Sự dịch chuyển không gian văn học Việt Nam đương đại - Nguyễn Văn Hùng

15.10.2018

 Sự dịch chuyển không gian văn học Việt Nam đương đại - Nguyễn Văn Hùng

Sau 1986, đời sống văn học Việt Nam có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Sự giao lưu kinh tế, văn hóa, sự bùng nổ các phương tiện thông tin truyền thông gắn với nhu cầu hội nhập đã mở rộng không gian sáng tạo cho người cầm bút và kết nối tác phẩm của họ với cộng đồng độc giả trên khắp thế giới. “Ra đi” hay “trở về” được xem là nhu cầu tự thân để tìm kiếm những không gian viết và công chúng đọc mới. Đời sống văn học Việt Nam đương đại chứng kiến hai hiện tượng dịch chuyển không gian: những cuộc “trở về” đầy cảm xúc và giàu ý nghĩa của các thế hệ nhà văn đã, đang sinh sống ở nước ngoài; và sự “ra đi” để viết của các cây bút chuyên và không chuyên. Chính sự dịch chuyển này đã góp phần làm cho đời sống văn học Việt Nam đương đại trở nên đa dạng, phong phú, nhiều tiếng nói hơn bao giờ hết.

Không gian của hành trình “trở về”

“Trở về” có thể được hiểu theo nhiều khía cạnh: đó có thể là chủ đề trong sáng tác của các tác giả; là trở về Việt Nam sinh sống và tiếp tục sáng tác; và cũng có thể là sự trở về của những tác phẩm được viết, xuất bản ở nước ngoài (bằng tiếng Việt hoặc dịch từ tiếng nước sở tại).

Đầu tiên phải kể đến những cuộc trở về đầy cảm xúc và ý nghĩa của một thế hệ nhà văn vốn đã thành danh trong đời sống văn học miền Nam Việt Nam trước 1975. Trước khi sang định cư ở nước ngoài, tác phẩm của họ ít nhiều cũng đã được công chúng độc giả một thời yêu mến. Và nay, sau một thời gian vắng bóng, những sáng tác cũ và mới của các bậc lão thành được tái bản/xuất bản trong nước: Bình Nguyên Lộc (Ký thác, Những bước chân lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc, Hương quê), Lê Tất Điều (Đêm dài một đời, Những giọt mực), Nguyễn Mộng Giác (Sông Côn mùa lũ), Du Tử Lê (Tùy bút tuyển chọn, Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời, Giỏ hoa thời mới lớn, Khúc thụy du, Với nhau, một ngày nào), Kiệt Tấn (Người em xóm học, Em điên xõa tóc, Đêm cỏ tuyết, Lớp lớp phù sa), Tràng Thiên (Quê hương tôi, Tạp văn)... Với tâm niệm muốn tồn tại, không còn con đường nào khác là đưa văn học trở về với cội rễ của nó, các nhà văn đã bỏ qua những rào cản, định kiến, mặc cảm, để đưa những đứa con tinh thần của mình trở về với bầu khí quyển của chính nó - đất nước, văn hóa và con người Việt.

