“Đà Nẵng chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha (1858-1860): Quá khứ và hiện tại”(*) - Bùi Văn Tiếng
Phần lớn các tham luận gửi đến hội thảo lần này chủ yếu tiếp cận Cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858 từ góc độ Quá khứ. Có nhiều nhà khoa học tìm cách lý giải nguyên nhân dẫn đến Cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858, cũng có những tác giả tham luận tìm cách lý giải thất bại của nhà Nguyễn trong cuộc đối đầu Đông-Tây sau Chiến tranh Mậu Ngọ 1858, đồng thời cũng có những tác giả tham luận tìm cách lý giải nguồn sức mạnh của người Việt trong Cuộc chiến đấu dưới chân thành Điện Hải 1858-1860. Điều đáng trân trọng là nhiều tham luận đã đưa ra hoặc là những thông tin mới phát hiện, hoặc là những nhãn quan mới về các thông tin cũ thậm chí rất cũ. Ai cũng biết lịch sử chỉ diễn ra một lần còn viết lịch sử phải qua nhiều lần thì mới mong thu hẹp khoảng cách giữa lịch-sử-đang-được-nhận-thức với lịch-sử-đúng-như-vốn-có. Cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858 chắc cũng không phải là ngoại lệ, bằng chứng là tại hội thảo này đang có một số nỗ lực nhằm thu hẹp cái khoảng cách khó-tránh-khỏi-nhưng-không-nên-có ấy.
Trong tham luận Tướng Nguyễn Ân trong dân gian và trong sử liệu, Nhà nghiên cứu Hồ Trung Tú đến từ Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng hướng sự chú ý về một vị tướng đã ba lần được nhắc đến trong sách Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn, trong đó đáng nói nhất là lần thứ hai khi ông hy sinh ở đồn Hóa Khuê: “Tháng 11 năm 1858, quân Tây Dương đột nhiên đánh phá hai đồn Hóa Khuê và Nại Hiên. Hiệp quản là Nguyễn Triều, Nguyễn Ân hết sức đánh trả và chết trận. Các tướng Chu Phúc Minh, Đào Trí, Phan Khắc Thận, Nguyễn Duy chia quân đến cứu không kịp. Việc ấy tâu lên vua. Vua nói rằng: “Đồn lẻ một nơi, không quân cứu viện, đến nỗi thế này, bây giờ tìm đâu cho được người tướng như thế!”. Hai người hy sinh nhưng sở dĩ Hồ Trung Tú chỉ đề cập đến Nguyễn Ân, bởi trong quá trình đi điền dã ở Nghĩa trủng Khuê Trung hai mươi năm trước, Hồ Trung Tú được tiếp cận một thông tin mang màu sắc dân gian về ngôi mộ được cho là của tướng Nguyễn Trọng Ân hy sinh trong trận Hóa Khuê năm 1858. Theo Hồ Trung Tú, tướng Nguyễn Trọng Ân trong ký ức dân gian và tướng Nguyễn Ân trong sử liệu chỉ là một người, mặc dầu chính bản thân Nhà nghiên cứu cũng cho rằng điều này “đến nay vẫn chưa có đủ bằng chứng để có thể khẳng định một cách chắc chắn”. Trong khi chờ những chứng cứ xác thực hơn để giải quyết tồn nghi của lịch sử, Hồ Trung Tú đề nghị thành phố Đà Nẵng nên sớm đặt tên đường Nguyễn Ân như đã từng đặt tên đường Nguyễn Tri Phương, Lê Đình Lý, Đào Trí...
Một điều khá thú vị nữa là trong các cuộc hội thảo/ tọa đàm khoa học 1998, 2008, 2013 và cả cuộc hội thảo 2018 này, vẫn chưa có nhà khoa học nào phát hiện ra “trường hợp Tôn Thất Bá” trong suốt Cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858. Trường hợp đáng chê trách nhất và bị vua Tự Đức xử lý nghiêm khắc nhất ở đây là trường hợp Phòng triệt Hồ Đắc Tú chỉ huy đồn Hóa Khuê vì quá khiếp nhược nên đóng chặt cửa đồn không đem quân ứng cứu cho Thống chế Lê Đình Lý đang bị trọng thương trên chiến trường Cẩm Lệ - vì quá khiếp nhược không dám đem quân ứng cứu đồng đội chứ không phải vì phản bội Tổ quốc mà đầu hàng đối phương. Có thể khẳng định ở Mặt trận Đà Nẵng chống Liên quân Pháp và Tây Ban Nha từ đầu tháng 9 năm 1858 đến cuối tháng 3 năm 1860 không hề có “Tôn Thất Bá” như Cuộc chiến đấu bảo vệ Thành Hà Nội năm 1882 của Tổng đốc Hoàng Diệu. Ngay cả giáo dân Thiên chúa giáo trên địa bàn Đà Nẵng đương thời cũng không có ai đứng về phía quân xâm lược - không phải ngẫu nhiên mà Rigault de Genouilly đã phải báo cáo về Paris rằng: “Chính phủ đã bị lừa dối về bản chất của cuộc viễn chinh này (...) người ta đã dự đoán những khuynh hướng của dân chúng hoàn toàn trái ngược với thực tế”, bởi “giáo dân Việt Nam lại tỏ vẻ lạnh lùng với quân đội xâm lăng, chứ không nổi loạn như vài giáo sĩ đã tuyên truyền. Thái độ bất hưởng ứng của giáo dân đã phủ nhận lời tuyên bố của Giám mục Pellerin, quả quyết rằng người Pháp chỉ cần đánh bất cứ nơi nào ở Việt-Nam là giáo dân sẽ đáp lại bằng cách nổi dậy chống lại triều đình” như ghi nhận của GS. Nguyễn Thế Anh trong sách Việt Nam thời Pháp đô hộ.
