Quả báo
* **
Làng Châu Thanh ngày đó dân cư còn thưa thớt, ngoài cái đình làng và lèo tèo vài căn nhà ngói nhỏ, còn lại bằng tranh tre, độ năm ba mùa mưa là phải lợp lại vì mục nát. Cuộc sống dựa vào hai chân ruộng và trồng dâu nuôi tằm. Làng trải dọc theo bờ sông Thu, với những bãi bồi dâu ngút ngàn, phía tây là vệt đồng ruộng hẹp có khe suối nhỏ chảy qua, xa xa là đồi núi trùng điệp Trường Sơn. Cuối làng là một khu đất nhô lên gọi là Gò Mun, người làng chết chôn ở đây, dần dà thành nghĩa địa. Bên cạnh gò là một cây gáo to lớn tán lá xum xuê, như cột mốc của làng, dưới gốc là miễu thờ bà Thu Bồn linh thiêng. Chiều xuống, lũ quạ đen thường bay về cây gáo trú qua đêm. Không ai dám bén mảng đến đây, nhất là từ lúc trời nhá nhem tối. Ngôi nhà mẹ con ông Danh ở cạnh Gò Mun, hiu hắt dưới luỹ tre làng. Đã gần ba mươi tuổi mà ông Danh vẫn chưa có vợ. Cha ông đã qua đời khi ông lên năm. Mẹ ông chỉ có mỗi một mình ông. Sau cách mạng năm bốn lăm, thực dân Pháp trở lại, toàn dân thực hiện "tiêu thổ kháng chiến", "vườn không nhà trống". Cũng như các làng bên, dân làng Châu Thanh bồng bế tản cư lên miệt Trung Phước, Tí Sé Dùi Chiêng, tận thượng nguồn sông Thu. Kẻ bế người bồng, nhà đông con thì bỏ trẻ vào hai thúng gánh đi. Người ta cố đem theo được cái gì cần thiết càng nhiều càng tốt. Khi đã lên đến nơi, vào một buổi chiều, lão Vạn thấy ông Danh - Người anh cùng tộc họ với lão, ngồi khóc một mình ở bến Tí Sé, hỏi mẹ ông đâu, ông Danh nước mắt ràn rụa kể lại. Lão là người đầu tiên được nghe câu chuyện thương tâm này. Khi giặc Pháp qua cầu Lam Kỳ, đến làng Châu Thọ gần bên, mọi người đã đi hết, nhìn chung quanh vắng lặng, ông Danh luống cuống không biết làm sao với người mẹ già đang đau ốm chỉ còn da bọc xương nằm dúm dó trên giường, sức đã kiệt, chỉ thì thào không thành tiếng. Cõng mẹ đi sợ chết dọc đường, cũng không thể bỏ mẹ già ở nhà để đi một mình, lòng ông rối như canh hẹ. Ông đã nghe phong phanh ở làng nào đó người chết chôn qua quít để kịp chạy tản cư, lũ chó hoang đói đã kéo đến bới lên. Giặc đốt nhà dân làng bên, tre làm sườn nhà nổ bôm bốp, khói đen bốc lên trời, trong lúc tâm trí rối bời, không biết từ cõi nào đã mách bảo ông hành động. Ông lấy cuốc đào nhanh cái huyệt khá sâu trước sân nhà, ôm người mẹ già trong chiếc chiếu cũ đặt xuống huyệt. Ông quỳ trước huyệt lạy ba lạy, rồi lấp đất lại. Nấm mộ khá cao để không con gì đào phá được. Nước mắt ròng ròng, ông ôm gói áo quần và ít gạo chạy theo dân làng. Nghe xong, lão Vạn sững sờ, chết điếng người, nhìn trân trân ông Danh mà không mở được lời nào. Một luồng gai lạnh rân rân chạy dọc xương sống, cơn gió nhẹ mang hơi lạnh từ núi đá sương chiều chốn rừng thiêng chợt làm lão rùng mình. Cõi lòng tê dại, nhìn dòng nước trên Hòn Kẻm Đá Dừng nhẫn nại lặng lẽ xuôi về dưới ánh chiều sắp tàn, lão như nghe vang vọng từ sâu thẳm đáy lòng câu hát ru ù ơ của mẹ thuở nào," Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra...".
Trong lúc tản cư, thỉnh thoảng dân làng đi tắt đường rừng vào ban đêm, lẻn về lấy thóc lúa, bắp khoai. Lão và ông anh họ cũng về. Ngôi mộ của mẹ ông Danh vẫn nguyên như cũ. Nhiều nhà trong làng bị giặc đốt, nhưng nhà của ông Danh vẫn không sao cả. Có lẽ do khuất ở góc làng và bé như cái lều nên chúng không phát hiện.
Một thời gian sau, dân các làng bắt đầu trở về quê cũ. Chạy giặc không chết vì súng đạn, nhưng nhiều người chết do rừng thiêng nước độc, chết vì sốt rét. Câu chuyện nhà ông Danh trong cái làng bé nhỏ này ai cũng biết và rồi dần dần cũng nguôi ngoai, quên lãng. Vài năm sau ông Danh cưới vợ. Ông phải lập gia đình để nối dõi và hương khói tổ tiên. Người vợ là cô gái lỡ thì ở làng bên kia sông, to khoẻ, thật thà. Nhưng bao mùa gặt trôi qua, vợ chồng chẳng có mụn con nào. Ông Danh bắt đầu uống rượu, rồi đổ đốn nghiện ngập từ lúc nào không biết. Có những đêm say khướt, người ta nghe thấy ông ngồi bên mộ mẹ khóc rấm rứt, rên rỉ như ma trươi giữa trời đêm khuya khoắt. Thời gian sau, ông bị bệnh, bụng ngày càng to ra như phụ nữ có chửa sắp đẻ, không ăn uống gì được nữa, rồi chết. Dân làng chôn ông trong vườn, cạnh mộ người mẹ. Người vợ một mình sống trong căn lều bên cạnh nghĩa địa được một thời gian thì bỏ đi. Không ai biết đã đi đâu, có người bảo bà ấy về lại quê mẹ, có người bảo đã thấy bà ấy đã bỏ xứ đi xa. Mảnh vườn trở nên vô chủ, hoang vắng, dân làng e sợ mỗi khi đi qua khi trời bắt đầu chiều tối. Vào những ngày chạp mả người trong tộc đến phát cỏ tranh hai mộ và thắp nén nhang. Những chạp mả sau này ít ai nhớ đến nữa, trở thành mảnh vườn ma.
** *
Mặt trời đã xuống núi, hắt vài sợi ánh sáng yếu ớt lên những đám mây xám xịt giăng trên dải núi nhấp nhô đen ngòm ở phía tây như vây lưng một con quái vật khổng lồ đang ngủ. Gió lạnh hơn, trời đà nhá nhem tối. Màn đêm loang lỗ trong khu vườn hoang dưới luỹ tre như những hốc mắt của sọ người, cái cảm giác lành lạnh dọc sống lưng như vẫn còn, lão Vạn bước nhanh qua nghĩa địa về nhà.
VŨ HÙNG