Vấn đề xây dựng nhân vật lịch sử trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh
1. Tiểu thuyết Hồ Quý Ly xuất bản lần đầu vào năm 2000, lập tức trở thành một hiện tượng văn học được dư luận tập trung chú ý. Nhà xuất bản Phụ nữ đã nối bản và tái bản nhiều lần. Tác phẩm đoạt một lúc ba giải thưởng: Giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết 1998 - 2000 của Hội Nhà văn Việt
*
2. Như chúng ta đã biết, “Tiểu thuyết lịch sử hiểu theo nghĩa chung nhất là tiểu thuyết về đề tài lịch sử” (1). Đó là một thuật ngữ dùng để phân biệt giữa các tác phẩm lịch sử biên niên thông thường do nhà sử học hoặc người khác viết để kể về các biến cố lịch sử, nhân vật lịch sử, với tác phẩm văn học nghệ thuật sáng tác về đề tài và nhân vật lịch sử.
Trong thực tế sáng tác về đề tài này, từ trước đến nay, việc nên quan niệm lịch sử trong tiểu thuyết như thế nào vẫn còn nhiều ý kiến bàn luận. Lịch sử, vốn được xem là những gì thuộc về quá khứ, là những gì đã qua, đã hoàn tất, đã xảy ra, đã đóng khung lại và mặc nhiên cũng không thể thay đổi. Vậy thì cái quá khứ đó trong tiểu thuyết nói riêng, trong sáng tác văn học nói chung so với hiện tại nên có khoảng cách là bao lâu? Có nên hình thành một ranh giới, mà tiêu chí để xác định ranh giới đó vốn cũng rất mong manh, đó là quãng cách thời gian. Liệu một tác phẩm, một tiểu thuyết viết về những gì đã qua nhưng diễn ra chưa lâu hoặc quá gần thì hiện tại có được xem là một tiểu thuyết lịch sử hay không? Hay là chỉ có những tác phẩm viết về một quá khứ đã xa, có độ lùi thời gian thích hợp và thỏa đáng để kiểm chứng, khi mà “con người hiện tại được thừa hưởng (hoặc phải chịu đựng) như một thắt buộc định mệnh của quá khứ trong khi họ hoàn toàn vô can với nó” (2) mới có thể xem là một tiểu thuyết lịch sử đích thực? Chỉ biết rằng, “lịch sử là cái cần được tôn trọng, thậm chí kính cẩn; “khoảng cách sử thi” (một khái niệm của M. Bakhtin) là cái bất khả tư nghị, không thể và cũng không nên vượt qua hay thu hẹp lại” (3).
Hiểu như vậy, chất liệu lịch sử có thể sẽ là tấm gương soi chiếu tính chính xác và độ tin cậy của sự kiện lịch sử được nói đến trong tác phẩm. Điều đó tưởng như nghịch lý với bản chất của nghệ thuật là sáng tạo. Tuy nhiên sẽ không còn mâu thuẫn nếu hiểu rằng, lịch sử tồn tại trong một tiểu thuyết được tôn trọng ở mức độ tinh thần của lịch sử. Cũng có nghĩa là “những sự thật - chân lý dưới dạng thức tư tưởng về hiện thực, về đời sống, về lịch sử, toát ra từ toàn bộ cấu trúc của bức tranh” (4). Do vậy, một nhà tiểu thuyết không phải đóng vai một người bê nguyên xi những gì đã diễn ra vào trong tác phẩm, làm như vậy thì tiểu thuyết đó sẽ chẳng khác nào bộ xương khô, và người đọc sẽ tìm đến những