Giả, thật

31.10.2008

Giả, thật

Truyện ngắn dự thi
 

Ban đầu câu chuyện là vợ tôi có cô em gái sống ở bên Mỹ, thỉnh thoảng dăm bảy năm mới về thăm quê hương một lần. Lần nào về, cô em cũng ghé thăm vợ chồng tôi, đưa nhau đi chơi, rồi cho chút ít quà cáp. Có một bận, chị em lâu ngày về được gặp nhau, tình cảm thủ thỉ nhỏ to, thâu đêm suốt sáng. Sáng dậy, sau khi vợ tôi bịn rịn đưa cô em đi ra sân bay rồi, chẳng biết mô tê như thế nào, về nhà vợ nói:

- Em tính…

Tôi hỏi lại:

- Việc gì?  

Vợ tôi:

- Vợ chồng mình nên li dị nhau đi!…

Tôi ngạc nhiên:

- Vợ chồng mình đang hạnh phúc, đâu có cải vã to tiếng gì đâu? Bỗng dưng, sao em đòi ly dị ?

Vợ tôi:

- Ly dị giả thôi mà!

Tôi thắc mắc:

- Để làm chi cơ chứ?

Vợ tôi giải thích:

- Từ ngày đứa em nó về, em có tâm sự với nó về hoàn cảnh khó khăn của vợ chồng mình. Em nó bảo, để khi nào về nước, nó kiếm một người bên Mỹ còn độc thân, kết hôn giả, rồi bảo lãnh em qua bên đó. Ở bển, em ráng làm một vài năm rồi ly dị, bảo lãnh anh và con qua, vợ chồng mình sinh sống!…

Bất ngờ, tôi chẳng muốn thay đổi đi đâu, nói:

- Không được! Ở Việt Nam, có ít ăn ít, có nhiều ăn nhiều, có bạn có bè đồng ngôn ngữ, anh thấy không sướng hơn à! Qua bên đó, chưa chắc đã sướng!Anh không muốn xa quê hương, người thân, nguồn cội của mình!

Lúc đó vợ tôi im lặng, không nói thêm gì nữa cả, nhưng có vẻ còn thích qua bên Mỹ lắm. Qua khoảng ba bốn tháng sau, nhân lúc chuẩn bị khai giảng năm học mới, vợ chồng tôi mua nào quần, áo, sách vở cho con, đóng tiền trường xong, là cũng gần bay hết veo một triệu bạc. Hơn nữa, sẵn tiện buôn bán ế ẩm, cải vã bực dọc ở đâu ngoài đường, đang lúc ăn cơm, vợ tôi nhăn nhó:

- Ở đây làm ăn càng ngày càng khó khăn, ai mà sống cho nổi!

Tôi khuyên vợ:

-  Ở khu phố nhỏ này, mình nhìn lên không bằng như người ta. Nhưng nhìn xuống, cũng còn nhiều người thua mình. Chẳng hạn như Thím Bảy, đã sáu mươi tuổi rồi, vậy mà hàng ngày phải dậy từ ba bốn giờ sáng, lục đục nấu nướng nồi bánh canh, quảy ra ngõ bán… Chẳng hạn như vợ chồng thằng Phương, vợ làm, chồng làm, đầu tắt mặt tối, vẫn sống cảnh nhà thuê… Biết bao nhiêu người còn khổ hơn mình, nhưng họ vẫn vui vẻ. Anh thấy em không bằng lòng với hiện tại, ở đây, mà đầu óc để ở tận đâu đâu đó!

Vợ tôi bắt đầu lớn giọng:

-  Người như anh không thể làm giàu được! Anh không có hoài bão, mơ ước chi cả. Anh sống chỉ biết ngày hôm nay, không biết đến ngày mai. Bây giờ, vợ chồng mình làm ăn bình thường như thế này, thì không có gì đáng nói. Nhưng lỡ mai sau bất ngờ đau bệnh, rồi con lớn, chi phí nhiều, thì tiền ở đâu mà có? Chẳng lẽ, một trong hai người, phải ngửa tay đi xin dòng họ?…

Tôi  chống đỡ:

- Thì bây giờ mình làm ăn dành dụm, một vài năm sau, có chút ít vốn liếng, có cơ hội thì phát triển. Chứ biết làm gì bây giờ! Không lẽ, em cứ nằng nặc đòi vợ chồng mình phải ly dị nhau, em qua bên Mỹ làm hay sao?

