“Muốn trở thành nhà phê bình phải tự đào tạo”

01.04.2010

“Muốn trở thành nhà phê bình phải tự đào tạo”

Nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy:

 
Trong văn giới, nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy là một cái tên được nhiều người nể trọng. Ông là tác giả của 6 cuốn sách phê bình văn học và nghiên cứu văn hóa; và cũng là người chủ trì biên soạn hơn chục đầu sách dịch. Nhân tập phê bình phân tâm học Bút pháp của ham muốn được trao giải lí luận  phê bình của Hội nhà văn HN năm 2009, ông đã dành một cuộc trò chuyện cời mở với chung tôi về phê bình văn học Việt Nam đương đại.  
 

GIẢI THƯỞNG LÀ MỘT PHƯƠNG THỨC PR

Trước tiên xin chúc mừng ông đã đoạt giải thưởng lí luận  phê bình của Hội nhà văn HN. Nhưng giả sử nếu không đoạt giải thưởng thì cuốn sách liệu có rơi vào tình trạng “không một tiếng vang” như những cuốn sách lí luận  phê bình khác không ạ?

- Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy: Trước khi đoạt giải thưởng, cuốn sách đã tạo ra dư luận; cụ thể là trên các tờ báo lớn như Văn nghệ, Lao động, Thể thao văn hóa… đã có những bài viết riêng về cuốn sách. Thậm chí có thể nói một phần cũng nhờ dư luận khiến Hội đồng giải thưởng lưu tâm đến cuốn sách để rồi trao giải thưởng. Tất nhiên, để được trao giải cuốn sách cần phải có giá trị tự thân của riêng nó.

Về phía dư luận nên hiểu ở đây là những người trong giới văn hoặc những người có quan tâm đến văn học chứ dư luận rộng lớn là người đọc nói chung thì loại sách phê bình học thuật như Bút pháp của ham muốn không phải là sự lựa chọn của họ. Thông thường, những cuốn sách chuyên môn đến với bạn độc rộng rãi chỉ bằng con đường là thông qua những nhà chuyên môn, những người làm nhiệm vụ trung chuyển; những người này sẽ giới thiệu rộng ra bên ngoài. Ví dụ giảng viên đại học giới thiệu cho sinh viên. Tuy nhiên, việc đoạt giải thưởng đã thực sự giúp cuốn sách được PR rộng rãi hơn với người đọc.

Những bài viết về Bút pháp của ham muốn trên các báo đều khen ngợi cuốn sách. Nhưng ông có nhận được lời chê nào không ạ?

- Cũng có một số lời chê bằng miệng về chi tiết tiểu sử trong bài phê bình thơ Xuân Diệu. Đám tang Xuân Diệu chỉ có một vòng hoa trắng trong khi bài viết lại nói có nhiều vòng hoa. Có người lại cho rằng cần nhiều chi tiết tiểu sử hơn để làm luận chứng. Từ hai ý đó có thể nói phê bình phân tâm học còn chưa được hiểu rõ hoặc chưa phân biệt được phân tâm học của S. Freud và J. Lacan. Phê bình J. Lacan dựa vào vô thức của văn bản chứ không phải dựa vào tiểu sử tác giả. Bởi thế nhà phê bình vừa lí giải vừa sáng tạo văn bản.

 
ĐI TÌM “ CON NGƯỜI TRONG CON NGƯỜI”

Ông có thể nói ngắn gọn nhất về phương pháp phân tâm học được không? Nó giúp ích gì cho PB văn học?

- Nếu như các phương pháp phê bình khác chỉ nghiên cứu con người xã hội, con người hữu thức thì phân tâm học nghiên cứu con người vô thức, hay nói như văn hào Nga F. Dostoievski là đi tìm “con người trong con người”. Phân tâm học cho rằng chính thứ “con người trong con người” này mới là chủ thể đích thực của sáng tạo.

Các nhà khoa học văn học đều thống nhất với nhau rằng không có phương pháp phê bình nào là vạn năng. Vậy, đâu là sở đoản của phương pháp phân tâm học?

- Tác phẩm văn học có nhiều bình diện. Mỗi một phương pháp thuận cho việc khám phá một chiều kích nào đó. Ví dụ, để khám phá chiều kích xã hội người ta dùng phương pháp xã hội học, nghệ thuật thì thi pháp học; còn phân tâm học như đã nói là khám phá động lực sáng tạo vô thức. Thậm chí, phân tâm học chỉ thích hợp cho một loại tác phẩm, tác giả nhất định. Thơ Hoàng Cầm rất thích hợp với phê bình phân tâm học vì có nhiều dữ liệu phân tâm nhất là các bài thơ về mối tình chị em như Lá diêu bông, Cây tam cúc, Quả vườn ổi…... So sánh với thơ Tố Hữu với tư cách là thơ trữ tình chính trị thì rõ ràng chẳng có nhiều đất để phân tâm học “hữu dụng”. Nếu dùng phương pháp mà không hợp với tác phẩm thì có thể xẩy ra tình trạng “giết gà bằng dao mổ trâu”.

