Việc chưa có trong giấy

31.10.2008

Việc chưa có trong giấy

Bút ký

 
Mặt trời lên đỉnh đầu làm mặt đường y cái rẫy vừa đốt xong, nóng hực. Nắng làm đường dài ra. Từ nhà đến Uỷ Ban xã sáng đi mau đến, chừ lâu quá. Chị Năm cứ lụi cụi đi miết. Đến ngã ba rẽ về Hố Chình chị dừng lại. Đứng ở đây thấy toàn thôn Phú Túc. Đường về Hố Chình sáng trưng như con nước Ngầm Đôi ngày hè. Đường lên nhà Kỷ Niệm phía Hòn Đá cũng vậy. Hai năm trước y vỏ rắn mục, mấp mô, lụp xụp trong cây, chừ láng y cái nền nhà. Nhà của thằng Nhôm, nhà của Muôn, của Đinh Văn Trí mái tôn tường xây đẹp như bông cang, bông thầu đẩu. Vậy mà nhà của ông Ba, bà Út mái tranh úp sụp y con gà rù. Cán bộ xã nói: Cái giấy chỉ ghi cấp tiền cho người Cơtu. Chị Năm nói: biết Nhà Nước ưu tiên cho người Cơtu lắm nhưng Phú Túc có mười bảy nóc nhà người Kinh thôi! Mười bảy thì cũng phải chờ giấy kêu mới được! Cán bộ xã gấp giấy. Sao không sửa cái giấy? Cán bộ xã lắc đầu: chưa có tiền, mà muốn sửa cái giấy có dấu phải ông to mới được.

Phải ông to mới được. Chị Năm không về nhà mà đi thẳng sang nhà già làng Lê Văn Rời. Vợ chồng già làng vẫn nằm viện. Xúc bát lúa vất cho đàn gà rồi chị Năm về. Anh Báu thấy chị cất nón rồi lên võng, rít một hơi thuốc dài mới nói: tui nói rồi, người ta làm việc theo giấy tờ mà.

Chị Năm ngoái sang: Cơtu với người Kinh đều cực như nhau mà.

Thì cực như nhau, thương nhau như anh em nhưng tiền có chừng thôi.

Chị Năm thở dài: Mình có cái nhà đẹp mà bà con người Kinh không có nhìn đau con mắt lắm. Mai mốt cán bộ về đây tui nói.

- Chừng nào cán bộ về ?

- Sắp.

