Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị những di tích buổi đầu kháng Pháp (1858 - 1860) ở Đà Nẵng

31.10.2008

Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị những di tích buổi đầu kháng Pháp (1858 - 1860) ở Đà Nẵng

Vùng đất Đà Nẵng nằm ở vị trí trung độ của đất nước, có vị trí hết sức quan trọng về kinh tế và quốc phòng. Chính vì thế, mà trong lịch sử cận, hiện đại trên bước đường xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đều chọn Đà Nẵng làm điểm đặt chân đầu tiên. Ngày nay, Đà Nẵng còn lưu lại nhiều di tích lịch sử - văn hoá có giá trị, trong đó có 4 di tích liên quan đến cuộc chiến xâm lược đầu tiên của thực dân Pháp vào năm 1858 - 1860, đó là, di tích thành Điện Hải, Nghĩa trủng Phước Ninh, Nghĩa trủng Hoà Vang và di tích nghĩa địa Pháp  Tây Ban Nha.

1- Về những di tích buổi đầu kháng Pháp ở Đà Nẵng (1858-1860).

- Thành Điện Hải.  

Thành Điện Hải nằm ở trung tâm thành phố, là di tích kiến trúc quân sự cổ duy nhất còn lại ở thành phố Đà Nẵng, hiện toạ lạc tại số 3, đường Lý Tự Trọng, phường Thạch Thang, quận Hải Châu.

 Vào đầu thế kỷ XIX, khi thương cảng Hội An suy tàn, Đà Nẵng trở thành thương cảng và quân cảng quan trọng nhất ở Việt Nam. Triều đình nhà Nguyễn thấy Đà Nẵng có vị trí chiến lược quan trọng bởi chỉ cách kinh thành Huế khoảng 100 km, nên đã chú ý xây dựng hệ thống phòng thủ gồm đồn luỹ, pháo đài trên bán đảo Sơn Trà và ven hai bờ sông Hàn để kiểm soát tàu thuyền ra vào, đó là các đồn Phòng Hải, An Hải, Điện Hải, Định Hải và Chơn Sảng, …nhưng quan trọng nhất là thành Điện Hải.

Thành Điện Hải nguyên là đồn Điện Hải, được Gia Long cho xây dựng vào năm 1813, nhưng lúc bấy giờ đồn Điện Hải do gần bờ sông Hàn nên thường bị nước biển xâm thực làm xói lở. Mười năm sau (năm 1823), Minh Mạng cho dời đồn Điện Hải vào sâu đất liền (chỗ di tích hiện nay), cách đồn cũ khoảng 600m. Đến năm 1835, đồn Điện Hải đổi là thành Điện Hải và năm 1847, vua Thiệu Trị cho xây dựng lại thành Điện Hải kiên cố hơn, có dạng hình vuông, theo kiến trúc kiểu thành Vauban của Pháp, thành có chu vi là 556m, có 4 góc lồi, tường xây cao 5m, chung quanh thành là hào sâu 3m và có 2 cửa: cửa phía nam và cửa phía đông. Trong thành có hành cung, kỳ đài, có nơi chứa lương thực, đạn dược và được trang bị 30 ụ súng đại bác.

Ngày 1 - 9 - 1858, khi liên quân Pháp  Tây Ban Nha do Rigault de Genouilly chỉ huy nổ súng xâm lược nước ta tại cửa biển Đà Nẵng, với âm mưu và kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh, chúng muốn sớm tiến ra Huế buộc triều đình nhà Nguyễn đầu hàng, nên địch đã tập trung hoả lực mạnh đổ bộ tấn công vào bán đảo Sơn Trà và tiến đánh các thành luỹ quân sự của ta và các nơi khác. Nhưng cũng ngay từ giờ phút đầu quân dân Đà Nẵng đã tổ chức phòng ngự và đánh trả lại địch, tuy nhiên, trước sức mạnh của giặc, quân ta phải tạm thời rút lui lập phòng tuyến trước huyện Hoà Vang để ngăn chặn, không cho địch tiến sâu vào nội địa. Lúc bấy giờ, được tin Pháp tấn công Đà Nẵng, Tự Đức ra lệnh cho Tổng đốc Nam Ngãi là Trần Hoằng đem quân từ Quảng Ngãi ra tiếp ứng và cử Lê Đình Lý đem 2000 quân cấm binh từ Huế vào chống giữ từ Hải Vân đến Câu Đê. Để hỗ trợ cùng với lực lượng quân đội triều đình, nhân dân ta ở các khu vực có chiến sự đều rào làng, tổ chức đắp các ụ chắn đường, cung cấp lương thực và tham gia xây dựng phòng tuyến cùng quân đội triều đình.

