Viết cho những mùa xuân ở lại...

01.04.2010

Viết cho những mùa xuân ở lại...

TS. NGUYỄN ĐÌNH VĨNH

(Đọc Ký và Tuỳ bút của Nguyễn Đình An- NXB Đà Nẵng, 2008)

 
Trong 37 bài viết in trong tập Ký và tuỳ bút của Nguyễn Đình An, chỉ có 02 bài nhan đề trực tiếp nói về mùa xuân. Đó là, Đà Nẵng đêm trước mùa xuân và Có một mùa xuân như thế…Tuy vậy, số bài viết có dấu mốc liên quan đến mùa xuân thì cao hơn thế nhiều lần, cụ thể là 20 bài, chiếm tỉ lệ 54%. Điều đó đã phần nào thể hiện một ý niệm về thời gian nghệ thuật ở ngòi bút của tác giả.

Ký và tuỳ bút trước hết là cái nhìn của người trong cuộc về cuộc sống hôm nay, và đặc biệt là cuộc sống của những ngày tháng gian khó, khốc liệt nhưng anh dũng, hào hùng đã qua. Niềm thao thức để viết, theo tác giả, được bắt đầu từ mong ước “những dòng chữ, những mẩu tin, những bài báo…có sức mạnh như một cây chông, một loạt đạn tiêu diệt giặc thù, để có tờ báo đến với người dân như một sự hiện diện của cách mạng”(1), từ “sự thôi thúc từ cuộc kháng chiến thần kỳ đầy hi sinh của nhân dân đất Quảng…, của những người lãnh đạo đã dìu dắt những trí thức trẻ dấn thân vào cuộc trường chinh của dân tộc”(2)

Ký và tuỳ bút gợi lại hiện thực khốc liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của quân và dân xứ Quảng. Hiện thực mà trong độ lùi của thời gian đã trở nên khách quan và sâu lắng hơn. Ở đó, trong cái thế tương quan lực lượng thật không cân xứng, một bên là quân đội viễn chinh Mỹ và tay sai ngụy quyền với sức mạnh hùng hậu về kinh tế, về khí tài và những hệ thống khác phụ trợ cho chiến tranh: sân bay, đồn bốt, những chiếc máy bay B52, trực thăng, xe tăng, đại bác, pháo 410 ly, các loại bom mìn, chất độc hoá học, dụng cụ do thám điện tử, hàng trăm loại đồ hộp khác nhau (3); và phía bên này là những người chiến sĩ cộng sản vốn là trí thức, công nhân, nông dân và các giai tầng khác vì yêu nước mà giác ngộ theo con đường kháng chiến với tâm hồn thanh thản phơi phới một niềm tin  dù rằng cuộc sống lúc đó luôn phải chạy càn, chui hầm vất vả, căng thẳng, có khi tránh sự phát hiện của địch mà thấy ngày cũng dài như một thế kỷ vì “phải nằm im trong vạt tranh chịu cái nắng ong ong, hầm hập…mà không được làm gì, không được trò chuyện với ai tuy biết là các đồng chí vẫn ở quanh đây, chỉ cách 5, 7 mét”(4), những khi mà sự sống và cái chết được đo bằng ngày, bằng giờ, bằng những khoảnh khắc; với trụ sở cơ quan điều hành thì luôn di động, có khi là: “một vài hầm kèo chống pháo, vài ba hầm bí mật, còn bàn giấy là mấy viên tốp-lô xếp chồng lên nhau có khi được che bằng mảnh ni lông, mấy tấm tranh tươi, mấy tàu lá chuối; và máy chữ, bàn in rô-nê-ô, đài 15W có thể đặt ngay trên mặt đất”; có khi là “một hang đá khá rộng, cao, ở trong đó không sợ gì pháo. Lòng hang đầy những tảng đá mấp mô, những thân cây rừng nhỏ kết thành môt cái sạp lớn để làm việc” còn nơi làm việc “có khi là dưới bóng một bụi tre, một lùm chuối, một hàng keo; có khi phát những gốc sùi để có một khoảng rộng bằng 3,4 cái chiếu, rúc vào đó làm việc, phải buộc túm các ngọn sùi lại với nhau phòng khi lũ tàu gáo rà thấp, quạt mạnh thì cây không bị thổi tung lộ nơi ở” với thực phẩm là ngô, sắn, rau dền, khổ qua dại, hến, dộp và có khi là cả đồ hộp, cà phê hoà tan, ca cao, bành ngọt sôcôla thu được của địch(5). 