                                                            *

Ngày cán bộ Trung ương về, Phú Túc vui như hội ăn mừng lúa mới. Cờ cắm dọc đường, cắm quanh nhà Gươl. Bà con mặc áo mới. Bụng chị Năm như có trống, vui mà cứ phập phồng. Rồi xe lên, lớn trước nhỏ sau, như nước chảy ngược lên Ngầm Đôi. Chủ tịch đẹp quá, da như ánh lửa bếp. Bà con Phú Túc múa hát chào mừng Chủ tịch. Mai Thị Bê hát bài La lá còn: Chấp choan pí noan còn leo dát leo ô mây. Keo ta ai cô li na lớp mường lớp non…Hết tiếng Cơtu lại hát tiếng Kinh: Buôn làng ơi lúa chín rồi. Ta cùng nhau lên núi gặt hái cho chàng trai cô gái vác. Buôn làng ơi mùa thu đã về, cho chàng trai cô gái múa, cho chàng trai cô gái hát. Hát múa xong đưa trẻ đến trường…Chủ tịch cười vui: bà con ăn gạo mới ngon không? Cá nuôi trong hồ mau lớn hơn con cá ngoài suối không? Bà con nói: ngon, mau lớn. Chủ tịch lại nói: cái nhà mới của bà con là của đồng bào cả nước gom góp lại, anh em các dân tộc đều thương nhau. Ô, Chủ tịch nói vậy là trúng cái bụng của mình rồi, chị Năm vỗ tay lâu hơn mọi người. Chủ tịch dặn: cho con cháu tới trường học, trồng cây rừng để làm giàu, chăm con bò cho kỹ để thêm đông đàn… Bà con cần gì nữa không? Có chỗ nào chưa vui bụng không? Chị Năm đưa cao tay: dạ có. Chủ tịch gật đầu cho phép. Chị Năm thưa: Chủ tịch cho bà con Cơtu cái nhà mới, cho cây lúa, cây bắp biết đẻ nhiều hột, cho con bò biết đến từng nhà đẻ, bà con vui lắm. Còn… Chị Năm ngập ngừng, còn… Chủ tịch nhìn chị Năm, động viên: còn gì nữa, bà con cứ nói! Chị Năm gật đầu: thưa Chủ tịch, Phú Túc có 17 hộ người Kinh nữa. Ở dưới xuôi lên trồng khoai trồng lúa, nghèo lắm… Chủ tịch cho… tiền xây nhà luôn đi. Bà Năm! Một cán bộ xã kéo tay, nói nhỏ: nói chi vậy? Chị Năm tròn mắt: mình nói trật rồi à? Sao lại nói việc đó bây giờ? Ủa, Chủ tịch là ông to nhất chớ chi nữa… Chị Năm nhìn cán bộ xã, nhìn Chủ tịch, mình nói trật rồi à? Nhưng Chủ tịch cười: Được! Đồng ý cho mười bảy hộ người Kinh ở Phú Túc tiền xây nhà như bà con Cơtu.

Mọi người vỗ tay reo cười, cán bộ xã cũng vỗ tay, chị Năm vui quá.

Anh Báu nói: Tổng bí thư chớ!

Chị Năm cười: Ừ, Tổng bí thư, tui hay quên quá. Mà thôi, Chủ tịch hay Tổng bí thư cũng được, miễn răng sửa được cái giấy cho mọi người có nhà mới như nhau là vui rồi.

Tôi gặp chị Năm trong vai người tìm đất làm trang trại. Tôi vào vai này để tìm hiểu về kết quả hỗ trợ cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho đồng bào dân tộc ít người của huyện Hoà Vang. Trong quán nước bên đường, chị chủ quán kể lại câu chuyện với nụ cười tươi rói. Anh Báu nói nhỏ với tôi: bà ấy thổi tù và hơn hai chục năm rồi.

Tôi ngạc nhiên: Anh…

Anh Báu cười: tôi ở Tuyên Hoá, Quảng Bình. Đi bộ đội, giải phóng theo bà về cắm lại bản.

- Vì vậy mà chị Năm có cái tên không… Cơtu chút nào?

Anh Báu lại cười: không chỉ tên, bà ấy còn có hai họ. Tuổi cũng vậy, Chứng minh thư ghi sinh năm 1959 còn giấy chứng nhận cõng gạo muối ghi năm 1949.

Một người đặt chiếc gùi trĩu sắn, bắp chuối xuống trước quán… Thả hơi khói thuốc trắng đặc rồi bà ta tuôn một tràng dài tiếng Cơtu. Chị Năm đong xị rượu và cũng nói một tràng. Xốc lại cái gùi, bà ta tuôn một tràng nữa. Lần này thì chị Năm cười. Tôi hỏi bà ta nói gì vậy? Chị Năm cười: bả hỏi làm lúa phải nhổ cỏ mắc chi chừ biểu trồng cỏ để bán? Cỏ voi cho bò sữa đó!

Chị Năm mời tôi ăn cơm gạo mới. Thấy tôi nhấm nhấm mãi miếng cơm không, chị Năm nói: gạo “nờ ích ba mươi” (NX30) đó.

Anh Báu nói: Giống lúa mới cho năng suất cao mà cơm vừa ngọt và hơi dẻo, mùi vị đậm đà như lúa rẫy nên bà con rất thích.