Từ đây, còn có thể nói một ý về công việc phê bình văn học: nhà phê bình cần biết nhiều phương pháp để khi phân tích tác phẩm ngoài việc chọn một phương pháp mang tính chủ đạo còn cần những phương pháp khác để bổ trợ. Hơn nữa, phân tâm học cũng không chỉ có đơn giản một lý thuyết. Nhà phê bình phân tâm học phải chọn lý thuyết phân tâm nào đó để lí giải đầy đủ và sâu sắc nhất có thể về tác phẩm.

Ngoài Bút pháp của ham muốn, ông còn biên soạn các cuốn sách về phân tâm học. Ông biết đến phân tâm học từ khi nào? Và ngay từ khi bước chân vào phê bình ông đã lựa chọn phương pháp phê bình phân tâm học?

- Năm 1981, khi từ lính về NXB Ngoại văn, tôi đã được đọc một số sách có nhắc đến phân tâm học. Nhưng hồi đó, tôi không có ý định sử dụng phương pháp này vào để phê bình văn học. Đến năm 1993, khi làm luận văn về Hồ Xuân Hương, để giải quyết vấn đề “dâm tục” trong thơ bà, tôi dùng lý thuyết siêu mẫu (archetype) của C. Jung kết hợp với tín ngưỡng phồn thực để lý giải. Hoặc năm 1995, khi viết về thơ Hoàng Cầm, đụng đến những bài thơ tình em chị mà người ta hay phê phán là bệnh hoạn và loạn luân, tôi phải sử dụng mặc cảm Oedipe của S. Freud để chứng minh những bài thơ này chẳng những không nguy hại gì đến người đọc mà xét về giá trị nghệ thuật nó là số một trong tập thơ Về Kinh Bắc nổi tiếng của ông.

Tôi tìm hiểu phân tâm học với tư cách nhà phê bình chứ không phải là người nghiên cứu lý thuyết. Vì vậy phải sử dụng nhiều tư liệu về phân tâm học. Tư liệu có thể từ người khác dịch hoặc tự tôi dịch; rồi trên đường học tập và nghien cứu muốn cho người khác đọc nữa nên tôi biên soạn thành sách. Đến nay đã ra được 4 cuốn: Phân tâm học và văn hóa nghệ thuật (2000), Phân tâm học và văn hóa tâm linh (2002), Phân tâm học và tình yêu (2003), Phân tâm học và tính cách dân tộc (2007). 
 

PHÊ BÌNH LÀ CON VẬT LƯỠNG THÊ!

Lâu nay, người ta vẫn quan niệm phê bình là sự khen chê. Còn ông, ông quan niệm thế nào là phê bình văn học?

- Sự khen chê không phải là tất cả. Nó chỉ đến sau tùy thuộc vào những tình huống lập luận của nhà phê bình. Mục đích của phê bình là tìm ra giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Việc tìm ra giá trị nghệ thuật của tác phẩm, tức là kết quả của phê bình rất quan trọng, nhưng theo tôi, một việc quan trọng nữa cũng không kém của phê bình là trình bày kết quả. Trình bày để làm sao để người đọc có khoái cảm cùng khám phá tác phẩm với nhà phê bình. Giống như việc trèo lên một đỉnh núi, việc tới đỉnh là quan trọng nhưng khoái cảm lại nằm ở quá trình leo trèo.

Phải chăng ông muốn nhấn mạnh rằng phê bình phải có nghệ thuật?

- Đúng vậy! Chính xác hơn phê bình vừa khoa học vừa là nghệ thuật. Phần khoa học ở đây là lý thuyết về mĩ học và văn học được cụ thể hóa bằng phương pháp phê bình; nắm vững phương pháp và sử dụng để phân tích tác phẩm chính là khoa học. Phần nghệ thuật trước tiên nằm ở việc phát hiện cái hay của tác phẩm bằng trực cảm. Sau đó là sáng tạo ra một văn bản phê bình, tức sự trình bày kết quả đó. Việc trình bày còn nằm ở việc có sự duyên dáng trong câu chữ. Nhưng không nên hiểu nghệ thuật trong phê bình là viết có văn, nếu chỉ làm văn không thôi thì sẽ là hư văn, sáo và sến. Phê bình văn học vừa là khoa học vừa là nghệ thuật cho nên tôi gọi phê bình là con vật lưỡng thê!

Phê bình văn học VN luôn xảy ra những cuộc cãi vã về vấn đề phê bình cảm tính hay lý tính. Ông nhận xét phê bình văn học VN đang nằm ở cực nào?