Sau thế hệ này, văn học Việt Nam ở hải ngoại chứng kiến sự trưởng thành vượt bậc của thế hệ cầm bút sau 1975. Họ là những nhà văn viết hoặc sinh sau 1975, tác phẩm của họ mang những hệ đề tài, chủ đề, cảm thức, lối viết mới. Khoảng mươi năm trở lại đây, dòng sách của các tác giả này được xuất bản ở Việt Nam khá nhiều, trong đó không ít tác phẩm được dư luận quan tâm và giới nghiên cứu, phê bình đánh giá cao; thậm chí có một số tác phẩm được vinh danh tại các giải thưởng thường niên ở Việt Nam. Có thể kể đến những tác giả tiêu biểu như Nguyễn Văn Thọ (Vàng xưa, Quyên, Vườn mộng, Hương mỹ nhân), Lê Ngọc Mai (Tìm trong nỗi nhớ), Đoàn Minh Phượng (Và khi tro bụi, Mưa ở kiếp sau), Lý Lan (Nơi bình yên chim hót, Chiêm bao thấy núi, Đất khách, Tiểu thuyết đàn bà, Miên man tùy bút, Là mình), Việt Linh (Chuyện mình và người, Chuyện và Truyện), Lê Minh Hà (Gió tự thời khuất mặt, Phố vẫn gió, Truyện cổ viết lại, Cổ tích cho ngày mới, Thương thế, ngày xưa...), Nguyễn Phan Quế Mai (Cởi gió), Hoàng Khởi Phong (Người trăm năm cũ, Những con chuột thời thơ ấu), Đỗ Quyên (Dòng hải lý), Nam Dao (Trăng nguyên sơ, Đất trời), Lệ Tân Sitek (Một mình trên đường, Ngã ba đường), Cao Huy Thuần (Thấy Phật, Chuyện trò, Sợi tơ nhện, Người khuân đá), Trịnh Y Thư (Người đàn bà khác), Như Quỳnh de Prelle (Buổi sáng phủ định)... Đặc biệt là hiện tượng Thuận, nhà văn hiện đang sinh sống tại Pháp có lượng tác phẩm xuất bản ở Việt Nam tương đối nhiều và được công chúng độc giả trong nước đón nhận nồng nhiệt: Paris 11 tháng 8, Chinatown, T mất tích, Thang máy Sài Gòn, Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư... Bên cạnh hệ đề tài và chủ đề đặc trưng của văn học di dân như tha hương sầu xứ, cô đơn lạc loài, thân phận con người, khác biệt văn hóa và nỗ lực hòa nhập, xung đột, mâu thuẫn và sự hòa giải, hóa giải; dòng văn học này còn mở rộng biên độ hiện thực từ góc nhìn đa chiều, lối viết tân kỳ như đề tài lịch sử, chiến tranh/hậu chiến, cuộc sống đô thị, nông thôn, đời sống trí thức...

Hiện nay ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam đã hình thành một đội ngũ người cầm bút đồng thời thuộc về hai nền văn hóa: văn hóa Việt Nam và văn hóa của nước mà nhà văn định cư. Họ sinh ra ở Việt Nam hoặc ở nước ngoài, có cha/mẹ là người Việt; lựa chọn tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc các thứ tiếng khác làm công cụ sáng tác. Đề tài, chủ đề, cảm hứng trong những sáng tác của họ mở rộng đến các vấn đề phổ quát của nhân loại về con người, nhân tính, bản ngã, thân phận, bản sắc... Chính sự lựa chọn này giúp các nhà văn hòa nhập vào dòng chảy của văn học ở nước họ đang định cư và được ghi nhận là nhà văn quốc tế. Không ít tác phẩm đặc sắc của những tài năng xuất phát từ đất Việt được dịch và đến với tay độc giả trong nước. Linda Lê, sinh năm 1963 tại Đà Lạt, cùng gia đình sang Pháp định cư năm 1977. Bà là một trong những nhà văn xuất sắc nhất của văn chương đương đại Pháp. Tác phẩm của bà được giới nghiên cứu phê bình đánh giá cao, được vinh danh ở nhiều giải thưởng quốc tế và được công chúng độc giả thế giới đón nhận nồng nhiệt. Tạp chí uy tín của Pháp Télerama đã đánh giá: “Linda Lê sở hữu biệt tài sáng tạo những kết hợp từ quý và hiếm, có khiếu đặc biệt với thứ ngôn ngữ bị lãng quên. Cũng như các nhân vật, từng từ ngữ của Linda Lê xuất hiện, thể hiện sự độc lập và độc đáo của mình. Đó chính là những điều tạo nên một nhà văn tài năng hiếm có”. Khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều tác phẩm đặc sắc của nữ văn sĩ Pháp gốc Việt đã được dịch sang tiếng Việt như: Vu khống (2009), Lại chơi với lửa (2011), Thư chết (2014), Tiếng nói (2017), Sóng ngầm, Vượt sóng (2018). Nam Lê, sinh năm 1978 tại Kiên Giang, ba tháng tuổi theo gia đình vượt biên sang Úc. Anh là gương mặt nhà văn trẻ nổi bật của văn học Úc với tập truyện ngắn đầu tay Con thuyền gây tiếng vang lớn khi giành nhiều giải thưởng từ nhiều quốc gia, được dịch ở Việt Nam năm 2011. Gần đây nhất là hiện tượng Viet Thanh Nguyen, sinh năm 1971 tại Buôn Ma Thuột, cùng gia đình di tản sang Mỹ năm 1975. Ông là nhà văn gốc Việt đầu tiên đoạt giải Pulitzer 2016 cho hạng mục Fiction (Hư cấu) với tiểu thuyết The Sympathizer. Tập truyện ngắn Người tị nạn là tác phẩm thứ hai của ông được giới phê bình Mỹ đánh giá cao ngay từ khi mới xuất bản, được dịch sang tiếng Việt năm 2017. Mỗi truyện ngắn là những câu chuyện về cuộc sống, tâm tình và thân phận của người tị nạn. Sáng tác của ông đã vượt qua ranh giới sắc tộc, bi kịch cá nhân, để chạm tới những vấn đề có tầm phổ quát về nhân sinh, phận người trước cơn biến động của lịch sử. Ngoài ra còn có thể kể đến những nhà văn gốc Việt nổi bật khác có tác phẩm dịch ở Việt Nam như: Kim Lefèvere với Cô gái lai da trắng, Elena Pucillo Trương với Một phút tự do, Vàng trên biển đá đen, Nuage Rose với Ba áng mây trôi dạt xứ bèo, Doan Bui với Người cha im lặng hay Isabelle Muller với Loan, từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng...