bộ sử đồ sộ của các sử gia hơn là mất thời gian đi tìm rải rác trong một tác phẩm văn học vốn lệch chuyên ngành. Nhà tiểu thuyết chỉ mượn lịch sử, viết về một nhân vật lịch sử, một sự kiện lịch sử, một thời đại lịch sử để thông qua đó gửi gắm bức thông điệp của mình, có thể là một lời nhắn gửi, dự báo, bày tỏ thái độ với quá khứ, hiện tại hoặc tương lai của con người. Và hơn hết, nhà tiểu thuyết có quyền và có khả năng thổi linh hồn vào lịch sử, là người sáng tạo ra "lịch sử thứ hai" theo ý đồ nghệ thuật của mình. Ở góc độ này yếu tố được đề cao chính là tính chủ quan trong sáng tạo nghệ thuật. Nhờ cái quyền đó mà nhà tiểu thuyết có thể làm sống lại bức tranh về một thời đại đã qua mang dấu ấn của riêng mình, bức tranh đó sẽ khác với tất cả bức tranh của những nhà tiểu thuyết khác.Và cũng với quyền lực của một nhà văn, anh ta có quyền lấp đầy những chỗ trống, những khoảng trắng của lịch sử bằng những chi tiết hư cấu, bằng việc “huy động tối đa năng lực tưởng tượng” (5) rằng nhân vật này có thể nói năng ra sao, suy nghĩ như thế nào, bằng cách đưa ra lý giải của riêng mình về những điều còn nghi vấn, và cả những điều mà cha ông còn chưa nói rõ cho hậu thế. Đó cũng chính là đặc trưng của một tiểu thuyết lịch sử.
Để làm được cái công việc đầy thách thức, khó khăn nhưng cũng vô cùng quyến rũ là “phục sinh quá khứ”, nhà tiểu thuyết trao sứ mệnh cho nhân vật, mà chủ yếu là hình tượng con người trong tác phẩm. Với một tiểu thuyết lịch sử, nhân vật thường tồn tại cả hai dạng: những nhân vật có thật trong lịch sử và nhân vật hư cấu. Kiểu nhân vật thứ nhất là tất yếu đối với một tiểu thuyết viết về đề tài lịch sử, kiểu nhân vật thứ hai là tất yếu đối với một tiểu thuyết. Và ngay cả đối với kiểu nhân vật có thật, thì nhà văn vẫn phải sử dụng hư cấu tưởng tượng để cấp cho nhân vật một tâm hồn, một tính cách, một số phận, một gương mặt đời. Bởi điều quan trọng nhất, trước khi là nhân vật của một tiểu thuyết lịch sử, đó phải là nhân vật của một tiểu thuyết. Mặt khác, đối với kiểu nhân vật thứ hai, dù trí tưởng tượng của nhà văn có bay bổng đến đâu cũng không thể thoát ra khỏi không khí lịch sử mà nhà văn đã xác định để tái tạo lại trong tác phẩm, tức là nhân vật ấy phải mang được màu sắc lịch sử của thời đại mà nhà văn mô tả. Ở đây có thể dùng hình ảnh cánh diều và mặt đất để so sánh. Cánh diều có thể bay vút là hư cấu của nhà văn, mặt đất là sự thật lịch sử. Dù chỉ nối với mặt đất bằng một sợi dây mỏng manh thôi, nhưng phải có sợi dây ấy cánh diều mới theo gió vút cao lên bầu trời được.
Từ cơ sở lý luận trên đây, có thể thấy được tiểu thuyết lịch sử Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh đã xây dựng được một thế giới nhân vật sống động.