Sau khi làm chủ được một số khu vực, liên quân Pháp  Tây Ban Nha tiếp tục tổ chức những trận đánh vào những vị trí trọng yếu của ta hòng lấn sâu vào nội địa. Để củng cố lực lượng và tiếp tục đánh địch, triều đình Huế đã cử Nguyễn Tri Phương, lúc đó đang giữ chức kinh lược sứ Nam Kỳ ra điều khiển chiến trường Đà Nẵng. Là một Võ tướng có tài thao lược, ngay từ đầu Nguyễn Tri Phương đã biết đánh giá tình hình một cách đúng đắn, đề ra một kế sách phòng thủ và đánh địch chu đáo, thích hợp với điều kiện lúc bấy giờ. Nguyễn Tri Phương không chủ trương tiến công địch để tránh sức mạnh của chúng, mà chỉ bao vây, chặn địch ngoài mé biển, địch tới đâu đánh tới đó, thực hiện chuyển dân vào bên trong, không cho địch tiếp xúc với dân, làm vườn không nhà trống…với chủ trương này, quân ta hoàn toàn phát huy được ưu thế về địa hình, ngược lại có thể hạn chế được ưu thế quân sự của giặc, đảm bảo cho ta giữ vững trận địa.

Với kế hoạch của Nguyễn Tri Phương, địch đã không thể nào phá vỡ nổi, mặc dù chúng liên tục cho quân đánh phá vào những vị trí bên trong của ta, nhưng đều bị xô dạt trở lại, chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của địch đã bị phá sản. Trong tình thế bị chặn lại, bị vây hãm, bị tiêu hao, liên quân Pháp  Tây Ban Nha tỏ ra mệt mõi, lại gặp khó khăn vì phong thổ, khí hậu nên bị thiệt hại rất nhiều. Tiến thoái lưỡng nan, sau 5 tháng địch phải bỏ Đà Nẵng kéo quân vào Nam Bộ, nhưng hai tháng sau (4-1858) địch lại kéo quân ra đánh Đà Nẵng, và chiếm thành Điện Hải. Sau một năm rưõi chiến đấu dũng cảm, quân dân Đà Nẵng đã bẽ gãy các đợt tiến công, tiêu hao và diệt nhiều sinh lực địch, buộc chúng phải rút khỏi Đà Nẵng. Trong những trận đánh với địch, thành Điện Hải đã phát huy tác dụng góp phần làm nên thắng lợi chung của quân dân cả nước.

Ngày nay, di tích thành Điện Hải vẫn còn, đây là điểm tham quan du lịch và là nơi giáo dục lòng yêu nước, ý chí chống ngoại xâm cho các thế hệ tiếp nối.

- Di tích Nghĩa trủng Phước Ninh.

Nghĩa trủng Phước Ninh trước đây (từ năm 1988 trở về trước) nằm giữa phường Nam Dương ngay trung tâm thành phố Đà Nẵng. Phía Đông (phía trước) giáp với đường Huỳnh Thúc Kháng, phía Tây (phía sau) giáp với đường Hoàng Diệu, phía Bắc giáp đường Lê Đại Hành, phía Nam giáp với Uỷ ban nhân dân Phường Nam Dương; sau này (vào năm 1989) di tích Nghĩa Trủng Phước Ninh được giải toả một phần để xây dựng Nhà thi đấu Nguyễn Tri Phương, phần các ngôi mộ được quy tập, chuyển dời lên Gò Cao, thuộc xã Hoà Khương, huyện Hoà Vang, một bộ phận di tích còn lại là các tấm bia và 02 ngôi mộ của hai vị tướng đó là, mộ ông Phó Quản cơ họ Nguyễn, hiệu là Thượng Chất và ông Tiền bảo Nhị vệ Quản cơ Nguyễn Việt Thứ được để lại tu bổ, tôn tạo và tồn tại cho đến hiện nay, tuy nhiên, khi viết bài này, chúng tôi được biết Nhà thi đấu Nguyễn Tri Phương đang được tháo dỡ, giải toả để lấy mặt bằng xây dựng một cây cầu bắc qua sông Hàn trong thời gian đến. Hai ngôi mộ của hai vị tướng được chuyển về nơi đang đặt các tấm bia và thành phố sẽ quy hoạch lại khu vực này.