Vợ tôi lớn giọng hơn:

- Cơ hội thì do mình năng nổ tạo ra, không thể nằm một chỗ chờ nó đến được! Bây giờ mình còn trẻ không toan tính làm ăn, về sau lớn tuổi, sức khỏe đâu mà làm! Qua bên Mỹ, con mình có cơ hội học tập, tiếp xúc nền văn minh… Anh không vì bản thân anh, thì cũng vì con. Hơn nữa, mình ly dị giả cho hợp lệ để làm ăn, chứ ly dị thật đâu!  

Tôi thấy vợ bàn tính cũng đúng, đành nói:

- Thôi, cũng được!

Thế là tôi và nàng tay trong tay hạnh phúc đi đến Tòa Án. Chắc trên thế gian chỉ có vợ chồng tôi ly dị, tay trong tay hạnh phúc như thế này. Sau mấy bận tốn công hòa giải, tôi và nàng cũng được chính thức ly dị. Mà đã là ly dị giả, con cái nhà cửa ai chủ sở hữu cũng được, miễn là nhanh chóng cho vợ tôi đi nước ngoài lấy chồng. Sau một thời gian, tôi hỏi:

- Giấy tờ em qua bên Mỹ làm như thế nào rồi? Sao anh nghe thấy em không nói gì vậy?

Vợ tôi nói:

- Em của em bị trục trặc chuyện tiền bạc, giấy tờ gì đó, bây giờ không qua bên Mỹ được. Nó hẹn thêm một thời gian nữa!…

Tôi lớn tiếng gắt:

- Em khéo làm chuyện tào lao tốn công, tốn tiền án phí, vô ích!

                                                            ***

Thằng Nghĩa, nó là bạn học cũ của vợ tôi. Nó học trung cấp kế toán, làm cho một cơ quan Nhà nước. Chẳng biết nó tính toán như thế nào, lộn số hay lộn chữ mà giàu ghê gớm! Hoàn cảnh nó cũng thật tội nghiệp. Vợ chồng nó ghen tuông làm sao đó rồi ly dị, nó đem đứa con tám tuổi về nội. Nó sống một mình, cô đơn trong ngôi nhà to đùng, trống vắng không có ai tâm sự lúc buồn vui cả. Vợ tôi, mở quán cà phê nho nhỏ trước cửa nhà. Tôi thì chụp hình dạo ở bãi biển. Cuộc sống không thể giàu, mỗi năm vợ chồng chi tiêu tích cóp xong dư chừng hơn mười triệu. Thế nhưng, tôi hơn nó một việc, đó là hạnh phúc gia đình, có vợ có con bên cạnh, lúc ốm đau có người quan tâm chăm sóc. Ngẫm nghĩ trong cuộc sống, có luật bù trừ, hễ được cái này thì mất cái nọ, giàu có mà thiếu thốn tình cảm  như thằng Nghĩa thì cũng thật đáng thương!

Hễ rỗi việc ở cơ quan, là thằng Nghĩa đến quán cà phê nhà tôi uống nghe nhạc suốt cả buổi, đến độ trong quán không còn vị khách nào nữa. Tội nghiệp, thằng Nghĩa nó buồn, cứ ngồi li bì vào quán xá như thế này thì có nước chết! Bạn của vợ cũng như bạn của mình! Thấy vậy, thỉnh thoảng tôi thường mua bia về thết đãi, mời nó ở lại nhà ăn cơm trưa. Có một bận, đang ăn cơm ngồi nhậu chung với nhau, tôi khuyên: “Sao mày không kiếm một cô về làm vợ đi? Tao nghĩ người như mày, có nghề nghiệp, có nhà cửa đàng hoàng thì kiếm một người vợ tốt không khó. Sao mày cứ sống như vầy?”. Thằng Nghĩa nói:“ Thú thật, kiếm vợ đối với mình thì không khó. Nhưng khổ nỗi ngày nay các cô gái quá thực tế. Các cô gái trẻ đẹp chưa chồng, thì không muốn quen người đàn ông đã có con. Còn các cô gái lớn tuổi đã qua một đời chồng, thì họ đã quá quen lời đường mật. Họ không có tình yêu lãng mạng. Họ yêu đương mà cứ tính toán ngó trước dòm sau, cơm áo gạo tiền, không thành thật trong tình yêu, chán quá! Có lúc, mình muốn quay về tuổi mười tám đôi mươi, để có tình yêu trong sáng và lãng mạng… ”. Tôi góp ý: “Thì mày cũng cố gắng kiếm cho mình một người. Không lẽ, mày cứ ngày ngày ăn cơm bụi, sống li bì vào quán xá như thế này mãi sao?”. Thằng Nghĩa than:“ Sống một mình được chơi bời tự do, đôi lúc mình thấy cũng sướng. Nhưng khổ nhất là cái khâu giặt giũ, ăn uống… Mình ngao ngán ăn cơm bụi quá rồi!”. Vợ tôi đang ngồi ăn kế bên, có lẽ thương hoàn cảnh thằng Nghĩa, bỗng dưng buông lời:“ Hay là Nghĩa đóng tiền gạo, đến đây mình nấu cơm trưa cho. Còn sáng, chiều, tự lo lấy…”. Thằng Nghĩa vui mừng: “Có được bữa cơm gia đình, như thế thì hay quá!…”. Thế là từ đó trở đi, thằng Nghĩa đến nhà tôi ăn cơm trưa, ngủ nghỉ một giấc, đến chiều đi làm. 