*
Sự có mặt của những nhân vật có thật trong lịch sử là tất yếu đối với bất cứ một tiểu thuyết lịch sử, bởi vì mỗi thể loại đòi hỏi kiểu nhân vật nhất định cho riêng nó. Hồ Quý Ly cũng không phải ngoại lệ. Tác phẩm có đến gần trên dưới năm mươi nhân vật có thực đã từng tồn tại trong lịch sử dân tộc. Từ nhân vật trung tâm Hồ Quý Ly đến hình ảnh những vị vua cuối cùng cả nhà Trần: Trần Nghệ Tông, Trần Phế Đế, Trần Thuận Tông, Trần Thiếu Đế; những bà hoàng như Đôn Từ hoàng phi, Minh Từ hoàng phi, công chúa Huy Ninh, hoàng hậu Thánh Ngẫu…... đều được khắc họa theo đúng vị trí thực trong lịch sử và quan hệ thân tộc. Những vị tướng lĩnh tài ba thời Trần giữ nhiều chức vụ quạn trọng trong triều đình và có công trong nhiều cuộc đấu tranh chống ngoại xâm hoặc trấn giữ nơi miền biên ải: Trần Khát Chân, Trần Nguyên Hàng, Trần Nguyên Uyên, Đặng Tất…..., đến cả nhà sư Phạm Sư Ôn, tướng cướp Nguyễn Nhữ Cái phất cờ khởi nghĩa, hay vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga.... đều là nhân vật có thật làm nên diện mạo chính sự từng có trong sử sách thời cuối đời Trần. Họ hiện lên vừa như ngoài đời thực của thời bấy giờ, gắn liền với thời gian, năm tháng, địa điểm mang dấu tích lịch sử, nhưng đồng thời cũng mang những tính cách, tâm trạng và số phận của nhân vật tiểu thuyết. G.Lukacs từng nói: “Các nhân vật của tiểu thuyết lịch sử phải sinh động hơn các nhân vật lịch sử, vì các nhân vật của tiểu thuyết lịch sử được trao cho sự sống, còn các cá nhân lịch sử thì đang sống” (6) . Tiểu thuyết Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh đã làm được điều đó. Nhà văn đã phối hợp khá nhuẫn nhuyễn tính chính xác sử liệu và hư cấu tưởng tượng. Và, trong xây dựng nhân vật lịch sử cả hai yếu tố ấy được ông sử dụng với một liều lượng vừa đủ. Không quá nghiêng về trung thành với nguyên mẫu nhân vật đã phần nào hình thành trong người đọc qua những tư liệu lịch sử, mà cũng không gây sốc khi hư cấu tưởng tượng. Dường như với Nguyễn Xuân Khánh, cái gọi là “giới hạn của sự bịa đặt” (7) trong việc xây dựng nhân vật lịch sử là nằm trong cái ngưỡng của việc đặt ra những “khả năng”, những cái “có thể” mà không phải phủ định, có ảnh hưởng nhưng không bị lạm dụng quá mức từ “tiếng gọi của trò chơi” (Minlan Kundera) đang là xu hướng mới của tiểu thuyết. Điều đó tạo nên độ an toàn nhất định cho tác phẩm, cũng chứng tỏ sự chừng mực của một ngòi bút đã trải nghiệm với cuộc đời. Nhưng dẫu sao, chừng ấy cũng đã có thể khẳng định khuynh hướng “tiểu thuyết hóa lịch sử” (8) của Nguyễn Xuân Khánh thể hiện trong Hồ Quý Ly.