Như đã trình bày ở phần trên, khi Pháp tấn công cửa biển Đà Nẵng thì cũng ngay từ giờ phút đó, chúng đã gặp phải sự chống trả quyết liệt và anh dũng của nhân dân ta. Suốt một năm rưỡi chiến đấu với quân thù, nhiều trận đánh đã diễn ra dọc sông Hàn và nhiều đồn binh khác trên địa bàn Đà Nẵng, trong các trận đánh này chiến sĩ và đồng bào ta có người đã hy sinh, những còn phải lo đối phó hàng ngày với địch, nên việc chôn cất, mai táng lúc đó chỉ tạm thời qua loa quanh các đồn Phước Ninh, Thạc Gián và những nơi có chiến sự xảy ra. Những người hy sinh ngoài nghĩa quân Quảng Nam, còn là người từ các địa phương khác đến, họ có thể là dân các tỉnh Bình Trị Thiên, Quảng Ngãi, Bình Định.. Ở trong quân đội triều đình, được đưa đến chiến đấu tại mặt trận Đà Nẵng, số người này sau khi chết đã không có người thân thăm viếng, lo việc hương khói, thờ cúng, cho nên năm 1864, theo đề nghị của Bố Chánh Quảng Nam lúc bấy giờ là Đặng Huy Trước, triều đình nhà Nguyễn cho xây dựng ở Quảng Nam các khu “Nghĩa trủng xứ” (tức nghĩa địa làm phúc) để chuyển hài cốt những người chết không người lo hương khói về mai táng nhằm hàng năm tổ chức giỗ chạp chung. Lúc này hài cốt các nghĩa sĩ cũng được đưa về các khu Nghĩa trủng, thế nhưng việc chuyển dời mộ các nghĩa sĩ còn dang dỡ, chưa hoàn thành thì những quân lính có trách nhiệm lo việc này đã thiên chuyển đi nơi khác, đến năm 1876 mới thật sự chuyển dời về Nghĩa trủng Phước Ninh như trong bài ký văn bia có ghi lại “Trước đây do lòng thành tha thiết, thương tiếc sâu xa, nên các vị ấy có ý định thu nhặt tàn cốt tìm nơi đất lành để chôn cất tử tế, nhưng công việc chưa hoàn thành thì các vị ấy đổi đi nơi khác”.