Lúc đầu thì tạm được, không có điều gì phàn nàn cả. Dần dần, lâu ngày thằng Nghĩa càng lúc nó càng làm tới. Có voi nó đòi tiên, không khoảng cách chi cả. Nó coi căn nhà vợ chồng tôi giống như của nó. Ở trong nhà tôi, mà nó không lịch sự và tế nhị chút nào. Nó tự do đi lại trong phòng ngủ, không ngóc ngách nào không biết cả. Nó đi làm về, muốn thì mở nhạc, muốn thì mở ti vi ra xem, thậm chí có bữa còn dành xem chương trình này nọ với tôi nữa. Có lúc đi làm về mệt mỏi, tôi muốn nghỉ ngơi, thì thằng Nghĩa mở nhạc ầm ầm làm tôi bực mình chẳng chịu nổi. Hơn nữa, tôi thấy hình như nó và vợ tôi có cử chỉ tình ý với nhau. Tuy không có chứng cứ rõ ràng, nhưng tôi thấy nghi ngờ! Có những ai ở trong hoàn cảnh, mới hiểu được tâm trạng tôi lúc này! Vào ban đêm, lúc vợ chồng nằm ngủ với nhau, tôi quyết định nói với vợ:“ Anh muốn em hãy nói với thằng Nghĩa đi ra khỏi nhà, càng nhanh càng tốt. Nó là bạn em, nếu em không nói, thì anh nói đó!”. Vợ tôi:“Để em nói với anh ấy!”. Tôi nói tiếp:“ À, anh thấy em với thằng Nghĩa, có cử chỉ “không lành mạnh” làm sao ấy!…”. Đến đây, vợ tôi giận dữ giống như  tôi đã đổ oan cho nàng, gắt: “Vợ chồng với nhau, anh hãy tin em chứ! Anh luôn ghen bóng gió, vô cớ, ai mà sống cho nổi! ”. Nói rồi, nàng khóc thút thít. Tôi không chứng cứ, cảm thấy mình đã đổ lỗi oan cho vợ, đành im lặng dỗ dành cho qua chuyện. Nhưng trong lòng luôn cảm thấy bồn chồn, lo âu làm sao ấy.

                                                            ***

Hôm đó tôi đi về Phú Yên, chụp hình giùm cho một người bà con xa. Cái đám cưới này người ta đã hẹn lâu rồi, xa xôi, tôi chẳng muốn đi nhưng vì cả nể bà con đành phải đi. Mới ba giờ sáng, tôi đã thức dậy chuẩn bị máy móc lên đường, dặn vợ: “Anh đi chụp đám cưới, chắc một hai hôm mới về, em đừng đợi”. Vợ tôi vẫn nằm trên giường, giọng ngái ngủ: “Đường xa, đi đứng cẩn thận!”. Nói rồi, nàng ngủ tiếp, tôi lủi thủi xách xe ra đi. Cuộc sống có những tình huống thật trớ trêu, không ai đoán biết mà ngờ được. Sau nửa ngày tôi khổ sở đến Phú Yên, thì đám cưới đã hoãn lại, người ta dời ngày tháng khác! Tôi bực mình, nói với chủ nhà: “Sao không gọi điện báo trước, cho tôi khỏi về?”. Chủ nhà:“ Công việc bận rộn quá, quên, chú thông cảm!”. Lúc này, tôi giận dữ nhưng biết nói gì bây giờ? Công việc, dù sao cũng đã vỡ lỡ rồi! Tôi đành dịu giọng nói:“ Lần sau có hoãn lại, thì nhớ báo trước tôi một tiếng, khỏi tốn công!”. Nói thì nói vậy, nhưng tôi vẫn còn ức lắm. Lúc cần nhờ vã giúp đỡ thì chú chú cháu cháu, ngọt ơi là ngọt! Lúc không cần, dễ quên!…