Là tiểu thuyết, Hồ Quý Ly còn là thế giới của hơn ba mươi nhân vật hư cấu, hoàn toàn là của tác giả. Ở những sáng tạo riêng này, nhà văn đã chứng tỏ năng lực tưởng tượng và gửi gắm những thông điệp chủ quan của mình, nhưng người đọc vẫn thấy được rất rõ màu sắc lịch sử của thời đại. Đơn cử một vài dẫn dụ: Nhân vật Sử Văn Hoa là một hư cấu đặc sắc của Nguyễn Xuân Khánh, khiến người đọc gợi nhiều liên tưởng đến nhà sử học nổi tiếng trong lịch sử cổ đại Trung Hoa là Tư Mã Thiên. Thời xưa, triều đại nào cũng có những nhà chép sử cho triều đại mình như vậy. Chỉ có điều, ít ai say mê với lịch sử dân tộc“suốt đời ghi chép sử đi tìm hồn núi sông, dù trong tù ngục vẫn giải một câu đố về sự thái hòa dân tộc”, với “Hoài bão... là phải viết một cuốn quốc sử thật đàng hoàng, thật trung thực” như ông, và ít ai dưới thời ấy lại thiết tha, day dứt với ý nghĩ "cần phải nói ra sự thật" như ông. Qua ngòi bút của Nguyễn Xuân Khánh, Sử Văn Hoa còn đọc và giải mã được cả những giấc mơ, từ giấc mơ của Hồ Nguyên Trừng thủa nhỏ, cho đến những giấc mơ của các bậc đế vương: Trần Duệ Tông, Trần Nghệ Tông... Và, điều đáng nói là Sử Văn Hoa không sợ quyền uy mà né tránh, ngay cả trước một người tham vọng đế vương nổi tiếng đa sát đáng sợ như Hồ Quý Ly, Sử Văn Hoa vẫn nói lên sự thật cho dù có thể bị sát hại hay tù tội. Giữa thời buổi các phe phái tranh giành quyền lực, Sử Văn Hoa là người khách quan nhất trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly. Là người không biết sợ đã từng dâng tấu biểu can ngăn việc thiên đô, với lý lẽ "Cốt ở đức, không cốt ở nơi hiểm trở" bị Hồ Quý Ly tức giận; nhưng khi nghe âm mưu của thượng tướng Trần Khát Chân yêu cầu phải viết cả một cuốn sách, vạch ra đủ mọi tội ác từ cuộc sống tư riêng đến việc triều chính để chống lại Hồ Quý Ly, thì Sử Văn Hoa đã từ chối: "Ta là người bị Quý Ly hành hạ nhiều. Nhưng lúc này còn quá sớm để khen chê ông ta. Chỉ biết rằng đất nước mình đang cần lột xác, Quý Ly là một người đầy táo bạo. Một kẻ cướp phải có gan: trên đầu nào biết có ai. Ông ta là một con người trên đầu dám "trên đầu chẳng có ai". Ta không thích ông ta, nhưng cũng không muốn viết cuốn sách mà thượng tướng đã giao cho". Có thể nói, Sử Văn Hoa là nhân vật đã thay nhà văn phát biểu cách nhìn nhận đánh giá về con người và các hiện tượng lịch sử. Đồng thời, với nhân vật hư cấu này, Nguyễn Xuân Khánh còn muốn gửi gắm quan niệm của mình về mẫu hình lý tưởng của một nhà sử học chân chính; ấy là biết lắng nghe hồn nước, gắn bó với đời sống nhân dân, trung thực, không sợ quyền uy để nói lên sự thật lịch sử, sự thật của lòng người trước thời cuộc. Không có Sử Văn Hoa, có lẽ tiểu thuyết Hồ Quý Ly sẽ nhạt đi nhiều không khí lịch sử mà nhà văn đã cố gắng tạo dựng trong tác phẩm.
Những hình ảnh hư cấu khác, như nhân vật Phạm Sinh, kết quả mối tình giữa nhà sư phản loạn Phạm Sư Ôn và cô nô tì cắt cỏ. Phạm Sinh tài hoa, thông minh, học giỏi, viết chữ , vẽ tranh đẹp có tiếng. Nguyễn Xuân Khánh ký thác ở nhân vật này về số phận của kẻ sĩ tài hoa trong thời tao loạn. Phạm Sinh được xây dựng trong những mâu thuẫn, bởi vì anh ta bị xô đẩy và tác động giữa nhiều thế lực: cuộc khởi nghĩa thất bại của người cha và lời dặn trả thù; dựa vào phe bảo hoàng, nhưng vẫn biết rõ “sẽ chỉ đi chung với họ một quãng đường” vì dòng máu có nợ với nhà Trần; tiếp cận Hồ Quý Ly để trả thù, nhưng vừa căm ghét “đồng thời cũng bị hấp lực của sự táo bạo của ông ta cuốn hút”. Là kẻ sĩ nhạy cảm trước cuộc đời, Phạm Sinh luôn nhận ra rằng mình chỉ là “cánh bèo trong biển thù hận”, bị cuốn theo vòng xoáy của những kẻ cuồng, những kẻ “đinh ninh với một ý tưởng, rồ dại vì suy nghĩ của mình, không từ một thủ đoạn nào, không dung tha cho một ai trái ý...” (lời của Sử Văn Hoa). Và Phạm Sinh cũng là con người duy nhất trong tác phẩm vượt ra khỏi vòng xoáy của lịch sử thời bấy giờ, chạy trốn khỏi hận thù, khỏi mưu đồ và danh vọng, để được sống như chính mình. Nhân vật để lại một ấn tượng đẹp trong lòng người đọc.
