Cỏ trong sương

31.10.2008

Cỏ trong sương

(Nhân đọc tập thơ Giọt sương lá cỏ của Trương Như Thanh - NXB Văn Nghệ 2008)

Tập thơ Giọt sương lá cỏ của Trương Như Thanh dày 104 trang, gồm 53 bài thơ ngắn, khổ sách 13x19, in đẹp, trình bày trang nhã. Anh là giáo viên dạy môn toán trong trường phổ thông. Anh rất yêu thơ nhưng chưa bao giờ nghĩ mình bước đi trên con đường thơ. Khi đã ngoài tuổi tứ tuần đột nhiên anh mê thơ đến lạ, “không viết không thể được”. Có thể là từ thực tế của cuộc sống, có thể là nỗi niềm của chính anh, thơ có thể bày bộc nỗi lòng anh.

53 bài thơ trong tập có phải là tượng trưng cho số tuổi của anh? Kể cũng lạ, ở đời người ta thường tránh né con số 53 (nếu chưa đến 53 thì mong cho gườm gượm hãy đến. Sắp đến rồi thì họ lại mong cho nó qua nhanh). Còn Thanh thì ghi nhận con số đó.

Thơ anh đề cập tới nhiều góc độ của cuộc sống, thể hiện rất rõ bản lĩnh của anh, giàu chất suy nghĩ nhưng lại thiếu cái “lơ ngơ”. Ngôn ngữ thơ bộc trực nhưng nội dung lại không phải là sự bộc trực. Anh nói cái này nhưng người đọc phải cất công để hiểu về cái kia. Ví như “con ốc và mặt trời”. Nó không hẳn nói là con ốc, cũng không hẳn nói về mặt trời, mà là cái gì đó tự người đọc rút ra, tìm thấy. Thơ anh bắt nguồn từ cảm xúc trước thực tế, qua chiêm nghiệm và suy ngẫm về cái “nhân tình thế thái”. Lối viết này không dễ vì nó luôn cần có “chất keo” kết dính chặt, nếu không dễ làm bài thơ bị “sượng”. Mặt khác, khi tác giả đã khơi được “mạch nguồn” thì lại muốn tuôn ra hết “nguồn mạch”. Tôi muốn nói với tác giả rằng: Trong toán học có lim, trong cuộc sống cũng có lim và trong mỗi tứ thơ, cảm xúc thơ cũng có cái (giới hạn) của nó.

Theo tôi cái quý nhất trong tập thơ đầu tay của Như Thanh là ở chỗ anh đã tìm gặp được chính mình, nên bạn đọc không có cảm giác “ngờ ngợ như giống của ai đó, ta đã gặp ở đâu rồi”

Xin cảm ơn anh và mong đọc được nhiều bài thơ mới của anh.

                                    ĐỒNG VĂN