Từ San Francisco nhìn về Đà Nẵng

01.04.2010

Từ San Francisco nhìn về Đà Nẵng

Ghi chép
 

Tôi có được may mắn đến Hoa Kỳ theo lời mời của Trung tâm Y khoa Saint Mary, bang Indiana. Trước lúc chuẩn bị tư trang hành lý lên đường, tôi sục vào Google tra cứu tình hình thời tiết tại đây. Hoa Kỳ đang mùa đông, nhiều bang nhiệt độ đang hạ dần và dự báo có tuyết rơi, nhiệt độ dưới độ không, có nơi âm đến 10 độ. Vậy mà khi đến nơi, ngấm với cái lạnh thấu xương để rồi lúc thoát khỏi những vùng tuyết trắng bay đến California thăm San Francisco thì thời tiết ở nơi đây lại khác hẳn, ấm áp, dễ chịu vì có nắng và cây cối xanh tươi, nhiều loại hoa đang đua nhau nở, nhất là hoa đào. Khác hẳn với các vùng tuyết trắng tôi đi qua, cây cối đang “ngủ đông” trơ trụi lá cành, khẳng khiu và gầy guộc. Người ta nói California là một Việt Nam thứ hai của cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Dạo chơi ở San Francisco tôi có thể chui ra khỏi cái tổ kén mùa đông của lớp áo khoác xùng xình mang theo từ vùng băng tuyết của Indiana, New York, New Jersey

San Francisco là một thành phố biển. Không biết đây có phải là thành phố đầu biển cuối sông như Đà Nẵng quê nhà hay không mà khi chạy xe lòng vòng tôi có cảm giác San Francisco cũng có những nét tương đồng như Đà Nẵng, nghĩa là cũng có sông, có cầu, có núi, có biển và dân số cũng chưa tới 1 triệu người như ở Đà Nẵng. Biển, núi, sông và những chiếc cầu mang lại cho thành phố những nét đẹp riêng và những điều kiện thuận lợi để sinh sống và phát triển.

Sáng sớm, khi sương mai còn lãng đãng, chúng tôi đổ ào ra phố lang thang. Một người mới đến đây lần đầu như tôi thì cái gì cũng  lạ, cái gì cũng muốn thấy, muốn hỏi và tất nhiên là muốn đưa máy hình lên chụp. Cho dù nhiều khi những bức ảnh chụp trong lúc đang rảo bước hoặc lúc xe đang di chuyển không cho những hình ảnh rõ nét, nhưng vẫn cứ thích chụp, dường như bấm máy là… sướng. Và thật là thú vị khi ngắm những căn nhà mà chỉ nhìn thấy vài chục tầng bên dưới, còn phần trên “ngọn” lẫn vào trong sương mù dày đặc như mây. Thành phố từ tầm thấp đến tầm cao chỉ hiện rõ dần khi nắng lên rực rỡ.

San Francisco là thành phố đông dân thứ  4 của bang California và đông dân thứ 14 của Hoa Kỳ. Đây quả thật là một thành phố vừa cổ kính, bởi những toà nhà xây dựng xa xưa, vừa tân kỳ bởi những con đường chằng chịt, xếp chồng lên nhau. Những con đường lớn đều là đường chạy xe một chiều, không có “chen lấn”, tranh đường và không có bóp còi inh ỏi. Giao thông trên đường phố rất là trật tự và nhất là tôn trọng các quy định của luật pháp.

Trên đường chỉ thấy toàn ô tô nối đuôi nhau chơi trò rồng rắn. Các xe chạy đều giữ đúng khoảng cách an toàn. Nhiều nơi có bảng quy đinh tốc độ chạy. Những con đường lớn được đánh số và hướng đi đông nam tây bắc. Các con đường nhỏ trong các khu dân cư ghi tên đường và số nhà rõ ràng và có thể quan sát được từ xa. Đi qua nhiều đường phố cũ và mới không hề thấy có số cũ, số mới lẫn lộn. Nhà cửa được xây dựng chỉn chu, nhiều khu đều như đếm, đẹp như vẽ. Việc quy hoạch và xây dựng đường sá, nhà cửa hợp lý và mang tính khoa học rất cao.