Bên cạnh sáng tác, đời sống văn học Việt Nam đương đại còn chứng kiến sự “trở về” của các nhà nghiên cứu phê bình văn học qua các công trình nghiên cứu và các dịch giả người Việt qua các dịch phẩm. Sự xuất hiện của Hoàng Phong Tuấn với các bài nghiên cứu, phê bình in chung trong các công trình nghiên cứu trong nước, Nguyễn Đức Tùng (Thơ đến từ đâu, Đối thoại văn chương, Thơ cần thiết cho ai); hay gần đây nhất Đoàn Cầm Thi với tập tiểu luận phê bình Đọc “Tôi” bên bến lạ và Thụy Khuê với công trình Phê bình văn học thế kỷ XX đã phần nào góp tiếng nói riêng khác trong đời sống nghiên cứu phê bình vốn phong phú, nhiều vẻ ở Việt Nam. Bên cạnh những bài viết, công trình giới thiệu, tổng thuật các hệ hình lý thuyết, các khuynh hướng lý luận, phê bình văn học ở phương Tây; từ góc nhìn bên ngoài, cùng khả năng vận dụng những hệ hình lý thuyết mới, các nhà phê bình, nghiên cứu còn soi rọi, nhận diện nhiều hiện tượng và vấn đề của văn học Việt Nam đương đại. Nhờ đó các hiện tượng văn chương trở nên mới lạ, khác biệt trong kinh nghiệm đọc của công chúng Việt Nam. Không chỉ “trở về” qua các sáng tác, công trình nghiên cứu, một số nhà văn còn lựa chọn cách “trở về” cùng các dịch phẩm. Nhiều tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng thế giới như Jean-Paul Sartre (Ngôn từ), M. Duras (Người tình), Doan Bui (Người cha im lặng), Jumvim Phraermn (Chó hoang Dingo hay là câu chuyện mối tình đầu), M. Kundera (Đời nhẹ khôn kham), J.K. Jowing (Harry Potter)... đến tay độc giả Việt qua bản dịch của Thuận, Lê Ngọc Mai, Trịnh Y Thư, Lý Lan. Họ được coi như những sứ giả văn hóa đưa các giá trị văn chương nhân loại đến với công chúng trong nước.

Công bằng mà nói, dù viết ở đâu, trong hay ngoài nước, các nhà văn vẫn cần độc giả, những người góp một phần quan trọng quyết định số phận lịch sử tác phẩm của họ. Mà độc giả tiềm năng nhất vẫn là từ trong nước. Có thể nói, sự trở về của các nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình bằng những con đường, cách thức khác nhau đã dự phần và tham góp vào đời sống, sinh hoạt văn học nghệ thuật nước nhà những năm gần đây. Đồng thời nó là biểu hiện cho chủ trương đường lối văn hóa văn nghệ rộng mở của Đảng: văn học Việt Nam ở hải ngoại là một bộ phận không thể tách rời trong nền văn học Việt Nam thống nhất. Và đó cũng là cách đời sống văn học nước nhà làm giàu hơn cho chính mình, góp phần nâng cao vị thế, hội nhập quốc tế.