Trong cuộc chiến chống quân xâm lược và bè lũ tay sai này, ta cũng đã chịu rất nhiều tổn thất, thương vong. “Có khi trong mưa lụt, mọi hầm bí mật bị chìm trong nước, bọn địch dùng trực thăng, xe lội nước vây ráp mấy chỗ cao, nơi Việt Cộng phải dồn về. Nhiều trận thất thế, anh em mình thương vong và bị bắt nhiều lắm”(6). Có khi là những trận B52 với “những tiếng ầm ì vọng từ đâu đó trên trời rất cao. Bom hạng nặng đổ xuống, không một tín hiệu báo trước. Mặt đất rung lên dữ dội. Cây cối như bị những lưỡi dao bén quét đứt đổ rạp nghiêng ngả. Nhà cửa như bị san phẳng tan tành”. Có lúc “bom B52 trút xuống đúng khu cơ quan. 15 đồng chí hi sinh. 6 đồng chí ngủ trong một hang đá, bom nổ những khói đá lớn sập xuống, chôn vùi mãi mãi các đồng chí…Nhiều đồng chí chết vì sức ép của bom không còn mảnh quần áo trên thân. Nhiều đồng chí không có vết thương thực thể nhưng máu trào ra mũi, ra miệng, đến nay vẫn mang di họa trong người”. Rồi bom quét nổ trong ngày trước tết Mậu Thân ở Gò Nổi đã đưa Tân Nhân- một ký giả kịch trường, Văn Cận- nhạc sĩ và 07 đồng chí nữa mãi nằm yên trong lòng Đất Mẹ. “Cảnh tượng thê thảm đến mức những người sống sót phải đi lượm những gì còn lại của các đồng chí xếp lên một chiếc nong rồi mới xem lóng xương này, miếng thịt này có thể là của ai để khi chôn cất thi thể người hy sinh có thể gọi là đầy đủ”(7).

Lý giải về thắng lợi của cuộc chiến, Nguyễn Đình An đã đưa ra những nguyên nhân. Trước hết là có những người lãnh đạo quyết chí, thấu tình như Hồ Nghinh, Phạm Đức Nam, Phan Duy Nhân, Trương Chí Cương, Võ Bá Huân… với nét nổi bật là luôn ở phía trước, nơi gian khổ nhất, ác liệt nhất để động viên, chia sẻ, yêu thương đồng chí đồng đội, chỉ cho cấp dưới sức mạnh vô tận của nhân dân, cách nhìn ra lòng yêu nước, chất cách mạng của nhân dân ngay cả lúc ngoặt ngoèo nhất để từ đó dựa vào dân mà sống làm việc cho Đảng(8). Thứ nữa là có những người như chị Tính, cô xã đội trưởng gan dạ ngày nào đã nhiều lần một mình vào sào huyệt giặc diệt ác; có chị Năm một mình từ Tuý Loan vượt qua bao đồn bốt giặc để vào Gò Nổi, báo cáo mũi đấu tranh chính trị ở khu II Hoà Vang và nhận mệnh lệnh mới từ cấp trên; có chị Bảy ở Gò Nổi với cách hành xử kín đáo tế nhị: “Một lần chị đang tất bật sửa soạn mấy tô mì tô bún cho một đám đông khác, tôi (tác giả tập Ký và tuỳ bút, bấy giờ đang là một cán bộ tuyên huấn nằm vùng- N.Đ.V chú) ghé mua mấy thứ bên sạp tạp hoá. Nói là sạp cho oai chứ chỉ có chiếc chõng tre chân thấp, phủ miếng vải mưa bày đủ thứ hàng. Cô con gái nhỏ của chị, tính với tôi, “đường, sữa, cà phê cả thảy năm chục đồng”. Chị vừa múc nước nhân vào các tô mì vừa nhìn sang cô con gái, thấy tôi lấy tiền đưa trả, chị nói lớn “Bữa trước mẹ còn thiếu chú ấy bốn chục”. Tôi ngỡ ngàng giây lát “Chị có thiếu tôi hồi nào đâu?” rồi chợt hiểu “Chị kín đáo cho mình đấy”. Đưa mười đồng cho cô bé, lòng tôi rưng rưng một cảm xúc khó tả”(9), có chị Bảy ở Duy Xuyên “lấy những tấm gỗ tốt nhất của gia đình mình để làm hầm nuôi cán bộ, rồi tối tối khi anh em đã ngủ yên, chị đếm số võng cột trong nhà và số dép ở cửa hầm để tính số người ăn sáng lo nấu cơm, chẳng cần ai báo gì cả. Nhiều bữa cơm nấu chín rồi, chưa kịp ăn, được lệnh chống càn chị lại tất bật gói cơm cho từng người …Nhiều buổi địch càn, anh em chạy hết chị lại lui cui đi xem trong hầm, trên mái tranh, ngoài vườn có vương lại tài liệu, dấu vết gì không, rồi lo xoá hết”… Và điều quan trọng nhất là có bao người biết xả thân cho nghĩa lớn, biết hi sinh nhiều quyền lợi của cá nhân mình khi nghĩ về một ngày mai tươi sáng hơn: “Đến mùa thu hoạch, theo lời kêu gọi của Đảng, họ (những người dân Cơ tu- theo N.Đ.A) chỉ dành một ít lúa làm giống cho mùa sau, ngay giữa mùa suốt lúa họ cũng chỉ có vài ba bữa ăn cơm không độn, còn tất cả đều giao cho cách mạng. Và rồi họ, kể cả người già, người đau và trẻ em đều ăn sắn, hết sắn thì họ ăn rau rừng, không khi nào đụng đến một hạt gạo đã dành cho nuôi quân, đánh Mỹ”(10). Chính nhân dân với sức sáng tạo vô bờ mà không một ai có thể hình dung hết được, khi “ở gần Vĩnh Điện, mấy hôm sau khi được tin Bác mất, đi chợ các chị các mẹ ai cũng mua hương đèn. Mấy anh lính Sài Gòn chắc đã rõ vì sao vẫn cứ hỏi: “Mị thật, sao bà nào bữa nay cũng mua hương đèn”. Có mẹ đã nói, “mấy chú biết cả rồi, đâu chỉ có ở đây, khắp nước này, mấy hôm nay ai cũng mua như chúng tôi”. Có anh còn nói nhỏ với các mẹ “Bà có lập bàn thờ Cụ vái dùm cho tôi ba vái, xin Cụ thương cho tôi”. Ở quanh Đức Dục bà con bảo nhau mấy hôm đó mọi người đều đội nón trắng quai đen đi ngang qua đồn, vào chợ. Có anh lính Sài Gòn nói “Mấy bà này to gan thiệt, làm vậy mấy bà không sợ mang tội theo Việt Cộng à”. Có mẹ đã trả lời, “mắc mớ chi tui sợ, Cụ là Thánh, là Phật, cả thế giới ai cũng thờ Cụ. Mấy chú có muốn không dính bom đạn về với vợ con thì khấn Cụ, Cụ ban phước cho”(11).