Thành Điện Hải được xem là biểu tượng của Cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858 - một số nhà nghiên cứu từng gọi sự kiện lịch sử này là Cuộc chiến đấu dưới chân thành Điện Hải. Chính vì thế, khi tiếp cận Cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858 chủ yếu từ góc độ hiện tại, Thành Điện Hải đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. Điều đáng nói là đọc các tham luận tiếp cận Thành Điện Hải ở góc độ hiện tại, rất dễ nhận ra tác động tích cực của việc nâng hạng từ Di tích quốc gia lên Di tích quốc gia đặc biệt đối với tòa thành cổ này. Tư cách Di tích quốc gia đặc biệt đòi hỏi Thành Điện Hải phải được trùng tu theo đúng Điều 34 Luật Di sản văn hóa quy định “việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải giữ gìn tối đa yếu tố gốc cấu thành di tích”. Yếu tố gốc cấu thành di tích trong giai đoạn trước Cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858 có lẽ không có gì phải bàn nhiều; nhưng Thành Điện Hải giai đoạn bị người Pháp chiếm đóng và thay đổi công năng từ một tòa thành quân sự sang một cơ sở y tế với những công trình kiến trúc mới đã tồn tại cả trăm năm - mãi đến gần cuối thập niên 90 của thế kỷ trước mới bị triệt phá hoàn toàn, thì nên được xử lý ra sao cho phù hợp? Trong tham luận tại Hội thảo bàn “Giải pháp bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị di tích Thành Điện Hải” hồi cuối năm 2017, tôi từng đặt vấn đề “có nên phục dựng bệnh viện được người Pháp xây dựng vào đầu năm 1888 và nhà nguyện được người Pháp xây vào năm 1900 hay không?”, và theo tôi “sau khi xác định rõ vị trí hai hạng mục này, chỉ cần dựng ở đấy một tấm bia ghi dấu đối với mỗi hạng mục là đủ”.
Thành Điện Hải không chỉ là một di sản vật thể mà còn là một di sản phi vật thể, vì thế không chỉ đòi hỏi phải được trùng tu tôn tạo phục hồi theo hướng giữ gìn yếu tố gốc cấu thành di tích càng nhiều càng tốt, mà còn và quan trọng hơn là đòi hỏi phải trở thành một biểu tượng ngời sáng về lòng yêu nước và đức hy sinh trong tim các thế hệ người Đà Nẵng nói riêng, người Việt Nam nói chung. Chính vì thế không thể không suy ngẫm khi TS. Nguyễn Duy Phương và ThS. Đặng Thị Thùy Dương đến từ Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng trong tham luận Giáo dục truyền thống chống ngoại xâm trong trường học qua cuộc kháng chiến chống Liên quân Pháp-Tây Ban Nha (1858-1860) đã đưa ra một cảnh báo rất đáng quan ngại: “Dù đã có sự quan tâm của nhà trường phổ thông trong việc giáo dục truyền thống chống ngoại xâm cho học sinh qua những sự kiện liên quan đến cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha (...) nhưng sự kiện này cũng chỉ được giáo viên giảng dạy với những nội dung vắn tắt như sách giáo khoa, mà ít có điều kiện khai thác những sự kiện lịch sử tiêu biểu của địa phương, những câu chuyện, những nhân vật lịch sử liên quan đến cuộc chiến đấu của nhân dân ta tại chiến sự Đà Nẵng (...) thậm chí cũng có một số trường phổ thông không giảng dạy các tiết học về lịch sử địa phương, một số khác tuy có thực hiện nhưng còn khiên cưỡng, áp đặt, không tạo ra được những xúc cảm, rung động để giúp các em “nhập thân vào lịch sử” và rút ra được những bài học lịch sử quý báu cho bản thân từ những nội dung của sự kiện này”.
Tiếp cận Cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858 chủ yếu từ góc độ hiện tại, còn có thể kể tới một số tác giả tham luận tập trung bàn về sự phát triển Đà Nẵng trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hóa, trong đó đáng chú ý là PGS.TS. Đặng Văn Bài đến từ Hội Di sản văn hóa Việt Nam với tham luận Bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trong môi trường đô thị hiện đại của thành phố Đà Nẵng. Là ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia nhiệm kỳ 2015 - 2019, Đặng Văn Bài đề xuất phát triển du lịch bền vững ở Đà Nẵng trên nền tảng tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa; đồng thời khuyến cáo Đà Nẵng cần thận trọng với tài nguyên thiên nhiên: “với tư cách là một đô thị cảng biển giàu tiềm năng của khu vực miền Trung Việt Nam, không gian mặt tiền hướng ra biển của Đà Nẵng cần được suy xét một cách thận trọng khi phê duyệt quy hoạch phát triển đô thị - ở mặt tiền hướng ra biển như thế rất nên ưu tiên cho các không gian công cộng dành cho người dân đô thị và du khách trong và ngoài nước, đặc biệt phải hạn chế đến mức tối thiểu xu hướng lấn biển gây biến đổi cảnh quan, tránh bài học xấu đã có ở Hạ Long và Nha Trang”, đi đôi với nỗ lực làm phong phú thêm tài nguyên văn hóa bằng cách “tạo lập thêm các điểm nhấn nhân tạo là các không gian công cộng - công viên, quảng trường, tượng đài, di tích lịch sử - văn hóa, các địa danh lịch sử... - có chất lượng văn hóa cao để trong tương lai có thể trở thành di sản văn hóa”.
B.V.T