Tôi nhìn gương mặt đẹp của chị: chị kể tiếp đi, làm sao chị có hai họ, hai tuổi? Chị Năm cười vì thằng Mỹ, thằng Pháp mà mình không biết tuổi. Người Cơtu đếm tuổi bằng mùa rẫy. Ông cậu ruột là già làng Lê Văn Rời nói má đẻ mình ở cái rẫy bên Ôray, lúc súng nổ đùng đùng… Đẻ xong quấn con chạy luôn vô rừng. Tụi nó thả bom, bắn súng, đốt nhà phá rẫy ép dời nhà vì sợ mình tiếp tế cho bộ đội. Nhưng người Cơtu quen sống như con cá dưới khe, như con chim trên trời, nhốt lại một chỗ không chịu được. Bà con chạy vô rừng, hết súng lại về dựng nhà phá rẫy, thấy tụi nó lên là cả làng cõng nhau chạy vô rừng. Miết vậy. Lúc đầu còn có bông lúa non, củ sắn sượng sau chạy miết phải bẻ măng, đào củ mài mà ăn, lấy vỏ cây làm khố. Không có mùa rẫy thì cái tuổi cũng quên luôn. Ở hang đói lạnh, người già con nít chết lần. Người sống mắt trắng như đá núi, nói không ra hơi, khều khào y mèo kêu. Rồi ba má mình đau, chết. Già làng nói: chạy vô nữa, gặp bộ đội là họ cứu. Rứa là chạy nữa. Chạy vô núi sâu thì gặp bộ đội. Các chú cho ăn, cho quần áo rồi đặt tên, theo lớn nhỏ, theo đơn vị mà đặt. Thằng Nhôm em mình được bộ đội cho đi học ngoài Bắc còn mấy chị em thì đi cõng gạo cõng muối, cõng đạn cho bộ đội, giúp bộ đội đánh giặc lấy lại làng. Mình đi làm liên lạc, đưa bộ đội xuống đánh dưới Hoà Vang. Bộ đội hy sinh nhiều. Người chết vì mìn, vì đạn, người chết vì sốt rét, vì lũ rừng... vì lấy lại cái đất cho người Cơtu. Mình khóc, cái bụng đói mà ăn cơm không được. Khóc hoài. Mỗi lần qua ÔRay nhớ bà con mình quá, lại khóc. Mấy anh bộ đội dỗ, theo cách mạng rồi mà còn khóc.

Năm 1969, Bác Hồ mất, mình để tang Bác được 7 ngày thì bị địch bắn lủng ruột. Tụi nó bắt rồi đưa đi mổ, nối khúc ruột bằng kim loại hay kim tuyến chi đó. Vừa mổ tụi nó vừa nói: con nhỏ dễ thương, chữa rồi cho làm gái điếm. Mình sợ quá, may mà có một trung uý quân y quê Đại Lộc bảo lãnh về, cho mình họ ổng: Ngô thị Năm. Ổng thương mình như con, bày cấy lúa, nuôi tằm. Mình nhớ em, nhớ bà con Cơtu, hỏi thăm hoài mà không gặp.

Giải phóng xong mình xin cha nuôi về lại ÔRay. Bà con mới trên núi về, gặp nhau mừng mà khóc miết. Bộ đội giúp dựng lại làng, cho gạo muối. Anh Báu bộ đội thương mình, ở lại với rẫy luôn. Già làng nói, không phải chạy giặc nữa, làm ăn thôi, đếm lại mùa rẫy thôi, người Cơtu phải có họ thôi. Người lấy họ Nguyễn, người lấy họ Mai, cậu mình lấy họ Lê, theo mấy anh bộ đội mà. Ai cũng vui. Đếm cái mùa rẫy của mình khó lắm, vì lâu quá rồi, mất nhiều mùa rẫy quá rồi. Già Rời nhớ mình đẻ ở mùa rẫy bên ÔRay nhưng giấy chứng nhận đi cõng gạo muối lại mùa rẫy khác, rứa là mình có hai giấy ghi hai mùa rẫy.