Một nguyên nhân thắng lợi nữa, theo Nguyễn Đình An, đó là nhờ làm tốt  công tác tuyên huấn, dân vận- mà trong đó bản thân ông cũng là một thành viên. “Trong những ngày gian lao ác liệt ấy trái tim chúng tôi đập một nhịp với trái tim nhân dân, suy nghĩ của chúng tôi luôn theo một mạch với nghĩ suy của nhân dân, ngày đêm chúng tôi nung nấu quyết tâm để mỗi việc làm, mõi lời nói của mình đều hợp với lòng dân, đều vì dân” (12); “Hồi ấy chúng tôi làm công tác Tuyên huấn như vậy. Công tác của chúng tôi chỉ thực sự có ý nghĩa, có hiệu quả khi gắn kết với dân, khi đi vào cuộc sống của dân; đến với dân để làm công tác như một lẽ tự nhiên, như là tiếng gọi từ trái tim mình”(13);“làm cách mạng, làm tuyên huấn muốn tốt phải giữ được ngọn lửa, phải nghĩ cho ra những cách làm công tác tư tưởng sáng tạo, sắc bén, lay động lòng người”(14) và với ý nghĩ, “là Đảng vẫn còn nợ dân, nợ những người trung kiên chí cốt một lòng theo Đảng, chịu đựng bao gian khổ hy sinh”, biết và dám mạnh dạn thừa nhận những khuyết điểm trước nhân dân, bởi lẽ hiện thực cuộc sống thì vô cùng mà bản thân của mỗi người, của một đội quân-dù tiên phong đến mấy- thì vẫn luôn bị giới hạn; Cách mạng đang có bao nhiêu việc phải làm (và có những việc chúng ta làm chưa thật tốt); có khi do vô tình nhầm mà không biết, như việc tháo dỡ nhà bà Tám ở Gò Nổi để lấy gỗ cưa làm hầm nhưng vô tình cũng cưa luôn hai cây đòn rồng (cây gỗ tròn, thẳng, đường kính khoảng 10 phân, dài khoảng 4-5 m dùng để khiêng hòm đưa người đã mất về nơi an nghỉ cuối cùng- theo N.Đ.A) của thôn nhưng nhân dân vẫn thông cảm, bỏ qua cho “Thôi, nói để mấy anh biết, chớ các anh làm hầm là để sống mà lo việc lớn cho dân cho nước. Phải lo cho các anh sống đã, còn lo cho người nằm xuống, không có mấy cây đòn rồng đó, chúng tôi sẽ tính sau”(15), rồi việc một cán bộ trong lúc đi tìm ghè để cất giấu gạo, muối, giấy, mực rô-nê-ô cho cơ quan do vô ý đã làm thối cả ghè thuốc của người dân và người chỉ huy đơn vị ấy ghi lại giấy định đền bù nhưng chính người dân ấy đã có ý kiến “Tôi nói chuyện đó cho các anh biết, để các anh lần sau làm gì cũng phải cẩn thận. Chứ tôi đâu có đòi tiền các anh. Mà tôi nói thiệt các anh đâu có tiền. Tiền của các anh cũng là tiền của nhân dân”(16). Và chắc chắn còn bao nhiêu chuyện khác nữa, mà trong cái bối cảnh chiến tranh nhiều khi không-thể-khác-được ấy, nhưng nhân dân vì nghĩa vì tình vì công cuộc đại sự mà đã sẵn sàng tha thứ, bao dung. Nói điều ấy để thấy rằng, một khi nhân dân đã coi những người làm cách mạng là con, là anh em, là người đang dẫn đường cho họ tiến về phía trước thì tất cả những hành xử, những sẻ chia về vật chất và tinh thần đều được đặt trong trường quan hệ đó.