Như những du khách khác khi đến San Francisco, tôi đi thăm cầu Golden Gate (còn gọi là cầu Cổng Vàng hay cầu Kim môn). Đây là chiếc cầu nổi tiếng vào bậc nhất thế giới và là biểu tượng của thành phố San Francisco, giống như cầu quay sông Hàn đang dần trở thành biểu tượng của Đà Nẵng vậy. Người bạn rất nhiệt tình đánh xe đưa tôi đi. Anh ta là dân địa phương, cũng là người rất “mê” chiếc cầu, nên không gọi Golden Gate là cầu, mà gọi là Nàng. Đúng là một người sành điệu, rất nghệ thuật, anh ta đã cho tôi ngắm nhìn Nàng từ mọi góc độ khác nhau, trong những không gian, thời gian khác nhau. Nàng đẹp thật, có thể nói không ngoa là Nàng đẹp đến mê hồn. Nhiều người bảo rằng đến San Francisco mà chưa đến thăm Nàng là xem như chưa đến San Francisco. Điều này với tôi quả thật là không sai tí nào.

            Lúc đứng trên cầu, cũng như khi xe leo lên tận trên đỉnh núi để nhìn toàn cảnh cầu Golden Gate , tôi nhớ về cầu quay Sông Hàn, cầu treo Thuận Phước. Đây cũng là những chiếc cầu gắn liền với sự phát triển của một thành phố và xa hơn nữa là sự phát triển của đất nước, cũng giống như cầu Golden Gate gắn liền với sự phát triển của thành phố San Francisco và của Hoa Kỳ.

            Ở Đà Nẵng, nếu đứng từ lưng chừng núi Sơn Trà, trước sân chùa Linh Ứng mà ngắm nhìn cầu Thuận Phước, nhất là khi mặt trời đang dần tắt, thì tôi đoan chắc rằng không gian Đà Nẵng lộng lẫy nào có thua kém chi ai. Đỉnh núi nơi tôi đứng nhìn Golden Gate là một loại núi… trọc, gần như chỉ thấy toàn là cỏ khô màu vàng nhạt. Tôi thì chỉ thích biển xanh và núi cũng xanh xanh thôi.

            Khi đi thăm Golden Gate tôi chợt nhận ra một điều, người ta đến San Francisco gần như là để ngắm…cầu, bởi nơi đây, tôi gặp nhiều người đến từ các quốc gia khác nhau. Tôi ao ước một cầu quay Sông Hàn, một cầu treo Thuận Phước cũng có được điều đó. Tại sao tôi lại không ước mơ như thế nhỉ?

            Một buổi tối, từ góc trời xa xăm giữa một vùng tuyết trắng, tôi không nén nổi mừng vui đi “khoe” với mọi người cái thông tin mà tôi vừa đọc trên Báo Đà Nẵng online rằng Đà Nẵng đang mời một nhà kiến trúc danh tiếng vào bậc nhất của Hoa Kỳ hiện nay tham gia công việc quy hoạch đô thị Đà Nẵng. Đó là bà Kathrin Moore, hiện ở San Francisco từng có 37 năm trong nghề thiết kế và quản lý dự án quy hoạch đô thị đến khảo sát và thiết kế ý tưởng điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng cho đến năm 2025. Đây quả là một tín hiệu vui nhờ ở sự năng động, dám nghĩ dám làm của các lãnh đạo Đà Nẵng. Đà Nẵng sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, đẹp hơn, hợp lý hơn và khoa học hơn khi có sự chung tay mang tầm cao của thời đại. Hy vọng tài năng của người kiến trúc sư danh tiếng này sẽ để lại những dấu ấn khó phai mờ tại thành phổ biển miền Trung nồng nàn gió biển này.

 
San Francisco - Đà Nẵng 02/2010

MAI HỮU PHƯỚC