Không gian của bước chân “ra đi”

Trong những năm gần đây, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế có xu hướng trỗi dậy mạnh mẽ, tác động không nhỏ đến đời sống văn học Việt Nam. Thế giới trở thành “ngôi làng/nhà toàn cầu”, cơ hội bước ra vùng đất mới ngày càng dễ dàng, khả năng tiếp cận thông tin của mỗi cá nhân từ đó mà nhanh chóng, thuận lợi hơn. Riêng với người cầm bút, đây không đơn thuần là sự dịch chuyển không gian địa lý, mà còn là sự mở rộng biên độ không gian sáng tạo. Lúc này, họ không những được tự do lựa chọn đề tài, chủ đề, thỏa sức thể nghiệm, tìm tòi lối viết; mà còn có thể “dịch chuyển bàn viết” của mình đến bất cứ nơi nào mong muốn.

Chúng ta chứng kiến không ít các tác giả chuyên và không chuyên do yêu cầu của công việc, học tập, gia đình hay qua những chuyến du lịch; bằng khả năng quan sát tinh tế, sự nhạy cảm sâu sắc, niềm hứng khởi nhiệt thành của người nghệ sĩ đã sáng tạo ra những trang viết “trên đường” đậm màu sắc du ký. Đây cũng là lúc văn đàn Việt chứng kiến sự nở rộ của thể loại phi hư cấu như du ký, tản văn, ký sự; và những tác phẩm hư cấu pha trộn màu sắc du ký.

Điều dễ dàng nhận thấy trong số những tác giả đạt dấu ấn và thành tựu ở thể loại du kí có nhiều cây bút quen thuộc với độc giả. Trước khi và đồng thời sáng tác du kí, họ đã sớm được biết đến với các tác phẩm hư cấu đặc sắc, có thể kể đến Hồ Anh Thái, Di Li, Phan Việt, Dương Thụy, Trang Hạ... Với Hồ Anh Thái, trong tư cách là nhà ngoại giao Việt Nam, ông đã sống và làm việc ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có nhiều năm nghiên cứu về Ấn Độ, Ba Tư. Nhờ những kiến thức thâm sâu của một tiến sĩ văn hóa phương Đông, cùng với sự nhạy cảm, tài hoa của người nghệ sĩ, ông đã sáng tạo nên những tác phẩm đậm chất du ký - văn hóa: Namaska! Xin chào Ấn Độ, Salam! Chào xứ Ba Tư, Người bên này trời bên ấy. Với Dương Thụy, những khóa du học tại Bỉ, Pháp, Anh..., sau đó là những vị trí làm việc tại các công ty đa quốc gia, không chỉ giúp chị trở thành một trong những cây bút trẻ có vốn tri thức dày dặn, mà còn đủ vốn sống để tiếp cận, sáng tạo về mảng đề tài mang dậm dấu ấn riêng chị: cuộc sống của giới sinh viên Việt Nam ở trời Âu. Các tác phẩm lấy bối cảnh nước ngoài của chị được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt, trong đó không ít bestseller như: Oxford thương yêu, Bồ câu chung mái vòm, Cáo già, gái già và tiểu thuyết diễm tình, Venise và những cuộc tình Gondola, Nhắm mắt thấy Paris, Cung đường vàng nắng... Phan Việt cũng là trường hợp tương tự. Chị đã từng học tiến sĩ tại Đại học Chicago, hiện tại đang là Giáo sư giảng dạy đại học tại Mỹ. Bộ sách Bất hạnh là một tài sản gồm Một mình ở châu Âu, Xuyên Mỹ, Về nhà là kết quả của những chuyến đi, sự nghiền ngẫm và đào xới bản thể đến tận cùng của nhà văn. Chị đã đưa người đọc tới hành trình của riêng mình - trở về với cội nguồn và trở về với bản thể tâm linh. Di Li và Trang Hạ cũng là hai tác giả đáng lưu ý, cùng với những sáng tác hư cấu, họ cũng đã thể nghiệm với thể tài du ký và nhanh chóng đạt được dấu ấn: Di Li (Đảo thiên đường, Nụ hôn thành Roma, Bình minh ở Sahara), Trang Hạ (Những đống lửa trên vịnh Tây Tử, Chồng xứ lạ).