 Nguyễn Đình An cũng dành những trang viết của mình để ngợi ca sự đóng góp của những nhà khoa học xứ Quảng: Lâm Quang Thự trong ý thức xây dựng một nhà nước pháp quyền và tinh thần thượng tôn pháp luật; Hoàng Châu Ký- người thầy say sưa với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của tuồng; Chu Cẩm Phong với độ nhạy trước hiện thực cuộc sống và sự dấn thân của người cầm bút nơi chiến trường khốc liệt. Nguyễn Đình An cũng lý giải Hiện tượng Điện Quang trên những bước thăng trầm của người và đất.

Qua những trang sách, người đọc cũng đễ nhận ra niềm tin mà Nguyễn Đình An và những người cùng thời với ông muốn gởi lại cho tuổi trẻ hôm nay để làm hành trang trước lúc lên đường: “Vào thời khắc chuyển giao thiên niên kỷ, chúng ta thấy rõ giờ đây rửa cho được nỗi nhục nghèo nàn lạc hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nước ta với nhiều nước trên thế giới, đưa nước ta thành một nước có nền kinh tế tri thức, giữ vững độc lập chủ quyền dân tộc và có vị trí xứng đáng trong cuộc toàn cầu hoá là sứ mệnh thiêng liêng của thế hệ chúng ta, những người sống trong phút giao thừa ngàn năm có một này và đặc biệt là của thế hệ trẻ, những chủ nhân của thế kỷ 21”(17); “Hàng trăm năm với bao thế hệ nối tiếp đã lao động quên mình, chiến đấu hy sinh cho đất nước có cơ đồ ngày nay. Tất cả đang trao chuyền cho các bạn. các bạn là chủ nhân của cơ đồ ấy, của tất cả. Các bạn phải sống những ngày đẹp nhất và có trách nhiệm thiêng liêng làm cho đất nước này tiến vào những ngày đẹp nhất”(18); “mỗi chúng ta, những người đã sống trong thời đại oanh liệt nhất của Đà Nẵng và cả lớp lớp con cháu mai sau, chúng ta nói với chúng ta, nói với cuộc đời: không có một công trình tượng đài nào có thể nói đủ, nói cho hết vẻ đẹp kỳ vĩ và những hy sinh phi thường của các mẹ các chị các em, mỗi chúng ta hãy xây đắp tượng đài Mẹ trong lòng mình, tượng đài ấy mới chính bằng chất ngọc và mãi mãi trường tồn” (19).

Sức hấp dẫn của Ký và tuỳ bút ở chỗ, tác giả đã vận dụng một cách linh hoạt lời ăn tiếng nói của người dân nên tạo dựng được không khí tự nhiên, dân dã, gần gũi, phù hợp với bối cảnh của các câu chuyện kể; đã xen lồng nhiều tục ngữ, ca dao, thơ, những câu chuyện, những trang nhật ký, bút ký lồng trong chuyện, trong hồi ức tạo ra sự uyển chuyển cho mạch văn.