 Theo bài ký văn bia thì lúc bấy giờ có quan Hình sự (Án sát) Quảng nam là người họ Nguyễn, tên huý Đạo Trai, tên chữ là Quý Linh, cùng với lãnh binh Trương Công (huý là Hậu, tên chữ là Tải Phủ) đứng ra tìm chọn đất đai, kêu gọi thân hào, nhân sĩ và đồng bào trong tỉnh đóng góp lo liệu việc mai táng, trước việc nghĩa mọi người đều hưởng ứng tham gia. Các ông chọn vùng đất Phước Ninh, lúc bấy giờ là vùng đất có địa thế đẹp để làm nơi mai táng hài cốt các nghĩa sĩ. Sai phó quản cơ Nguyễn Lân, hiệp quản Nguyễn Đề cùng với quân lính lo việc phát dọn đất đai, tìm nhặt hài cốt ở khắp nơi rồi khâm liệm đưa về chung một khu vực, có hơn 1.500 ngôi mộ, được chôn cất theo hướng Đông Nam  Tây Bắc, sau đó cho xây thành đất chung quanh, thành có chu vị 40 trượng (theo tài liệu văn bia phía trước và phía sau 18 trượng, bên phải, bên trái mỗi bên 22 trượng). Công việc tiến hành chưa đầy 3 tháng (từ tháng 4 đến tháng 7) thì hoàn thành, sau đó các ông giao cho xã Phước Ninh lo việc thờ cúng và bảo vệ, gìn giữ, đồng thời mua thêm 2 mẫu đất cũng giao cho xã ấy cai quản để chi dùng trong việc giỗ chạp hàng năm. Theo lời kể của nhân dân Phường Phước Ninh và Nam Dương, thì nghĩa trủng này trước đây có thành đất bao bọc, thành cao gần 2m, sau này thực dân Pháp phá bỏ thành đất, thay vào đó là thành bằng táp lô, xi măng, vì lúc bấy giờ Pháp bắt nhân dân xã Phước Ninh và nhiều nơi khác dời nghĩa địa Ngũ xã ở Liên Trì, đưa mồ mã ở Ngũ xã về chôn tại Nghĩa trủng để mở rộng sân bay Đà Nẵng, từ đó mồ mã mới đã chôn lấp lên trên mồ mã của các nghĩa sĩ.

Hiện nay, dấu tích của Nghĩa trủng Phước Ninh ở trong nội thành Đà Nẵng chỉ còn lại 01 tấm bia được lập vào năm 1876, đây là tấm bia gốc, ghi lại sự thành lập Nghĩa trủng Phước Ninh và 02 ngôi mộ của hai vị tướng, ngoài ra còn có 03 tấm bia được lập vào các thời Thành Thái, Đồng Khánh và Duy Tân ghi lại công đức của nhân dân Phước Ninh góp phần tôn tạo, trùng tu các ngôi mộ và khu Nghĩa trủng.

- Di tích Nghĩa trủng Hoà Vang.

Cũng như Nghĩa trủng Phước Ninh, Nghĩa trủng Hoà Vang cũng là nơi mai táng hài cốt nghĩa quân và đồng bào ta hy sinh trong buổi đầu kháng Pháp. Theo cụ Hương Mưu (năm 1997, khi chúng tôi đến tìm hiểu về Nghĩa trủng Hoà Vang thì lúc bấy giờ cụ đã 93 tuổi), là người cao niên nhất của khối phố Bình Hoà I, thì nguyên trước đây khu Nghĩa trủng Hoà Vang được lập nên ở làng Nghi An, nay thuộc sân bay Đà Nẵng. Khoảng năm 1920, khi Pháp mở sân bay Đà Nẵng, nghĩa trủng phải dời về vườn Bá Khuê Trung. Đến năm 1962, quân đội Mỹ vào miền Nam, chúng mở rộng thêm sân bay về phía nam, nên Nghĩa trủng Hoà Vang phải dời thêm một lần nữa về chỗ hiện nay và xây cất với chất liệu xi măng, hiện Nghĩa trủng có trên 1.000 ngôi mộ. Ngày nay khi đến Nghĩa trủng Hoà Vang, chúng ta thấy còn lại một tấm bia và hai trụ cổng bằng đá, nói về nghĩa trủng Hoà Vang. Trên tấm bia có 4 chữ khắc thật lớn “Hoà Vang Nghĩa Trủng” và kế bên là một hàng chữ nhỏ hơn ghi “Tự Đức thập cứu niên ngũ nguyệt cát nhựt” tức là bia được lập vào năm Tự Đức thứ 19 (1866). Ngay từ ngoài cổng đi vào, tấm bia được đặt trang trọng ở giữa khu vực mộ chí, sát hai bên tấm bia là hai trụ đá có khắc hai câu đối: “Ân triêm khô cốt di truyền cổ, Trạch cập tàn hồn tái kiến kim”, tạm dịch: “Ơn đức nhà vua thấm đến những bộ xương khô từ xưa còn lại; những hạt mưa móc ban cho những linh hồn vất vưởng được thấy lại hôm nay”. Ở trung tâm của khu nghĩa trủng còn có một ngôi mộ lớn, được xây dựng công phu bằng xi măng và tấm bia đặt sau mộ chí cũng bằng xi măng có ghi: “Tiền triều đại tướng quí công chi mộ”. Theo lời cụ Hương Mưu thì đây chính là mộ của vị đại tướng dưới quyền của Nguyễn Tri Phương, có tên là Nguyễn Trọng Ân, giữ đồn Hoá Khuê, nay thuộc phường Hoà Cường. Trước đây mộ ông có bia ghi tên rõ ràng nhưng sau 3 lần chuyển dời, bia bị vỡ và mất. Sau mộ ông Nguyễn Trọng Ân là các am thờ. Bên ngoài các ngôi mộ là hàng rào cao khoảng 0,70m.