                                                            *

Nhà cửa Phú Túc đều mới, cây vườn cũng một thì như nhau. Chị Năm kể: ÔRay đất ít quá. Đi hết vòng, cái rẫy cũ chưa được nhiều cây, đốt trỉa hột bắp, hột lúa xuống mà bông lúa cứ nhỏ lần, trái bắp cũng đẹt lần. Bà con vô núi chặt củi, rút mây bán cho người dưới xuôi, kiếm gạo mắm. Trèo núi xuống Đồng Nghệ mói có đường đi, y con ốc quắn trong khe. Mưa thì co cụm lại mà nghe đá núi lở sau lưng nhà. Ốm đau chạy trối chết, y chạy giặc. Buồn quá. Sao hết bom đạn mà cứ phải vô núi, cứ ngày càng vô sâu? Áo quần cứ rách, nhà cửa như con gà rù? Giàng ơi, không ai nói được. Mình được bà con bầu làm hội đồng nhân dân, thấy bà con đói trắng mắt càng buồn hung. Về xã họp, ngưòi ta nói mùa ni mùa tê, mình chỉ nói cái đói cái đau. Lần mô cũng chừng đó việc. Huyện kiểm tra rồi cho bà con dời sang Ngầm Đôi, đất rộng hơn, đường đi dễ hơn. Người trẻ vui nhưng người già thì ưa chết nơi cái rẫy đẻ mình. Mình nói, bà con đi thôi, sang cái đất mới dựng nhà, cực chút cho con cháu dễ làm ăn sau này. Đi thôi. Mấy người già nói, sao con Năm nói nhiều hơn cái giấy nói? Đi nhiều hơn cán bộ? Mình cười: nói trúng không? Trúng cái giấy là vui rồi nhưng trúng cái bụng bà con mới vui hung. Chị Năm cười tươi rói, nói thêm, về Phú Túc rồi được Nhà Nước cho tiền xây nhà đó.

Tôi nói chị Năm dẫn tôi sang nhà Nhôm, phải hỏi cách làm ăn thế nào mới quyết định trang trại được, tôi nói vậy nhưng thực ra, theo báo cáo tổng kết về trồng rừng và chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện Hoà Vang, Nhôm là một điển hình. Không ngờ, đó chính là Nhôm, em trai chị Năm. Chúng tôi đi qua những đồi keo, chôm chôm, cỏ voi bên sông, vòng quanh đập nước, bọc xóm mới vào Hố Chình. Ngầm Đôi nước trong vắt, đá cuội nhẵn thín. Bên một chân đồi tiếng lốc khốc của dao rựa bặp vào thân cây. Đang thu hoạch bạch đàn, chị Năm nói rồi chỉ vạt chôm chôm đung đưa những trái: của Mạc Xuân Lộc đó.

Đinh Văn Nhôm mời tôi ly nước rồi cười, chuyện trồng trọt thì hỏi chị Năm là rõ nhất, bà ấy việc nhà rồi việc của đại biểu Hội đồng nhân dân, hội trưởng hội phụ nữ thôn, biết nhiều, đi suốt.

Chị Năm cười: vì nhiều việc mà cái giấy nói không thẳng, nói không hết, bà con không hiểu thì phải đi nói lại chớ.

Tôi bật cười: việc gì mà cái giấy nói không thẳng, không hết?

