ kiếp trước. Paris đẹp mơ màng, nồng nàn hơn trong tâm tưởng của người Việt khi đọc những bài thơ của Cung Trầm Tưởng, Nguyên Sa, nghe lại tình ca của Phạm Duy, Ngô Thụy Miên. Và một ngày nào đó, trong cuộc viễn du của đời mình, người ta vẫn còn nhớ đến Paris với công viên ghế đá, quán nhỏ âm thầm với ly rượu vang đỏ tràn ly như trong bài thơ “Mùa thu Paris” của Cung Trầm Tưởng, sau này được Phạm Duy phổ thành ca khúc nổi tiếng: 

“Mùa thu Paris

Trời buốt ra đi

Hẹn em quán nhỏ

Rưng rưng rượu đỏ tràn ly...

...Mùa thu nơi đâu?

Người em mắt nâu

Tóc vàng sợi nhỏ

Mong em chín đỏ trái sầu

Mùa thu Paris

Tràn dâng đôi mi

Người em gác trọ

Sang anh, gót nhỏ thầm thì...”

V.K

 

 (*) Lời trong ca khúc của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên

Bài viết khác cùng số

Vườn không có nắng - Nguyễn Bá HòaMười bảy và mười ba - Võ Thanh Nhật AnhParis có gì lạ không em?(*) - Văn KhoaMùa đậu phộng - Y NguyênGió lay Hòn Kẽm ngẩn ngơ Đá Dừng - Huỳnh Trương PhátCó một cây lê nở đầy hoa trắng - Ngô Thị Thục TrangNhớ gió... - Trần Thanh ThoaDì tôi - Nguyễn Nho Thùy DươngThơ La Mai Thy GiaPhía bên kia giậu - Mai Thanh VinhHướng nào cũng từ tim anh - Hoàng Thụy AnhThơ Vạn LộcLời người mẹ có con tự kỷ - Thụy SơnCô đơn - Nguyễn Thị Anh ĐàoVầng trăng Đà Nẵng - Lộc Bích KiệmThơ Nguyễn Duy ThanhLầm lũi cuộc về - Phạm Tấn DũngTháng mười - Đinh Lê VũNhững câu thơ bất chợt - Xuân Hiệu7 bài thơ ngắn - Thanh QuếĐến Đà Nẵng, nhớ nhà thơ Thu Bồn - Đàm Chu VănNữ văn sĩ Canada gốc Việt vào chung kết giải Nobel thay thế - Trần Trung SángÂm nhạc Đà Nẵng 5 năm nhìn lại - Văn Thu BíchMái tóc người thương trong thơ Nguyễn Văn Long - Nguyễn Thị PhúHỒ SĨ BÌNH như bóng nhạn qua sông - Mai Hữu PhướcNhững thanh âm từ “Trong những lời yêu thương”(*) - Nguyễn Nhã TiênLưu Quang Vũ với quê hương Đà Nẵng - Bùi Văn Tiếng Sự dịch chuyển không gian văn học Việt Nam đương đại - Nguyễn Văn Hùng“Võ Hùng Vương’’ vở tuồng cổ đỉnh cao của nhà soạn tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh - Lê Công Phượng“Đà Nẵng chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha (1858-1860): Quá khứ và hiện tại”(*) - Bùi Văn Tiếng