Hàng năm, vào dịp 16 tháng 3 âm lịch nhân dân Khuê Trung vẫn thường đến đây để cúng và đọc văn tế. Bản văn tế chữ Nôm gọi là “Văn tế âm linh”, trong đó có những câu như: “ Cũng có kẻ cần lao báo quốc, nằm sương ngậm tuyết, vòng tử sanh coi như không. Cũng có người khẳng khái tùng chinh, lướt đạn xông tên trên đường chinh chiến”.

Ngày nay, ngoài Nghĩa trủng Phước Ninh, Nghĩa trủng Hoà Vang cũng góp phần rất lớn trong việc giáo dục tinh thần yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ trẻ Đà Nẵng, đồng thời còn góp phần cho công việc nghiên cứu lịch sử địa phương.

-  Nghĩa địa Pháp  Tây Ban Nha.

Nghĩa địa Pháp  Tây Ban Nha, trước đây có hai khu vực mộ chí, cách nhau khoảng 100m theo đường chim bay, cả hai khu vực đều ở trong phường Thọ Quang, quận Sơn Trà. Nghĩa địa Pháp  Tây Ban Nha là nơi quy tụ hài cốt của binh lính Pháp và Tây Ban Nha tử trận trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1858 - 1860, sau khi chết số binh lính này đã được chôn cất một cách vội vả trong những ngôi mộ rất đơn sơ quanh vùng núi Sơn Trà, nhưng đến đầu năm 1898, khi thực dân Pháp lấy Đà Nẵng làm nhượng địa, mới nghĩ đến việc cải táng những hài cốt này, lúc bấy giờ người Pháp mai táng hài cốt ở hai khu vực. Khu vực I hiện nay nằm trên một gò đất cao, bên cạnh Hải quan Cửa khẩu Cảng Tiên Sa, nghĩa địa này được bao bọc chung quanh bởi các bờ tường bằng đá, khá kiên cố, cao khoảng 0,6m, chính giữa nghĩa địa có một ngôi nhà nhỏ, ngôi nhà này bề ngang 3,5m, dài 12m, cao 4m, gồm một cửa chính và hai cửa sổ. Hai bên tường, mỗi bên có một tấm bia đá gắn chặt vào tường. Tấm thứ nhất, với nội dung được dịch bằng tiếng Việt như sau: “Kỷ niệm các chiến sĩ Pháp và Tây Ban Nha trong cuộc viễn chinh Rigault de Genouilly đã chết trong những năm 1858  1859 và đã chôn tại nơi này”. Tấm bia thứ hai có nội dung: “ Đại uý Treille và những người lính công binh trong binh đoàn Hải quân của Pháp xây dựng năm 1898”. Đứng tên dựng bia còn có toàn quyền Pháp lúc bấy giờ là Paul Dumer, Đại tướng Bichoi, Thị Trưởng Hauser và Tuyên uý công giáo Laurent. Còn bên dưới ngôi nhà (dưới đất) là một hầm mộ, nơi xếp các quan tài bằng kẽm có chứa hài cốt ở trong. Riêng sĩ quan, nhân viên có chức vụ thì được chôn cất phía trên quanh khu vực ngôi nhà và có dựng bia phía trước mộ. Hiện còn lại 18 ngôi mộ nhỏ và 14 ngôi mộ lớn, trong số đó có những ngôi mộ mà bia đá còn rõ chữ đễ đọc như mộ Casoon Cabandon, thuộc đại đội 14 chết ngày 8/8/1859; Don Juan Romani chết trận tháng 9/1858; Labra Anton;, Đại uý công binh sinh ở Lille 1820 chết ở Đà Nẵng 1858…