Chị Năm ngẫm nghĩ một lát: hồi về Phú Túc, huyện làm đập lấy nước trồng lúa. Cán bộ bày: phải bừa thiệt kỹ, hột lúa không để khô mà phải ủ cho có chân mới sạ. Rồi làm cỏ bỏ phân, bỏ đúng chừng, như bữa cơm vậy. Cán bộ mở sách chỉ cái lá lúa nói, khi cây lúa bị như vầy, khi lúa bị con sâu như vầy thì kêu cán bộ xã cho thuốc để phun. Trồng ba luống đậu, một luống bắp, vừa được trái đậu vừa được bắp, đậu có cái cục rễ tốt lắm. Bà con kêu: nhiều việc quá, làm mệt cái đầu quá. Tui nói ráng đi, ráng để khỏi vô rừng, uống nước cây mây độc lắm. Bà con ừ hử rồi về làm y hồi ở ÔRay. Tui nói, cho hột lúa có chân đã. Cái đất bộ đội cho, hột lúa hột bắp của huyện cho, làm cho đàng hoàng đi, chờ hột lúa có chân mới sạ. Bà con lại ừ. Tui đi vòng vòng, thấy ruộng thiếu nước nhắc mở nước, thấy cỏ nhiều nhắc nhổ cỏ. Nhắc bữa trước bữa sau ra thấy lúa nằm trên bờ, cỏ dưới ruộng. Tui kêu, đừng nhổ lúa nữa. Bà con kêu: Giàng ơi, hồi nào đến giờ chỉ biết đốt rẫy, trỉa hột xong chờ lúa chín là đi tuốt, đâu biết làm cỏ. Tui nói, nè, lá cỏ mềm, lá lúa cứng hơn. Bà con hỏi: cái giấy có nói vậy không? Tui nói, cái giấy không nói có điều tui biết, hồi ở với cha nuôi tui làm rồi. Ừ, con Năm làm thì trúng rồi.

Tôi bật cười: người ta làm chuẩn quốc gia còn Phú Túc cứ lấy chị Năm làm… chuẩn?

Chị Năm cười: bà con Cơtu mình thấy cái giấy có dấu là cất. Quý cái giấy có dấu nhưng vẫn chê nhiều việc mà cái giấy thiếu. Có lúc bà con kêu: con sâu trong giấy nhảy ra lúa rồi. Thôn báo về xã. Xã cho thuốc mà phải qua giấy, qua người cất thuốc. Lâu quá. Thôi nhìn cho kỹ rồi lần sau có sâu cứ báo với xã còn mình cứ mua thuốc về làm cho mau.

Nhôm cười: vụ bò đẻ nữa.

- Ừ, chị Năm gật đầu: vụ bò đẻ cái giấy ghi không rõ. Xã cho mấy nhà nghèo nhất con bò đẻ. Cái giấy viết: người nghèo nhất được nuôi trước, đẻ xong thì giao cho nhà nghèo kế theo. Già làng, trưởng thôn, phụ nữ đứng ra hứa chăm coi cẩn thận. Tui đi thăm, nhắc: cho ăn no, đừng để chuồng nhớp… Bò chưa chửa mà nhà sau cứ hỏi: lỡ bò đau, chết thì nhà tui lấy bò ở mô? Tui chẳng biết nói sao. Thôi, thì thăm chừng nhắc: cho ăn no, dọn chuồng đi. Chăm cho mập cho mau đẻ cho nhà sau khỏi chờ. Nhà sau nhận được bò là vui cái bụng vài bữa thôi, rồi lại phải thăm, phải nhắc chừng. Nhiều nhà nhờ bò, nhờ lúa bắp giống mới mà có cơm ngon rồi. Mạc Xuân Lộc, Đinh văn Muôn giàu lên rồi.

Tôi hỏi chị sao không về quê anh Báu, đất trung du no ấm. Chị nói: Bỏ cái đất mà mình mất một khúc ruột sao được.