Bên cạnh các nhà văn trên, đa phần những tác giả viết du ký là những người trẻ, ngay từ những sáng tác đầu tay, họ đã lựa chọn du ký và nhanh chóng đạt được thành tựu. Có thể kể đến những tác giả và tác phẩm tiêu biểu như: Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương, Bánh mì thơm, cà phê đắng (Ngô Thị Giáng Vân), Dưới nắng trời Âu (Hoàng Yến Anh), Nghìn ngày nước Ý nghìn ngày yêu, Phút 90++, Nước Ý, câu chuyện tình tôi, Hẹn hò với Paris (Trương Anh Ngọc), Hẹn hò với châu Âu (Bùi Mai Hương), John đi tìm Hùng (Trần Hùng John), Xách ba lô lên và đi, Giấc mơ Mỹ - đường đến Stanford (Huyền Chíp), Tôi là một con lừa, Con đường Hồi giáo (Nguyễn Phương Mai), Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ (Đinh Hằng), Đường còn dài, còn dài (Nguyễn Thiên Ngân), Lữ khách gió bụi xa gần (Tiến Đạt), Ngày đàng sàng khôn (Nguyễn Văn Mỹ), Từ rừng thẳm Amazon đến quê hương Bolero (Nguyễn Tập)...

Có thể nói, mỗi tác phẩm du ký là kết quả của hành trình đến với những miền không gian khác, lúc này cả thế giới được thu về trong một cái nhìn, một cảm nhận, một suy nghiệm riêng khác. Đi để viết, cũng là để trở về, vì vậy hệ đề tài, chủ đề, cảm hứng trong sáng tác của các nhà văn đương đại cũng có nhiều sự khác biệt so với văn học trong nước: bức tranh thiên nhiên, cuộc sống, văn hóa, con người của những vùng đất mà họ đặt chân đến; trải nghiệm cá nhân và nỗ lực kết nối; bản sắc và hòa nhập; vùng đất mới và niềm đau đáu quê nhà; shock văn hóa và ý chí vượt thoát; sự trở về với cội nguồn văn hóa và trở về với chính mình.

Không chỉ là những chuyến đi, trải nghiệm cá nhân, mà hằn trong mỗi trang viết là dấu ấn cá nhân, góp phần làm nên nét đặc sắc của nghệ thuật du ký đương đại. Hồ Anh Thái thâm sâu và dí dỏm, Phan Việt nữ tính và giàu suy tư, Di Li phiêu lưu và tươi trẻ, Trang Hạ mạnh mẽ và quyết liệt, Dương Thụy trữ tình và sâu lắng, Huyền Chíp gần gũi và phá cách, Trương Anh Ngọc sôi nổi và đam mê, Hùng John giản dị và hài hước, Phương Mai cá tính và phóng khoáng... Ẩn sâu trong đó là khao khát khám phá, dấn thân phiêu lưu cùng sự nghiền ngẫm, suy tư, tất cả được kết tinh trong thứ ngôn ngữ tự nhiên, giản dị, mộc mạc.

Viết du ký tưởng chừng dễ dàng nhưng viết cho hay thì lại vô cùng khó khăn. Người viết cần phải tránh xu hướng biến tác phẩm thành một cuốn cẩm nang du lịch, những ghi chép tủn mủn, rời rạc hay những cảm xúc, tâm trạng bất chợt, nông nổi. Cùng với xu hướng toàn cầu hóa, sự hỗ trợ của internet và công nghệ PR, những năm gần đây, thể loại du ký trỗi dậy mạnh mẽ, thu hút được một lượng độc giả tương đối lớn, song chưa trở thành một dòng chảy mạnh mẽ trong đời sống văn học đương đại. Không ít tác phẩm khiến người đọc phải hoài nghi về sự trung thực của người viết, tính xác thực của sự kiện và cái nhìn nghệ thuật. Một số tác phẩm chỉ mới dừng lại ở những trang ghi chép rời rạc, những cảm nghĩ hời hợt, thiếu chiều sâu nghiền ngẫm, suy tư, thiếu chiều rộng kết nối, khái quát, và chưa nhiều phẩm chất nghệ thuật, giá trị thẩm mỹ.