Mới tám giờ tối, vợ tôi đã tắt hết điện ngoài sân. Căn nhà ở ngoài nhìn vào thấy tối om, mờ ảo. Tôi nghĩ, chắc vợ buôn bán mệt mỏi nên ngủ sớm. May mà, vợ chồng mỗi người giữ một chìa khóa cổng. Tôi mở cửa, cẩn thận dắt xe vào trong, bất ngờ thấy chiếc xe hon da thằng Nghĩa dựng ở mái hiên nhà! Ô hay, đêm hôm xe thằng Nghĩa để đây làm gì cơ chứ? Thôi rồi, thằng Nghĩa “tò te” với vợ mình rồi! Chứng cứ đây rồi! Nghĩ đến đây, tim tôi bất ngờ đập mạnh, người hình như run lên. Tôi ngó quanh sân nhưng chẳng có gậy gộc gì cả, chụp đại cây chổi lau nhà, loại có cán bằng nhôm cứng, hối hả vào trong bắt gian dâm. Thật bực mình, tôi mới bước tới phòng khách, đã sơ ý làm đổ bình nước uống xuống đất. Đúng thật, thằng Nghĩa nghe tiếng động rõ to, ở trong phòng ngủ lao ra, tôi bủa cho những mấy gậy nhưng chẳng ăn thua gì. Hắn ôm đầu chạy mất. Vợ tôi đầu tóc rối bù, tay còn cài vội nút áo, cũng ở trong bước ra tôi nhanh tay bủa cho mấy gậy. Vợ tôi lúc đầu sợ hãi, khóc lóc thanh minh, sau chạy lòng vòng to tiếng la lớn: “Bà con ơi, cứu tôi với!”. Mấy người hàng xóm nghe tiếng la, liền hối hả chạy sang nhà tôi. Vợ tôi khóc lóc, bù lu bù loa, nói với mọi người: “Bà con ơi, cứu con với! Chồng con đánh con hoài, sao mà sống cho nổi!”. Lâu nay tôi có rất nhiều lần nhăn nhó, nhưng chưa khi nào đánh vợ cả! Tôi giận dữ vô cùng, tính lao tới đánh vợ vì cái tội đã ngoại tình rồi mà còn nói thêm bớt, nhưng mấy người hàng xóm cứ ôm cản lại. Tôi điên tiết lên, quát: “Mọi người đừng có cản, để tôi đánh chết cái con Hồ ly Tinh này, rồi đi tù cũng được!”. Đến đây, phải công nhận rất giỏi, bất ngờ vợ tôi nhanh trí lạnh lùng lật ngược tình tiết 180 độ, nhanh miệng trớ trêu:

- Bà con chính quyền ơi, cứu con với! Con với chồng con ly dị lâu rồi, vậy mà ảnh còn đến đây, đánh đập con hoài!..”.

Tôi cãi:

- Không phải! Vợ tôi nó nói láo, chứ ly dị bao giờ đâu?…

Vợ tôi khóc lóc, có mấy lần uất nghẹn làm giống như oan ức lắm, đau khổ lắm, vào trong nhà lấy giấy tờ ly dị ra đưa cho mọi người xem, trớ trêu và điệu ngữ:

- Đó, bà con thấy đó! Con với anh ấy ly dị lâu rồi, con cái, nhà cửa con sử dụng. Có con dấu Tòa Án to tướng rõ ràng đây! Vậy mà ảnh ngày ngày uống rượu xong rồi đến đây xin tiền, con không cho, ảnh sinh sự, ghen tuông vô cớ, đánh con hoài! Trời ơi, chính quyền bà con ơi, cứu con với, số phận con sao khổ quá chừng! Chắc con chết quá!…

Tôi cố giải thích:

- Không phải! Mọi người đừng có tin! Đó chỉ là tờ giấy ly dị giả thôi!…

Trong số đông hàng xóm, có bác Tám, làm cán bộ phường, ai cũng nể, đọc xong tờ giấy ly dị rồi nhìn tôi, chỉ chỉ ngón tay vào mặt, khinh bỉ phán:

-  Có con dấu Tòa Án rõ ràng đây, còn giả gì nữa! Con người của anh bề ngoài trông đàng hoàng, vậy mà thật tàn nhẫn, vô lương tâm! Tôi đề nghị anh, từ nay về sau tuyệt đối không được lui tới nơi đây, đánh đập vợ con nữa!…

Tôi ú ớ, ngớ người ra, hết đường cãi, chỉ biết nhắm mắt mà thầm than:

- Trời ơi! Vợ chồng chung chăn chiếu với nhau mà lúc này lúc nọ, có có không không, giả giả thật thật, ai biết như thế này mà lường cơ chứ!...

Vậy mà lúc mới quen nhau và chuẩn bị cưới nhau, mẹ tôi đi xem bói, ông thầy bói một hai nói: “ Hai cô cậu này hợp tuổi, sống chung đến răng long đầu bạc!...”.
 

LÊ ĐỨC QUANG