Chuyện vui về nhà văn Phan Tứ
Phan Tứ không chỉ viết văn mà còn là người mê âm nhạc. Khi còn là sinh viên Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn phân hiệu Trung bộ với dáng điển trai, tài hoa lại đàn giỏi, hát hay nên có nhiều người mến mộ.
Lúc bấy giờ Lê Khâm (Phan Tứ) có người bạn ở tổ tâm giao tên là Nguyễn Như An. Hai người kết bạn chơi với nhau rất thân. Khi Lê Khâm nhức mỏi mình mẩy, Như An trổ tài xoa bóp, điểm huyệt, anh rất thích thú. Ngược lại, Như An lại mê nhạc và Lê Khâm đã dạy An đàn, hát nhiều bài hát nổi tiếng lúc bấy giờ như “Trường ca sông Lô”, “Làng tôi”, “Thiên Thai” của nhạc sĩ Văn Cao, bài “Du kích sông Thao” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, bài “Hoan hô Ông Sư” của nhạc sĩ Tô Hải...
ANH KHÔNG TIẾP ĐƯỢC EM ĐÂU
Hồi còn học ở Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, Phan Tứ là người rất quý thời gian, nên ông đặt ra lịch làm việc hàng ngày và nghiêm khắc tôn trọng thời gian làm việc đã đặt ra.
Ngoài thời gian học tập, đúng 21 giờ hàng đêm Phan Tứ dành cho sáng tác. Và ông đặt ra kế hoạch là mỗi đêm phải viết được một số trang nhất định. Nếu đêm đó không viết đủ, thì dứt khoát hôm sau phải... viết bù.
Phan Tứ còn rạch ròi chia ra trong thời khóa biểu ngày nào mới là ngày ông cho phép mình được gặp hoặc "tiếp người yêu".
Một lần, nhân có việc tiện đường, cô bạn gái ghé vào ký túc xá thăm ông. Thấy bạn đến, Phan Tứ rất ngạc nhiên. Sợ mình nhầm, ông chạy vào xem lại thời khóa biểu rồi chạy ra nói với cô bạn: "Thời khóa biểu của anh là chúng ta sẽ gặp nhau vào chiều thứ bảy. Hôm nay là chiều thứ năm. Anh không tiếp được em đâu". (Theo Phạm Nhật Linh)
Phan Tứ là người có nếp sống chu đáo và biết phòng xa. Nhà văn Nguyễn Quang Lập kể rằng, lúc anh Phan Tứ làm Chủ tịch Hội Văn nghệ QN-ĐN, Hội có tổ chức một chuyến đi dọc sông Thu Bồn bằng thuyền. Chuyến đi ấy có khoảng vài chục người gồm anh em văn nghệ sĩ Bắc Trung
Đến khúc sông cạn, nước trong vắt, thuyền dừng lại giữa dòng để anh em tắm. Nhiều người nhảy xuống tắm, tắm xong leo lên bờ, lúng túng không biết thay áo quần ở đâu. Khi anh em lúng túng chuyện thay quần áo thì Phan Tứ chìa ra một cuộn vải với ba cái cọc móc sẵn cho mọi người làm cái quầy che tạm thay đồ. Anh em đều ngạc nhiên, thì ra Phan Tứ đã tiên đoán có vụ tắm sông này và đã “thiết kế” phòng thay áo quần này từ trước.
Đêm neo thuyền ven bờ ngủ lại men sông, Nguyễn Quang Lập, Bùi Minh Quốc, Thanh Quế, Cao Việt Bách, Thuận Yến, Nguyễn Trọng Oánh uống rượu tán phét rất vui. Giữa chừng hết rượu trong khi hãy còn thòm thèm. Rượu mang theo khá nhiều nhưng đoàn đông người, đi chơi hai ba ngày, anh Nguyễn Bá Thâm sợ hết rượu nên quản rất chặt.
Để cuộc vui được tiếp diễn, anh Nguyễn Quang Lập mò vào thuyền sờ soạng tìm rượu, chẳng may mò phải chân Ngô Thị Kim Cúc, thế là chuyện “trộm rượu” bị bại lộ.
Lập vừa ngượng vừa tức nhảy ra khỏi thuyền thì Phan Tứ gọi giật: “Lập Lập đây đây”. Phan Tứ dúi vào tay Lập một bình tông rượu đầy: “Rượu mình mang theo dự phòng đây”.
CANH TIẾN