Âm nhạc Đà Nẵng 5 năm nhìn lại - Văn Thu Bích
Bên cạnh đó, các nhạc sĩ lý luận dù quá ít ỏi, song cũng có những đóng góp đạt hiệu quả nhất định cho phong trào với những tên tuổi quen thuộc như: Trương Đình Quang, Trần Hồng, Văn Thu Bích. Họ có nhiều bài viết và công trình nghiên cứu đạt giải cao, phục vụ công chúng có nhu cầu tìm hiểu về âm nhạc truyền thống, góp phần bảo tồn và phát huy nền âm nhạc dân gian của xứ Quảng.
Đối với lĩnh vực biểu diễn thì có những ca sĩ kỳ cựu trở về từ chiến khu lại tiếp tục có chân trong biên chế các đoàn văn công chuyên nghiệp như: Kim Oanh, Quốc Hưng, Trần An, Thanh Hoài, Thanh Mai, Mai Hốt... cùng các nghệ sĩ diễn tấu nhạc cụ như: Danh Thắng (violon), Lưu Học (đàn bầu), Linh Chi (đàn tranh), Mạnh Hùng (sáo trúc)... Đến nay, mặc dù đã lớn tuổi và ở nhiều cương vị khác nhau, song họ vẫn còn tiếp tục hỗ trợ được nhiều cho phong trào âm nhạc của địa phương. Sau lớp nghệ sĩ đàn anh này lại xuất hiện các giọng ca đầy nội lực như: Thanh Trà, Ngọc Lê, Quang Hào, Mỹ Nương, Thu Huyền, Ngọc Diệp, Thu Sương, Hà Bắc, Tiến Dũng, Thanh Yên, Lê Vân... cũng từng đạt các giải thưởng âm nhạc danh giá. Đà Nẵng còn có những tài năng âm nhạc trẻ nổi tiếng như: Mỹ Tâm, Kasim Hoàng Vũ, Tố Ny... nay đã trở thành ngôi sao ca nhạc trẻ vang tiếng cả nước. Đáng kể 5 năm qua có các tài năng âm nhạc thiếu nhi như: Hồng Minh, Tuấn Kiệt đã liên tục đạt giải quán quân The voice kids trong phạm vi cả nước.
Lĩnh vực đào tạo cũng được quan tâm, ngoài các lớp âm nhạc tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đà Nẵng thì nhiều cơ sở dạy nhạc do các nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiếu, Vĩnh Thuận, Nguyễn Văn Sơn... tổ chức cũng phát triển tốt. Tất cả những khởi sắc ấy đã phả vào đời sống âm nhạc của Đà Nẵng một luồng sinh khí mới, nhất là trong bối cảnh thành phố đang biến đổi từng ngày, đáp ứng nhu cầu thưởng thức âm nhạc của công chúng.
Một điểm sáng nổi bật là sau 40 năm hoạt động là nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa được bầu vào Ban Chấp hành của Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ 2015 - 2020. Điều đó đã góp phần gia tăng thêm trọng lượng tiếng nói của Hội Âm nhạc đối với cả nước để hoạt động của Hội thêm đa dạng, khởi sắc.
Hội Âm nhạc Đà Nẵng đã phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức các kỳ Liên hoan âm nhạc, Trại sáng tác và các kỳ kỷ niệm Ngày Âm nhạc 3/9 hằng năm rất thành công. Đặc biệt Đà Nẵng được Hội Nhạc sĩ Việt Nam chọn tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm đồng hành cùng dân tộc thật hoành tráng tạo ấn tượng sâu sắc cho người xem.
Đáng mừng là sự ra đời những tuyển tập ca khúc chung và riêng. Chỉ tính kể từ năm 2013 đến nay đã có hàng trăm ca khúc của nhạc sĩ Đà Nẵng được phát hành. Các Album chung lần lượt ra đời như: Tình yêu Đà Nẵng (2015), Nhịp thời gian (2017)..., các CD, MV cá nhân cũng góp mặt song song.
Có điều đáng suy ngẫm là hằng năm nhiều cuộc thi nhan sắc ở Việt Nam đều có hoa hậu, hoa khôi... thì vì sao lại có cuộc thi sáng tác ca khúc diễn ra tại Đà Nẵng rất nhiều năm mới tổ chức một lần lại không có giải nhất. Thật ra chỉ so sánh với các ca khúc trong cùng một cuộc thi, bài nào nổi trội nhất thì Ban Giám khảo nên thống nhất quyết định trao giải Nhất, việc trao giải Nhì không giải Nhất đã làm mất niềm tin cả với người tham dự lẫn công chúng, họ cho rằng do thiếu kinh phí hoặc hoài nghi do vấn đề nhạy cảm nào khác. Có nhiều ý kiến cho rằng với lý do ấy xem như cuộc thi chưa thành công trọn vẹn, thiếu tính thuyết phục. Cuộc thi sắp tới liệu có lập lại tình trạng ấy không?