- Nhà phê bình ở Việt Nam thường đáp ứng lối đọc truyền thống theo cảm tính, thụ động. Dạng người đọc này luôn chờ đợi tác phẩm mang lại cho mình cảm xúc, ý tưởng hầu như nguyên vẹn không tranh cãi. Người đọc hiện đại nhất là nhà phê bình phải trở thành người đọc tích cực, phải đối sánh kinh nghiệm của mình với kinh nghiệm của tác giả; từ đó, nảy sinh ý nghĩa khác dôi thêm của tác phẩm.

Phê bình văn học VN thường là cảm tính, thụ động. Có lẽ, do chất duy lí của người Việt kém, bản thân người phê bình khá duy tình nên, phê bình ấn tượng đầy cảm tính theo kiểu phán đoán như úp nơm cá, khi thì trúng khi thì trượt rất thịnh hành. Chính vì cảm tính nên đẻ ra tình trạng ngại vận dụng lí thuyết và biện hộ sự ngại đó bằng việc nói rằng khoa học và nghệ thuật là hai lĩnh vực riêng. Chẳng hạn, nghiên cứu Truyện Kiều mà sử dụng phương pháp thống kê thì nhiều người không thích vì cho rằng làm mất chất thơ của Truyện Kiều.

Một câu chuyện muôn thủa khác của phê bình văn học VN là thiếu tính chuyên nghiệp?

Nhà phê bình không thể sống được bằng nghề mà vẫn gắn với một nghề nào đó như giáo sư đại học, biên tập viên NXB, nhà báo…... Thiếu chuyên nghiệp hiểu theo nghĩa chỉ chuyên một nghề là điều không cần phải bàn cãi. Nhưng sự thiếu chuyên nghiệp trong ý thức phê bình như bệnh cánh hẩu, bệnh nể nang cũng không hiếm hiện nay. Sự thiếu chuyên nghiệp trong ý thức mới đáng ngại.

 
 NGUY CƠ TỤT HẬU

Theo ông, để trở thành một nhà phê bình, những người trẻ cần chuẩn bị những gì?

- Trước hết, phải có năng khiếu tức là khả năng trực giác thẩm mĩ tốt. Cần có ít nhất một ngoại ngữ để đọc các lý thuyết phê bình văn học. Ngoài ra, muốn trở thành nhà phê bình văn học cần phải có bản lĩnh. Đó là việc chọn một vấn đề để phê bình vừa hợp sức và năng khiếu của mình vừa có đóng góp mới cho phê bình ở VN nói chung. Khi đã chọn là dám quyết dù có thể đơn độc, không được ủng hộ. Bản lĩnh ở đây còn ở chỗ phải có tư duy độc lập không chịu thay đổi ý kiến dù chịu áp lực nào đó.

Khi làm việc thì tốt nhất nên chọn cơ quan chuyên về văn học như viện văn, khoa văn... hoặc cơ quan nghiên cứu ngành xã hội nhân văn nào đó cũng được. Những môi trường trên thuận lợi cho phê bình nhưng không cẩn thận cũng dễ trở thành “cán bộ văn học”.

Nghe ông kể đã thấy khó nhằn. Có phải vì thế mà dù có rất nhiều nguồn đào tạo đại học như tổng hợp văn, sư phạm văn, trường viết văn... nhưng số nhà phê bình U30 vẫn rất ít phải không?

- Trường lớp chỉ là cái vốn ban đầu, muốn trở thành nhà phê bình thực sự là phải tự đào tạo, tức phát triển vốn. Bản thân tôi cũng có học văn đâu. Tôi học tiếng Nga khóa 1 ở Đại học sư phạm ngoại ngữ HN (1967 - 1971), vào quân ngũ 10 năm rồi giải ngũ làm biên tập viên. Nếu thiếu sự tự đào tạo thì chỉ mãi là sinh viên ưu tú mà thôi.  

Ông có dự báo gì cho tương lai phê bình văn học Việt Nam?

- Sau thế hệ được đào tạo bài bản ở các nước XHCN như các nhà khoa học văn học Phương Lựu, Trần Đình Sử, Trương Đăng Dung, Lê Ngọc Trà, Nguyễn Văn Dân... thì phê bình văn học VN đang có sự đứt gãy. Thế hệ trẻ có điều kiện tốt về sách vở, thông tin nhưng cũng sẽ dễ bị phân tán do quá nhiều thông tin. Thêm vào đó cơ chế thị trường luôn nghiệt ngã cho phê bình văn học.

Song theo tôi, vấn đề con người không quá nan giải vì thể nào cũng có những người chuyên tâm theo phê bình; điều đáng ngại là trình độ về khoa học văn học của ta còn tụt hậu lại sau thế giới. Điều này dẫn đến nguy cơ là sự không hiểu giữa ta và thế giới không phải ở rào cản ngôn ngữ, mà ở cấp độ tư duy, nhận thức, tri thức.

Xin cảm ơn ông!