Còn khu vực II, nghĩa địa ở đây, không xây hầm mộ và tồn tại cho đến những năm gần đây, chỉ bị xoá đi, khi mở tuyến đường Sơn Trà - Điện Ngọc, những ngôi mộ của người Pháp ở đây được chuyển lên chôn cất ở tại xã Hoà Nhơn.

Di tích Nghĩa địa Pháp  Tây Ban Nha là minh chứng lịch sử rõ ràng nhất về sự xâm lược Việt Nam của các thế lực thực dân trong thời kỳ cận đại Việt Nam, thể hiện rõ sự thất bại chua cay của một lực lượng quân đội hùng hậu, được trang bị hiện vũ khí hiện đại bậc nhất lúc bấy giờ, nhưng cuói cùng thất bại, rút lui trong đau đớn và để lại hàng nghìn nấm mộ cho đến ngày nay.

2- Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di tích

Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hoá những di tích buổi đầu tiên kháng Pháp ở Đà Nẵng (1858-1860), không phải bây giờ chúng ta mới đặt ra, mà phải nói rằng sau ngày đất nước thống nhất chúng ta đã quan tâm đến những di tích này, ngành văn hoá  thông tin thành phố đã chỉ đạo khảo sát, lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng di tích và cho đến nay trong số 4 di tích liên quan đến thời kỳ lịch sử này, thì có 3 di tích đã được Bộ Văn hoá  Thông tin (cũ), nay là Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia, đó là, di tích thành Điện Hải, di tích Nghĩa trủng Phước Ninh được xếp hạng vào năm 1988, di tích Nghĩa trủng Hoà Vang được xếp hạng vào năm 2000, riêng di tích Nghĩa địa Pháp  Tây Ban Nha chưa được xếp hạng.