Sức hấp dẫn của Ký và tuỳ bút còn ở chỗ mạch thời gian chuyển đổi nhanh: Lúc ấy…lúc này …; thời khắc ấy…hôm nay…; với nhiều liên tưởng: Tôi nhớ, tôi còn nhớ, tôi nhớ mãi, nhớ ngày nào, một ngày tôi không nhớ rõ, tôi nhớ những ngày, chúng tôi luôn nhớ về, nhớ lại những ngày ấy, chúng tôi không thể nào quên, ở đây (Thái Sơn, Hải Nam-Trung Quốc)-nghĩ về Việt Nam, về thành phố Đà Nẵng…; với các số liệu được cung cấp một cách cụ thể tạo nên sự tin cậy; với câu văn thường dài gồm nhiều vế, nhiều ý tạo sự gợi mở và đặc biệt là nghệ thuật lặp có tác dụng nhấn mạnh (20).

Sức hấp dẫn của Ký và tuỳ bút còn nằm ở chỗ độ truyền và sự lan toả cảm xúc của tác giả. Có khi ẩn trầm trong giọng điệu, trong lời văn: “Đà Nẵng đang sống những đêm trước mùa xuân. Đà Nẵng đang lao vào một cuộc sống sôi sục, mãnh liệt khác hẳn cuộc sóng quay cuồng, rối rít, dưới ánh đèn nê-ông. Trong bước chân nhẹ nhàng của những tổ tự vệ nội thành, Đà Nẵng như nghe thấy tiếng nổ vang động, vang động hơn cả tiếng bom Lê Độ mùa xuân năm nào. Ở một phòng hẹp, mấy anh em học sinh đang mải mê in truyền đơn. Từ trong tiếng lật giấy sột soạt, khe khẽ, Đà Nẵng như nghe thấy tiếng vỗ cánh của những con chim báo bão đang bay về. Từ trong tiếng bàn bạc thì thầm dưới một mái nhà thợ nghèo, Đà Nẵng như nghe thấy ngàn vạn bàn chân rầm rập xuống đường, những con đường dẫn đến mùa xuân rực rỡ” (21). Có khi tạo sự vương vấn qua những câu hỏi cứ trở đi trở lại: làm thế nào, vì sao, tại sao, làm sao để, nếu như không…Có khi lại được lồ lộ theo cùng câu chữ: tôi tin rằng, tôi chú ý, tôi choáng ngợp, tôi thấy nhói trong tim, chúng tôi đứng lặng, chúng tôi đều sững sờ… Độ truyền và sự lan toả ấy dễ tạo nên những tiếng đồng vọng từ phía người đọc.

Gấp lại tập sách, tôi vẫn như thấy trước mắt mình bóng hình hiên ngang, khí khái rất Quảng Nam của chị Hồng, chị Bảy, chị Tính, chị Năm, của anh Ba Phước, anh Sáu Nam, anh Toàn, anh Tỉnh; tôi như nghe bên tai mình nhịp bước của trùng trùng các đội quân từ Duy Xuyên-Gò Nổi, từ Hội An-Hoà Hải, từ Thượng Phước-Hoà Vang…những đội quân vốn có tên và không tên đã làm nên những Mùa Xuân cho dân tộc; tôi như hiểu hơn về những trăn trở, hi sinh của bao lớp người đi trước để có được một Đà Nẵng hôm nay.

 
Những ngày giáp Tết Canh Dần
 

N.Đ.V

 

(1). Tờ báo ngày ấy-Sự hiện diện của cách mạng

(2). Nhớ ngày ấy, anh Nghinh và anh em báo chí Văn nghệ

(3). Thế kỷ mới, nói chuyện cũ

(4). Thượng Phước ngày ấy

(5). Thế kỷ mới, nói chuyện cũ

(6). Có một mùa xuân như thế

(7). Xin cảm ơn Chu Cẩm Phong

(8). Những người Mậu Thân

(9). Chuyện hai chị Bảy 

(10). Cảm nhận Quảng Nam-10 năm một chặng đường

(11). Thề mãi mãi là dân Cụ Hồ

(12). Thề mãi mãi là dân Cụ Hồ

(13). Ngày ấy, chúng tôi làm công tác tuyên huấn

(14). Nhớ về đại hội Đảng bộ Đặc khu Quảng Đà

(15). Những người Mậu Thân

(16). Thượng Phước ngày ấy

(17). Thế kỷ mới, nói chuyện cũ

(18). Ngày ấy, bây giờ

(19). Tượng đài mẹ trong lòng chúng ta

(20). Xin xem thêm ở các bài Ngôi chùa, con đường và những ước mong; Nơi ấy…

               Vũng Thùng; Niềm vui Hội An ở Tokyo

(21). Đà Nẵng đêm trước mùa Xuân