Nhiều nhạc sĩ tâm huyết cho ra đời những đứa con tinh thần nhưng rồi sáng tạo ấy cũng lặng thinh trong ngăn tủ, bởi không có kinh phí dàn dựng để phổ biến tác phẩm đến với công chúng. Một nhạc sĩ muốn đưa tác phẩm của mình trình làng thì phải đầu tư dàn dựng phối âm, phối khí chỉnh chu, nếu thực hiện tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là không dưới 50 triệu một bài, chí ít ở Đà Nẵng cũng tốn trên dưới 5 triệu đồng. Trong khi giải thưởng một cuộc thi ca khúc cấp quốc gia phần lớn cũng chưa cao hơn 50 triệu, thì nói chi đến cấp thành phố. Phải chăng vì lẽ đó, nhiều đứa con tinh thần của các nhạc sĩ mãi nằm yên trong bộ sưu tập lặng lẽ của mình. Chưa có CD thành phẩm tốt có nghĩa là chưa được cơ hội ngân vang và lan tỏa. Đầu mùa hạ năm 2018, giới âm nhạc cả nước hân hoan đón nhận tin vui khi thành phố Đà Nẵng phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về Đà Nẵng sau 5 năm kể từ cuộc thi gần nhất. Tuy nhiên, bên cạnh đó là nỗi lo về việc gửi tác phẩm tham dự. Hầu hết các cuộc thi theo quy định phải được thực hiện CD chứ không chỉ là bản nhạc trên giấy như hàng chục năm trước đây. Đó cũng là một trong những cản trở cho các nhạc sĩ, họ càng đắn đo, cân nhắc khi tham gia.
Chính vì thế, có một số nhạc sĩ hiện nay theo khuynh hướng vừa sáng tác vừa mở phòng thu âm, sáng tác để không quên nghề và giữ được tiếng tăm, còn phối âm phối khí để có nguồn kinh tế trang trải cuộc sống. So sánh với hai đầu đất nước, có nhiều nhạc sĩ chỉ có vài ca khúc tạo tiếng vang trong giới mộ điệu lại nổi đình đám ở lĩnh vực sản xuất âm nhạc, viết nhạc phim, nhạc cho MV, video clip, bởi phần lớn không sống được bằng sáng tác ca khúc. Do đó họ phải đầu tư phòng thu, cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực phối âm - phối khí, các tên tuổi giỏi nghề này hiện diện chủ yếu ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, thâm niên như: Vy Nhật Tảo, Quốc Bảo, trẻ trung như: Dương Khắc Linh, Nguyễn Duy Hùng, Hoài An, Hoài Sa... Ở Đà Nẵng có các nhạc sĩ hoạt động lĩnh vực này lâu năm như: Xuân Minh, Trúc Lam, mới hơn là Cao Tâm, Nam Thắng... những nhạc sĩ này chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn phần lớn phải lo toan mưu sinh nhọc nhằn thì khó toàn tâm sáng tác cho ra đời những tác phẩm hay.
Có thể nói, việc truyền thông, quảng bá cho ca khúc là rất cần thiết. Hai năm qua chúng ta thấy rõ dường như trên các thành phố lớn vang bóng các live show từng nổi đình nổi đám. Họ đã đưa âm nhạc đến công chúng qua các live show quy tụ nhiều tác giả, đầy mới mẻ, giàu màu sắc. Nhiều ca khúc dù rất dung dị, không đạt chất lượng nghệ thuật cao song vẫn lôi cuốn người xem do đề cập tới câu chuyện đời thường kết hợp phương thức quảng bá đầu tư công phu như: Em gái mưa của Mr. Siro do ca sĩ Hương Tràm thể hiện, hoặc hai năm qua Hà Anh Tuấn, Lam Trường, Bảo Anh... đầu tư làm MV tốn kém nhiều tiền của để đưa tác phẩm âm nhạc và giọng ca của mình đến công chúng, bởi họ tin rằng một khi công chúng đã tìm kiếm thưởng thức các MV đơn lẻ của ca sĩ thì sẽ chờ đợi để khi các live show được tổ chức sẽ có nhiều người hâm mộ tìm đến sân khấu, tụ điểm nhằm tận mắt xem lại những thần tượng của mình trực tiếp trên sân khấu thể hiện ca khúc mình yêu thích. Phải thấy rõ phương cách truyền thông, quảng bá hữu hiệu sẽ giúp tác phẩm âm nhạc được phổ biến nhanh để tới gần hơn với công chúng. Sau khi ca khúc ra đời rất cần tâm lực của đạo diễn dàn dựng, ca sĩ cũng như thông qua các mạng xã hội như Face book, Youtube, Zalo....để công chúng có thể thưởng thức bất cứ lúc nào họ thích.
Tại Đà Nẵng cũng có một số nhạc sĩ đã dàn dựng các live show nhỏ tổ chức tại các phòng trà, câu lạc bộ để giới thiệu tác phẩm mới của mình như nhạc sĩ trẻ Nam An tại phòng trà Thanh Trà. Dù số lượng khán giả không nhiều, song đó mới thật sự là những người bạn yêu quý tác giả chân tình, muốn được nghe tác phẩm mới của nhạc sĩ. Bước đầu các chương trình này đã đạt những thành công nhất định.
Nhìn chung những gì mà các nhạc sĩ đã làm được trong suốt 5 năm qua, quả thật đáng trân trọng, đáp ứng được niềm khát khao thiết thực của công chúng Đà Nẵng trong cuộc sống đương đại. Nằm trong bối cảnh chung của cả nước với sự quan tâm hỗ trợ của Hội Nhạc sĩ Việt Nam thì sự phát triển của đội ngũ hoạt động âm nhạc Đà Nẵng trong 5 năm qua, là một điểm sáng đáng khích lệ và phát huy. Một thời kỳ mới lại tới. Chúng ta có thể tin tưởng rằng diện mạo âm nhạc thành phố Đà Nẵng sẽ còn rực sáng hơn nữa trong công cuộc đổi mới của đất nước, trước những dự báo tốt đẹp về bao đổi thay lớn lao của thành phố bên bờ sông Hàn thân thương.
V.T.B