Từ khi các di tích thành Điện Hải, Nghĩa trủng Phước Ninh, Nghĩa trủng Hoà Vang được Bộ Văn hoá- Thông tin xếp hạng, chúng ta đã tiến hành trùng tu, tôn tạo và tu sửa từng bước các hạng mục di tích, trong đó: đối với di tích thành Điện Hải chúng ta đã từng bước tôn tạo lại các tường thành phía bắc, phía nam, và nạo vét các đoạn hào ở tường thành phía đông, phía nam và phía bắc; những năm gần đây, chúng ta đã xây dựng và trùng tu hoàn chỉnh góc lồi phía tây, trong số 4 góc lồi, thì góc lồi phía tây trước đây đã bị sụp đổ hoàn toàn, đồng thời cũng xây dựng nâng chiều cao của các tường thành lên hơn 1m, hiện nay di tích thành Điện Hải đang tiếp tục trùng tu nạo vét bên trong thành để trả lại đúng nền móng, mặt bằng khi xưa và cải tạo sân nền. Tuy nhiên,  theo chúng tôi thành Điện Hải cần phục dựng lại những gì nó đã có, mô hình của kiểu thành như kiểu thành Điện Hải, không phải ở đất nước ta không có, cùng với mô hình này, thời nhà Nguyễn cũng đã cho xây dựng thành Quảng Trị (nay là thành cổ Quảng Trị) cũng bằng gạch và cũng có kỳ đài, cổng thành hay các thành cổ khác ở miền Bắc…chúng ta cần xây dựng, tôn tạo thành Điện Hải theo những mô típ các thành luỹ quân sự còn lại nói trên để phục vụ khách tham quan. Đối với Nghĩa trủng Phước Ninh, sau khi xếp hạng di tích cấp quốc gia, do xây dựng Nhà thi đấu Nguyễn Tri Phương đã di dời các ngôi mộ về Nghĩa trang Gò Cao, ở xã Hoà Khương (Hoà Vang), nên sau này chúng ta chỉ còn lại văn bia và mộ hai vị tướng. Năm 1998, sau khi xây dựng nhà bia, trùng tu lại hai ngôi mộ, hàng năm vào dịp lễ tết nhân dân địa phương cũng thường đến đây thăm viếng, thắp hương, tuy nhiên, khu vực di tích này tiếp tục có sự di dời, cải tạo, vì vậy chúng ta cần có ý thức trong việc bảo vệ nguyên trạng di tích để tiếp tục phục vụ việc tham quan, nghiên cứu. Còn đối với di tích Nghĩa trủng Hoà Vang, để bảo tồn di tích, từ năm 2000 đến nay, chúng ta đã tổ chức tôn tạo nhiều lần di tích như xây lại các ngôi mộ, trùng tu các am thờ, lần gần đây nhất là vào năm 2006, chúng ta đã xây dựng lại hàng rào, trụ cổng chính và đặt lại văn bia, trụ biểu; giờ đây di tích Nghĩa trủng Hoà Vang đã tương đối khang trang, trong những năm qua, tại Nghĩa trủng Hoà Vang các cấp, các ngành ở địa phương cũng đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức các hoạt động văn hoá hướng về cội nguồn như nhân dịp lễ cúng các vong linh nghĩa sĩ hàng năm đã tổ chức lễ dâng hương, lễ tế và các sinh hoạt văn hoá khác…Riêng đối với Nghĩa địa Pháp  Tây Ban Nha, tuy chưa được xếp hạng di tích, nhưng ngành văn hoá- thông tin trước đây cũng đã quan tâm khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ, những năm đến nên có kế hoạch đề nghị thành phố xếp hạng di tích “chứng tích chiến tranh” và tạo mọi điều kiện để du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày nhân dân Đà Nẵng kháng Pháp năm nay (1858-2008), chúng tôi mong muốn, ngoài chức năng gìn giữ di tích mà chúng ta đã thực hiện từ nhiều năm nay, chúng ta cần chú ý đến chức năng quan trọng khác của công tác bảo tồn di tích là phát huy tác dụng di tích, cần nghiên cứu khai thác giá trị của di tích về lịch sử, văn hoá, khoa học, nghệ thuật, để thu hút khách tham quan đến với di tích, như tổ chức lễ hội hằng năm, trưng bày triển lãm chuyên đề tại di tích, liên hệ với các trường Trung học phổ thông trên địa bàn thành phố, cho các em học sinh đến tham quan học tập di tích theo các chuyên đề ngoại khoá, mở tuyến tham quan  cho du khách trong và ngoài nước đến tham quan…để giới thiệu và giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, có như thế chúng ta mới làm tròn trách nhiệm của chúng ta đối lịch sử và công lao của các bậc tiền nhân, các thế hệ cha anh đi trước./.

                                    H.T.T

Tài liệu tham khảo:

-Dương Kinh Quốc: Việt Nam những sự kiện lịch sử 1858  1860, tập I (1857-1897), NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội  1981, tr. 70.

- Sở Văn hoá  Thông tin QNĐN: Nghiên cứu lịch sử (địa phương và chuyên ngành)  số 2, năm 1982, tr. 55- 57.

- Lê Đình Liễn: Công cuộc phòng thủ cửa biển Đà Nẵng của triều đình Huế trước sự xâm lược của thực dân Pháp 1858; Báo cáo Hội thảo khoa học kỷ niệm 140 năm Đà Nẵng kháng Pháp; Bản đánh máy.

- Nguyễn Quang Trung Tiến: Danh tướng Nguyễn Tri Phương với mặt trận chống Pháp ở Đà Nẵng giữa thế kỷ XIX; Báo cáo Hội thảo khoa học kỷ niệm 140 năm Đà Nẵng kháng Pháp; Bản đánh máy.

- Tư liệu hồ sơ di tích: Thành Điện Hải, Nghĩa trủng Phước Ninh, Nghĩa trủng Hoà Vang và Nghĩa địa Pháp  Tây Ban Nha; Lưu tại Bảo tàng Đà Nẵng.
-         Tài liệu khảo sát thực địa năm 2008.