Nhân vật kỹ nữ Thanh Mai là một trong mười hai nhân vật hư cấu về người phụ nữ trong tác phẩm. Cô là hiện thân sống động của cuộc sống đời thường, “một người ở chốn trần gian”, được ví như thứ lan rừng “vốn sống trong thiên nhiên bao la, vì vậy nó phải chống với gió táp mưa sa cùng với trăm ngàn hương hoa khác, nó phải tranh sống, nó không thể chết yểu vì vậy nó phải mạnh khỏe, ngút ngát, phải tràn trề sắc hương”. Người phụ nữ ấy vẫn có thể hồi sinh qua quá khứ gian truân để đón nhận tình yêu, đón nhận hạnh phúc. Được miêu tả trong vẻ đẹp của sức sống phồn thực, viên mãn, Thanh Mai như một sự đối lập với người phụ nữ chốn cung đình, vốn là “những hình hài thiếu nắng trần gian”. Hơn thế, nàng còn là minh chứng cho tính nữ “đầy nhục cảm, đầy sự sống” mà tác giả muốn thể hiện trong tác phẩm, và sau này phát triển đậm đặc hơn trong Mẫu thượng ngàn. Ngoài ý muốn nói đến mối quan hệ văn hóa Việt Nam và Chăm Pa, kết quả không thành trong tình yêu giữa Thanh Mai và Hồ Nguyên Trừng cũng “gói ghém đôi nét biểu trưng: kẻ sĩ cung đình có thể gần nghệ sĩ dân gian, nhưng cuối cùng họ cũng phải chia tay” (9).
Ở kiểu dạng này, dù dày công khắc họa, có cá tính, có đời sống nội tâm phong phú như những nhân vật vừa kể trên, hoặc chỉ lướt qua vài nét hình hài và tâm lý như ông già Lặc, cung nữ Uyển Nhi, cô Hạnh con gái Sử Văn Hoa..., hay thậm chí chỉ xuất hiện một lần với một câu nói như cô cung nữ hầu vua Nghệ Tông, cô thị tì bên cạnh hoàng hậu Thánh Ngẫu, dù được tác giả gửi gắm quan điểm, tư tưởng hay chỉ như chi tiết làm nền, thì đều không lạc với không khí mà tác giả cố gắng xây dựng, đều hòa vào dòng lịch sử đang chảy trong tiểu thuyết một cách tự nhiên. Hư cấu mà vẫn xuất hiện hợp lý cần thiết cho sự kiện, tình tiết và càng làm hiện lên sinh động bức tranh hiện thực cung đình quen thuộc trong lịch sử và mang được dấu ấn rõ rệt của một thời.
Không chấp nhận việc chỉ “trình bày các nhân vật của mình trong các tư thế lịch sử”(10). Nguyễn Xuân Khánh tận dụng ưu thế của tiểu thuyết khi cấp cho những nhân vật lịch sử gương mặt đời của họ. Bởi hơn ai hết, nhà văn hiểu rõ rằng, tiểu thuyết không phải là bài ca của những tính cách anh hùng, tiểu thuyết “là bài ca của những con người đời thường” (11) thành công của tiểu thuyết là đào sâu những vấn đề rất người từ đời sống cá nhân, nội tâm rất riêng tư của con người.