Chúng tôi qua Nhà Lưu niệm rồi trèo lên dốc Hòn Đá. Đứng ở đây thấy rõ một vùng ruộng lúa bậc thang dưới đập. Sau gặt trông rõ những bờ vuông vắn. Đôi đám vừa được cày, nâu sẫm dưới nắng. Chị Năm chỉ sang phía sau ngon núi: hồi đánh nhau, tui dẫn bộ đội về bên kia núi. Trên núi có tảng đá to, bằng phẳng. Đứng trên đó thấy thành phố nên anh em bộ đội đặt tên hòn đá Đà Nẵng. Ở núi ra, bước chân lên đó là lên đất Đà Nẵng. Tụi Mỹ cũng biết nên nó đánh gắt lắm. Bộ đội hy sinh trên đó nhiều lắm. Thương lắm... Chị Năm dừng lại. Tôi nhìn ngôi nhà lưu niệm mái ngói, vì kèo, bèo gỗ chạm đường kỷ hà yên ắng trong tiếng suối.

Chị Năm bỗng dưng buồn buồn: làm đại biểu Hội đồng nhân dân là làm theo cái giấy mà sao tui cứ trúng mấy vụ không có trong giấy à. Hôm vợ chồng già làng Rời nằm viện, nghe nói có tiền ăn ngày 4 ngàn, tui đi xin. Viết đơn, họ ký rồi biểu đưa đi đóng dấu. Tui đưa giấy rồi mà mấy cô ở phòng đó cứ ngồi nói chuyện, chuyện chi chi không à. Bực quá tui nói: người Nhà Nước rảnh quá chớ cây cỏ đang chờ tụi tui. Cái cô đó sau không được làm ở phòng đó nữa, tui càng buồn hung. Sao cứ phải nói mới ra việc?

Một bà già cõng đầy gùi đu đủ chuối từ trên dốc núi đi xuống, lấy hai gói mì tôm với hai gói thuốc rồi đi. Chị Năm lấy quyển vở học sinh rà rẫm ghi rồi ngẩng lên, khuôn mặt đẹp lại thoảng buồn: mình vẫn buồn, còn có người Cơtu của mình chưa làm hết cái sức mình, cây lúa cây bắp không tròn trái, nợ nần chạy tròn quanh năm... Đảng, Nhà Nước ưu tiên cho người Cơtu nhiều mà không cố gắng là trật hung.

Tôi thấy trong cuốn sổ ghi nợ có mấy quyển vở học sinh nữa. Tôi nói chị Năm cho xem, đó là sổ ghi theo dõi vốn chị em nghèo, danh sách chị em đăng ký không sinh con thứ 3 và sổ biên bản họp của phụ nữ. Chị Năm nói thu tiền vay trả cho đúng kỳ, vận động chị em đếm đầu con mà đẻ. Tổ trưởng, tổ phó đi đâu cũng có nhau vậy mà vừa rồi tổ trưởng có 150 ngàn còn tổ phó không có đồng mô. Thôi, giấy không ghi thì chị em chia nhau. Tui chia cho chị tổ phó phụ nữ rồi hẹn: ráng làm cho tốt nghe.

Một tờ giấy rơi ra, chị Năm nhặt lên nheo mắt lẩm nhẩm đọc rồi thở dài: giấy mời đi học nghị quyết. Phải kiếm cà phê để uống thôi, chớ không buồn ngủ lắm. Chỉ đi nghe bày trồng cấy lúa cây bắp cây đậu cho ra nhiều hột tui mới không buồn ngủ.

Lần thứ ba lên Phú Túc tôi mới nói công việc của mình. Chị Năm tròn mắt: vậy chớ cô đi làm theo… cái giấy à?

Tôi gật đầu. Nhìn gương mặt rạm nắng của chị, tôi nhớ đến tiêu chí cho tập sách. Đó là viết về những đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc được khen tặng trong phong trào thi đua của Thành phố. Viết về chị là tôi cũng đang làm cái việc chưa có trong giấy. Nhưng làm sao có thể khen tặng cho đầy đủ những công việc thầm lặng, những con người bình dị của Thành phố đi đầu trong “năm không, ba có”, một thành phố đi đầu trong việc nâng cao các chuẩn mực cuộc sống.

 

NGUYỄN THỊ THU SƯƠNG