Để văn học du ký thoát khỏi định kiến về một thể loại “mì ăn liền”, dễ nhớ nhanh quên, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, đòi hỏi người viết không chỉ kỹ năng tồn tại, thích nghi với cái mới/cái khác, sự dấn thân, mạo hiểm, sự khao khát, khám phá; mà còn có độ dày văn hóa, độ sâu kiến thức. Tác phẩm không đơn thuần là sự miêu tả, kể lể mà cần trình hiện những suy tư, trăn trở về lịch sử, văn hóa; phân tích, luận giải những vấn đề của cuộc sống, con người, từ đó kết nối những miền không gian, những tâm thức trong một mối quan tâm chung. Có như vậy chúng ta mới hy vọng thể loại này có chỗ đứng lâu bền trên văn đàn cũng như trong lòng cộng đồng độc giả Việt hôm nay.

Có thể thấy, “trở về” hay “ra đi” như là hành trình dịch chuyển không gian sáng tạo của các thế hệ nhà văn và không gian tiếp nhận của độc giả Việt. Nhờ đó hệ đề tài, chủ đề và lối viết trong tác phẩm của các tác giả trở nên đa dạng, nhiều chiều; đồng thời, người đọc có cơ hội tiếp cận với những sinh thể nghệ thuật đặc sắc, mới lạ. Hai hành trình tưởng như đối nghịch nhau, song lại chung nguồn cảm hứng (quê hương và nỗi đau đáu quê nhà, bản sắc và hội nhập, nhân thân và nhân dạng, bản thể và phận người); và niềm khao khát khám phá, kiếm tìm cái mới, cái khác để vừa hội nhập với thế giới vừa khẳng định được dấu ấn riêng... Chính họ và tác phẩm của họ đã làm thay đổi quan niệm về nhà văn - chủ thể sáng tạo, tác phẩm - tạo phẩm thời đại, độc giả - người thưởng thức, đồng hành trong không gian toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Đi hay về chỉ là cái cớ để mỗi nhà văn trình hiện những nghiệm suy của mình về thế giới, đồng thời kiếm tìm, thể nghiệm những hình thức biểu đạt mới về cuộc sống và con người. Trong bối cảnh đổi mới và nâng tầm thế giới, những hành trình, những tiếng nói ấy đã góp phần làm đa dạng đời sống văn học nước nhà, đồng thời rút gần khoảng cách văn học Việt với văn học thế giới.

 

N.V.H

Bài viết khác cùng số

Vườn không có nắng - Nguyễn Bá HòaMười bảy và mười ba - Võ Thanh Nhật AnhParis có gì lạ không em?(*) - Văn KhoaMùa đậu phộng - Y NguyênGió lay Hòn Kẽm ngẩn ngơ Đá Dừng - Huỳnh Trương PhátCó một cây lê nở đầy hoa trắng - Ngô Thị Thục TrangNhớ gió... - Trần Thanh ThoaDì tôi - Nguyễn Nho Thùy DươngThơ La Mai Thy GiaPhía bên kia giậu - Mai Thanh VinhHướng nào cũng từ tim anh - Hoàng Thụy AnhThơ Vạn LộcLời người mẹ có con tự kỷ - Thụy SơnCô đơn - Nguyễn Thị Anh ĐàoVầng trăng Đà Nẵng - Lộc Bích KiệmThơ Nguyễn Duy ThanhLầm lũi cuộc về - Phạm Tấn DũngTháng mười - Đinh Lê VũNhững câu thơ bất chợt - Xuân Hiệu7 bài thơ ngắn - Thanh QuếĐến Đà Nẵng, nhớ nhà thơ Thu Bồn - Đàm Chu VănNữ văn sĩ Canada gốc Việt vào chung kết giải Nobel thay thế - Trần Trung SángÂm nhạc Đà Nẵng 5 năm nhìn lại - Văn Thu BíchMái tóc người thương trong thơ Nguyễn Văn Long - Nguyễn Thị PhúHỒ SĨ BÌNH như bóng nhạn qua sông - Mai Hữu PhướcNhững thanh âm từ “Trong những lời yêu thương”(*) - Nguyễn Nhã TiênLưu Quang Vũ với quê hương Đà Nẵng - Bùi Văn Tiếng Sự dịch chuyển không gian văn học Việt Nam đương đại - Nguyễn Văn Hùng“Võ Hùng Vương’’ vở tuồng cổ đỉnh cao của nhà soạn tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh - Lê Công Phượng“Đà Nẵng chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha (1858-1860): Quá khứ và hiện tại”(*) - Bùi Văn Tiếng