Tóm lại, khi xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đồng quan điểm với bậc thầy của tiểu thuyết lịch sử mà ông đã từng ngưỡng mộ đó là Alexandre Dumas. Ông xem “lịch sử chỉ là cái đinh treo”, để chú ý khai thác nhân vật lịch sử từ góc nhìn nội tâm thông qua sức mạnh của cảm xúc, tưởng tượng, còn những nhân vật làm bằng hư cấu thì ông lại tìm cách gắn nó vào “cái đinh treo” bằng sức hút của từ trường lịch sử.
Mặt khác, nếu ai đó khó tính tiếp cận tác phẩm theo cách nhìn của chính sử, thì vẫn có thể thấy được“Đây là cuốn tiểu thuyết viết rất nghiêm túc, bám sát chính sử, tôn trọng các sự kiện chính của lịch sử” (Hoàng Quốc Hải). Chẳng hạn, những chính sách cải cách của Hồ Quý Ly như hạn điền, hạn nô; thay tiền đồng bằng tiền giấy; những cuộc khởi nghĩa của nông dân dưới thời hậu Trần, giặc Chiêm Thành đánh phá ở phía nam, triều đình nhà Minh lăm le ở phía bắc, Hồ Quý Ly xây dựng Tây Đô…... được phản ánh trong tác phẩm đều là những sự kiện có thật, chứng cứ trong thực tế và trong sách vở còn ghi. Tất nhiên, yếu tố mang lại mầu sắc, không khí lịch sử trong tác phẩm không đơn thuần chỉ có sự kiện, số liệu, thời gian, mà quan trọng nhất là phải làm hiện lên chân thật gương mặt lịch sử. Nguyễn Xuân Khánh chứng tỏ bản lĩnh của một nhà văn có tài khi đứng vững ở ranh giới, giữa nhiệm vụ của một nhà tiểu thuyết và một nhà tiểu thuyết lịch sử khi xây dựng nhân vật và sự việc; ở ranh giới giữa sự thực và hư cấu khi thể hiện các nhân vật lịch sử. Và nhà văn chọn được cách ứng xử nghệ thuật hợp lý khi hòa hợp cả hai yếu tố ấy trong cùng một sự việc, một con người để làm nên một thế giới nhân vật sống động, phong phú.
Trong thế giới nghệ thuật ấy, tất nhiên, Hồ Quý Ly là nhân vật trung tâm, được lấy làm tên gọi của tiểu thuyết là nổi bật hơn cả. Chúng tôi sẽ có dịp nói đến ở một bài viết khác!
Hội An, tháng 2 năm 2010
(Trường Đại học Phan Châu Trinh, Tp. Hội An, tỉnh Quảng
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1) (5) Đỗ Hải Ninh, Quan niệm về lịch sử trong tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh, Tạp chí Nghiên cứu văn học số 2, trang 48- 49.
(2) (3) Hoài
(4) (7) (11) Phan Quý Bích, Về nhân vật lịch sử trong văn chương hiện đại, báo Văn nghệ số 36, trang 8.
(6) Trương Đăng Dung (1998), Từ văn bản đến tác phẩm văn học, NXB Khoa học xã hội, trang 131.
(8) Nguyễn Thị Tuyết Minh, Khuynh hướng tiểu thuyết hóa lịch sử trong tiểu thuyết lịch sử Việt
(9) Lại Nguyên Ân, Hồ Quý Ly - tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Xuân Khánh, Tạp chí Nhà văn Hội nhà văn Việt Nam số 6, trang 145.
(10) Phan Cự Đệ (chủ biên, 2004), Văn học Việt